Điểm báo ngày 27/9/2019

(CDC Hà Nam)

 Quá tải bệnh viện từng bước được giải quyết, tăng cường đầu tư y tế cơ sở; Số ca mắc sốt xuất huyết tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cao bất thường

Quá tải bệnh viện từng bước được giải quyết, tăng cường đầu tư y tế cơ sở

Theo kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 cho thấy, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện (năm 2013), đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới.

Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh…

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ đề cập tại Báo cáo số 413/BC-CP vừa báo cáo Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ lớn tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện.

Giường bệnh tăng, quá tải bệnh viện được từng bước giải quyết

Về nhiệm vụ “Đến năm 2020, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương”, báo cáo đề cập đến một số kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm tại quá tải bệnh viện giai đoạn 2018 – 2019.

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức, triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh (chủ yếu ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và tuyến trung ương. Các giải pháp được thực hiện gồm: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bệnh viện; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và bảo đảm tiến độ. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Theo kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 cho thấy, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện (năm 2013), đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Tại bệnh viện tuyến trung ương, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi cũng đều có xu hướng giảm như: Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh 168% năm 2011 giảm còn 112% năm 2018; Bệnh viện K công suất sử dụng giường bệnh 249% năm 2011 giảm còn 98% năm 2018; Bệnh viện Chợ Rẫy công suất sử dụng giường bệnh 154% năm 2011 giảm còn 95% năm 2018…

65% trạm y tế xã đạt chuẩn

Với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã.

Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư xây mới, sửa chữa 58 trạm y tế cho 3 tỉnh: Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum; dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, đầu tư trang bị cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía Bắc; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành do EU viện trợ không hoàn lại để xây mới, cải tạo, nâng cấp 395 trạm y tế xã…

Hiện nay, cả nước đã có khoảng 65% số trạm y tế xã đạt Tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Với khoảng 35% số trạm y tế xã cần đầu tư, nâng cấp còn lại, báo cáo Chính phủ nhận định, đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính. Do đó, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội để có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

89,6% dân số tham gia BHYT – về đích trước 4 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành các Thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình thực hiện mục tiêu: Đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Trong năm 2018, Chính phủ đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng, năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT góp phần đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số tham gia BHYT đến tháng 8/2019 – về đích trước 4 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.

Quyền lợi của người người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, vật tư mà trước đây giá thấp người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do Quỹ BHYT không thanh toán.

Bên cạnh đó, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 240 cơ sở y tế tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên; 1.250 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Các địa phương cũng thực hiện giảm cấp chi lương từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh, thành phố cho thấy, năm 2018, ngân sách cấp cho các bệnh viện đã giảm khoảng 8.947 tỷ đồng so với năm 2015, góp phần từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cao bất thường

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, diễn biến phức tạp khó lường.

Từ đầu năm đến ngày 25/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.780 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó 13 trường hợp nặng, đã có 5 trường hợp tử vong. Tình hình bệnh sốt xuất huyết dự báo trong những tháng cuối năm còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Riêng tháng 9, số ca sốt xuất huyết tăng rất nhanh.

Trước diễn biến phức tạp và tăng nhanh của dịch sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua đã tiến hành các hoạt động như: Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức về phòng, chống sốt xuất huyết, tiến hành xử lý ổ dịch, hoạt động điều tra côn trùng giám sát huyết thanh, tổ chức diệt lăng quăng, xử lý dập dịch trên diện rộng, cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết… (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Thủ tướng: Bộ Y tế có nhiều dự án bệnh viện dang dở, lãng phí

Trong đầu tư xây dựng các bệnh viện, Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Ðức 2

Chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công (sáng 26/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc chậm giải ngân đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí và làm chi phí bị đội lên, nợ nần tăng thêm. Thủ tướng yêu cầu kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng gây lãng phí lớn.

Nhiều bộ giải ngân dưới 10%

“Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Báo cáo về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến tháng 9/2019 giải ngân ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao. Nhiều cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân “cực thấp” như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,8%), Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), tỉnh Hưng Yên (8,3%), tỉnh Quảng Nam (2,3%)…

Một số dự án hạ tầng quan trọng, như Dự án Cao tốc Bắc – Nam kế hoạch năm 2019 đã bố trí vốn 7 nghìn tỷ đồng nhưng đến hết tháng 8/2019, mới giải ngân được 401,5 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong kế hoạch năm 2018, 2019 đã bố trí vốn 11,4 nghìn tỷ đồng, song đến nay mới giải ngân 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân. Bên cạnh đó, còn có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục.

Từ thực tiễn dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và 2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương chưa đảm bảo theo nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài. Ông Tuyến kiến nghị các cơ quan sớm thẩm định nguồn vốn để thành phố có thể điều chỉnh hai dự án trọng điểm này và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA.

Xin vốn quyết liệt, có lại chậm triển khai

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đây là tiền thuế đóng góp của người dân. Hơn nữa, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kỷ luật nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm là phân cấp mạnh mẽ cho ban quản lý dự án, không ôm đồm, tránh tình trạng khi xin vốn thì rất quyết liệt nhưng khi có vốn rồi thì không quan tâm để tháo gỡ khó khăn.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh “chủ quan là chính”, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. “Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không”, Thủ tướng yêu cầu.

Về Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng khi nguồn vốn đã được bố trí trên 11.000 tỷ đồng nhưng việc giải ngân lại chậm trễ. Đối với dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng cho biết, đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Đối với các dự án trọng điểm khác, như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân. (Tiền phong, trang 3).

 

“Bắt tay” doanh nghiệp tăng quyền lợi bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (BHYT) đem lại lợi ích cho nhiều người dân, tuy nhiên mệnh giá thấp khiến quyền lợi người dân bị hạn chế, người bệnh nặng phải bỏ tiền túi nhiều… Để giải quyết bài toán này, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang nghiên cứu đa dạng hóa gói BHYT, trong đó có giải pháp hợp tác với bảo hiểm thương mại cùng làm BHYT.

Nhiều dịch vụ y tế còn bị hạn chế

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) ngoài mua thẻ BHYT đều mua thêm gói bảo hiểm sức khỏe trị giá hơn 100 triệu đồng cho các thành viên trong gia đình. Chị cho biết, nhà chị có 3 con nhỏ và bố mẹ già đều hay phải đi viện. Có thẻ BHYT, chị đỡ được nhiều tiền viện phí, nhưng khi muốn dùng thuốc tốt hơn, muốn nằm phòng bệnh dịch vụ đều phải trả chi phí cao. Do đó, chị mua thêm gói bảo hiểm sức khỏe của một hãng bảo hiểm thương mại cho mọi người. Khi ốm đau, bảo hiểm sức khỏe không chỉ hỗ trợ viện phí, đến cả khi tái khám cũng không lo.

“Mấy năm trước, chồng tôi phát hiện bị virus viêm gan C phải điều trị. Các thuốc viêm gan C rất đắt đỏ, tính ra hơn 100 triệu đồng, nhưng các thuốc này hầu hết không nằm trong danh mục thuốc do BHYT chi trả. Chưa kể còn nhiều xét nghiệm, chiếu chụp đắt đỏ khác. Rất may mà có bảo hiểm sức khỏe “bao” hết”- chị Lý nói.

Chị Lý cho biết, nếu có gói BHYT quyền lợi cao, dù nhiều tiền chị cũng sẽ mua ngay.

Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)  hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT của người dân Việt Nam đã đạt mốc hơn 89%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT.

Theo ông Khảm, BHYT là “lối thoát” của nhiều người dân, đặc biệt người nghèo, người kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, tiền túi mà người dân bỏ ra vẫn khá cao. Nguyên nhân là do tiền đóng BHYT ở Việt Nam còn khá thấp (mệnh giá hiện tại là 804.600 đồng/thẻ/năm) nên mức hưởng bị hạn chế khá nhiều. Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh, nhiều loại thuốc điều trị viêm gan C, thuốc điều trị ung thư thế hệ mới hay các dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả… đang nằm ngoài danh mục chi trả của Quỹ BHYT.

Đó là chưa kể, người có thẻ BHYT vẫn đang phải thực hiện cùng chi trả: 5%, 20% tổng chi; chi trả cho khám chữa bệnh trái tuyến tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương (40-60% nếu khám bệnh vượt tuyến); chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế; phần chi phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo nghiên cứu Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) Việt Nam 2018 được Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện, vừa công bố, nhiều bệnh nhân cho biết, dù đã có thẻ BHYT, thuộc nhóm đối tượng được BHYT chi trả 100% viện phí nhưng mỗi lần đi điều trị vẫn phải chi trả 1,1-1,5 triệu mỗi ngày tiền thuốc hoặc tiền ăn uống. Theo bệnh nhân, mỗi đợt điều trị 3-4 ngày, mỗi tháng 3 lần, tổng cộng tốn hơn 10 triệu cả tháng. Nếu thi thoảng ốm một lần còn kham được, nếu điều trị dài, thường xuyên thì gia đình sẽ không cáng đáng được.

Ông Khảm cũng cho biết, vài năm gần đây, viện phí tăng, số lượt khám chữa bệnh tăng dẫn đến chi phí khám chữa bệnh tăng nhanh trong khi mức đóng BHYT tăng chậm. Điều này khiến cho Quỹ BHYT khó cân đối thu chi khi “chi nhiều thu ít”. Hiện tại, do kết dư quỹ các năm trước còn đủ chi, nhưng nếu không chi dè sẻn thì Quỹ BHYT có thể thâm hụt. Vì vậy, việc mở rộng thêm quyền lợi cho người bệnh là rất khó khăn.

Đa dạng hóa gói BHYT

Mới đây, cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra nhiều mệnh giá BHYT để người dân lựa chọn và không nên tăng giá BHYT liên tục như hiện nay mà chỉ cần tăng phí khám chữa bệnh sẽ phù hợp hơn, đồng thời bổ sung danh mục thuốc khám, chữa bệnh BHYT vì thực tế các danh mục thuốc không đảm bảo điều trị được đối với các loại bệnh nặng, hiểm nghèo.

Về điều này, đại diện Bộ Y tế cho biết, trên thực tế, mức đóng BHYT hiện nay đang áp dụng bằng 4,5% mức lương hoặc mức lương cơ sở. Mức đóng này đã áp dụng từ 10 năm nay và không có thay đổi, mặc dù theo Luật BHYT thì mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương hoặc mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cao hơn của một số người dân, hiện Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu để thực hiện nội dung “Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại”.

Ông Đào Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhận định, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Nhiều bệnh nhân được chi trả hàng tỷ đồng…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người có điều kiện kinh tế mong muốn có gói khám chữa bệnh với chất lượng cao hơn, nên bên cạnh việc tiếp tục phát triển BHYT xã hội cơ bản (để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT), Việt Nam cần phát triển BHYT bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc…).

Ông Khảm cũng nhấn mạnh, đây sẽ là một lĩnh vực mới mà các bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tổ chức y tế liên quan phải nghiên cứu, bàn thảo về cách thức triển khai và đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp BHYT thương mại. Điều quan trọng là phải kiểm soát chất lượng BHYT thương mại. “Ngành y tế phải giữ vai trò trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong gói BHYT thương mại, để làm sao dù các kênh tài chính khác nhau nhưng khi sử dụng phải đạt hiệu quả, không bị trùng lặp và phải minh bạch thông tin” – ông khảm cho biết.

Theo ông Khảm: “BHYT thương mại khá phổ biến trên thế giới. Tại Australia, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại”… (Nông thôn ngày nay, trang 2+3).

 

Kết nối liên thông 6 thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm và môi trường y tế

Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để kết nối liên thông với cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 6 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và môi trường y tế.

Trong đó, 2 thủ tục thuộc Cục An toàn thực phẩm chủ trì, gồm: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.

Bốn thủ tục thuộc Cục Quản lý môi trường y tế chủ trì, gồm: Cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu để nghiên cứu; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu là quà biếu, cho, tặng; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu do thị trường không có sản phẩm và phương pháp sử dụng phù hợp.

Sau quá trình vận hành kiểm thử, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp, Cục Công nghệ thông tin vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan thí điểm thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với 6 thủ tục mới nêu trên từ ngày 1-10-2019.

Được biết, trong 61 thủ tục của các bộ, ngành phải kết nối NSW trong năm 2019, Bộ Y tế có 24 thủ tục được kết nối trên NSW. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Kỹ thuật mới nuôi cấy phôi trong điều trị vô sinh

Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc đưa vào ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị hiếm muộn vô sinh, giúp bác sĩ và người mẹ có thể thấy được phôi phát triển.

Chiều 26.9, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc công bố về việc bệnh viện ứng dụng nuôi cấy phôi Time – lapse trong hỗ trợ sinh sản, giúp chất lượng phôi (trứng gặp tinh trùng tạo thành phôi) đạt được tốt hơn trước khi chọn lựa phôi đưa vào buồng tử cung làm tổ.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện này, việc nuôi cấy phôi là một khâu quan trọng có tính quyết định thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng sau khi được thụ tinh và phát triển thành phôi (ở môi trường bên ngoài tử cung) được nuôi cấy đến ngày chuyển phôi vào tử cung.

Sự phát triển công nghệ của tủ nuôi cấy phôi trên thế giới đã có nhiều cải tiến, và mới nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (Time – lapse). Với Time – lapse, mỗi phôi được nuôi cấy riêng, được camera ghi hình ảnh phôi ở các giai đoạn phân chia, chuyền hình ảnh qua máy tính, giúp bác sĩ đánh giá chất lượng phôi mà không cần lấy phôi ra ngoài quan sát như trước đây; giúp người mẹ cũng thấy được giai đoạn ban đầu của đứa con mình. Tại bệnh viện còn có phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp đánh giá phôi nhanh và khách quan hơn.

Nữ chuyên gia về y sinh đến từ Đức – thạc sĩ Susanna Brandi, cho biết đây là công nghệ nuôi cấy phôi tiên tiến trong điều trị hiếm muộn vô sinh đang được áp dụng tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển. Nuôi cấy phôi bằng Time – lapse giúp môi trường nuôi cấy ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tương thích với môi trường tử cung, cho chất lượng phôi tốt, giúp tỷ lệ điều trị vô sinh cao.

Bác sĩ Võ Thanh Liên Anh – Trưởng khoa Lâm sàng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc), cho biết tâm lý, tinh thần của người mẹ trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động (2012), đến cuối 2018, đã có hơn 1.000 em bé ra đời bằng hỗ trợ sinh sản tại đây; với tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn vô sinh hơn 50%. (Thanh niên, trang 4).

 

Biệt dược điều trị viêm gan C tại Việt Nam đắt gấp 12 lần Ấn Độ: Gia tăng gánh nặng bệnh tật

Thuốc kháng virus trực tiếp điều trị viêm gan C (DAAs) ở Việt Nam hiện cao gấp 12 lần so với Ấn Độ và giá thuốc thấp nhất tại Việt Nam cao gấp 5-15 lần của Quỹ toàn cầu, khiến nhiều người bệnh không có điều kiện chi trả.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus tại Việt Nam do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9.

Giá thuốc cao gấp 5-15 lần 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thủ phạm ung thư gan ở Việt Nam là do virus viêm gan B (VGB) và viêm gan C (VGC). Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam cao là nhiều người chưa biết về tình trạng bệnh; tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm và điều trị VGB, VGC còn thấp; chưa chú trọng đến việc theo dõi lâu dài và tuân thủ điều trị cho người bệnh.

Nguyên nhân nữa là bởi giá thuốc điều trị VGC ở Việt Nam rất cao, chưa được BHYT chi trả. Theo GS Nguyễn Văn Kính, hiện chưa có vắc xin dự phòng cho VGC, tuy nhiên VGC có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên virus VGC. Hiện đã có khoảng 50 loại thuốc kháng virus trực tiếp điều trị cho VGC (DAAs) khác nhau và cách phối hợp thuốc khác nhau, tỷ lệ khỏi bệnh đã đạt trên 95%.

Tuy nhiên, giá biệt dược DAAs hiện quá cao, khiến nhiều người bệnh không có điều kiện chi trả.

Theo khảo sát của TS.Nguyễn Khánh Phương, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, so sánh giá biệt dược DAAs thấp nhất tại Việt Nam với giá thuốc generic bán tại Ấn Độ thì giá thuốc tại Việt Nam cao gấp 12 lần và cao hơn một số nước khác trong khu vực. Đặc biệt, trong chương trình “Hỗ trợ điều trị viêm gan C cho 7 quốc gia Châu Á và Châu Phi”, giá thuốc DAAs tại Việt Nam là cao nhất. So sánh với giá thuốc PPM của Quỹ toàn cầu, giá thuốc thấp nhất tại Việt Nam cao gấp 5-15 lần.

Chính vì giá thành quá cao nên người bệnh VGC ở Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận điều trị.

Ung thư gan tăng cao                                       

Viêm gan virus không chỉ báo động ở Việt Nam mà còn là căn bệnh nguy hiểm trên toàn cầu khi nó ảnh hưởng tới hơn 300 triệu người và gây ra 1,34 triệu ca tử vong năm 2015, hầu hết do xơ gan (720.000 ca tử vong) và ung thu gan (470.000 ca tử vong) liên quan đến viêm gan virus B (VGB) và viêm gan virus (VGB).

Theo bà Oriel Fernandes, Phó Giám đốc Chương trình viêm gan toàn cầu, nếu không can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2040 số ca tử vong do viêm gan virus sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong do HIV, lao và sốt rét.

Tại Việt Nam, ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 7/2017, có 7,8 triệu người VGB mạn và 1 triệu người có virus VGC. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ít nhất có 3,22 triệu người VGB ở nước ta cần phải điều trị và 1,28 triệu người được chẩn đoán, 689 nghìn người đủ tiêu chuẩn điều trị.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có gần 44 nghìn người được điều trị. “Đây là khoảng cách xa vời so với thực tế. Có người bị VGB, xơ gan, ung thư gan rồi mới đến cơ sở y tế thăm khám. Nhiều gói xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt đới đến các khu công nghiệp, cứ đưa xét nghiệm VGB, VGC vào là công nhân từ chối không làm vì chi phí xét nghiệm không được doanh nghiệp chi trả” – GS Kính cho biết.

Đây chính là một trong những nguyên nhân mà phần lớn người nhiễm viêm gan virus không biết mình mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, hầu hết bệnh nhân tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám đều ở tình trạng nặng, phần lớn chuyển sang xơ gan và ung thư gan. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay mới chỉ có 80 nghìn ca VGC được chẩn đoán và trên 30 nghìn ca đủ điều kiện điều trị nhưng tới nay chỉ có 4.500 ca mắc VGC được điều trị.

Theo GS Kính, nhiều ca VGC chưa biết về bệnh của mình, được chẩn đoán điều trị chủ yếu ở tuyến Trung ương và thành phố lớn. Ước tính có 24 nghìn ca ung thư gan ở khu vực miền Nam và miền Trung. Tỷ lệ mắc mới ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương, sau Mông Cổ và thứ 4 so với toàn cầu.

Để viêm gan virus không trở thành gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, đặc biệt là những người nhiễm VGC có điều kiện tiếp cận với thuốc DAAs, theo TS Nguyễn Khánh Phương, cần phải gỡ các rào cản, vướng mắc trong cung ứng thuốc DAAs qua BHYT.

Đó là, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới được bổ sung vào Danh mục chi trả BHYT để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện. Nên đưa các thuốc DAAs vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá thuốc giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân BHYT. Đồng thời, Bộ Y tế nên xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý. (Công an nhân dân, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận