Nguy cơ tai biến khi lạm dụng thuốc tẩy trắng răng

(CDC Hà Nam)

Dù công nghệ tẩy trắng răng đã được nghiên cứu kỹ và hoàn thiện dần theo thời gian, tuy nhiên, cần lưu ý đến những tác dụng không mong muốn.

 Những năm gần đây, ngành công nghiệp tẩy trắng răng đã có những bước phát triển nhảy vọt nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của xã hội. Những vật liệu mới ra đời cùng những phương thức tẩy trắng hiện đại được áp dụng gần đây đã đem lại những hiệu quả không thể phủ nhận cho những người muốn có hàm răng trắng hơn.

Nhược điểm, tác dụng phụ khi tẩy trắng răng

Trước tiên, nhược điểm được chú ý nhiều nhất của tẩy trắng răng là những tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình tẩy trắng. Phần lớn những tác dụng phụ này là tạm thời, sẽ hết khi quá trình tẩy trắng kết thúc và không phải ai hay hình thức tẩy trắng nào cũng có thể gặp những tác dụng đó, tuy nhiên đây cũng là yếu tố bạn nên cân nhắc tới trước khi quyết đinh tẩy trắng răng.

Tác dụng hóa học của chất tẩy trắng răng dù được dùng ở nồng độ đã được chứng minh là an toàn nhưng vẫn có thể gây những kích thích răng và mô mềm quanh răng, có thể gây đau răng hoặc lợi ở các mức độ khác nhau, làm răng tăng nhạy cảm với nóng, lạnh hay cảm giác nóng rát khi dùng đèn tẩy trắng.

Để ngăn ngừa và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn này, cần thông báo ngay với bác sĩ nếu mình là người nhạy cảm với kích thích hay bất cứ chất hóa học nào.

Trước khi quyết định tẩy trắng, việc thăm khám tỷ mỷ và đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của răng và mô mềm là việc làm bắt buộc để có thể lựa chọn hình thức tẩy trắng an toàn và phù hợp nhất. Vai trò của nha sĩ rất quan trọng trong việc tiên lượng điều trị, cần thông báo cho bệnh nhân tình trạng răng miệng của họ và đưa ra những lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể.

Tác dụng phụ, có thể nói đáng sợ nhất là hiện tượng ngoại tiêu chân răng. Khi có biến chứng này, rất khó có thể hồi phục. Để tránh tai biến này, nha sĩ cần phải khám cẩn thận và chỉ định đúng khi nào nên tẩy, khi nào không và dùng thuốc như thế nào cho hợp lý. Không nên lạm dụng các thuốc tẩy trắng có nồng độ cao và các đèn sinh nhiệt để tẩy trắng vì nguy cơ gây nhạy cảm cũng như các tai biến khác là rất cao.

Nhiều trường hợp, bên cạnh tác dụng tẩy trắng, bề mặt men cũng có hiện tượng mất khoáng nhẹ. Hiện tượng này là hiện tượng có hồi phục, do vậy sau khi tẩy trắng, cần chú ý đến vấn đề tái khoáng hóa, chống nhạy cảm cho răng.

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc tẩy trắng răng có thể đem lại hiệu quả hoàn toàn cho trên 78/100 bệnh nhân, như vậy kết quả tẩy trắng răng không phải lúc nào cũng mỹ mãn cho tất cả các trường hợp. Trong một số trường hợp răng đổi màu nghiêm trọng, tẩy trắng răng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, khi đó, phục hình thẩm mỹ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân dù chi phí có phần cao hơn.

Hãy hỏi nha sĩ một cách kỹ lưỡng về mức độ đổi màu của răng và kết quả có thể thu được sau khi tiển hành tẩy trắng. Việc đánh giá mức độ nhiễm màu răng không phải vấn đề đơn giản bởi nguyên nhân gây đổi màu răng rất đa dạng, nó đòi hỏi nha sĩ phải có hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực cũng như có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa thẩm mỹ.

Việc duy trì kết quả tẩy trắng cũng là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Cách tốt nhất là phải tìm hiểu kỹ và theo đúng chỉ định của bác sĩ khi lựa chọn hình thức tẩy trắng.

Ai cần thận trọng?

Hầu hết mọi người đều có thể tẩy trắng răng, tuy nhiên kết quả tẩy trắng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nhiễm màu răng. Một số trường hợp cần trì hoãn hoặc thận trọng khi điều trị.

Các trường hợp thuận lợi: Nhiễm màu ngoại lai do thực phẩm, răng có màu vàng, thường đáp ứng tốt với các phương pháp tẩy trắng đơn giản.

Các trường hợp tẩy trắng ít hiệu quả: Nhiễm màu tetracycline độ 3, 4, nhiễm màu fluorosis. Trong nhiễm màu tetracycline có thể chia 4 mức độ: vàng, nâu, xám, tím, khi răng có màu xám, tím thì tẩy trắng ít hiệu quả.

Các trường hợp thận trọng khi tẩy trắng: Bệnh nhân dị ứng với thuốc tẩy, ngừng ngay liệu trình. Phụ nữ mang thai và cho con bú. Trẻ em dưới 16 tuổi không được tẩy trắng do dễ kích ứng tủy. Viêm lợi, hở cổ – chân răng, mòn răng cơ học lộ ngà răng.

Theo Suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

Covid-19 đã ổn, vì sao cần tiêm vaccine mũi 4?

CDC Hà Nam

Phòng bệnh dại – Căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại

CDC Hà Nam

Những sai lầm người bị đái tháo đường hay mắc phải

Mậu Ngọ

Để lại bình luận