Những bước chân lặng thầm nơi tâm dịch

(CDC Hà Nam)

         Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 “như chống giặc” đầy cam go, quyết liệt hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc với Ngành Y tế để chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh. Những người lính xông pha tuyến đầu không chỉ là các bác sĩ điều trị vất vả thay nhau cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19, đến mỗi cán bộ y tế làm công tác xét nghiệm. Đồng hành với họ, còn có những cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để điều tra dịch tễ. Họ thực sự là những “chiến binh” thầm lặng, luôn có mặt từng phút giây ngày đêm trên trận tuyến truy vết F thần tốc khoanh vùng, dập dịch COVID-19.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đi điều tra dịch tễ tại thôn Thọ Lão – xã Đạo Lý – huyện Lý Nhân

Những ngày quên ăn

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhận định tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến xấu, Ngành Y tế tỉnh đã sớm dự báo về nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Không lâu sau đó, đội ngũ cán bộ y tế đã nhanh chóng nắm bắt thông tin đầu tiên về trường hợp dương tính với SARS-COV-2 là bệnh nhân NVĐ (mã số 2899) quê tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân nhập cảnh từ Nhật về Việt Nam và hết cách ly tập trung về địa phương. Toàn ngành lập tức vào cuộc, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch đã được duy trì và chuẩn bị sẵn sàng từ trước, đưa toàn bộ hệ thống vào trạng thái hoạt động cao độ; quyết liệt hành động, nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch và các yếu tố nguy cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam, chưa bao giờ các cán bộ trong đội truy vết F lại phải căng mình chống dịch COVID-19 quyết liệt như những ngày đầu tháng 5 này. Ngày thường đã cực, dịch bùng phát, bước chân của họ càng vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong từng ngóc ngách, ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch. Ngoài điều tra dịch tễ, họ còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh tại nhà cho người dân, đó là nhiệm vụ “kép” vô cùng gian nan. Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch COVID-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch. Do đó, những người làm công tác truy vết dịch tễ là những “người gác cổng”,  giữ vai trò cực kỳ quan trọng chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.

Là người đi chống dịch xuyên suốt qua nhiều mùa dịch đến giờ, thạc sỹ Nguyễn Hữu Tuấn hiểu rõ nhất những khó khăn những nhọc nhằn của người đi điều tra dịch tễ. Anh tâm sự, đã có lúc tưởng như bất lực vì một số người dân không hợp tác; Người không nhớ đầy đủ lịch trình di chuyển, có người thì cố tình che giấu, khổ nhất là gặp phải người dân mắc bệnh tâm thần… Khó khăn là thế nhưng với sự nhanh nhạy, khéo léo nhiệt tình, nhờ sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng chức năng đã giúp cho những người làm công tác truy vết, nắm bắt được lịch trình di chuyển và tiếp xúc của từng đối tượng một cách nhanh chóng rõ ràng và kịp thời nhất.

Cán bộ y tế điều tra, nắm bắt các trường hợp có yếu tố dịch tễ để phòng chống dịch bệnh Covid-19

Với thạc sĩ Tuấn, việc điều tra ca bệnh ở đợt dịch lần thứ 4 này không còn gặp quá nhiều khó khăn như trước, phần vì đã có kinh nghiệm, phần vì người dân đã có ý thức hơn. Theo anh Tuấn, người dân giờ đây đã chủ động khai báo y tế, hợp tác nên đã thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều. Hơn nữa, tổ truy vết dịch được sự phối hợp của lực lượng công an cùng tham gia nên kết quả F1, F2 có rất nhanh sau khi phát hiện ca nghi ngờ bệnh.

Còn đối với bác sĩ Vũ Thị Lan, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS được phân công là đội trưởng Đội đáp ứng nhanh số 2 cho biết: Một bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch thì việc buông bát cơm ăn dở để đi thực hiện nhiệm vụ điều tra truy vết đã không còn xa lạ với chị và các đồng nghiệp. Bởi chỉ tính trong chục ngày qua, trên địa bàn tỉnh có tới 18 ca bệnh dương tính với Covid -19 được phát hiện, nhiều nơi phải phong tỏa, cách ly y tế… vì vậy, chị cùng đồng nghiệp phải làm việc miệt mài không còn quan tâm đến thời gian, chỉ làm cho đến khi hết việc. Chị Lan chia sẻ: “Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm song chúng tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, vì đó là nghề mà chúng tôi đã chọn”.

Bác sĩ Lan nhớ lại, có những đêm chị và các đồng nghiệp làm việc đến 2h sáng không kịp ăn tối, khi bụng đói cồn cào mới nhớ ra suốt quãng thời gian đó mình đã làm việc không nghỉ, không ăn. Làm việc cật lực xuyên đêm bởi số lượng đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân nhiều. Đó là những lần làm việc căng như dây đàn không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần nghe được thông tin ở đâu có ca nghi ngờ mắc bệnh, cần đi truy tìm xác minh F1, F2 là chị lên đường.

Còn dịch bệnh là còn chiến đấu…

Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại các địa phương là quan điểm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, nên đội ngũ cán bộ đều ý thức được trách nhiệm của mình. Mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc để đóng góp công sức quyết đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ vậy, tiến độ điều tra, khoanh vùng các ổ dịch, phát hiện, nắm bắt các trường hợp có yếu tố dịch tễ đạt hiệu quả thần tốc. Qua đó, đã giúp cho việc lấy mẫu, xét nghiệm và cách ly y tế đạt hiệu quả tích cực.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm phòng chống Covid-19 tại hộ gia đình

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Huế – Phụ trách khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), đợt dịch này chúng ta đã tiến hành hiệu quả chiến lược “Truy vết thần tốc và triệt để” với sự tham gia quyết liệt của nhiều lực lượng, đã nhanh chóng xác định được các F1, F2 tổ chức cách ly, ngăn chặn sự lây lan dịch. Đồng thời, chúng ta thực hiện xét nghiệm mở rộng cho nhóm F2 và cả cộng đồng tại các địa điểm được phong toả. Chính vì vậy, đến nay chúng ta cơ bản đang kiểm soát tốt nguồn lây và hạn chế thấp nhất sự lây truyền dịch bệnh tại cộng đồng.

Để thực hiện được chiến lược đó phải huy động một số lực lượng rất lớn, nhiều bộ phận khác nhau của ngành y tế, từ người đi lấy mẫu, điều tra truy vết, các bệnh viện cũng vào cuộc. Nhân viên ở phòng xét nghiệm được huy động tối đa, phòng nhận bệnh phẩm luôn mở cửa để nhận mẫu các nơi đưa về. Tất cả các cán bộ đều đồng lòng chống dịch, dù đã làm ngày nhưng đều nằm trong danh sách trực đêm, không ai than phiền mệt mỏi, tập trung làm việc tối đa để nhanh chóng dập dịch. Truy vết ở đây không chỉ là gặp để hỏi mà khi gặp người tạm gọi là F0, F1 hỏi thông tin mà còn phải điều tra, đánh giá nguy cơ để quyết định các “mốc dịch tễ” để tiếp tục xử lý như thế nào? Sau khi ghi nhận được “mốc dịch tễ” thì sẽ lập danh sách các mốc dịch tễ đó để tiếp tục đi truy tiếp những người tiếp xúc đó họ đã đi tiếp xúc những ai.

Những “chiến binh” thầm lặng, luôn có mặt từng phút giây ngày đêm trên trận tuyến truy vết F thần tốc  khoanh vùng, dập dịch COVID-19.

Khó khăn, phức tạp trong công việc liên quan đến dịch bệnh thì nhiều vô kể, nhưng thực tế nhất là chuyện các cán bộ y tế còn phải đối mặt với rủi ro từ dịch bệnh. Chỉ hơn chục ngày qua, kể từ ngày phát hiện ổ dịch tại huyện Lý Nhân, cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, hiếm hoi lắm mới có cơ hội về nhà nghỉ ngơi nhưng họ đều “không dám đến gần người thân và tự nhốt mình trong phòng”.

Những bước chân không mỏi của đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ điều tra dịch tễ vẫn lặng lẽ mỗi ngày đến những khu vực có nguy cơ cao để làm nhiệm vụ với một quyết tâm cao là còn dịch bệnh là còn chiến đấu. Những hy sinh của các chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống Covid-19 hôm nay thật đáng trân trọng! Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh. Vì vậy, tất cả các lực lượng, cũng như mọi người dân không được phép lơ là, chủ quan và cần chung sức, với những nỗ cao nhất./.

  Mậu Ngọ – Trọng Đoàn

 

Bài viết liên quan

Những nhầm tưởng về phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19

Ngọc Nga

Phòng ngừa nguy cơ đuối nước ở trẻ

Ngọc Nga

Những triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh liên cầu lợn

Mậu Ngọ

Để lại bình luận