Điểm báo ngày 11/1/2022

(CDC Hà Nam)
TPHCM: Triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe “hậu Covid-19”; Hà Nội: Số ca F0 nặng, nguy kịch tăng; Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh; Chăm sóc, phục hồi cho người mắc các bệnh hậu Covid-19; Lạm dụng rượu, bia: Hệ lụy khôn lường

TPHCM: Triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe “hậu Covid-19”

Chiều 10-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải,kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Khoảng 7.500 học sinh cấp tiểu học chuyển trường về quê

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 9-1, TPHCM ghi nhận có 508.502 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 507.851 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 651 trường hợp nhập cảnh. Hiện TPHCM đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó, 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9-1, 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong. Tính đến nay, TPHCM đã tiêm hơn 421.000 mũi vaccine bổ sung và hơn 2,55 triệu mũi vaccine nhắc lại.

Thông tin về kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh trên địa bàn TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay, việc học trực tiếp đang tổ chức cho học sinh từ lớp 7 trở lên. Từ ngày 4-1, các trung tâm ngoại ngữ, tin học… ngoài giờ chính khóa cũng được học trực tiếp.

“Đối tượng được đi học trực tiếp phải theo chỉ đạo của UBND TPHCM chứ không phải vùng xanh là được đi học. Hiện Sở đang tham mưu lãnh đạo TPHCM và yêu cầu các cơ sở giáo dục sẵn sàng tinh thần đón học sinh đi học trực tiếp trở lại”, ông Trịnh Duy Trọng nhấn mạnh, và cho biết hiện có khoảng 7.500 học sinh ở cấp tiểu học (hiện chưa được đến trường) thực hiện hồ sơ chuyển trường (chiếm 1,1%), việc chuyển trường thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TPHCM sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, sau Tết, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí… để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Sở chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn kết nối, giới thiệu lực lượng lao động địa phương, lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại TPHCM làm việc với doanh nghiệp ngay sau Tết.

Hiện UBND TPHCM đã có kế hoạch gửi các đơn vị hướng dẫn tổ chức kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần đối với người lao động. Đối tượng chăm lo Tết có 23 diện được quan tâm, với tổng kinh phí là hơn 901 tỷ đồng.

Hoàn thành phủ vaccine mũi 3 trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện tiến độ tiêm mũi 3 trên địa bàn diễn ra rất tốt, tuy nhiên vẫn chưa có quận huyện nào hoàn thành 100%. Theo thống kê, có một số quận, huyện đạt 90% tiến độ. Nếu duy trì 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, TPHCM sẽ hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin, hiện ngoài 310 trạm y tế cơ bản, thành phố lập thêm 391 trạm y tế lưu động. Số trạm y tế lưu động tùy thuộc vào số F0 đang điều trị tại nhà. Từ trước tới nay, các tổ quân y đã đảm trách 168 trạm với 406 người, tăng giảm tùy giai đoạn.

“Sau khi lực lượng này rút đi, các trạm y tế này vẫn duy trì. Nguyên nhân không phải do F0 tăng mà để ứng phó với biến thể Omicron, thành phố sẽ không bị động trong phòng chống dịch. Sau khi quân y rút đi, nguồn này được bổ sung bằng lực lượng bác sĩ mới ra trường”, bà Huỳnh Mai thông tin.

Trước thông tin thành phố đã ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19, bà Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế và TPHCM đều quan tâm tới nhóm này. Thành phố đang tiến hành tiêm vaccine cho các nhóm này. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngay sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm vaccine mũi bổ sung.

Bên cạnh đó, các bệnh viện đã có phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất. Riêng một số bệnh viện lớn tại TPHCM đã thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 như: Bệnh viện Nhi đồng 1 khám trẻ em; người lớn có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Viện Y học cổ truyền… Ngoài ra, mới đây, Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y dược TPHCM đã xây dựng sổ tay Cẩm nang phục hồi sau Covid-19 nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đông Y TPHCM cho biết, nhằm đánh giá mức độ hồi phục, đồng thời phát hiện ra các bệnh lý để kịp thời ngăn chặn các di chứng “hậu Covid-19”, Hội Đông Y TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu Covid-19, với chủ đề “Sức khỏe nhân dân – nụ cười thầy thuốc”, tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM (số 273 – 275, Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận).

Chương trình sẽ khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý miễn phí cho 12.000 người (6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi và 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn).

“Lễ phát động chương trình dự kiến sẽ được diễn ra từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 30 ngày 16-1 tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM và được tổ chức qua 2 giai đoạn: chăm sóc sức khỏe, tặng quà cho người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi trên địa bàn TPHCM từ 16-1 đến 27-2 và chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn hậu Covid-19 từ 1-3 đến 29-4”, ông Huỳnh Nguyễn Lộc thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hà Nội: Số ca F0 nặng, nguy kịch tăng

Ngày 10/1, Hà Nội ghi nhận hơn 2.800 ca mắc COVID-19, tiếp tục đứng đầu cả nước. Đáng chú ý, ngày 9/1 có tới 17 trường hợp tử vong do COVID-19, số ca chết cao nhất từ khi dịch xuất hiện tại Thủ đô. Các chuyên gia y tế cho rằng không nên đếm số ca mắc mà tập trung phân tích nguyên nhân ca nặng, tử vong để tìm giải pháp giảm.

Thống kê của Bộ Y tế, hiện có 450 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng hơn 40 ca so với 2 ngày trước (ngày 8/1). Trong các bệnh nhân nặng, nguy kịch có gần 400 ca thở ô xy qua mặt nạ, gọng kính (tăng 24%), số còn lại là bệnh nhân thở máy, lọc máu và đặt ECMO (hệ thống tim phổi ngoài màng cơ thể).

Tính đến hết ngày 9/1, toàn thành phố có hơn 46.600 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị và cách li. Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị cho gần 3.000 bệnh nhân ở tầng 2 và 3. Hiện có hơn 43.300 F0 thuộc tầng 1, chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội. Từ 29/4 đến nay, Hà Nội có 260 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc tăng từ 0,3% lên 0,4%.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết hiện có khoảng 200 bệnh nhân điều trị tại đây. Trong đó hơn 1 nửa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải can thiệp ECMO, thở máy, HFNC, ô xy mask/gọng kính…

“Tổn thương nặng nhất trong COVID-19 là tổn thương phổi, hô hấp, đòi hỏi nhiều thời gian phục hồi của cơ thể, có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của bệnh nhân. Thậm chí, những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, không còn khoảng lành rất khó hồi phục”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết.

Ngoài ra có những tổn thương khác như bệnh nhân nằm hồi sức lâu sẽ bị yếu cơ do bệnh lí hồi sức, dùng thuốc, thở máy, bị loét, tì đè. Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông máu, sự tương tác với bệnh lí nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.

Tập trung phân tích số ca nặng và tử vong

Phân tích về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định: “Hiện chưa phải là đỉnh dịch vì số ca mắc tại Thủ đô sẽ còn tăng từ giờ đến Tết Nguyên đán do chủng Delta lây nhiễm nhanh, chưa kể biến thể mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh đã được ghi nhận tại nước ta.

Thêm nữa dịch đã lan rộng ở cộng đồng, gần tết người dân giao thương, đi lại nhiều sẽ gia tăng F0. Dự kiến đỉnh dịch sẽ đến vào sau Tết Nguyên đán. Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, tăng cao như thế nào, nên tập trung vào số ca nặng, ca tử vong. Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”.

Theo PGS.TS Hùng, ngành y tế Hà Nội cần phân tích các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vắc xin hay chưa và phân tích nguyên nhân tử vong. Trong đó phải nêu rõ nguyên nhân tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong.

Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho rằng nên tập trung vào số ca nặng, ca có nguy cơ chuyển nặng thay vì việc quan tâm ca nhiễm tăng từng ngày. Trong đó cần phát hiện sớm các ca nguy cơ để đưa vào bệnh viện điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.

Về vấn đề cách li và điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất, Hà Nội nên mở rộng cách li, điều trị tại nhà đối với F1 và F0, mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách li.

Theo TS. Hải, với những F0 nên cho ở nhà, người thân có thể chăm sóc, theo dõi sát, phát hiện nguy cơ trở nặng. “Nếu đưa đến các cơ sở thu dung sẽ là gánh nặng cho ngành y tế, nhân viên quá tải. Chúng ta hoàn toàn có thể cho người bệnh ở nhà tùy theo triệu chứng của người bệnh”, TS. Hải nói. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng Hà Nội nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời (Tiền phong, trang 15).

 

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh

Dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố với số ca mắc mới tăng cao. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và hệ thống y tế trên cả nước tích cực vào cuộc nhằm kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên đã và đang xuất hiện biểu hiện lơ là, chủ quan của không ít người dân. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của những cá nhân đó có thể khiến cuộc chiến chống Covid-19 sẽ càng thêm khó khăn, sức khỏe và tính mạng của mọi người tiếp tục bị đe dọa.

Liên quan đến tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, sáng 5/1/2022, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó nêu rõ: đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Nước ta cũng đang rất tích cực đặt mua vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm. Với kết quả đạt được, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ phủ vắc-xin ở mức cao và vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới.

Có thể thấy, đạt được thành tích ấn tượng này là nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong việc huy động tìm kiếm vắc-xin từ các nguồn khác nhau ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát. Tiêu biểu phải kể đến là chính sách ngoại giao vắc-xin; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động sự chung tay của cả cộng đồng; tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để chủ động sản xuất vắc-xin trong nước… Nhờ vậy, Việt Nam có đủ nguồn cung vắc-xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho cả cộng đồng, chú trọng ưu tiên nhóm đối tượng có nguy cơ cao với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy so với mục tiêu đặt ra ban đầu là hết quý I năm 2022 Việt Nam hoàn thành 2 mũi tiêm phòng Covid-19 cho người trưởng thành thì đến nay, nhiều địa phương không những đã hoàn thành trước thời hạn mà còn vượt kế hoạch khi việc tiêm mũi 3 đang được triển khai trên quy mô lớn. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì vắc-xin phòng bệnh chính là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ nhiễm và lây lan virus gây bệnh, đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng. Thực tế cho thấy người đã tiêm vắc-xin, dù không may mắc Covid-19 thì mức độ ảnh hưởng cũng sẽ nhẹ hơn, nguy cơ tử vong được giảm ở mức thấp, nhất là với những người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Tuy nhiên hiện nay, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhiều người đã nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là, tự tin cơ thể đã miễn dịch, virus không thể tấn công nên không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa y tế, ngay cả khi sinh hoạt hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao; thậm chí chê bai người khác khi thấy họ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K, coi đó là sợ chết! Việc thường xuyên chứng kiến các ca mắc mới được điều trị khỏi bệnh cũng khiến một số người bắt đầu có thái độ khinh nhờn, coi thường bệnh dịch, coi Covid-19 chỉ là một dạng cúm mùa, không có gì đáng sợ, không cần phải ngăn ngừa, đề phòng! Cá biệt có người lại muốn bị mắc bệnh cho xong, vì cho rằng đã mắc bệnh rồi thì rất ít nguy cơ tái nhiễm, bản thân không cần phải lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh nữa. Những nhận thức, suy nghĩ, hành xử thiếu suy nghĩ và tiêu cực như vậy đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Bởi bất luận trong điều kiện nào thì trên thực tế, nếu không tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm đủ hai liều vắc-xin, thậm chí ngay cả khi đã tiêm mũi vắc-xin tăng cường vẫn có thể nhiễm bệnh. Việc thêm người bị mắc Covid-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương, chính quyền cơ sở, bản thân người mắc F0 sẽ gặp không ít phiền toái, bất cập trong sinh hoạt, sức khỏe bị suy giảm. Những nghiên cứu công bố thời gian qua cho thấy, người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm, khi đó hậu quả là rất khó lường. Đối với trường hợp người đã tiêm đủ vắc-xin dù không bị mắc Covid-19, vẫn có thể trở thành trung gian lây bệnh sang người khác, mà cận kề nhất chính là người thân trong gia đình, đồng nghiệp cùng cơ quan, đơn vị.

Từ thực trạng sinh hoạt cộng đồng, không thể không lo ngại trước biểu hiện chủ quan, coi thường dịch bệnh của một bộ phận người dân. Như trong dịp Giáng sinh, đón năm mới 2022 vừa qua, dù đã được cơ quan chức năng khuyến cáo, tại nhiều tỉnh, thành phố có dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người vẫn vô tư ra đường, tụ tập vui chơi, ăn uống tại các điểm công cộng, không thực hiện nguyên tắc 5K. Tại Hà Nội, một số quận, huyện có cấp độ dịch ở mức 3 (mầu cam-nguy cơ cao), việc kinh doanh ăn uống chỉ được phép bán mang về, nhưng một số nhà hàng vẫn lén lút nhận khách. Phổ biến hơn là tình trạng người dân ở vùng dịch cấp độ 3 đổ về các khu vực có cấp độ dịch ở mức độ 2 (mầu vàng-nguy cơ trung bình), mức độ 1 (mầu xanh-có nguy cơ) để sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ, khiến mật độ khách trong nhiều quán cà-phê, nhà hàng luôn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng người bị F0, F1 có dấu hiệu che giấu, trốn tránh khai báo, hoặc khai báo không trung thực, đồng thời vẫn ngang nhiên đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Hậu quả từ sự phát tán dịch bệnh trong cộng đồng của nhóm người này là rất đáng lo ngại.

Hiện nay, cùng với biến thể virus SARS-CoV-2 là Delta thì sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đang tiếp tục đặt ra những thách thức khó khăn cho toàn thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào cuối tháng 11/2021, biến thể Omicron nhanh chóng “thống trị” khu vực này, rồi nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Như tại Anh, nếu ngày 27/11, mới chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên thì chỉ sau nửa tháng, virus Omicron đã trở thành biến thể chính hoành hành tại quốc gia này với mức độ gia tăng số ca nhiễm Omicron tương tự với sự gia tăng nhanh chóng đã từng diễn ra ở Nam Phi trước đó. Đáng chú ý, có tới từ 10%-15% ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh là các ca tái nhiễm. Tại Pháp, cơ quan chức năng thừa nhận, trong làn sóng dịch thứ 5, biến thể Omicron đang thay thế biến thể Delta để trở thành chủng virus lan tràn tại đây với tỷ lệ ca nhiễm Omicron đạt mức 1/3 trên toàn quốc. Còn tại Mỹ, chỉ trong vòng một tháng kể từ khi xuất hiện, quốc gia này ghi nhận số ca mắc biến thể Omicron tăng từ mức dưới 1% lên đến 95% trong số các ca nhiễm mới (tính đến ngày 1/1/2022). Tính riêng trong ngày 3/1, Mỹ ghi nhận kỷ lục hơn 1 triệu ca nhiễm trong vòng 24 giờ, một con số gây choáng váng cho cả thế giới bởi từ trước đến nay chưa từng có quốc gia nào ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao đến như vậy. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, thực tế là Omicron có thể đã lan đến hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều quốc gia lập tức áp dụng lệnh phong tỏa cũng như các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự phát tán của chủng virus mới. Tại các nước như Pháp, Cyprus, Áo,… đã ban bố lệnh thắt chặt việc đi lại để hạn chế nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Thủ đô Paris của Pháp hủy kế hoạch bắn pháo hoa mừng năm mới, còn Đan Mạch thì đóng cửa tất cả rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng. Tại Hà Lan, ngày 18/12/2021, Thủ tướng Mark Rutte đã ban bố lệnh tái phong tỏa toàn quốc để kiểm soát tốc độ lây lan của Omicron. Theo đó, kể từ ngày 19/12, tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng và những cửa hàng không thiết yếu trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa đến ngày 14/1/2022. Các gia đình chỉ được phép tiếp đón tối đa hai khách, ngoại trừ dịp Giáng sinh và năm mới. Còn tại Mỹ, riêng vào dịp Giáng sinh vừa qua, quốc gia này đã hủy 900 chuyến bay. Hành động quyết liệt của chính quyền Mỹ cũng được nhiều quốc gia áp dụng. Theo thống kê của FlightAware (một công ty dịch vụ dữ liệu và phần mềm hàng không toàn cầu có trụ sở tại Houston, Texas, Mỹ), tính đến ngày 25/12 ghi nhận 5.900 chuyến bay trên toàn thế giới đã bị hủy trong dịp Giáng sinh vì dịch bệnh, cùng hàng nghìn chuyến khác bị hoãn.

Tại Việt Nam, ngày 21/12/2021 chính thức xác nhận ca mắc Omicron đầu tiên là người nhập cảnh về từ Anh. Đến ngày 2/1/2022 bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Những ngày qua, chúng ta tiếp tục tiếp nhận thêm các F0 nhiễm biến thể Omicron đều là người từ nước ngoài nhập cảnh. Hiện việc kiểm soát nguồn lây từ biến thể mới đang được tiến hành chặt chẽ, khoa học, nhờ vậy tạm thời chưa xuất hiện biến thể Omicron trong cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, bởi nhìn từ thực tiễn nhiều nước trên thế giới, việc phải đối mặt với chủng virus mới trong cộng đồng chỉ còn là vấn đề thời gian. Và thời gian ấy sẽ vô cùng giá trị nếu chúng ta biết tận dụng, chủ động chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, điều kiện vật chất, huy động sự vào cuộc và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, cho đến từng tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng tham gia cuộc chiến khó khăn này. Thiếu sự hợp tác, chung sức đồng lòng của người dân, những nỗ lực của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, trước nguy cơ mới của dịch bệnh mỗi người dân cần phát huy tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, những hành vi có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động giao thương quốc tế diễn ra, nguy cơ dịch bệnh ngày càng cao hơn. Các hành vi vi phạm cần bị xử lý nghiêm. Chúng ta tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19, sức khỏe của cộng đồng được bảo đảm, các hoạt động kinh tế-xã hội từng bước được phục hồi (Nhân dân, trang 8).

 

Chăm sóc, phục hồi cho người mắc các bệnh hậu Covid-19

Sở Y tế TP.HCM đang hình thành kế hoạch chăm sóc, phục hồi cho những người mắc các bệnh hậu Covid-19.

Chiều 10.1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn giảm mức nguy cơ và trở thành vùng xanh.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có 391 trạm y tế lưu động, trong đó có 168 trạm do quân y phụ trách với nhân lực khoảng 406 người. Sau khi quân y rút đi thì các trạm y tế lưu động này vẫn duy trì để ứng phó với biến chủng Omicron có thể xảy ra. Nguồn nhân sự sẽ được bổ sung từ các bệnh viện – BV (đáp ứng khoảng 150 trạm y tế lưu động), thứ hai là từ các bác sĩ mới tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngành y tế sẽ tập huấn và có cơ chế phù hợp trong thời gian làm việc ở trạm.

Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM còn nhận được sự hỗ trợ của các trường có khoa chăm sóc sk với khoảng trên 300 người để hỗ trợ cho việc thăm hỏi, chăm sóc F0 tại nhà, chích ngừa, lấy mẫu xét nghiệm. “Hiện lực lượng đang được bố trí tương đối đảm bảo, tùy theo số lượng F0 mà số trạm y tế lưu động tăng lên linh hoạt”, bà Mai nói.

Hiện nhiều người dân ở TP.HCM mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần hậu Covid-19, di chứng tim mạch, phổi. Bà Mai cho hay Sở Y tế đang hình thành kế hoạch chăm sóc, phục hồi cho những người mắc các bệnh hậu Covid-19; ngoài việc khám, điều trị cho bệnh lý cụ thể thì còn chăm sóc về tinh thần. TP.HCM có nhiều BV điều trị bệnh hậu Covid-19 như: BV Nhi đồng 1, BV Bệnh nhiệt đới, BV Y dược học dân tộc, BV Phục hồi chức năng, BV Lê Văn Thịnh, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất…

Liên quan đến các đơn vị mua kit xét nghiệm của Công ty CP CN Việt Á, bà Mai thông tin, đến nay đã xác định có 3 BV mua kit test của Công ty Việt Á, gồm: BV Phạm Ngọc Thạch, BV TP.Thủ Đức và mới nhất là BV Q.Bình Tân. Hiện cơ quan chức năng đang thanh tra và chưa có kết luận. “Khi nào có kết quả thanh tra, Sở Y tế sẽ thông tin cụ thể. Một trong những nguyên tắc của thanh tra, kiểm tra là khi chưa có kết luận thì chưa thông tin”, bà Mai nói.

Về tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến nay chưa có quận, huyện nào hoàn thành 100%, nhiều quận đạt trên 90%. Nếu duy trì công suất tiêm 200.000 mũi/ngày thì sẽ hoàn thành tiêm mũi bổ sung trước Tết Nguyên đán 2022, giúp người dân được bảo vệ sớm hơn.

Liên quan đến chiến dịch bảo vệ người nhóm nguy cơ giai đoạn 2, ông Tâm đánh giá chiến dịch đến nay đã thành công. Nếu như trước đây tỷ lệ tử vong phần lớn rơi vào nhóm nguy cơ như lớn tuổi, bệnh nền thì sau khi rà soát, tiêm vắc xin, chăm sóc tốt hơn thì đến nay số ca tử vong giảm nhiều. Trong năm 2022, TP.HCM tiếp tục chiến dịch này, điểm mới là độ tuổi được hạ thấp xuống nhóm 50 tuổi trở lên, khi đó số người được bảo vệ sẽ nhiều hơn (Thanh niên, trang 5).

 

Lạm dụng rượu, bia: Hệ lụy khôn lường

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán được xem là mùa tất niên với rất nhiều bữa tiệc liên hoan, tổng kết… có uống rượu, bia. Đáng báo động khi nhiều cuộc tiệc ấy bị biến tướng thành buổi nhậu nhẹt, lạm dụng rượu, bia dẫn tới hệ lụy cho đời sống xã hội, thậm chí ngộ độc đe dọa tính mạng…

Di chứng nặng nề

Thời điểm cuối năm, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu, phần lớn rất nặng như hôn mê, tổn thương não, thậm chí có trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, mới đây, trung tâm đã tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 46-72 bị ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol. Khai thác bệnh sử cho thấy, trước đó các bệnh nhân này đã uống rất nhiều rượu không rõ nguồn gốc. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, chụp phim cắt lớp não cho thấy đã tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu, điều trị tích cực theo phác đồ, nhưng 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân nguy kịch tiên lượng xấu và gia đình đang làm thủ tục xin về nhà lo liệu, bệnh nhân còn lại bị ngộ độc nhẹ hơn nhưng cũng gặp các di chứng với não và mù.

Tương tự, dù đã trải qua nhiều ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh nhân N.T. (32 tuổi, ở Hòa Bình) vẫn trong tình trạng rất nguy kịch. Người nhà bệnh nhân T. cho biết, trong bữa tiệc liên hoan cuối năm, anh cùng với một nhóm bạn trong công ty đã uống hết hơn 10 lít rượu khác nhau. Sau bữa nhậu đó, vừa về tới nhà, anh T. thấy mệt, nôn nhiều và lịm đi không biết gì. Anh T. được người thân đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, rượu có chứa methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa. “Khi đến nhập viện, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu đã tổn thương não, ở trong tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo và cho biết thêm, nếu có cứu sống được cũng để lại những di chứng ở não và mắt rất nặng nề.

Nhiều hiểm họa

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, qua các khảo sát, nghiên cứu cho thấy, nước ta đứng thứ 3 khu vực châu Á về tiêu thụ rượu, bia. Đây được xem là những đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay, đặc biệt dịp lễ, tết. Trong những dịp này, lượng rượu, bia được tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.

Theo TS-BS Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM), thành phần chính của rượu là ethanol được chiết xuất, chưng cất từ ngũ cốc. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất lại chiết xuất, chưng cất rượu từ gỗ, do đó thành phần chính sẽ là methanol. Khi methanol vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa cho ra acid formic rất độc hại, gây ra tổn thương cho mắt và não. Khi uống quá nhiều rượu, bia có chứa methanol có thể gây ngộ độc làm xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, co giật, mê sảng, có thể hôn mê và tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, lạm dụng quá nhiều rượu, bia sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các cơ quan trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng như tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần… Đặc biệt, gan là cơ quan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. TS-BS Đoàn Tiến Mỹ cho biết, gan như là nhà máy lọc lớn nhất cơ thể, khoảng 90%-95% rượu, bia khi vào cơ thể được giữ lại gan để xử lý. Ethanol trong rượu sẽ được gan xử lý, chuyển thành nước và carbon dioxide không độc. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Do đó, khi uống rượu, bia thường xuyên, gan không kịp chuyển hóa hết ethanol, lâu ngày dẫn đến xơ gan, tổn thương khoảng cửa của gan, hóa xơ sẹo, giảm lượng máu đến gan, suy chức năng gan.

Các nghiên cứu y khoa cũng cho thấy, ngay sau khi rượu, bia được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan. Tuy nhiên, gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định. Trong khi vào dịp lễ, tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan

và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng, khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/8/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/6/2022

CDC Hà Nam