Điểm báo ngày 10/5/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng: Dứt khoát xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra dịch bệnh diện rộng do nguyên nhân chủ quan; 92 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; Phát hiện nhanh F0, thần tốc truy vết F1, F2…

Thủ tướng: Dứt khoát xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra dịch bệnh diện rộng do nguyên nhân chủ quan

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Chúng ta không thể lơ là, chậm trễ thêm nữa. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các tỉnh biên giới Tây Nam ngày 9/5.

Báo cáo với Thủ tướng đại diện các bộ ngành Trung ương cho biết, thời gian qua các lực lượng đã phối hợp, duy trì 1.820 tổ chốt với 11.824 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ để kiểm soát trên toàn tuyến biên giới.

Bộ Quốc phòng đã lên phương án tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, mở thêm các khu cách ly tập trung mới chuẩn bị cho với kịch bản 30.000 người nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao triển khai các biện pháp phối hợp với lực lượng phía Campuchia trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát biên giới…

Bộ Công an quyết tâm phòng, chống dịch bệnh ngay trong lực lượng, bảo đảm luôn là lực lượng tuyến đầu; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời chủ trì, điều tra xử lý các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp…

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang,… cho biết, ngay từ khi xảy ra đợt dịch, các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ  đạo phòng, chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế… Theo đó, các địa phương đã đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, bảo đảm an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp…

Lãnh đạo các tỉnh đã kiến nghị Chính phủ một số nội dung liên quan đến vấn đề trao trả người nước ngoài nhập cảnh trái phép đã hết thời gian cách ly; tạo thêm nguồn lực để triển khai hỗ trợ kiều bào tại Campuchia; điều kiện để bảo đảm tổ chức cách ly khi kiều bào từ Campuchia về nước….

Phải dự liệu tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, về tình hình hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt, nhưng áp lực rất lớn. Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá và lý giải: Tuyến biên giới Tây Nam không như phía bắc, “bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới”… các lực lượng chức năng phải căng mình với 500m/chốt kiểm soát nên rất vất vả. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Về kiểm soát, xử lý đối tượng nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…

Bày tỏ nỗi lo về nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải kiểm soát chặt nguồn nhập cảnh. Đặc biệt đối với việc ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, lực lượng quân đội, công an là chủ yếu nhưng hệ thống chính trị đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị cả hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh biên giới cùng vào cuộc để ngăn chặn dịch.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cần phải đánh giá  đúng tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang,… Đồng thời chúng ta cũng phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cơ sở, địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp,… Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để cơ sở thực hiện tốt 5K, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Từng địa phương tùy theo tình hình để thực hiện giãn cách, hạn chế các hoạt động tập trung, vui chơi, giải trí; bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất an toàn, sinh kế cho bà con…

Xây dựng kịch bản cách ly số lượng lớn trong thời gian ngắn

Dẫn ví dụ, tại Hải Dương, trong 1 đêm cách ly cho 3.000 người, nhưng tổ chức không phù hợp dẫn tới “hậu quả xử lý cả tháng chưa xong”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị chỗ cách ly, phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt lo về vấn đề xét nghiệm. Bộ Y tế làm việc với các sở ở các tỉnh biên giới, phải có cơ chế khẩn cấp và mua dự phòng trang thiết bị vật tư y tế…”.

Mặt khác, trong các đợt dịch xảy ra trước đây, nhìn chung các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo đúng nghĩa, do đó chưa có kinh nghiệm ứng phó. Nếu dịch xảy ra trong cộng đồng, ứng phó sẽ lúng túng. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng và báo cáo tỉnh các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất.

Nguy cơ dịch bệnh trên toàn quốc đã hiện hữu

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc tổ chức cuộc họp khẩn ngày 9/5 để tiếp tục có đánh giá phù hợp, đưa ra các giải pháp sát với tình hình và có hiệu quả hơn. Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ ngành tiếp thu ý kiến, kiến nghị của 6 tỉnh biên giới, Quân khu 7, Quân khu 9, các bộ ngành và ý kiến chỉ đạo của 3 Phó Thủ tướng để hoàn thiện phương án chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đến 12h ngày 9/5, nước ta đã ghi nhận tổng số 256 ca nhiễm COVID-19 tại 26 tỉnh, thành. Như vậy, trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí không tuân thủ quy định về hoạt động của “Tổ 5 người” (gồm lãnh đạo 5 bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT); thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc, chưa nói đến tiêu cực có thể xảy ra, nay mai phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm.

Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng, đã trên 20 tỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh”.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bí thư, Chủ tịch các cấp, Thủ tướng yêu cầu: “Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh”.

Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế dẫn tới “bị thủng lưới”.

Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.

Thủ tướng cho biết, vừa qua đã xuất hiện hiện tượng chống phá, xuyên tạc, nói xấu, đưa thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiện, nền tảng thông tin về công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 làm nhân dân hoang mang, dao động… Nhấn mạnh chúng ta phải đề cao cảnh giác, Thủ tướng đề nghị các phương tiện thông tin truyền thông, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

8 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện những tính chất mới hơn, có những đặc thù diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, chúng ta phải nhận định sâu sắc về vấn đề này. Nhưng vừa qua các lực lượng trên tuyến đầu như y tế, quân đội, nhất là Bộ đội Biên phòng, Công an cơ sở đã căng mình chống dịch trên toàn tuyến. Các địa phương có ổ dịch, những nơi xuất hiện tình hình phức tạp, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng nhân dân đã căng mình chống dịch.

Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng yêu cầu “phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”.

Thủ tướng nhận định tình hình rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn chung chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, thì chúng ta sẽ thất bại.

Nêu thực tế vẫn có địa phương còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản phù hợp, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục chỉ ra địa chỉ, con người cụ thể, “lúc này không có nể nang”, “phải kết hợp hài hoà phòng ngự với tấn công, tấn công tốt thì mới phòng ngự, phòng ngự tốt mới đảm bảo tấn công tốt”.

Thủ tướng nhấn mạnh nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước (hiện đã có ca bệnh ở 26 tỉnh thành), thì ảnh hưởng đến ổn định chính trị, sức khoẻ nhân dân, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, việc kết thúc năm học 2020-2021 thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế…

Tiếp tục phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh, đảm bảo “mục tiêu kép”, thực hiện tốt cuộc bầu cử, kết thúc năm học 2020-2021. Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải vào cuộc.

Thứ hai, các địa phương đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu và nhập khẩu qua biên giới…

Thứ tư là phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.

Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan đơn vị  đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, “vừa có tính chất động viên, truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm minh có tính răn đe, có vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo mới có hiệu quả”. Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua kiên quyết xử lý Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện Bình Xuyên do lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Thứ sáu, Bộ Y tế tiếp tục nhập vắc xin, thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vắc xin không để cho các thế lực thù  địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.

Thứ bảy, thường trực cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải tích cực vào cuộc, tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư. “Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc, và người có trách nhiệm cũng phải trả giá”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ  tám, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.

Các bộ ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Toàn dân không lơ là chủ quan, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ

Chúng ta tiếp tục kêu gọi toàn dân không lơ là chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, phải tỉnh táo, sáng suốt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên trì cùng với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị phòng, chống dịch cho tốt. Mỗi người dân vì chính mình cùng là vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh biên giới, bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch hiện nay.

Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu sử dụng công nghệ, vật liệu mới để triển khai nhanh việc xây dựng các khu nhà, bệnh viện dã chiến khi có tình huống.

Một lần nữa Thủ tướng nhắc nhở: “Không hoảng hốt, không lo sợ, hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng, chống dịch” (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Phát hiện nhanh F0, thần tốc truy vết F1, F2
Chủng virus biến thể của Ấn Độ và Anh đã khiến tốc độ lây lan dịch bệnh tại Việt Nam nhanh và mạnh hơn, khi hiện tại đã có 19 tỉnh, thành phố đã có ca bệnh.

Các địa phương ráo riết tập trung truy tìm những người đã đến hai ổ dịch lớn là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K, trong đó nhiều trường hợp phát hiện dương tính.

Hạn chế tối đa gián đoạn điều trị bệnh nhân ung thư

Sau khi phát hiện 11 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K, nhiều tỉnh, thành đang ráo riết truy tìm người đến bệnh viện này.

Đặc biệt, có một số lượng không nhỏ người bệnh điều trị ngoại trú thuê trọ ở gần Bệnh viện K hoang mang không biết đi đâu điều trị tiếp, không biết họ có phải là đối tượng F1 phải xét nghiệm hay không. Một số người đã bắt xe về quê ngay trong ngày 7/5, còn nhiều người ở lại nghe ngóng.

“Tôi đang truyền hóa chất định kỳ ở cơ sở Tân Triều, nay bệnh viện đóng cửa, tôi rất hoang mang, không biết mình điều trị tiếp như thế nào, vì bệnh tình rất cấp bách nên tôi không muốn gián đoạn truyền hóa chất”, chị Phạm Thị M, quê ở Thanh Hóa chia sẻ. Theo chị M, chị định về quê, nhưng cơ quan yêu cầu chị phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới cho đi làm.

Cùng cảnh ngộ như chị M, nhiều bệnh nhân đang rất lo lắng. Bác Hoàng Văn Đ, ở Vĩnh Phúc, điều trị miễn dịch tại Bệnh viện K cho hay: “Bệnh viện đóng cửa tôi rất lo, sắp tới lịch truyền của tôi rồi, nếu phải đi cơ sở khác tôi, không yên tâm bằng ở đây”.

Trước những băn khoăn, lo lắng của hàng trăm bệnh nhân đang điều trị ngoại trú, đại diện Bệnh viện K cho biết, với người bệnh điều trị ngoại trú, các bác sỹ điều trị sẽ liên hệ với người bệnh và trao đổi với cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn, theo dõi, điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa vấn đề gián đoạn trong điều trị cho tất cả người bệnh ung thư.

Còn với người bệnh ngoại trú đến kỳ tái khám, các bác sỹ trao đổi và hướng dẫn người bệnh đi khám tại các cơ sở điều trị ung bướu. Trong những ngày tới, số bệnh nhân ngoại trú sẽ được bệnh viện liên hệ với y tế các địa phương để tiếp tục điều trị.

Những bệnh nhân và người nhà thuê trọ ở gần bệnh viện trong đêm 7/5 và sáng 8/5 đã được lấy mẫu xét nghiệm. Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã lấy 150 mẫu là người bán hàng và người ở khu trọ; 32 hộ dân, 206 phòng trọ thuộc cụm dân cư số 2, tổ dân phố 2, Tân Triều và Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp được phun khử khuẩn.

Huyện Thanh Trì đang thống kê, rà soát các hộ cụm dân cư số 2, người đến thuê trọ điều trị ngoại trú tại Bệnh viện K Tân Triều từ ngày 16/4 đến nay và ký cam kết không ra khỏi nhà khi không cần thiết cho đến khi có yêu cầu. Tại Bệnh viện K, lực lượng chức năng cũng truy vết được 168 trường hợp F1, trong đó cần cách ly tập trung 45 trường hợp.

Theo đại diện Bệnh viện K, ngày 7/5, bệnh viện đã lập danh sách người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện kể từ ngày 16/4 trở lại đây để thông tin cho người bệnh và Sở Y tế, CDC các tỉnh nắm được, truy vết và thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, có rất nhiều địa phương ở miền Bắc có người đến Bệnh viện K khám, chữa bệnh và chăm sóc người ốm trong thời gian 14 ngày qua. Quảng Ninh và Hải Phòng là 2 địa phương khẩn trương tiến hành thông báo, rà soát và xét nghiệm người trên địa bàn đến bệnh viện nói trên.

Ngày 8/5, hai tỉnh này đều phát hiện ca dương tính là người đến chăm người nhà điều trị tại Bệnh viện K. Hai tỉnh đã kích hoạt hệ thống chống dịch, nhanh chóng điều tra dịch tễ, cách ly, khoanh vùng.

Ngày 8/5, Hà Nội cũng ghi nhận 1 ca dương tính liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có địa chỉ ở Dương Nội, Hà Đông, là bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Gan – Mật – Tụy.

Ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đến nay đã liên quan tới 15 tỉnh, trong đó nhiều tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc và trở thành ổ dịch phức tạp như Thái Bình, Hà Nội…

Ngày 8/5, Lạng Sơn phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 ở huyện Hữu Lũng là hai vợ chồng có quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Các ổ dịch tiếp tục có nhiều bệnh nhân

Chỉ 2 ngày ghi nhận ca nhiễm mới là bệnh nhân L.V.C (BN 3092) ở Thường Tín, Hà Nội, nơi đây đã trở thành một ổ dịch của Thủ đô khi có 10 ca mắc. Nguyên nhân là do BN 3092 đi du lịch tại Đà Nẵng, ở cùng khách sạn với 2 chuyên gia Trung Quốc nhiễm COVID-19, nhưng khi về không khai báo y tế.

Khi có triệu chứng sốt, mỏi mệt, ho, người này đã chủ động đi làm xét nghiệm dịch vụ tại BV Medlatec (cơ sở Nghĩa Dũng) và phải tới lần thứ 2 mới phát hiện dương tính. Từ trường hợp này đã có 9 F1 dương tính và hiện còn nhiều F1, F2 trong diện cách ly. Lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo huyện Thường Tín điều tra để xử lý nghiêm trường hợp không khai báo dịch tễ này.

Ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh sáng 8/5 ghi nhận thêm 15 ca mắc mới. Nhiều người ở nhiều địa phương có tiếp xúc với người mắc ở ổ dịch này cũng đã dương tính, đặc biệt tại Hà Nội. Ổ dịch tại quán bar Sunny và Trung tâm sức khỏe Hoa Sen ở Vĩnh Phúc cũng ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, các ca này có lịch sử dịch tễ phức tạp.

Theo đánh giá của Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vấn đề cấp bách là phát hiện nhanh F0, F1, F2 để cách ly, truy vết và tiến hành xét nghiệm đánh giá nguy cơ, tìm được nguồn lây F0 là tốt, để chậm thời gian nào là dịch lan nhanh thời gian đó.

Xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc, cách ly, khoanh vùng thì sẽ nhanh hạn chế lây lan. Tại ổ dịch Hà Nam đã nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng do đã thần tốc trong xét nghiệm, truy vết và cách ly, phong tỏa (Công an nhân dân, trang 4)   

 

92 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Ngày 9/5, Việt Nam ghi nhận 92 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, cao nhất trong 12 ngày qua khi dịch bùng phát. Nhiều nhất là Bắc Giang 31 ca, Đà Nẵng 17 ca, Bắc Ninh 15 ca, Hà Nội 11 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 6 ca, Hưng Yên 2 ca, Hòa Bình 2 ca, Thừa Thiên – Huế 2 ca, Lạng Sơn 2 ca; Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Lắk, Hà Nam mỗi tỉnh ghi nhận 1 ca. Trong 31 ca tại Bắc Giang có 26 ca là F1 của BN 3243 liên quan đến ổ dịch của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. 17 bệnh nhân ở Đà Nẵng đều có liên quan tới dịch vụ Thẩm mỹ viện AMIDA, TP Đà Nẵng. Trong 11 ca mắc ở Hà Nội có 3 ca liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 2 ca Bệnh viện K. Các ca bệnh tại Thừa – Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị đều liên quan đến dịch vụ Thẩm mỹ viện AMIDA tại TP Đà Nẵng.

Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận 333 ca mắc COVID-19 lây nhiễm cộng đồng chỉ trong 12 ngày qua. (Công an nhân dân, trang 4; Nhân dân, trang 8).

 

Việt Nam có nhiều cơ hội nếu bản quyền vaccine Covid-19 được tháo bỏ

Với việc vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng trên toàn cầu, “cuộc chiến” với đại dịch thế kỷ đã chuyển sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, chiến thắng Covid-19 sẽ đến sớm hơn nhiều nếu như bản quyền vaccine ngừa Covid-19 được tháo bỏ, tạo điều kiện cho những nước đủ điều kiện như Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine cho người dân và chia sẻ với các nước khác.

Bất bình đẳng vaccine đang ngăn cản thế giới sớm thoát khỏi đại dịch

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ bắt đầu đàm phán với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để tìm giải pháp với vấn đề này. Liên minh châu Âu (EU) cũng thay đổi quan điểm phản đối việc từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa Covid-19 và cho biết “sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả và thực tế”.

Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 đang là vấn đề thời sự mà thế giới đặc biệt quan tâm bởi tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước. Những con số thống kê cho thấy dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng các quốc gia có thu nhập cao lại sở hữu hơn một nửa số đơn đặt hàng vaccine đã được xác nhận, tương đương khoảng 4,6 tỷ liều, đủ để tiêm chủng cho dân số của họ nhiều lần. Trong khi đó, với số dân gấp đôi các nước giàu nhưng các nước nghèo nhất mới có được nửa số đơn đặt hàng vaccine được xác nhận.

Tình trạng trên đã dẫn tới bức tranh đối nghịch: Trong khi ở Mỹ và Anh, hơn một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, thì con số này chỉ là 1/10 ở Ấn Độ và khoảng 1/100 ở châu Phi. Nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phải lên tiếng kêu gọi các nước giàu nhường bớt vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, chứ không chờ đến khi tiêm xong trong nước rồi mới cho.

Vì phải bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 nên các hãng dược lớn trên thế giới, chủ yếu là của các nước giàu, đều không muốn từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Họ lo ngại việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là “một hành động chưa từng có tiền lệ’ và nó sẽ khiến các hãng dược không còn động lực tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu trong tương lai.

Tuy nhiên, càng để dịch bệnh Covid-19 kéo dài, càng có khả năng xuất hiện những biến chủng mới khó lường hơn của virus SARS-CoV-2. Không ai dám chắc các vaccine ngừa Covid-19 mà thế giới hiện có sẽ có tác dụng với tất cả các biến thể. Khi đó, dù đã tiêm chủng đủ cho người dân của mình nhưng các nước giàu vẫn có thể phải đối mặt với dịch bệnh quay trở lại bởi các biến thể mới xuất hiện ở các nước mà dịch còn đang hoành hành. Thế giới luôn ràng buộc nhau và trong thời đại dịch Covid-19, không ai có thể an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn.

Chính vì thế, trong thời điểm “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn khẩn cấp như hiện nay, sản xuất vaccine không còn là chuyện riêng của các hãng dược hay một quốc gia nào. Đây là vấn đề nhân đạo, liên quan đến tính mạng của con người và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cho sức khỏe toàn cộng đồng. Đối với các nước nghèo, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, bộ xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 sẽ giúp họ có thể tiến hành sản xuất ngay để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của mình, dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt ở từng nước và trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam trong số rất ít các quốc gia đủ năng lực sản xuất vaccine

Với Việt Nam, nếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 được tháo bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn bởi chúng ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Đối với một số loại thuốc thông thường, việc bãi bỏ bản quyền có thể giúp các nước dễ dàng sản xuất. Nhưng bào chế vaccine lại đòi hỏi một quy trình, công nghệ, năng lực sản xuất đặc biệt mà không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng. Chẳng hạn như vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer (Mỹ) cần tới 280 nguyên liệu khác nhau và những thành phần này do 19 quốc gia trên thế giới cung cấp. Cũng không phải nước nào cũng đủ khả năng và nguồn nhân lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA còn khá mới, vốn hầu như không tồn tại trước đại dịch bùng phát.

Nhưng Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Ngay từ năm 2015, Việt Nam đã được WHO chính thức công nhận có hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, cùng với việc nhập vaccine, Việt Nam luôn chủ động với nguồn vaccine nội địa. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cuối tháng 2-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã chỉ đạo phải có vaccine với tinh thần “thần tốc hơn” với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng, làm sao để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ nhân dân. Bộ Y tế đã đặt mục tiêu có vaccine ngừa Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của đất nước trong năm 2021; ngoài ra tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi.

Trên thực tế, chưa đầy một năm, nỗ lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, chúng ta có 3 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, Covivac của Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế. Trong đó, vaccine Nanocovax của Nanogen mang tính khả thi nhất. Bộ Y tế đang chuẩn bị làm nghiệm thu giai đoạn 2 và triển khai giai đoạn 3 của vaccine này để có thể sớm cấp phép sử dụng cho người dân.

Còn trong trường hợp được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine Covid-19 theo kế hoạch mà nhiều nước trên thế giới đang đề nghị, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, từ đó mở cơ hội lớn trong chủ động nguồn vaccine cho người dân và chia sẻ với các quốc gia khác. (An ninh Thủ đô, trang 17).

 

Thực hiện nghiêm việc cách ly y tế, không để dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng

Chiều 9-5, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dẫn đầu đã tới thăm, tặng quà, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhân đang thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và đại biểu một số cơ quan, đơn vị…

Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều đã thực hiện phong tỏa tạm thời do phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 được hơn 2 ngày. Bệnh viện được đánh giá là ổ dịch rất phức tạp. Sau khi phong tỏa, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt phương án bảo đảm an ninh trật tự, thiết lập vùng cách ly, cử 88 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng trực 4 ca mỗi ngày; đồng thời, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bệnh viện.

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trao tặng, hỗ trợ bệnh viện 500 chai nước rửa tay sát khuẩn, 75.000 khẩu trang, 1.000 mũ chắn giọt bắn, 100 thùng phở, 100 thùng sữa, 100 thùng nước khoáng, 50 thùng bánh và 100 triệu đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, những phần quà trên thể hiện tình cảm, sự sát cánh, đồng hành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với các y, bác sĩ và bệnh nhân đang thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều. Đồng chí tin tưởng, mong muốn các y, bác sĩ và bệnh nhân yên tâm cách ly để cùng với thành phố và cả nước sớm chiến thắng dịch Covid-19, từng bước đưa hoạt động của bệnh viện trở lại bình thường.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng hoan nghênh tinh thần chủ động phòng, chống dịch của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều; đồng thời đề nghị lãnh đạo bệnh viện tích cực triển khai xét nghiệm cho tất cả trường hợp liên quan. Trong thời gian cách ly, bệnh viện cần duy trì nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Cùng với đó, cần tích cực động viên cán bộ, nhân viên, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia bầu cử theo đúng hướng dẫn và phương án dự phòng của huyện Thanh Trì. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo thành phố, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng khẳng định, ổ dịch tại bệnh viện hiện đã được khoanh vùng, thực hiện cách ly riêng biệt với các trường hợp F1, F2, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Hiện, bệnh viện đang tích cực triển khai việc xét nghiệm và thực hiện nghiêm các quy định về cách ly y tế, khống chế không để dịch lây lan.

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố trao tặng Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều 100 triệu đồng.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Covid-19 lan nhanh, nhiều nơi thành điểm nóng

Covid-19 lây nhiễm cộng đồng đang lan rộng trên phạm vi 26 tỉnh, thành, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện, diễn biến rất phức tạp với số ca bệnh tăng lên từng ngày.

Thêm 92 ca lây nhiễm cộng đồng

Ngày 9.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 102 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 3.231 – 3.332 tại Việt Nam.

Trong đó, 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại Hà Tĩnh 1 ca, Tiền Giang 2 ca, Vĩnh Long 5 ca, Hà Nội 1 ca và Quảng Trị 1 ca); 92 ca lây nhiễm trong nước, ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở H.Đông Anh (Hà Nội) 6 ca; Đắk Lắk 1 ca; Hà Nam 1 ca, Lạng Sơn 2 ca, Bắc Giang 31 ca, Bắc Ninh 15 ca, Hà Nội 11 ca, Hưng Yên 2 ca, Hòa Bình 2 ca, Đà Nẵng 17 ca, Huế 2 ca, Quảng Nam 1 ca và Quảng Trị 1 ca. Các ca lây nhiễm trong nước liên quan ổ dịch BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV K, ổ dịch tại Đà Nẵng và F1 của các BN đã công bố trước đó.

Tuy nhiên, con số ca nhiễm thực tế ở các địa phương còn cao hơn do Bộ Y tế chưa cấp mã số hoặc chưa kịp cập nhật. Tại Hà Nội, BV K và BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vẫn xuất hiện thêm BN. Ngày 9.5, Hà Nội ghi nhận thêm 11 BN Covid-19 mới, chủ yếu liên quan đến ổ dịch BV K, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và ổ dịch H.Thường Tín. Đáng chú ý, trong số này có 4 học sinh ở H.Gia Lâm, lây từ bạn học ở ổ dịch Mão Điền, H.Thuận Thành (Bắc Ninh). Cả 4 BN đều trú tại xã Kim Sơn, H.Gia Lâm, đều 18 tuổi và cùng học lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc, xã Hòa Mãn, H.Thuận Thành. Chiều 9.5, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 33 ca mắc Covid-19. Ngoài ra, có 38 ca nghi ngờ dương tính. Vĩnh Phúc đang quyết tâm “bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn” bằng cách mở rộng diện xét nghiệm, coi F1 như F0 và coi F2 như F1. Lãnh đạo tỉnh này cho rằng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, dù đáng lo là các ca F0 trong cộng đồng có thể chưa được phát hiện. Bắc Ninh cách ly toàn H.Thuận Thành

Từ 14 giờ ngày 9.5, tỉnh Bắc Ninh đã cách ly y tế toàn bộ H.Thuận Thành, với 17 xã, 1 thị trấn, 108 thôn/khu dân cư, 46.733 hộ, 181.976 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa sẽ tùy theo diễn biến dịch bệnh. Bốn chốt kiểm soát 24/7 đã được lập để đảm bảo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn/khu phố với thôn/khu phố…

Tất cả các hoạt động công cộng, vui chơi, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu tại huyện này đều bị tạm dừng; vận chuyển hành khách công cộng từ Thuận Thành ra ngoài cũng phải dừng, trừ trường hợp đặc biệt…

Đến chiều tối 9.5, tỉnh Bắc Ninh công bố đã ghi nhận 89 ca dương tính Covid-19, tăng 43 ca so với hôm qua. Riêng H.Thuận Thành có tới 77 ca. Theo kế hoạch, hơn 180.000 người dân Thuận Thành sẽ được xét nghiệm tầm soát Covid-19. Bắc Giang lo ngại dịch trong KCN

Chiều 9.5, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã họp khẩn sau khi ghi nhận hàng chục ca dương tính Covid-19, có liên quan trực tiếp đến 2 ổ dịch ở thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn (4 ca), H.Lục Nam và Công ty TNHH Shin Young Việt Nam ở KCN Vân Trung, H.Việt Yên (12 ca)…

Trong số này, đáng chú ý có 8 ca bệnh tại KCN Vân Trung, sau khi phát hiện các ca bệnh này, UBND H.Việt Yên đã lập 8 chốt kiểm soát để ngăn dịch lây lan trong cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng yêu cầu Công ty TNHH Shin Young Việt Nam tạm dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ 3 ngày để truy vết. Tỉnh Bắc Giang đã rà soát được 251 F1 và 241 F2.

Nhiều địa phương dồn sức truy vết

Diễn biến dịch cũng đang rất phức tạp ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.

Tính từ ngày 3.5 (khi phát hiện ca đầu tiên của đợt bùng phát dịch) đến hôm qua 9.5, TP.Đà Nẵng đã có 49 ca dương tính Covid-19, liên quan đến chùm ca bệnh tại bar New Phương Đông và Thẩm mỹ viện quốc tế Amida. Đà Nẵng đã khoanh vùng được 777 F1, lấy mẫu xét nghiệm 783 trường hợp (trong đó 49 trường hợp dương tính), cách ly 914 F2; ghi nhận 34 địa điểm liên quan đến các ca dương tính và các khu vực điểm nóng, phong tỏa cứng 7 khu vực xuất hiện các chùm ca mắc Covid-19…

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chỉ đạo ngành y tế tiếp tục chủ trì phối hợp dồn sức điều tra, truy vết, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm các F1, F2 một cách nhanh nhất. UBND các quận, huyện cũng được yêu cầu thiết lập thêm các khu cách ly, phong tỏa; tổ chức cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm cho các đối tượng liên quan, tránh tình trạng trông chờ sự chỉ đạo hay văn bản của cấp trên(Thanh niên, trang 1).

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 20/4/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận