Điểm báo ngày 06/01/2021

(CDC Hà Nam)
Không để nhập cảnh, vượt biên trái phép gây lây nhiễm COVID trong cộng đồng; Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận chứng chỉ xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế Westgard VP lần thứ 3

Không để nhập cảnh, vượt biên trái phép gây lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Chiều 5.1, Văn phòng Trung ương Đảng đã công bố Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu toàn văn Điện của Thường trực Ban Bí thư.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vắc-xin phòng bệnh chưa được sử dụng rộng rãi, đã xuất hiện các chủng mới của virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước. Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và gây lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do nguyện vọng của đồng bào ta từ nước ngoài trở về nước đón Tết Tân Sửu 2021 rất lớn. Vừa qua, ở một số nơi đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời điểm hết sức quan trọng này, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:

1. Các cấp uỷ, tổ chức đảng quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Ban cán sự đảng Chính phủ, ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thuỷ quản lý chặt chẽ xuất, nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép gây ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; quản lý chặt chẽ các địa bàn, phát hiện kịp thời những trường hợp xâm nhập trái phép. Điều tra, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

3. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nơi lưu trú theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

4. Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người; hạn chế tổ chức các lễ hội; có giải pháp phòng, chống dịch đối với các khu phố đi bộ, các khu vui chơi tập trung đông người, hoạt động bắn pháo hoa…; quản lý chặt chẽ các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các quán bar, karaoke, vũ trường; thực hiện việc kiểm tra và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

5. Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở các cơ sở khám, chữa bệnh; sớm phát hiện ca nhiễm (nếu có), khẩn trương thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập tắt ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc men cho tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người dân có người thân ở nước ngoài chủ động vận động người thân không nhập cảnh trái phép, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép.

7. Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt, tại cơ sở tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.

8. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban cán sự đảng Bộ Y tế, ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Ban cán sự đảng Bộ Y tế sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vắc-xin của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Trung ương Ðảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình triển khai thực hiện và báo cáo Ban Bí thư về kết quả thực hiện công văn này. (Lao động, trang 4).

 

Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận chứng chỉ xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế Westgard VP lần thứ 3

Ngày 5-1, tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đón nhận chứng nhận đạt chuẩn Six Sigma của Westgard VP lần thứ 3 cho hệ thống xét nghiệm Bệnh viện Chợ Rẫy. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, hệ thống xét nghiệm huyết học và miễn dịch của Bệnh viện Chợ Rẫy được trao chứng nhận Six Sigma.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, quá trình xét nghiệm luôn đối diện với sự gia tăng số lượng, đặc biệt vào giờ cao điểm do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Do kết quả xét nghiệm ảnh hưởng từ 60 -70% quyết định lâm sàng nên việc có kết quả đúng hẹn, chất lượng tốt nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế là thách thức không nhỏ cho bộ phận này.

Nhằm mang lại hiệu quả tối ưu, khoa Sinh hóa – Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng tiêu chuẩn Six Sigma để kiểm soát chất lượng xét nghiệm – một trong những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế quan trọng đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phòng xét nghiệm đạt chứng nhận của Westgard VP nghĩa là có thiết bị phân tích tốt, sử dụng phương pháp đúng, dùng đúng nhân viên, đào tạo đúng, thực hiện quản lý chất lượng đúng và quan trọng nhất là trả kết quả xét nghiệm đúng cho bệnh nhân, không chỉ đem đến sự hài lòng cho người bệnh mà còn cho chính đội ngũ bác sĩ lâm sàng.

Phát biểu tại sự kiện, TS, BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, sự kiện là niềm tự hào và vinh dự của Ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên y tế bệnh viện Chợ Rẫy trong quá trình cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đối tác cũng như các bộ phận đã chung tay đồng hành để Bệnh viện đạt được các dấu ấn ngày hôm nay.

Chứng nhận Six Sigma của Westgard VP, là một trong những chứng nhận quốc tế có uy tín về chất lượng xét nghiệm. Các phòng xét nghiệm đạt chứng nhận Westgard VP sẽ chứng minh được sự khác biệt của mình bởi không chỉ tuân thủ chặt chẽ các quy trình mà nó còn được đánh giá như một phòng xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, có hơn 75 trung tâm xét nghiệm trên toàn thế giới đạt được chứng nhận Westgard VP. Tại Việt Nam, năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị xét nghiệm công lập đầu tiên đạt được chứng nhận này. (Nhân dân, trang 5).

 

Đình chỉ phó giám đốc trung tâm y tế cho bệnh nhân Covid-19 rời khu cách ly

Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Chương Mỹ – người ký quyết định kết thúc cách ly cho bệnh nhân Đ.T.N rời khỏi khu cách ly trước khi có kết quả xét nghiệm lần 2, vừa bị đình chỉ công tác 10 ngày.

Chiều 5.1, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Tạ Văn Thiềng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội – người ký giấy cho bệnh nhân Đ.T.N (nam, 22 tuổi, du học sinh từ Mỹ trở về) rời khỏi khu cách ly khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2. Sau khi ra khỏi khu cách ly, bệnh nhân này được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Thiềng bị tạm đình chỉ công tác 10 ngày, với lý do “chưa thực hiện đúng quy trình trong việc tổ chức cách ly tập trung”.

Theo báo cáo nhanh kết quả điều tra sơ bộ về trường hợp bệnh nhân này của Sở Y tế, bệnh nhân trú tại P.Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhập cảnh ngày 21.12.2020 tại sân bay Nội Bài.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 59 tại TT.Xuân Mai (H.Chương Mỹ, Hà Nội). Trong thời gian cách ly, du học sinh này đã có kết quả xét nghiệm âm tính một lần (ngày 23.12.2020) nhưng kết quả xét nghiệm lần 2 vào tối 4.1.2021 là dương tính.

Tuy nhiên, khi có kết quả dương tính, bệnh nhân đã về đến nhà riêng tại Quảng Ninh. Bệnh nhân được gia đình đón bằng xe riêng, không dừng nghỉ trên đường về.

Tối 4.1, qua thông báo khẩn của CDC Hà Nội về việc bệnh nhân đã bị nhiễm SARS-CoV-2, CDC tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngay trong đêm. Đến sáng 5.1, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cũng cho kết quả dương tính.

CDC tỉnh Quảng Ninh đã chuyển bệnh nhân đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Số 2 tỉnh Quảng Ninh trong đêm 4.1 và xác định được 5 người tiếp xúc F1 với bệnh nhân (gồm bố, mẹ, anh trai, bạn anh trai và chú của bệnh nhân – cũng là lái xe đưa bệnh nhân về).

Làm nhiều người bị cách ly

Hiện, 5 trường hợp F1 đã có kết quả âm tính lần 1 do CDC Quảng Ninh thực hiện. Cả 5 F1 này đã được cách ly tập trung.

Việc cho người phải cách ly ra khỏi khu cách ly sớm hơn quy định cũng gây nhiều hậu quả, khi 5 người khác cách ly cùng phòng với bệnh nhân này đã về tới nơi cư trú và phải đưa quay lại nơi cách ly tập trung. Cơ quan chức năng cũng đã phải truy vết tiếp xúc của những người này.

Cụ thể, CDC Quảng Ninh xác định được 8 trường hợp là người tiếp xúc gần ở cùng phòng cách ly với bệnh nhân. Cả 8 trường hợp đều có xét nghiệm 2 lần âm tính, trong đó 3 trường hợp đang cách ly tại Trung đoàn 59.

5 trường hợp khác đã rời khỏi khu cách ly và đã phải đưa trở lại gồm 1 trường hợp đã về nhà tại đường Nguyễn Du (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng đến nay đã được đưa trở lại Trung đoàn 59 tiếp tục cách ly tập trung. Trường hợp này xác định được 2 F2 (là vợ và con), tạm thời được cách ly tại nhà.

4 trường hợp đã về TP.HCM, theo Sở Y tế Hà Nội, cả 4 người trên đều đã được “tìm thấy” để đưa đi cách ly tập trung. 4 người này về TP.HCM trên 3 chuyến bay khác nhau.

Bệnh nhân N được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 trong ngày 5.1 để theo dõi, điều trị. Tại Quảng Ninh cũng đã xác định được 7 F2 của bệnh nhân Đ.T.N.

Sau sự việc này, Sở Y tế Hà Nội đã lập tức phải ban hành một công văn mới về tăng cường thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, Sở cũng lập 3 đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn.

Theo quy định hiện nay, tất cả những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm tối thiểu hai lần – một lần ngay sau khi hành khách nhập cảnh và 1 lần trước khi kết thúc 14 ngày cách ly. (Thanh niên, trang 4).

 

Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; quản lý chặt chẽ xuất, nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép gây ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Điều tra, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép

Thường trực Ban Bí thư vừa có Điện về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh uỷ, thành uỷ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vaccine phòng bệnh chưa được sử dụng rộng rãi, đã xuất hiện các chủng mới của virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và gây lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do nguyện vọng của đồng bào ta từ nước ngoài trở về nước đón Tết Tân Sửu 2021 rất lớn. Vừa qua, ở một số nơi đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời điểm hết sức quan trọng này, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: Các cấp uỷ, tổ chức đảng quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ban cán sự đảng Chính phủ, ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thuỷ quản lý chặt chẽ xuất, nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép gây ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; quản lý chặt chẽ các địa bàn, phát hiện kịp thời những trường hợp xâm nhập trái phép. Điều tra, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người

Các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nơi lưu trú theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, hạn chế tổ chức các sự kiện đông người; hạn chế tổ chức các lễ hội; có giải pháp phòng, chống dịch đối với các khu phố đi bộ, các khu vui chơi tập trung đông người, hoạt động bắn pháo hoa…; quản lý chặt chẽ các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các quán bar, karaoke, vũ trường; thực hiện việc kiểm tra và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở các cơ sở khám, chữa bệnh; sớm phát hiện ca nhiễm (nếu có), khẩn trương thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập tắt ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc men cho tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch.

Ban cán sự đảng Bộ Y tế sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vaccine của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định. (Tiền phong, trang 15).

 

Du học sinh nhiễm COVID-19 rời khu cách ly: kẽ hở ở đâu?

Vụ việc bệnh nhân được rời khu cách ly dù chưa nhận được kết quả xét nghiệm lần 2 đã gióng lên cảnh báo về việc thực hiện đúng và đủ quy trình cách ly đã ban hành.

Chiều tối qua 5-1, Bộ Y tế đã công bố ghi nhận thêm 7 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu vụ dịch tại Việt Nam lên 1.504 ca. Đáng chú ý trong số này có bệnh nhân 1498 có địa chỉ tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. BN1498 (nam, 22 tuổi, công dân Việt Nam) là người đã được cho rời khu cách ly trước khi nhận kết quả xét nghiệm lần 2.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 10 ngày với ông Tạ Văn Thiềng – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, người đã ký quyết định cho BN1498 rời khu cách ly.

Thêm 4 người cùng phòng BN1498

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, BN1498 (tên Đ.T.N., du học sinh) từ Mỹ về Việt Nam hôm 21-12-2020, được chuyển cách ly tập trung tại trung đoàn Bộ binh 59 ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. N. có kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 23-12-2020 âm tính với COVID-19. Như lệ thường, sau khi có kết quả xét nghiệm lần 2 là âm tính và toàn bộ những người cách ly cùng thời gian thực hiện cách ly đủ 14 ngày thì sẽ được rời khu cách ly.

Nhưng theo giải thích của Sở Y tế Hà Nội, “đã có nhầm lẫn” xảy ra trong vụ BN1498. Nhóm cách ly này có 89 người, trong đó có 84 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 và đủ 14 ngày cách ly, 5 người (trong đó có N.) chưa có kết quả xét nghiệm nhưng đã cách ly 14 ngày nên cùng được cho rời khu cách ly.

Sau khi rời khu cách ly, N. được gia đình đón về nhà ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, 4 người còn lại (cùng phòng với N.) về TP.HCM. Tối 4-1, khi kết quả xét nghiệm lần 2 của 5 người được trả, trong đó N. có kết quả dương tính thì dường như đã quá muộn vì cả 5 người cùng phòng này đã rời khu cách ly.

Đến khuya 4-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Hạ Long đã phải họp khẩn. Theo trang web của Bộ Y tế, đến nay xác định 5 người là F1 của N. (là cha mẹ, anh trai, bạn gái anh trai của N. và tài xế), 13 trường hợp F2, cùng với 4 người cách ly cùng phòng với N. ở Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định 4 người về TP.HCM đã được đưa trở lại khu cách ly ở địa phương ngay để cách ly trong 14 ngày kế tiếp. Bốn người này cũng được xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính.

Cảnh giác cao độ

Đây là lần thứ 2 xảy ra tình huống kết quả xét nghiệm dương tính đến sau khi bệnh nhân đã rời khu cách ly. Lần trước, bệnh nhân là du học sinh từ Nga về, cách ly ở tỉnh Hải Dương và cũng được cho về nhà ở Hà Nội trước khi có kết quả xét nghiệm thứ 2.

Đáng chú ý là cả hai bệnh nhân này đều được cách ly tập trung với yêu cầu ra vào khá nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy có thể còn tình trạng sơ hở về thủ tục, về quy định ở những nơi tưởng như là nghiêm ngặt, an toàn.

Và những sơ hở này đã dẫn đến hậu quả khó lường. Với trường hợp BN1498, do thời gian từ khi bệnh nhân về nhà đến khi có kết quả xét nghiệm chỉ kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ nên bệnh nhân chưa có tiếp xúc nhiều với cộng đồng. Ông Khổng Minh Tuấn – phó giám đốc CDC Hà Nội, đơn vị thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân – cho rằng “nguy cơ lây lan trong cộng đồng là chưa có”.

Nhưng cũng đã có 13 người F1 phải cách ly, nhiều người phải xét nghiệm, ban chỉ đạo chống dịch ở nhiều nơi phải báo động. Sơ hở này cũng cảnh báo nếu còn những nhầm lẫn, sai sót tương tự thì hậu quả rất khó lường. Hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, du lịch, rồi mùa buôn bán dịp tết sẽ có thể bị ảnh hưởng nếu COVID-19 quay lại cộng đồng và đáng tiếc hơn nữa là nếu những ảnh hưởng ấy lại bắt nguồn từ những sơ sẩy không đáng có như lần này. (Tuổi trẻ, trang 16).

Trọng Đoàn tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/8/2018

admin

Điểm báo ngày 06/2/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận