Xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19
Thời gian qua, trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thế nhưng, bên cạnh những nỗ lực của toàn xã hội thì vẫn còn có một số người dân thiếu ý thức chấp hành những khuyến cáo của ngành y tế; nhất là cố tình vi phạm, trốn tránh việc cách ly, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế… khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 thêm phần khó khăn. Vụ việc liên quan một nam du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam bằng đường hàng không vào ngày 21-12-2020. Trong thời gian thực hiện cách ly tại Trung đoàn E59 ở Chương Mỹ, Hà Nội, du học sinh này có kết quả xét nghiệm lần một âm tính với SARS-CoV-2. Ðến 16 giờ ngày 4-1 vừa qua, du học sinh này hết thời gian cách ly. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm lần hai, nhưng chưa có kết quả xét nghiệm, du học sinh được người thân từ Hạ Long lên đón về bằng ô-tô. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm lần hai xác định du học sinh nêu trên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo cơ quan chức năng, lý do du học sinh được ra khỏi khu cách ly khi chưa có chứng nhận xét nghiệm âm tính lần hai là sự “nhầm lẫn” của cơ quan y tế phụ trách khu cách ly – Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ðây là sự việc đáng tiếc và cũng là lời cảnh tỉnh đối với các cơ sở y tế, cơ sở quản lý người cách ly tập trung. Bên cạnh việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, nhất là vấn đề thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương, thì tại các khu vực không phải là “điểm nóng” của dịch Covid-19 hiện nay, vẫn có rất nhiều người mang tâm lý chủ quan, thờ ơ, không đeo khẩu trang hoặc đeo để đối phó.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Ðể giữ thành quả phòng, chống dịch, các lực lượng chức năng luôn phải cố gắng đến mức cao nhất rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2… Các cán bộ y tế ngày đêm vất vả, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc người bệnh… Nhưng sự thiếu ý thức, thờ ơ trong phòng, chống dịch bệnh của một vài cá nhân sẽ tạo nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trở lại trong cộng đồng.
Do vậy, cần xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị cố tình không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nơi công cộng; không tuân thủ nghiêm các quy định cách ly người nhập cảnh được quản lý tại địa phương. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tự giác tới từng gia đình, người dân để phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội… (Nhân dân, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Xử phạt nghiêm tổ chức, đơn vị lơ là phòng, chống dịch Covid-19”.
Cẩn trọng khi làm đẹp cấp tốc đón Tết
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã đến rất gần, nhiều chị em có chung tâm lý là muốn “tân trang” nhan sắc, vóc dáng đẹp nhất, nhanh nhất. Lợi dụng tâm lý này, nhiều thẩm mỹ viện (TMV), cơ sở làm đẹp ở TP Hồ Chí Minh tung chiêu quảng cáo, khuyến mãi… chèo kéo khách hàng. Nếu khách hàng không cẩn trọng, gửi nhầm nhan sắc vào các cơ sở hoạt động “chui” thì hậu quả sẽ khó lường…
Từ sau Tết dương lịch năm 2021, các tiệm làm đẹp, mát-xa, cơ sở làm đẹp kém chất lượng trên địa bàn thành phố đã thay nhau quảng cáo các hình thức làm đẹp cấp tốc như tẩy trắng da trong 30 phút, nâng mũi nhanh, 60 phút đã có má lúm đồng tiền… cùng với đó là các “chiêu” khuyến mãi đi kèm như nâng mũi tặng nhấn mí, xăm môi tặng phun chân mày, hay các gói tẩy nám, trị mụn, thêu chân mày…, dù đã giảm 70% giá.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến TMV Quốc tế V.N (đường Hồ Xuân Hương, phường 6, quận 3), người tư vấn giới thiệu tên T., là bác sĩ bao quát các khoa của TMV này, sẽ tư vấn cũng như theo sát khi thực hiện phẫu thuật. Khi biết khách hàng có nhu cầu nâng mũi, T. tư vấn chúng tôi nâng mũi bằng sụn sinh học của Hàn Quốc hoặc Mỹ, tạo dáng S-line giúp mũi nâng cao tự nhiên. “Bên em bảo đảm 80% đẹp và an toàn cho chị, chỉ cần ăn kiêng theo yêu cầu là được”, T. thuyết phục chúng tôi.
Người này còn tiếp tục tư vấn chúng tôi xóa nhăn mắt bằng cô-la-gien, bảo hành tới 10 năm không còn nếp nhăn. Tổng tất cả các dịch vụ khoảng 70 triệu đồng. Ðể phẫu thuật, nơi này không yêu cầu chúng tôi khám sức khỏe, chỉ cần đo huyết áp là vào thực hiện ngay.
Tương tự, tại TMV Quốc tế V.D. (đường Trần Quang Khải, quận 1), nhân viên liên tục yêu cầu chúng tôi đặt cọc để giữ giá ưu đãi 50%. “Chỉ cần tiêm HA (một chất làm đầy) là chị sẽ có làn da căng tràn sức sống. Bên em là bệnh viện lớn, ai đến làm cũng đẹp khỏi chê. Trước đây giá tới 27 triệu đồng, nhưng giờ giảm 50% theo chương trình khuyến mãi dịp Tết, chỉ còn 13,5 triệu đồng thôi. Chị chần chừ là không đẹp được đâu, chương trình này sắp hết hạn rồi”, nhân viên này chèo kéo.
Mới đây, Bệnh viện JW (quận 1) đã tiếp nhận người bệnh tên T.T.T.N., 24 tuổi, ngụ tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) được người quen giới thiệu nâng mũi tại một TMV nhỏ ở địa phương. Khi đó, chủ cơ sở này tư vấn phương pháp mới nhất và giữ trọn đời là nâng mũi cấu trúc với mức giá chỉ 25 triệu đồng. Những tưởng làm đẹp đón Tết, không ngờ chỉ bốn ngày sau, mũi của chị N. đã bị nhiễm trùng, đau nhức liên tục, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch đỏ lòm. Nhiều lần quay lại cơ sở này bắt đền, nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. Ðầu mũi của chị N. thủng dịch mủ, một lỗ thông toang hoác xuyên qua vách ngăn, lỗ thông sắp cắt đứt rời trụ mũi, hai bên trong lỗ sát đường viền cánh mũi là nhiều đường mổ chi chít. Các bác sĩ rất chật vật mới có thể “cứu” mũi của chị N. nhưng vẫn không thể giúp trở về như ban đầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, cho biết, số lượng người bệnh gặp tai biến do làm đẹp dịp cận Tết đến khám tại khoa là khoảng từ ba đến năm trường hợp mỗi ngày. “Khi chọn làm đẹp bằng phương pháp tiêm phải hết sức cẩn trọng. Làm đẹp để đón Tết là việc dễ hiểu, tuy nhiên, mọi người cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về cơ sở làm đẹp cho mình, chọn các cơ sở lớn có uy tín hoặc các bệnh viện, tránh tâm lý vội vàng, gấp gáp dễ xảy ra biến chứng”, bác sĩ Huy khuyến cáo…
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.935 cơ sở liên quan chăm sóc da, spa. Trong 11 tháng năm 2020, Thanh tra Sở Y tế thành phố đã kiểm tra 41 cơ sở dịch vụ chăm sóc, spa bị các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh; kiểm tra 56 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và 17 cơ sở làm đẹp có yếu tố nước ngoài. Qua đó, Thanh tra Sở Y tế thành phố đã xử phạt 35 cơ sở, trong đó có 17 tổ chức và 18 cá nhân với số tiền 1,8 tỷ đồng. Ðó là chưa tính số liệu mà phòng y tế các quận, huyện đã kiểm tra. Trong số các cơ sở bị phạt, có 11 cơ sở bị phạt với hành vi “cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép”, đó là những hoạt động về tiêm filler, sửa mũi, tiêm má, cắt đồng tiền.
Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã phát triển app “Y tế trực tuyến” để người dân có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi, chụp hình, gửi ảnh về sở. Trong thời gian 24 giờ, ngành y tế sẽ phối hợp các quận, huyện, ngành chức năng liên quan đi kiểm tra, xác minh và có thể xử lý luôn nếu phát hiện sai phạm, hoặc đình chỉ ngay hoạt động nếu cơ sở đó hoạt động trái phép. Người dân cần tra cứu app “Tra cứu khám, chữa bệnh” để biết cơ sở thẩm mỹ có phép hay không phép. Trên app này hoặc website của Sở Y tế, người dân có thể biết danh sách những cơ sở đã bị xử phạt, cơ sở đang bị đình chỉ, cơ sở hoạt động trái phép. Ngành y tế rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát các cơ sở làm đẹp “chui”…
Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu UBND các quận, huyện, thành phố trên địa bàn tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ thẩm mỹ. Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân xảy ra trên địa bàn quản lý.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế, khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo có vi phạm, nhất là vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ… (Nhân dân, trang TP.HCM).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 10: “Làm đẹp cấp tốc đón Tết: Rược họa vào thân?”.
Thêm 2 người nhập cảnh từ Mỹ trên chuyến bay VN441 dương tính Covid-19
Chiều 21.1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 2 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là các ca nhập cảnh.
Đây là các BN Covid-19 thứ 1.545 – 1.546 tại Việt Nam, cùng có địa chỉ tại TP.HCM, được cách ly ngay tại Phú Yên. Ngày 1.1, hai BN trên từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) trên chuyến bay VN441, được lấy mẫu xét nghiệm tại Phú Yên. Kết quả xét nghiệm ngày 20.1 xác định 2 BN dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện, 2 BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 16 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Phú Yên.
Theo BCĐ, trong ngày 21.1, thêm 5 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.546 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.411 ca đã được điều trị khỏi. Có 18.603 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19.
Ngày 21.1, BCĐ do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó trưởng BCĐ dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, đặc biệt là việc tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, tổ chức cách ly trên địa bàn. Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác cách ly tại Trường Quân sự TP.Cần Thơ; kiểm tra quy trình cũng như cách tổ chức tiếp nhận, xét nghiệm, phân loại và tổ chức cách ly tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (gọi tắt là sân bay Cần Thơ).
Dự kiến ngày 24.1.2021, sân bay Cần Thơ sẽ tiếp tục đón 2 chuyến bay từ Singapore với tổng số dự kiến 343 hành khách nhập cảnh.( Thanh niên, trang 3).
Cẩn thận với chấn thương thể thao khi trời lạnh
Tăng cường vận động, chơi thể thao sẽ giúp cơ thể ấm lên, chống chịu tốt với cái lạnh. Tuy nhiên, phải đảm bảo vận động đúng cách để không bị chấn thương.
Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến cơ thể bị mất nhiệt và dễ mắc bệnh. Tập thể dục, chơi một môn thể thao nào đó là giải pháp lý tưởng để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông. Tuy nhiên, việc tập luyện không đúng cách có thể gây chấn thương hoặc khiến các bệnh hô hấp, tim mạch và xương khớp trầm trọng hơn.
Đứt dây chằng, đứt gân sụn bao
Bác sĩ Phùng Cao Cường, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện 199 – Bộ Công an (Đà Nẵng), cho biết những ngày gần đây bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân (BN) bị chấn thương trong quá trình chơi thể thao những ngày lạnh, đặc biệt là các tổn thương liên quan đến gân cơ, dây chằng, sụn… Chưa kể, tập luyện quá sức cũng dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Tại Khoa Ngoại chấn thương, BN L.P.Q (27 tuổi, quê Kon Tum) nhập viện trong tình trạng tổn thương, hạn chế vận động khớp vai phải. Trước đó, Q. bị đau khớp trong quá trình tập võ. Điều trị tại nhiều cơ sở y tế của địa phương nhưng không hiệu quả, Q. nhập Bệnh viện 199 và được chẩn đoán “rách sụn viền bao khớp trước và dưới do chấn thương thể thao”, được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nội soi, khâu lại toàn bộ sụn viền và phần bao khớp bị rách.
Bác sĩ Phùng Cao Cường cho biết, sau phẫu thuật, BN đã ổn định và bắt đầu quá trình tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng. “Dự kiến khoảng 6 tháng nữa mới có thể chơi thể thao trở lại”, bác sĩ Cường nhận định.
Trong khi đó, BN N.T (58 tuổi, quê Quảng Ngãi) trật khớp gối phải do nhảy từ trên cao xuống, tiếp đất không đúng tư thế. Bác sĩ chuyên khoa khẳng định: “Đây là tổn thương rất phức tạp vì bị đứt hoàn toàn 3/4 dây chằng chính của khớp gối. Khả năng bị tổn thương động mạch khoeo chân dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi là rất cao”. BN đã được nắn phần khớp bị trật, theo dõi sát sao tình trạng của động mạch khoeo chân và được mổ tái tạo dây chằng đứt…
Lưu ý khi tập luyện trong thời tiết lạnh
Theo bác sĩ Phùng Cao Cường, khi trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, cơ bắp vẫn còn co cứng sẽ dẫn tới nguy cơ chấn thương gân, cơ, sụn khớp. Do đó, cần đặc biệt lưu ý việc khởi động kỹ là vô cùng quan trọng. Trong thời tiết giá rét, để tránh mất nhiệt nên cơ bắp bị co cứng hơn bình thường, vì thế đòi hỏi phải khởi động lâu và kỹ hơn, giúp cơ khớp vận động linh hoạt. Nếu không khởi động hoặc khởi động không đúng cách sẽ khiến các cơ không đủ sẵn sàng và việc tập luyện không có kết quả.
Như vậy, khởi động và vận động thế nào là đúng cách? Bác sĩ Cường tư vấn: Cần khởi động đủ thời gian, đúng động tác và vị trí. Cần làm đúng trình tự làm nóng cơ thể, kéo giãn cơ và dợt động tác, trong đó việc kéo giãn là rất quan trọng. Sau khi khởi động, cần thả lỏng cơ thể, lấy lại thăng bằng và bù nước. Việc thiếu nước sẽ khiến sụn khớp thiếu đàn hồi dẫn tới khô khớp, cứng khớp, nếu kéo dài còn có thể gây bệnh đau khớp. Một nguyên nhân nữa khiến bạn cần phải uống đủ nước cho cơ thể khi tập luyện dù thời tiết lạnh hay không, đó là việc thiếu nước sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện cũng như tăng nguy cơ bị chuột rút.
Bên cạnh đó, hít thở đúng cách rất quan trọng. Khi tập luyện dưới thời tiết lạnh, hãy cố gắng hít thở đúng cách bằng mũi, vì mũi được cấu tạo để làm ấm không khí trước khi đi vào phế quản. Không nên hít thở bằng miệng vì trường hợp này khí lạnh sẽ đi thẳng vào phế quản gây đau họng, co thắt phế quản… Cách tốt nhất là hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
Đặc biệt, trong quá trình chơi thể thao dưới trời lạnh, không nên giải lao quá lâu. Việc nghỉ quá lâu có thể sẽ khiến cơ bắp trở về nhiệt độ như trước khi khởi động, nhiệt độ bên ngoài thấp thì cơ bắp cũng mất nhiệt nhanh. Thời gian giải lao cần vừa phải, trong lúc nghỉ có thể đi lại vận động nhẹ nhàng. (Thanh niên, trang 15).
Tuyển người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac
Ngày 21.1, Trường đại học Y Hà Nội chính thức tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 ‘made in Vietnam’ Covivac.
Nghiên cứu này do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ĐH Y Hà Nội thực hiện, sau khi được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt. Vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC, Bộ Y tế) tại Nha Trang nghiên cứu, sản xuất.
Theo kế hoạch, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covivac sẽ tuyển chọn 120 người tình nguyện (18 – 49 tuổi) là người khỏe mạnh, chia 5 nhóm, được tiêm các liều khác nhau.
Sau khám sàng lọc, đủ điều kiện sức khỏe, người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên được tiêm vắc xin thử nghiệm vào ngày 20.2 tới. Sau khi thu thập kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.
Người tình nguyện đăng ký tham gia tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Trường ĐH Y Hà Nội (số 1, phố Tôn Thất Tùng, P.Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội)
Theo Bộ Y tế, vắc xin Covivac được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5.2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.
Covivac là vắc xin phòng bệnh Covid-19 do IVAC hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV). Vi rút Newcastle gây bệnh trên động vật, không gây bệnh trên người sẽ được gắn đoạn gien S biểu hiện protein S đặc trưng của vi rút SARS-CoV-2, dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Đây là nguyên liệu sản xuất vắc xin sau khi đã được tinh khiết.
Theo TS-BS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, công nghệ này đã được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Viện cũng đã có trang trại nuôi gà, thường xuyên có 20.000 con phục vụ cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc xin. Giai đoạn đầu sản xuất vắc xin Covivac (dự kiến đầu năm 2022), IVAC đạt công suất 6 triệu liều và có thể tăng lên 30 triệu liều vào các năm sau đó. (Thanh niên, trang 15).
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Nhiều người tình nguyện đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 thứ 2 do Việt Nam sản xuất”.
Tiếp tục ngăn chặn triệt để người nhập cảnh bất hợp pháp
Sáng 21-1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Báo cáo tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 21-1, thế giới ghi nhận gần 96,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 2 triệu ca tử vong, tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới (với trên 24,8 triệu ca mắc, hơn 411.000 ca tử vong), tiếp theo là Ấn Độ (với gần 10,6 triệu ca mắc, gần 153.000 ca tử vong) và Brazil (với gần 8,6 triệu ca mắc, trên 211.000 ca tử vong).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Anh, đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể mới của vi rút được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước trong khu vực châu Âu đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể mới.
Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực (trên 927.000 ca mắc, khoảng 26.500 ca tử vong), tiếp đến là Philippines (khoảng 506.000 ca mắc, trên 10.000 ca tử vong) và Malaysia (trên 165.000 ca mắc, 619 ca tử vong).
Về tình hình dịch bệnh trong nước, tính đến 17h ngày 20-1, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới nhập cảnh (đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, cả nước ghi nhận 1.544 ca mắc, trong đó có 884 ca nhập cảnh từ nước ngoài.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”.
Hiện nay, các đơn vị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vắc xin (của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế) đang được thử nghiệm. Khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19, Việt Nam là một trong 40 quốc gia thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người.
Liên quan đến kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, các cơ sở cách ly ở các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp… đã thực hiện nghiêm công tác nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế đối với các chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Đức cho biết, một số cơ sở cách ly tập trung vẫn chưa tuân thủ quy định, có thể dẫn đến rủi ro, lây nhiễm. Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế tại khu cách ly tập trung; những nơi để xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.
Đánh giá về tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định, mặc dù đã có khoảng 46 nước triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 với khoảng 28 triệu liều vắc xin được sử dụng, tuy nhiên, quá trình tạo ra miễn dịch trong cộng đồng phải thực hiện trong thời gian dài.
Trong khi đó, biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh hơn. Trước thực tế số ca tử vong do mắc Covid-19 tăng lên trong những ngày gần đây (khoảng 14.000-16.000 ca/ngày), các chuyên gia cho rằng, những nước đã triển khai tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn triệt để những người nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Quốc phòng không chỉ tăng cường lực lượng bộ đội biên phòng mà có những đề xuất hỗ trợ kịp thời, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ.
Cùng với đó, lực lượng công an phối hợp sát với các địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình có người thân ở nước ngoài, nếu buộc phải về nước, khai báo y tế đầy đủ và thực hiện cách ly nghiêm túc; yêu cầu người dân báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện người trở về từ nước ngoài.
Báo cáo về nguyện vọng về nước của người dân Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, bên cạnh một số trường hợp có nguyện vọng về quê đón Tết Nguyên đán, nhiều trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh kéo dài như lao động hết hạn hợp đồng, người bị mắc kẹt, người đi chữa bệnh cũng có nguyện vọng trở về quê hương…
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho rằng, việc đưa công dân trở về nước phải dựa trên cơ sở đánh giá và bảo đảm đúng năng lực cách ly trong nước, đặc biệt, trước sự xuất hiện của biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Do đó, các ý kiến thống nhất sẽ báo cáo cấp thẩm quyền quyết định, trước mắt, động viên bà con tuân thủ quy định phòng, chống dịch, pháp luật nước sở tại; đồng thời, sẽ đề xuất cơ chế tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Về vấn đề nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vắc xin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế. Tương tự các quốc gia khác, Việt Nam sẽ xác định đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Cùng với đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm vắc xin trong nước.
Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất cơ chế phù hợp về việc sản xuất, cung cấp vắc xin khi vắc xin ở trong nước được thử nghiệm thành công.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở trường học, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng… trên cả nước. Các bộ, ngành và địa phương tích cực tự đánh giá và cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 (tại địa chỉ www.antoancovid.vn).
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các ý kiến cho rằng, nhiều địa phương chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ nên tiến độ thực hiện còn chậm. Do đó, trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2021, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương trên cả nước. (Hà Nội mới, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 3: “Siết chặt đường mòn, lối mở”.
Nỗ lực làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ
Chiều 21-1, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội Vũ Đức Bảo.
Năm 2020, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội đã thực hiện kế hoạch khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho đội ngũ cán bộ gắn với phục vụ đại hội đảng bộ các cấp. Kết quả, đã khám, kiểm tra sức khỏe cho các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đương chức được mời. Ban cũng đã khám, kiểm tra sức khỏe cho 954/2.109 đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa…
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội Vũ Đức Bảo ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2020 của các đơn vị. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chế độ, chính sách chăm sóc sức khỏe cán bộ, đồng chí Vũ Đức Bảo đề nghị Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố cần chủ trì, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, góp phần hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. (Hà Nội mới, trang 7).
Chỉ tổ chức lễ hội khi công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bảo đảm
Chiều 21-1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng dự và chỉ đạo.
Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, mỗi năm toàn thành phố diễn ra hơn 1.200 lễ hội, chủ yếu vào mùa xuân. Riêng trong năm 2020, do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của trung ương và UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã yêu cầu các địa phương dừng toàn bộ hoạt động lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người để thực hiện phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm…
“Nhìn chung, việc chấp hành quy định dừng hoạt động tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 900 lễ hội dừng tổ chức theo yêu cầu của trung ương và thành phố. Người dân hành hương, thực hành tín ngưỡng cơ bản tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong hoạt động này, như: Hiện tượng lạm dụng vàng mã; cài đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định; trang phục phản cảm; xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường…”, bà Trần Thị Vân Anh nêu.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân trong mùa lễ hội xuân 2021, ngày 18-12-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 5804/UBND-KGVX về việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các văn bản chỉ đạo của trung ương. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóa thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước, dung dịch rửa tay, hạn chế tổ chức lễ hội với quy mô lớn…
Tại cuộc họp, đại diện sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã đã báo cáo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Theo đó, đến thời điểm này, 100% quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội năm 2021 cũng như có phương án cụ thể bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19…
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2021 đã xây dựng 2 phương án tổ chức lễ hội đi kèm với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thành lập tổ liên ngành phòng, chống dịch Covid -19, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Còn theo đại diện UBND huyện Mê Linh, huyện đã xây dựng kế hoạch tổng thể chung và kế hoạch riêng cho phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động lễ hội trên địa bàn. Để bảo đảm yêu cầu phòng dịch, công tác tuyên truyền vận động kết hợp xử lý vi phạm cũng sẽ được đẩy mạnh. Người dân không đeo khẩu trang sẽ không được vào khu vực lễ hội.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021. Tập trung xây dựng phương án kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ…
“Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công khai đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân liên quan đến các sự cố, sự việc bất thường tại các lễ hội; phối hợp cùng Sở Y tế bám sát thông tin dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội để kịp thời tham mưu thành phố ban hành văn bản chỉ đạo. Các địa phương lên phương án chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo các cấp có kế hoạch về tổ chức lễ hội gắn với các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ được tổ chức lễ hội khi công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bảo đảm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 7).
Việt Nam khởi động thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 thứ 2
Ngày 21/1, vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 của Việt Nam mang tên Covivac sẽ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người tình nguyện tại Đại học Y Hà Nội, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Vắc xin COVIVAC đã được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5 năm 2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.
Đây là vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 sản xuất tại Việt Nam (sau vắc xin NanoCovax) đang thực hiện thử nghiệm trên người.
Ông Dương Hữu Thái – Viện trưởng IVAC cho hay vắc xin COVIVAC là vắc xin phòng bệnh COVID-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của vi rút SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Ngày 19/1/2021, đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vắc xin COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định.
Trong đó:
Thử nghiệm giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội:
Việc thử nghiệm lâm sàng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện, phối hợp cùng với Trường Đại học Y Hà Nội. Cụ thể, Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế thẩm định là Tổ chức đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) được lựa chọn tiến hành thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dưới sự giám sát của Bộ Y tế.
Thử nghiệm được tiến hành dưới sự chủ trì của các nghiên cứu viên chính là GS. TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; GS. TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Vũ Đình Thiểm – Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng – Đại học Y Hà Nội.
Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 05 nhóm: 03 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 01 nhóm vắc xin mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vắc xin thử nghiệm vào tháng 02/2021.
Thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin COVIVAC:
Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.
Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Như vậy, tiến độ nghiên cứu của IVAC nhanh hơn dự kiến gần hai tháng.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4-2020.
Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).
Hiện NANOGEN cùng Học viện Quân Y đã hoàn tất hơn nửa chặng đường thử nghiệm vắc xin NanoCovax giai đoạn 1 đánh giá độ an toàn của vắc xin. Cụ thể: Liều 25mcg (nhóm 1a): Tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ 20 tình nguyện viên; Liều 50mcg (nhóm 1b): Tiêm đủ mũi 1 cho 20 tình nguyện viên, 3 tình nguyện đầu tiên tiêm mũi 2; Liều 75mcg (nhóm 1c): Tiêm đủ mũi 1 cho toàn bộ 20 tình nguyện viên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 2: “Thử nghiệm vắc xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam: Sẽ tiêm cho người từ 18-75 tuổi”..
Dịp giáp Tết Nguyên đán: Phải tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tết Nguyên đán 2021 cận kề, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch trên cả nước, đồng thời lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp.
Sáng 21/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược phòng, chống dịch
Báo cáo tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến sáng 21/1, thế giới ghi nhận gần 96,7 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 2 triệu ca tử vong, tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới (với khoảng hơn 24,8 triệu ca mắc, hơn 411 nghìn ca tử vong); tiếp theo là Ấn Độ (với gần 10,6 triệu ca mắc, gần 153 nghìn ca tử vong); Brazil (với gần 8,6 triệu ca mắc, hơn 211 nghìn ca tử vong).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Anh, đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể mới của virus được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước trong khu vực châu Âu đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể mới.
Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực (hơn 927 nghìn ca mắc, khoảng 26,5 nghìn ca tử vong); Philippines (khoảng 506 nghìn ca mắc, hơn 10 nghìn ca tử vong); Malaysia (hơn 165 nghìn ca mắc, 619 ca tử vong).
Về tình hình dịch bệnh trong nước, tính đến 17 giờ ngày 20/1, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới nhập cảnh (đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, cả nước ghi nhận 1.544 ca mắc, trong đó 884 ca nhập cảnh từ nước ngoài. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”.
Liên quan đến kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các cơ sở cách ly ở các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp… đã thực hiện nghiêm công tác nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế đối với các chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Đức cho biết, một số cơ sở cách ly tập trung vẫn chưa tuân thủ quy định, có thể dẫn đến rủi ro, lây nhiễm. Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế tại khu cách ly tập trung; những nơi để xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.
Những nước đã triển khai tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Hiện, các đơn vị sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vắc xin (của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế) đang được thử nghiệm. Khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa COVID-19, Việt Nam là một trong 40 quốc gia thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
Đánh giá về tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định, mặc dù đã có khoảng 46 nước triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với khoảng 28 triệu liều vắc xin được sử dụng, tuy nhiên, quá trình tạo ra miễn dịch trong cộng đồng phải thực hiện trong thời gian dài.
Trong khi đó, biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh hơn. Trước thực tế số ca tử vong do dịch COVID-19 tăng lên trong những ngày gần đây (khoảng 14-16 nghìn ca/ngày), các chuyên gia cho rằng, những nước đã triển khai tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn triệt để những người nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Quốc phòng không chỉ tăng cường lực lượng bộ đội biên phòng mà có những đề xuất hỗ trợ kịp thời, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ.
Cùng với đó, lực lượng công an phối hợp sát với các địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình có người thân ở nước ngoài, nếu buộc phải về nước, khai báo y tế đầy đủ và thực hiện cách ly nghiêm túc; yêu cầu người dân báo cho chính quyền địa phương khi phát hiên người trở về từ nước ngoài.
Báo cáo về nguyện vọng về nước của người dân Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, bên cạnh một số trường hợp có nguyện vọng về quê đón Tết Nguyên đán, nhiều trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh kéo dài như lao động hết hạn hợp đồng, người bị mắc kẹt, người đi chữa bệnh cũng có nguyện vọng trở về quê hương…
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho rằng, việc đưa công dân trở về nước được phải dựa trên cơ sở đánh giá và đảm bảo đúng năng lực cách ly trong nước, đặc biệt, trước sự xuất hiện của biến thể mới của SARS-CoV-2.
Do đó, các ý kiến thống nhất sẽ báo cáo cấp thẩm quyền quyết định, trước mắt, động viên bà con tuân thủ quy định phòng chống dịch, pháp luật nước sở tại; đồng thời, sẽ đề xuất cơ chế tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Về vấn đề nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vắc xin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế. Tương tự các quốc gia khác, Việt Nam sẽ xác định đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Cùng với đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm vắc xin trong nước.
Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất cơ chế phù hợp về việc sản xuất, cung cấp vắc xin khi vắc xin ở trong nước được thử nghiệm thành công.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở trường học, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng… trên cả nước. Các bộ, ngành, địa phương tích cực tự đánh giá và cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (tại địa chỉ www.antoancovid.vn).
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các ý kiến cho rằng, nhiều địa phương chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ nên tiến độ thực hiện còn chậm. Do đó, trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2021 cận kề, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương trên cả nước. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương”.
Cảnh báo nguy cơ thương tích từ việc tự chế pháo nổ
Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, số người bị thương tích do tự chế pháo nổ lại xuất hiện càng nhiều. Đáng lo ngại là hiện nay chỉ cần lên mạng Internet, mọi người đều có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn cách làm pháo tự chế, thậm chí, các loại hoá chất để chế tạo pháo cũng được rao bán công khai trên mạng…
Từ 15 đến 20/1, tại nhiều địa phương trên cả nước như: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… liên tiếp xảy ra các trường hợp bị thương tích nặng do tự chế pháo nổ…
Tại Thanh Hoá, mặc dù từ cuối năm 2020 đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhập viện do tự chế pháo nổ, tuy nhiên theo nhận định của các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thông thường, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán lại xuất hiện các bệnh nhân bị thương tích do pháo nổ, trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng. Điển hình như cuối năm 2019, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân 13 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn bị dập nát bàn tay và tổn thương nhiều bộ phận trên cơ thể sau khi mua 50 hộp diêm về học chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng Internet.
Ngày 18/1, Đội chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã đột kích, kiểm tra, phát hiện và bắt giữ xưởng sản xuất pháo nổ qui mô nhỏ của đối tượng Lê Hữu Thiện, SN 1999, ở xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn. Trước đó, sáng 18-1, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt quả tang Lê Hữu Thiện đang vận chuyển 152 quả pháo cối có trọng lượng 1,5kg đi tiêu thụ.
Qua đấu tranh, Thiện khai số pháo nói trên do Thiện tự sản xuất tại nhà riêng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Hữu Thiện tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, lực lượng Công an đã thu giữ: 0,1kg thuốc pháo, dây ngòi, keo, bột lưu huỳnh… và các dụng cụ dùng để sản xuất pháo nổ. Thiện khai nhận đã mua thuốc pháo về và sản xuất pháo rồi đem lên thành phố Thanh Hóa bán lẻ.
Thạc sỹ, bác sĩ Lưu Đức Thọ, Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: Những tổn thương do pháo nổ gây nên gồm: thứ nhất là tổn thương vào mắt, có thể gây bỏng mắt; tổn thương ở vị trí bàn tay do trẻ chế tạo pháo thì bàn tay trực tiếp tiếp xúc với quả pháo nên khi phát nổ thì nơi tiếp xúc chính là bàn tay, có những trường hợp tổn thương, phải cắt bỏ bàn tay; tổn thương nữa là bỏng do nhiệt lượng của quả pháo gây ra.
Hiện nay thông qua mạng Internet, không khó để mọi người có thể tìm kiếm cách thức hướng dẫn làm pháo nổ. Trong khi với nhiều người, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, do tâm lý tò mò, thích khám phá, cùng sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nên đã lên mạng xã hội để mày mò học cách làm pháo nổ.
Do đó, để ngăn ngừa tình trạng tự chế tạo pháo và sử dụng pháo nổ trái phép, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh về những nguy hại của pháo nổ.
Bà Đoàn Thị Ân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung cho biết: Trường THPT Hoàng Lệ Kha đã phối hợp chặt chẽ với Công an trên địa bàn và với phụ huynh để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về việc phòng chống pháo nổ và vật liệu cháy trong dịp trước, trong và sau Tết. Từ đó nâng cao ý thức cho các em, đặc biệt là không tự ý mày mò chế pháo nổ.
Còn theo Trung tá Trương Văn Hoàng, Trưởng Công an phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá: Để quản lý và ngăn chặn tình trạng làm pháo tự chế và sử dụng pháo tự chế gây nguy hiểm trong học sinh thì lực lượng Công an phường đã tham mưu cho trường học tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, đặc biệt Công an phường đã phân công cho Chi đoàn thanh niên đến để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các cháu thực hiện tốt các quy định của pháp luật cũng như kiên quyết không nổ pháo, tự chế các loại pháo.
Các bác sĩ cũng cảnh báo: Tai nạn do pháo nổ gây ra thường là những chấn thương rất nặng. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời từ trò “nghịch dại” này. Vậy nên bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng thì chính các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục con em để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo, nổ pháo, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang gần kề như hiện nay. (Công an Nhân dân, trang 5).
Thanh Huyền tổng hợp