THỰC HIỆN VÙNG PHONG TỎA CÁCH LY Y TẾ

(CDC Hà Nam)

BBT. Ngay khi xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã về làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Cùng đi với Đoàn, có một số đồng chí lãnh đạo các cục, vụ, viện về thị sát, chỉ đạo và hướng dẫn những biện pháp phòng, chống dịch. Để các cơ sở y tế và địa phương tham khảo, cdchanam.vn trân trọng giới thiệu bài viết hướng dẫn thực hiện vùng phong tỏa, cách ly y tế của PGS,TS Trần Như Dương – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sau khi đã được PGS truyền đạt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 29/4 và trực tiếp cho cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vào đêm 29/4/2021.                       

Nguyên tắc: Phải thực hiện quyết liệt và triệt để theo “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19” theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Bộ Y tế.

MỤC TIÊU: Có 2 mục tiêu rất rõ ràng và rất quan trọng cần phải đạt được khi thực hiện vùng phong tỏa cách ly y tế.

  1. MỤC TIÊU 1: Ở vòng ngoài: Phong tỏa, cô lập toàn bộ vùng dịch, khóa chặt không cho nguồn bệnh thoát ra ngoài và không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.
  2. MỤC TIÊU 2: Ở bên trong vùng phong tỏa: Dập dịch triệt để nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và triệt tiêu nguồn lây nhiễm trong ổ dịch (dập tắt ổ dịch)

Để đạt được 2 mục tiêu quan trọng này, cần:

Đối với mục tiêu 1: Các lực lượng vòng ngoài đặc biệt là các chốt kiểm soát, lực lượng an ninh phải đảm bảo nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập và nếu làm chặt chẽ được việc này thì nguồn bệnh sẽ được khóa chặt.

Đối với mục tiêu 2:

-. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly tại từng hộ gia đình với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; người cách ly với người: yêu cầu tất cả mọi người dân ở tại nhà, không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến nhà ai và không cho ai vào nhà mình với phương châm: mọi nhà “cửa đóng, then cài”. Có thể thực hiện cấp thẻ ra ngoài với hộ gia đình. Mỗi gia đình chỉ được 1 người ra ngoài để mua nhu yếu phẩm với tần xuất 2 ngày ra ngoài một lần. Mục đích của việc cách ly tại từng hộ gia đình là nhằm cho dịch bệnh không thể lây lan trong vùng dịch. Cho dù có nguồn bệnh đã xâm nhập vào các hộ gia đình thì nguồn lây cũng sẽ được cô lập ngay tại từng hộ gia đình mà không có bất kỳ cơ hội nào lây lan ra bên ngoài và lây sang các gia đình khác.

– Tổ chức giám sát toàn diện, triệt để người bị sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, hiệu thuốc không được bỏ sót bất cứ người nào để lấy mẫu xét nghiệm triệt để (nhặt sạn, nhặt thóc cho bằng hết). Những ngày đầu cho tổng rà soát, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả người bị sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng.

– Tuyên truyền liên tục cho người dân mục đích, ý nghĩa của việc cách ly chống dịch. Tuyên truyền về trách nhiệm công dân trong việc phải tuân thủ và tham gia phòng chống dịch (bài tuyên truyền kèm theo).

– Tổ chức lực lượng kiểm soát (công an, dân quân và các lực lượng tình nguyện khác) tuần tra, giám sát, cưỡng chế đảm bảo việc tuân thủ cách ly tại nhà; Có chế tài xử phạt thật nghiêm hộ gia đình/người không chấp hành cách ly để răn đe và đảm bảo việc chấp hành của người dân trong vùng phong tỏa cách ly y tế.

– Thành lập ngay các tổ Covid cộng đồng. Mỗi tổ Covid cộng đồng gồm 2-3 người nên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ. Hàng ngày các tổ đi từng ngõ, gõ từng nhà để thực hiện:

1) Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình

Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, đau họng, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Không được giấu bệnh.

2) Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp … để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

3) Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

4) Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.

5) Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường phân công

Các thành viên tổ Covid cộng đồng khi làm nhiệm vụ phải luôn đeo khẩu trang; sử dụng nước sát trùng tay; tấm che mặt (nếu có). Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ Covid cộng đồng không vào bên trong nhà dân; chỉ cần gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu trên 2 mét khi giao tiếp với người trong hộ gia đình để đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm.

Chỉ khi nào người dân hiểu, người dân đồng thuận, người dân chung sức, chung lòng để chống dịch thì việc chống dịch mới thành công đươc.

CÁC BIỆN PHÁP, CÁC HƯỚNG DẪN ĐỀU ĐÃ CÓ. VẤN ĐỀ LÀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHẢI VỚI TINH THẦN QUYẾT LIỆT VÀ SỰ NGHIÊM KHẮC CỦA TẤT CẢ.

                                        PGS.TS Trần Như Dương

                                   Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Bài viết liên quan

Yêu cầu báo giá thuê xe ô tô

Mậu Ngọ

Tập huấn triển khai Chương trình Sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2018

admin

Trẻ em nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Ngọc Nga

Để lại bình luận