Điểm báo ngày 06/8/2021

(CDC Hà Nam)

Các y, bác sĩ đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; Dồn sức điều trị, tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh; Hà Nội: Vaccine về tới đâu tiêm ngay cho người dân tới đó; Tìm cách hạn chế F0 tử vong…

Các y, bác sĩ đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc các y bác sĩ, nhân viên y tế nhiều sức khỏe, tiếp tục lan tỏa tinh thần lương y như từ mẫu, phát huy tài năng, năng lực chuyên môn để chăm sóc, chữa trị tốt nhất cho người bệnh. Đồng thời đề nghị các y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Chiều 4/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự buổi gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường cho các tỉnh, thành phố phía nam phòng, chống dịch COVID-19.

Tham dự buổi gặp có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo của Trung ương Đoàn, Hội Nông dân và các y, bác sĩ đại diện cho 2.827 y, bác sĩ của 16 bệnh viện Trung ương sẽ vào miền Nam chống dịch đợt này.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động khi được gặp mặt các y, bác sĩ đại diện cho gần 3.000 nhân viên y tế chuẩn bị lên đường tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch COVID-19 đã xảy ra nhiều đợt, liên tục và ngày càng nguy hiểm hơn, tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới. Ở nước ta, các cơ quan chức năng và các lực lượng tuyến đầu đã căng sức, tập trung cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của nhân dân… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Dồn sức điều trị, tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh

Những ngày này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19. Đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để giành giật lại sự sống của từng bệnh nhân. Tại các điểm tiêm chủng, các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện đang khẩn trương tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho người dân để Thành phố sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Chiều 4/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã thị sát công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Trường THCS Võ Thị Sáu (phường 3, quận Bình Thạnh).

“Không từ chối bất cứ một ai”

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định Nguyễn Văn Dũng cho biết trong đợt dịch lần thứ 4, đơn vị đã nỗ lực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay tại bệnh viện và hỗ trợ các đơn vị khác trên địa bàn Thành phố.

Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai đơn vị cách ly y tế để xử lý các tình huống dịch bệnh. Khi số ca mắc COVID-19 tăng cao, từ ngày  27/7, bệnh viện triển khai giai đoạn 1 gồm 57 giường hồi sức điều trị các ca mắc COVID-19 ở tuyến cuối, bao gồm các kỹ thuật như thở máy, lọc máu… Trước số lượng bệnh nhân tăng cao, chỉ 2 ngày sau, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối.

“Mỗi ngày, khu cấp cứu đều thu dung, tiếp nhận một số trường hợp mắc COVID-19, trong khi đó, mặt bằng bệnh viện hạn hẹp, hoạt động theo mô hình cấp cứu đa khoa, một nửa lực lượng y bác sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa, Bệnh viện Hồi sức COVID-19…”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện sẽ “cố gắng hết mình, làm hết khả năng, công sức để không từ chối bất cứ ai”.

Nói là làm, bệnh viện hiện đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2 để mở rộng, chia tách bệnh viện, nâng công suất điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 lên 400 giường hồi sức tích cực để trước mắt đáp ứng tình hình dịch bệnh. Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định, lực lượng y bác sĩ của bệnh viện sẽ cố gắng hết sức, trong vòng 2 ngày tới mở rộng khu thu dung và điều trị, quyết tâm thực hiện hết khả năng hiện có để cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

“Cứu được bao nhiêu bệnh nhân, chúng tôi phải làm ngay, cố hết sức, theo đúng tinh thần chỉ đạo “tuyệt đối không từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận”, ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.

“Con mời bác đến bàn khám”

Chiều 4/8, tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 đặt ở Trường THCS Võ Thị Sáu, nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên khi thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xuất hiện, chào hỏi và kiểm tra công tác tổ chức tiêm chủng tại đây.

Trong số những người đang chờ tiêm chủng có rất nhiều người cao tuổi. Những hàng ghế nhựa được sắp xếp ngay ngắn, đúng khoảng cách. Nhiều chú, bác được hẹn tiêm vào lúc 3 giờ chiều nhưng đã có mặt từ 1 giờ chiều.

Thời tiết nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng trên tiếng loa phát thanh, chị Nguyễn Thị Cẩm Thy (nhân viên phòng Dược, Bệnh viện Bình Thạnh, quận Bình Thạnh) vẫn mời các bác lớn tuổi đến khám, tiêm bằng chất giọng nhẹ nhàng “con mời bác”, “con mời cô”…

Ngay sau đó, lập tức có nhân viên y tế hỗ trợ người được đọc tên đến khám sàng lọc trước khi tiêm. Chị Cẩm Thy chia sẻ: “Hôm nay hầu hết là các bác đã trên 65 tuổi, nên chúng tôi phải nói to và nhắc lại nhiều lần để các bác biết được số thứ tự hay thông tin của mình. Tôi luôn xác định phải hỗ trợ thật nhiệt tình để các bác được tiêm đúng với tiến độ, nhất là những ai đi lại khó khăn thì mình phải hỗ trợ kịp thời”.

Bác Hà Minh Thông (trên 80 tuổi, ở 93 Nơ Trang Long, phường 11, Quận Bình Thạnh) nhận xét điểm tiêm sắp xếp rất khoa học, trình tự không ùn ứ, đảm bảo giãn cách nên tạo tâm lý yên tâm cho những người lớn tuổi rồi. “Tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Thành phố về việc giãn cách xã hội và phải triệt để đến chừng nào hết dịch. Tôi ở nhà cũng rất tuân thủ, không có việc cần thì không ra ngoài, đi chợ thì theo phiếu đi chợ theo ngày được phát”, bác Hà Minh Thông cho biết.

Còn ông Lê Thành Vũ Hải (phường 12, quận Bình Thạnh) rất cảm động khi được tiêm phòng COVID-19. Sau khi tiêm xong ông Hải cho biết sẽ vẫn tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K.

Giám đốc Bệnh viện Bình Thạnh Trần Trung Đệ cho biết đơn vị được giao phụ trách điểm tiêm chủng ở Trường THCS Võ Thị Sáu, chủ yếu là người cao tuổi có bệnh nền nên công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm dài hơn so với đối tượng khác. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiêm được khoảng 800 người và đang phấn đấu để có thể tiêm hết những người trên 65 tuổi ở quận này trong thời gian sớm nhất…  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hà Nội: Vaccine về tới đâu tiêm ngay cho người dân tới đó

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021. Theo đó, TP quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021. Theo đó, TP quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở… và nghi nhiễm SARS-CoV-2 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao;

Khẩn trương rà soát, bổ sung năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế đạt tiêu chuẩn. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải tập trung triển khai phương án của UBND Thành phố về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn Thành phố với phương châm “vaccine” về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, quy định, an toàn, hiệu quả.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ không để người dân di chuyển khỏi thành phố tới khi hết giãn cách xã hội (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép); thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các công ty, xí nghiệp, nhà máy… đóng trên địa bàn; chỉ cho phép cơ sở sản xuất hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch và phương án phòng, chống dịch đã được được phê duyệt.

Cần triển khai hiệu quả kế hoạch cung ứng hàng hóa; đảm bảo hoạt động của các hệ thống bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; Quản lý, sắp xếp việc mua bán hàng hóa, phân bổ và quy định thời gian hợp lý cho nhân dân mua sắm tại các chợ; Bảo vệ vững chắc địa bàn, rà soát chặt chẽ tình hình dịch tại từng phường, xã, đẩy mạnh xác lập các vùng không có dịch (“vùng xanh”) để tập trung quản lý, không để dịch bệnh xâm nhập.

Chủ tịch UBND TP cũng giao CATP tiếp tục triển khai ra quân kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội; duy trì các chốt kiểm soát 100% phương tiện ra/vào thành phố tại các cửa ngõ lớn, đường nhánh, đường mòn, lối mở, bến đò ngang, bến thủy nội địa.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với CATP kiểm soát tại các chốt dịch 24/24; tổ chức tốt hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19; có phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và triển khai phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá có nhu cầu đi qua và ra vào thành phố.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, mất ổn định thị trường; thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng.

Kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chính sách hỗ trợ. Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân sai phạm, cố tình gây khó khăn, chậm trễ trong triển khai thực hiện… (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

TP. HCM: Bệnh viện quá tải, áp lực đè nặng

“Càng ngày càng có nhiều người mắc COVID-19 cần điều trị, số bệnh chuyển nặng cũng nhiều hơn, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ cơ sở vật chất, trang thiết bị có giới hạn đang tạo ra áp lực rất lớn”, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cho biết tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 5/8.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho thấy, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn có 108.370 trường hợp mắc COVID-19. Hiện các bệnh viện được sở y tế phân công điều trị COVID-19 đang điều trị cho 33.378 trường hợp, trong đó có 2.070 người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp, 1.331 trường hợp nặng (1.277 người phải thở máy) 39 ca lọc máu và 15 ca phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2.105 trường hợp tử vong sau khi mắc COVID-19.

Theo đại diện Sở Y tế, thời gian qua thành phố đã nỗ lực thiết lập và liên tục mở thêm các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi vừa điều trị các bệnh lý thông thường, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 đồng thời mở thêm các bệnh viện điều trị ca bệnh nặng với sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng được thiết lập đến đâu thì bệnh nhân lấp đầy đến đó, hiện nay tầng cao nhất trong hệ thống phục vụ điều trị ca bệnh nặng đã rơi vào quá tải, trong khi số ca bệnh nặng ngày càng nhiều. Sở Y tế TPHCM đang rất nóng ruột và mong muốn các Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bộ Y tế kêu gọi các bệnh viện đầu ngành trên cả nước tiếp ứng sớm đi vào hoạt động để giảm số ca tử vong nhưng đến nay mới có Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đi vào hoạt động với 50 giường ban đầu.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, toàn thành phố hiện có 193 cơ sở cách ly F0, từ tầng thu dung, điều trị COVID-19, thành phố có 55 cơ sở từ bệnh viện dã chiến đến bệnh viện trong và ngoài công lập, trên thực tế các giường bệnh thực kê từ tầng 3 đến tầng 5, nơi điều trị bệnh nặng và nguy kịch, hiện đã đầy công suất.

Không chỉ bệnh viện quá tải, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang khiến cho đời sống của người dân đặc biệt là những người lao động, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo rơi vào cảnh khó khăn. Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sau khi hoàn thành hỗ trợ đợt một, thành phố tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt hai cho người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do dịch COVID-19, dự kiến đợt hỗ trợ này sẽ kéo dài trong 30 ngày. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/người lao động đang gặp khó khăn. Số người lao động dự kiến được hỗ trợ là 334.192 người với kinh phí hơn 501 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.

Thành phố cũng tiến hành hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu phong tỏa… với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/hộ, dự kiến sẽ có 90.585 hộ được hưởng chính sách này. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 390 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và xã hội hóa.

Khó khăn phía trước

Ông Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới, cùng với những phương án đẩy mạnh dập dịch ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, thành phố sẽ tập trung vào việc chăm sóc, điều trị cho các ca nhập viện, điều trị, ngăn chặn nguy cơ tử vong. Hiện nay, ngành y tế đã lên phương án trong thời gian ngắn sẽ chuyển thêm 3 bệnh viện sang điều trị COVID ở tầng thu dung lên tầng điều trị nhằm tăng thêm năng lực khoảng 1.000 giường. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã có 500 giường đi vào hoạt động sẽ khẩn trương mở rộng lên 1.000 giường

Theo ông Phan Văn Mãi, các phương án hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, người dân đang gặp khó khăn sẽ không dừng lại ở một tuần mà có thể phải chuẩn bị cho nhiều tháng. Trong lúc khó khăn này, thành phố mong muốn người dân sẽ chung tay giúp đỡ lẫn nhau, bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ từ các tỉnh, ngân sách và quỹ dự trữ sẽ được tăng cường để mua gạo, thực phẩm tiếp cận với mọi người, mọi nhà với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thiếu đói trong dịch bệnh”.

Ngày 5/8, bác sĩ Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký công văn hỏa tốc gửi đến Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện công lập và ngoài công lập, bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 cùng các Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận huyện, yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại đơn vị. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người; không được yêu cầu người bệnh phải có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận. (Tiền phong, trang 6 ).

 

Tiếp tục ưu tiên cấp vắc xin cho TPHCM và các tỉnh phía Nam

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để tiếp tục ưu tiên cấp tiếp vắc- xin phòng COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Xét đề nghị của UBND TPHCM về việc phân bổ vắc – xin cũng như báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu: Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5256/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021 để tiếp tục ưu tiên cấp tiếp vắc – xin phòng COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Bộ Y tế xây dựng phương án phân bổ đối với các lô vắc – xin tiếp theo, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho ý kiến trước khi phân bổ. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc – xin phòng COVID-19, kịp thời cập nhật tình hình thực hiện cho Bộ Y tế tổng hợp.

Theo văn bản số 5256/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021, để tổ chức tiêm vắc – xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực TP.HCM (và một số địa bàn giáp ranh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng COVID-19 yêu cầu UBND TP.HCM và các tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vắc – xin cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vắc – xin theo kế hoạch tiêm.

Bộ Y tế phân bổ vắc – xin bảo đảm tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 4; Hà Nội mới, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Yêu cầu Bình Dương rút kinh nghiệm việc chậm tiêm vắc xin

Đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương chiều 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý địa phương thực hiện song song 2 việc, đó là đẩy nhanh tiêm vắc-xin và chống dịch bằng cách ly, điều trị, giãn cách nghiêm.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, đợt thứ 4 đến nay địa phương ghi nhận 21.865 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.595 bệnh nhân khỏi bệnh; 136 bệnh nhân tử vong. Bình Dương có 16 khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, tỉnh này vừa huy động, thành lập 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Bình Dương đang huy động nhân lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng, phấn đấu mỗi ngày tiêm cho khoảng 100.000 người.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bình Dương, nơi đây đang bố trí khu cách ly có sức chứa 100.000 người và mở rộng khu điều trị lên 30.000 giường. “Bình Dương bố trí kinh phí hơn 480 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ngoài ra, chi ngân sách riêng của tỉnh để hỗ trợ công nhân thuê trọ 300 ngàn đồng/người với tổng tiền 240 tỷ đồng”- đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, đến ngày 5/8, Bình Dương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Ông đề nghị Bình Dương phải cố gắng giữ vững vùng xanh, tập trung dập dịch vùng đỏ, nhất là khu vực giáp ranh TP.HCM. “Trong vùng đỏ phải thiết lập vùng xanh và cố gắng bảo vệ vững chắc. Đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng cho về nhà cách ly, theo dõi để nhường chỗ cho bệnh nhân triệu chứng. Bình Dương phải trang bị đầy đủ thiết bị y tế, hạn chế tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, đồng thời đề nghị Bình Dương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phải động viên người dân “ai ở đâu ở yên đấy”. Để đạt được việc này, Phó Thủ tướng lưu ý Bình Dương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, điều phối tốt các đoàn hỗ trợ và xử lý nhanh phản ánh của người dân thông qua tổng đài 1022.

Về tiêm chủng phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải rút kinh nghiệm, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo quy định. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Bình Dương triển khai chậm trong tiêm vắc xin. “Phải thực hiện song song cả hai việc, đó là “phòng bằng vắc xin và chống bằng cách ly, điều trị, giãn cách nghiêm” – ông Đam yêu cầu.

Chiều cùng ngày, Thượng tướng Võ Minh Lương – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đến thăm lực lượng phòng, chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao năng lực chuẩn bị cơ sở khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bình Dương. (Tiền phong, trang 6 ).

 

Tìm cách hạn chế F0 tử vong

Số ca bệnh COVID-19 chuyển nặng và tử vong tại TP.HCM những ngày gần đây có xu hướng tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế. Bộ Y tế cùng TP.HCM đang làm mọi cách để hạn chế số người chết do COVID-19.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện số người nhiễm COVID-19 điều trị tại TP.HCM ngày càng tăng, số người chuyển nặng nhiều, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, trang thiết bị hạn chế tạo ra áp lực lớn.

Đến giờ này dù được chi viện nhiều, ngành y tế TP vẫn đang quá tải, việc tiếp nhận bệnh nhân có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp.

Số ca thở máy và tử vong tăng

Từ ngày 20-7 đến 5-8, số ca nhiễm tại TP.HCM từ 34.825 ca lên 108.816 ca, tăng 73.991 ca (trung bình mỗi ngày tăng hơn 4.300 ca). Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân nặng lại có xu hướng tăng trong 9 ngày qua. Ngày 28-7 có 744 người cần thở máy thì ngày 5-8 tăng lên đến 1.316 người.

Số người tử vong do COVID-19 tại TP.HCM cũng có xu hướng tăng. Ngày 20-7 có 23 người chết, nhưng đến ngày 21-7 lại có đến 58 ca, liên tục 6 ngày sau đó số ca tử vong đều hơn 50 người/ngày.

Đến ngày 28-7, số người chết tăng lên 111 ca và từ đó đến nay số người chết hằng ngày luôn ở mức ba con số. Hai ngày gần đây, con số này tăng cao đột biến, ngày 4-8 có 217 người chết, ngày 5-8 có 214 người.

TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – cho biết sau hơn nửa tháng hoạt động đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 825 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Ngoài số bệnh nhân xuất viện và được chuyển xuống điều trị ở tầng nhẹ hơn, có 63 người chết. Bệnh viện đang điều trị cho 498 bệnh nhân, trong đó có 123 người phải thở máy, lọc máu liên tục và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Theo ông Thức, những ngày qua lượng bệnh nhân F0 của TP.HCM vẫn gia tăng, dự đoán khoảng 5-7% trong số này sẽ chuyển nặng và nguy kịch.

Giám đốc một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng (tầng 3) quy mô 500 giường cho biết, lúc nào cũng trong tình trạng kín giường, do đó việc tiếp nhận được bệnh nhân nữa hay không còn tùy thuộc mức độ bệnh lý, “nếu bệnh nhân cấp cứu sẽ ráng cứu”.

“Bên cạnh các ca thở máy không xâm lấn được điều trị hồi phục tốt, có ngày 3-4 ca tử vong, chủ yếu tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền. Gần đây xuất hiện thêm ở nhóm trẻ tuổi bị béo phì” – bác sĩ này nói.

Điều khó khăn nhất của bệnh viện hiện nay, theo vị này, là thiếu máy thở xâm lấn di động dùng khi vận chuyển bệnh nhân nặng đi chụp phim X-quang hoặc CT.

Một bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho biết có tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 khó thở và tự mua máy thở oxy tại nhà, hoặc bệnh nhân cần can thiệp thở oxy lưu lượng cao, thở máy “mắc kẹt” ở tuyến dưới do các bệnh viện hồi sức đang quá tải, thiếu cả nhân lực, vật tư.

Chuyển thẳng thay vì chuyển tuyến

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết để giảm số ca tử vong, tất cả các ca COVID-19 đều phải được tiếp nhận điều trị khi có triệu chứng. Sau đó phân loại, tùy tình trạng bệnh lý có thể chuyển thẳng từ tầng 2 lên tầng 5. Mặt khác, cần phải tăng cường năng lực điều trị (nhân lực và vật lực) của tầng 5 lên một mức độ mới.

“Với 4 bệnh viện hồi sức hiện có, kết hợp với 3 bệnh viện hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương Huế và Việt Đức thiết lập sẽ đi vào hoạt động cuối tuần này, có thể đáp ứng việc điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Các tuyến dưới cũng cần tăng cường năng lực điều trị, khả năng cung cấp oxy, máy thở đơn giản… để giảm bớt các bệnh nhân có triệu chứng. Khi cần phải chuyển thẳng lên tuyến trên kịp thời và các bệnh viện bắt buộc phải tiếp nhận sàng lọc, phân loại, điều trị” – ông Sơn phân tích.

Ngoài ra, ông Sơn hy vọng một số loại thuốc có thể đưa vào điều trị để giảm bớt tải lượng virus cho các ca mắc, tăng cường tốc độ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi và thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách.

“Cần tổ chức lại nhân lực y tế theo dõi điều trị F0 ở phân tầng nhẹ (không triệu chứng), dành nhân lực y tế cho các phân tầng cao hơn. Ngoài đầu tư trang thiết bị y tế, mở thêm bệnh viện điều trị, dù không ai mong muốn nhưng ngành y tế cũng cần phải tính toán đến kịch bản thiết lập hội đồng đánh giá lại, chấp nhận sàng lọc máy thở, nhường máy thở cho những trường hợp có tiên lượng sống cao hơn” – một giám đốc bệnh viện điều trị COVID-19 chia sẻ.

Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, trong 5 tầng điều trị, các tầng 3-4-5 gần như hết công suất. TP.HCM phải tập trung tổ chức, rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh, nhất là sơ cứu và cấp cứu. Đồng thời đảm bảo sự liên thông giữa các tầng điều trị.

“Ví dụ một số bệnh viện không điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể tiếp nhận người bị bệnh khác để các bệnh viện khác chuyển đổi không gian sang điều trị COVID-19” – ông Mãi nói. (Tuổi trẻ, trang 1 ).

 

Lô thuốc kháng virus COVID-19 Remdesivir đầu tiên về đến TP.HCM

Chuyến bay chở lô thuốc kháng virus COVID-19 Remdesivir do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép của Gilead Sciences, Hoa Kỳ đã hạ cánh tại Tân Sơn Nhất tối 5-8.

Lô hàng gồm 5 kiện với trọng lượng 711kg, và hiện lưu tại kho hàng hóa ở Tân Sơn Nhất.

Theo thông tin từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, chuyến bay MH766 của Malaysia vận chuyển lô thuốc từ Mumbai (Ấn Độ) quá cảnh tại Kuala Lumpur (Maylaysia) rồi đến Tân Sơn Nhất vào tối 5-8.

Remdesivir là thuốc kháng virus do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ.

Loại thuốc này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10-2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Ấn Độ sẽ cung cấp 1 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir cho Việt Nam, trong 30 ngày tới. Đây là kết quả làm việc tích cực của “nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin” của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ với các công ty dược phẩm lớn như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila…

Đây là lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên được Tập đoàn Vingroup đưa về TP.HCM để phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp.

Tối ngày 5-8, Tập đoàn Vingroup xác nhận lô thuốc COVID-19 Remdesivir đầu tiên về đến TP.HCM. Do tình hình vận chuyển khó khăn, các lô hàng phải chia thành từng đợt nhỏ, nên thuốc sẽ về liên tục nhiều đợt.

Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ nữa về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng.

Trước đó ngày 2-8, Tập đoàn Vingroup công bố tặng Bộ Y tế 500.000 lọ thuốc điều trị COVID-19.

Như vậy, chưa đầy 1 tuần kể từ khi công bố, Vingroup nhập khẩu được khoảng 100.000 lọ thuốc điều trị COVID-19. Số lượng còn lại sẽ lần lượt được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8-2021.

Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

TP.HCM dồn lực phủ vắc xin

Nhiều nơi tại TP.HCM chủ động khắc phục bất cập trong công tác tiêm chủng với mục tiêu phủ vắc xin toàn TP trong tháng 8. Sáng qua (5.8), chiếc xe tiêm vắc xin lưu động đậu trước hẻm 194 Võ Văn Tần (P.5, Q.3, TP.HCM) để chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân trong khu hẻm bị phong tỏa này.

Tiêm vắc xin tận nhà, khắc phục bất cập

Địa điểm nói trên có 60 hộ gia đình với khoảng 200 nhân khẩu được xếp vào khu vực có nguy cơ cao vì có 11 ca dương tính với Covid-19, gồm 8 ca cách ly tập trung và 3 ca cách ly tại nhà. Những người đủ điều kiện tiêm được lên danh sách từ trước, chờ nhân viên y tế thông báo khi đến lượt. Cơn mưa bất chợt trong lúc tiêm nên cả người dân và nhân viên y tế vừa tiêm vừa tránh mưa nhưng không tập trung đông. Những người dân trên 65 tuổi hoặc dưới 65 tuổi nhưng có bệnh lý nền sẽ được tiêm vắc xin Moderna, còn lại tiêm vắc xin AstraZeneca.

Ông Nguyễn Thiện Tâm (64 tuổi) sống tại hẻm 194 Võ Văn Tần phấn khởi khi được tiêm vắc xin dù đang sống trong khu vực phong tỏa. “Sống trong khu phong tỏa không thể ra ngoài nên nghe có đội tiêm vắc xin lưu động, chúng tôi rất vui và phấn khởi. Tình hình dịch đang phức tạp, tiêm vắc xin tôi thấy yên tâm hơn. Các nhân viên y tế cũng hướng dẫn rất cặn kẽ”, ông Tâm nói. Sau khi tiêm xong, ông Tâm ngồi chờ 20 phút để theo dõi rồi về nhà. Một số người dân lớn tuổi khó khăn trong việc đi lại được nhân viên y tế tới tận nhà tiêm; những người huyết áp cao, thân nhiệt cao thì hoãn tiêm để tiếp tục theo dõi. Ông Dương Minh Hải, Chủ tịch UBND P.5, cho biết quận triển khai tiêm vắc xin lưu động cho người dân trong khu vực này để thu hẹp nguy cơ cao, mở rộng vùng xanh.

TP.HCM đang tổ chức đợt tiêm chủng thứ 6 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8.2021 với mục tiêu 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin, qua đó sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Đợt tiêm này được TP.HCM giao quyền chủ động về cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai. Dù đa số các điểm tiêm đảm bảo yêu cầu giãn cách nhưng vẫn còn một vài điểm tập trung đông người. Như tại điểm tiêm tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (19 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) ngày 4.8, người dân tập trung khá đông, một số người phải quay về dù được hẹn đến tiêm. Hay một điểm tiêm khác tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) ngày 4.8 cũng tập trung đông, cảnh tượng nhốn nháo.

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình cho biết ngày 3.8, lượng vắc xin chỉ đủ tiêm cho buổi sáng, quận báo cho Sở Y tế và UBND TP.HCM cấp thêm để tiêm cho buổi chiều. Nhưng do thông tin trễ, trong khi phường lỡ gửi thư mời nên chiều không có vắc xin. Đến sáng 4.8, nhiều người được mời tiêm từ hôm trước đến tiêm cùng một số người đi sớm nên dẫn đến tập trung đông, quận đã điều phối. “Người dân nôn nóng tiêm vắc xin Covid -19, cứ nghĩ hôm nay không đi thì hết vắc xin. Tuy nhiên, tiêm cả tháng, nên người dân yên tâm. Điểm tiêm Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn có 4 bàn tiêm, dự kiến tiêm 800/người/ngày”, vị này thông tin, đồng thời cho biết sẽ sắp xếp lại cho ổn, mở thêm điểm tiêm và nói thêm: “Cũng có trường hợp khi phường mời tiêm, người dân rủ luôn cả hàng xóm đi vì sợ hết vắc xin”.

Q.Tân Bình có hơn 300.000 người thuộc độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19, sắp xếp 48 bàn tiêm ở 15 phường và các điểm tiêm ở các bệnh viện, kể cả bệnh viện tư nhân cũng tham gia để tiêm cho người trên 65 tuổi. Dự kiến, quận mở các điểm tiêm lưu động ở chung cư, khu phong tỏa, nơi có người già khó khăn trong việc đi lại. Lãnh đạo UBND Q.Tân Bình khuyến cáo người dân đi tiêm đúng giờ để đảm bảo giãn cách, phối hợp với chính quyền để điều phối.

Còn lãnh đạo Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho biết nguyên nhân dẫn đến tập trung đông do người dân tranh thủ đi tiêm vì sợ hết vắc xin, “trong khi các lần trước thì không chịu ra tiêm”. Sau khi điều phối điểm tiêm tại P.Thảo Điền, đến ngày 5.8 đã ổn định. Lãnh đạo Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho biết toàn thành phố có 70 – 80 điểm, kể cả tiêm lưu động; mỗi ngày sẽ tiêm từ 300 – 500 mũi/bàn. TP.Thủ Đức có số lượng người trong độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất TP.HCM với 884.000 người.

Tiếp thu phản ánh của Báo Thanh Niên về việc mời người dân tiêm gấp gáp khi tối hôm trước mời sáng hôm sau đi tiêm, bà Lê Thị Anh Thư, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè, cho biết sẽ phân bổ lại lịch mời tiêm giãn ra 1 ngày để người dân chủ động hơn. Trong trường hợp người dân được mời tiêm nhưng có việc đột xuất, không tiêm được thì hôm sau quay lại tiêm bình thường. Để đảm bảo giãn cách, bà Thư cho biết sẽ mời người dân đến tiêm theo khung giờ, hết lượt này đến lượt khác.

Lãnh đạo UBND H.Nhà Bè cho biết để không lập trùng danh sách (vì người dân vừa đăng ký nơi làm việc, vừa đăng ký nơi cư trú), huyện sử dụng phần mềm do Sở TT-TT hướng dẫn. Đối với những người lớn tuổi hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh để đăng ký qua mạng, các tổ dân phố sẽ phát phiếu để người dân điền thông tin, sau đó thu phiếu để nhập dữ liệu lên hệ thống. “Huyện có dân số đông nên tiêm theo thứ tự. Những trường hợp nào có dữ liệu trước thì tiêm trước”, bà Thư cho hay.

Cung ứng đầy đủ, không để tiêm gián đoạn

Về việc cấp vắc xin hiện nay, có quận huyện phản ánh hiện cứ chiều tối hằng ngày phải đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận vắc xin để tiêm cho hôm sau, đồng thời kiến nghị HCDC cấp nhanh, cấp một lần cho nhiều ngày. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về vấn đề này tại buổi họp báo chiều 5.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định hiện HCDC không cấp vắc xin theo ngày mà theo từng đợt. Ngoài ra, khả năng lưu trữ vắc xin phụ thuộc vào các trung tâm y tế, thông thường nhận đầy kho thì ngưng. Do những ngày qua, tốc độ tiêm chủng tăng nhanh nên dẫn đến việc tiếp nhận liên tục chứ không phải HCDC phân bổ vắc xin theo từng ngày.

“Các địa phương cần chủ động hơn để làm chủ nguồn vắc xin của mình, tổ chức tiêm cho phù hợp. Chủ trương của Trung tâm điều phối vắc xin TP.HCM là sẽ cung ứng đầy đủ để đảm bảo tiêm liên tục, không gián đoạn”, ông Đức nhấn mạnh. Hiện TP.HCM còn 695.000 liều vắc xin AstraZeneca trong kho, riêng vắc xin Pfizer và Moderna đã cấp hết cho các quận, huyện để tiêm cho đúng thời gian. Tốc độ tiêm chủng vắc xin của TP.HCM khoảng 200.000 liều/ngày và Bộ Y tế đang tích cực hỗ trợ các nguồn vắc xin tiếp theo để tiêm liên tục, dự kiến sắp tới sẽ được cấp thêm vắc xin AstraZeneca.

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc Sở Y tế yêu cầu tiêm hết vắc xin Pfizer và Moderna được cấp đợt trước đây hoàn thành trước ngày 8.8, ông Đức cho biết số vắc xin Pfizer và Moderna này đã cấp cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức và bệnh viện tiêm. Tuy nhiên, 2 loại vắc xin này có yêu cầu lưu trữ hết sức ngặt nghèo và đều phải qua công đoạn rã đông.

Sau khi rã đông xong thì phải tiêm trong vòng 1 tháng, nếu không sẽ hết hạn. Số lượng vắc xin đề cập trong văn bản của Sở Y tế còn hạn đến ngày 13.8, nhưng số lượng ít nên Sở Y tế yêu cầu tiêm hết trước ngày 8.8 để các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiêm. Trong trường hợp tiêm chậm thì vẫn còn thời gian dự trữ, các đơn vị có thể tiêm tiếp trong những ngày còn lại, tránh lãng phí.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, hiện Sở Y tế và Sở Ngoại vụ đang cập nhật tình hình tiêm chủng cho người nước ngoài để cân đối giữa các đối tượng tùy vào khả năng của TP. (Thanh niên, trang 1).

 

Tìm nguồn đảm bảo cung ứng vắc xin trong tháng 8, 9

Trước tình hình dịch  Covid -19 diễn biến phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn vắc xin tại Việt Nam, Bộ Y tế đang tìm nguồn đảm bảo cung ứng vắc xin trong tháng 8, 9. Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng vắc xin Việt Nam (VNVC, đơn vị trực tiếp nhập khẩu vắc xin AstraZeneca chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng – PV) dự kiến trong tuần này, sẽ có thêm gần 600.000 liều vắc xin AstraZeneca về Việt Nam.

Số vắc xin trên nằm trong số 30 triệu liều do AstraZeneca cam kết cung cấp cho VNVC đợt này (đợt thứ 7). Tính đến ngày 5.8, có gần 3,8 triệu/30 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã được VNVC tiếp nhận. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 4 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 18 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu, từ cơ chế COVAX, và từ các nguồn do các nước hỗ trợ. Trong đó, đến hết tháng 7.2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 7,49 triệu liều từ cơ chế COVAX, với 4 lô hàng, bao gồm: hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và hơn 2,49 triệu liều vắc xin AstraZeneca.

Việt Nam cũng đã tiếp nhận các lô vắc xin AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Vero Cell, từ nguồn được chính phủ các nước tặng và do công ty dược phẩm trong nước nhập khẩu. Trong đó, có 97.110 liều vắc xin Pfizer được Bộ Y tế tiếp nhận trong tháng 7 vừa qua, là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021.

Đánh giá về nguồn cung vắc xin trong thời gian tới, tại buổi làm việc với đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngoài các nguồn viện trợ và đàm phán mua, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý 4/2021, 47 triệu liều vắc xin Pfizer mới về Việt Nam.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị USAID sớm có những tác động để thúc đẩy tiến trình cung ứng vắc xin Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân, đặc biệt, mong muốn sớm nhận được thêm vắc xin viện trợ của Mỹ ngay trong tháng 8, 9. Đây là vấn đề ưu tiên giúp ứng phó tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn vắc xin tại Việt Nam trong khoảng thời gian này.

Về tiến độ tiêm chủng, thông báo của Bộ Y tế cho biết đến sáng 5.8, tổng số vắc xin Covid-19 đã được tiêm là hơn 7,553 triệu liều (hơn 6,774 triệu liều tiêm mũi 1 và 778.986 liều tiêm mũi 2). Đến ngày 4.8, TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với hơn 4 triệu liều, Hà Nội (gồm cả các đơn vị đóng trên địa bàn) được phân bổ hơn 2,943 triệu liều. (Thanh niên, trang 2).

 

Vì sao Covid-19 bùng phát mạnh ở Bình Dương?

Đến ngày 5.8, Bình Dương đã ghi nhận trên 22.000 ca dương tính với Covid-19, trong đó có ngày phát hiện 2.179 ca (ngày 1.8). Dự báo trong thời gian tới tổng số ca nhiễm có thể lên đến 30.000 ca.

Chậm có kịch bản ứng phó

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ cuối tháng 5.2021, Bình Dương chỉ ghi nhận một số ca dương tính Covid-19 nằm rải rác trên địa bàn TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Các ca này có nguồn lây nhiễm chủ yếu từ TP.HCM, nhưng cũng có ca chưa xác định nguồn lây như ở TX.Tân Uyên. Cụ thể như ổ dịch tại P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 14.6, sau đó lây nhiễm ra cho hàng trăm người khác ở Công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh (P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên), Công ty TNHH VN House Wares (P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An) và Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương…

Vào ngày 27.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đến kiểm tra và làm việc tại Bình Dương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau khi làm việc, Thủ tướng biểu dương Bình Dương trong công tác chống dịch, đồng thời cũng kết luận, chỉ đạo một số vấn đề quan trọng.

Cụ thể, trong thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận tình hình dịch Covid-19 ở Bình Dương diễn biến phức tạp, còn nhiều ca bệnh, chùm lây nhiễm ở ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, có nguy cơ lây lan rộng, khó kiểm soát. Kết luận của Thủ tướng còn nêu rõ tại thời điểm này Bình Dương chưa có phương án cụ thể về phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, chưa có kịch bản ứng phó với từng cấp độ diễn biến dịch lây lan, bùng phát. Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cần phải đánh giá nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để kịp thời bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả chiến lược “5K + vắc xin” và ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch.

Tiêm vắc xin còn chậm

Sau cuộc họp nêu trên, Bộ Y tế cũng đã phân bổ vắc xin cho Bình Dương. Đến ngày 15.7, Bình Dương tổ chức lễ phát động tiêm vắc xin và khử khuẩn trên diện rộng. Theo số liệu của Sở Y tế Bình Dương, tính đến thời điểm này tỉnh đã được phân bổ 307.000 liều vắc xin, nhưng mới chỉ tổ chức tiêm được khoảng 67.000 liều, trong đó chủ yếu tiêm cho lực lượng phòng chống dịch, tình nguyện viên. Trong khi đó phần lớn công nhân (CN) làm việc trong các nhà máy “3 tại chỗ” vẫn chưa được tiêm phòng, mặc dù vắc xin đã có trong kho.

Trước tình trạng này, đầu tháng 8, Liên đoàn Doanh nghiệp (LĐDN) Bình Dương đã có văn bản đề nghị và tình nguyện tiêm thí điểm vắc xin Nanocovax cho 200.000 người là CN của các thành viên LĐDN. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch LĐDN Bình Dương, cho biết CN trong các nhà máy “3 tại chỗ” ở Bình Dương đang rất lo lắng do chưa được tiêm vắc xin. “Nếu không thực hiện tiêm vắc xin sớm thì khả năng các nhà máy mất hết lao động. Mỗi ngày công ty của tôi đang mất vài trăm CN”, ông Tín nói. Không riêng gì LĐDN Bình Dương, nhiều DN khác đang thực hiện “3 tại chỗ” cùng chung tâm trạng. Sau khi nhận được phản ánh của DN, Tỉnh ủy Bình Dương đã có chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho CN cũng như người dân trên địa bàn. Theo đó, đến tối 4.8 cơ quan chuyên môn Bình Dương đưa ra thông báo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin với khoảng trên 320.000 liều bắt đầu từ 4.8, nhưng thực tế ngày 5.8 mới triển khai.

Thực hiện chỉ thị 16 chưa nghiêm

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Bình Dương, là người có mặt từ những ngày đầu tỉnh này có ca mắc Covid-19. Ông Nam cho rằng trên địa bàn vẫn còn nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, trong khi tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp. Theo ông Nam, chính quyền cần tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm giãn cách. Bình Dương cần quan tâm chống dịch trong khu công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, phòng chống dịch bệnh với tinh thần phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, lý giải về số ca mắc tăng cao tại Bình Dương, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nhận định: “Bình Dương là địa phương gần với TP.HCM, nơi đã có các ca bệnh trong cộng đồng. Và Bình Dương có các khu công nghiệp (KCN) lớn, mật độ giao lưu đi lại nhiều, trong khi đó có thể việc thực hiện phong tỏa ban đầu chưa nghiêm, chưa hiệu quả, khiến mầm bệnh vẫn lây lan”. Theo ông Phu, để kiểm soát dịch, cần thực hiện phong tỏa chặt chẽ, giãn cách xh thật nghiêm. Tại “vùng đỏ” cần dập dịch triệt để, bảo vệ hiệu quả “vùng xanh”; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ rộng.

Qua 2 chuyến công tác tại Bình Dương về phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tháng 7 vừa qua, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng: “Bình Dương gia tăng ca mắc Covid-19 do thời gian đầu thực hiện giãn cách chưa thực sự nghiêm. Trong khi đó, khu nhà trọ và một số nơi ở chật hẹp, ở sát nhau, tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện Bình Dương đang tiến hành chiến lược xét nghiệm đồng bộ kết hợp kháng nguyên nhanh để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng”. (Thanh niên, trang 2).

 

Chạy đua đưa các trung tâm hồi sức tích cực vào hoạt động

Số người mắc Covid-19 vẫn tăng cao, đến chiều 5/8 là 185 nghìn trường hợp. Ðể tăng cường công tác điều trị, giảm số tử vong, Bộ Y tế thành lập hơn mười bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực (HSTC) Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Hiện các bệnh viện tuyến trung ương được giao phụ trách các đơn vị HSTC đang chạy đua với thời gian nhằm sớm đưa vào vận hành, tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19.

Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 13, ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi được chứng kiến tinh thần làm việc rất khẩn trương của hàng trăm công nhân để công trình trung tâm HSTC ở đây được bàn giao đúng tiến độ. Ðại diện đơn vị thi công cho biết, để kịp bàn giao cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (đơn vị được Bộ Y tế giao đảm trách vận hành trung tâm), 1.200 công nhân được huy động làm việc liên tục ba ca. Thời gian thi công ngắn, khối lượng công việc lớn, nhưng đội ngũ kỹ sư, công nhân đều tập trung cao độ với mong muốn hoàn thành đúng tiến độ công việc. Ðến chiều 4/8, đơn vị thi công bàn giao cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ba dãy nhà gồm khu điều hành, khu xét nghiệm và khu vực thay đồ, nghỉ ngơi của nhân viên y tế; ngày 5/8, bàn giao thêm hai khu điều trị thở máy (mỗi khu 50 giường).

Sáng 5/8 hơn 300 y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh để chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh Covid-19 tại Trung tâm HSTC Covid-19. Ðây là đội quân tinh nhuệ mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức chi viện vào TP Hồ Chí Minh, là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa… và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ngay sau khi có mặt, các chuyên gia, kỹ sư của bệnh viện cùng các bên liên quan nhanh chóng bắt tay vào thiết lập và lắp đặt các công đoạn kỹ thuật. PGS,TS Ðồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, người đang trực tiếp điều hành “công trường” thiết lập Trung tâm HSTC Covid-19 cho biết: Chúng tôi đang chạy đua cùng thời gian, nỗ lực cao nhất có thể nhằm nhanh chóng hoàn thiện các công việc kỹ thuật để có thể vận hành nhanh nhất trung tâm.

Trưa 3/8, các y, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chuẩn bị những công đoạn cuối để vận hành Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 quy mô 250 giường đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong vòng 36 giờ, toàn bộ trang thiết bị, thuốc men đã tập trung về đây sau khi Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ; 50 máy thở đã được đưa vào lắp đặt, vận hành… Với chức năng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch, Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chuyển đến đây những máy móc phục vụ hồi sức hiện đại nhất bao gồm hệ thống máy thở, bình ô-xi, máy lọc máu. Ðến nay, việc thiết lập Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 cơ bản đã hoàn chỉnh, đi vào hoạt động và đón những người bệnh Covid-19 đầu tiên đến điều trị. Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động 50 đến 70 giường bệnh và sẵn sàng nâng lên 250 giường.

Tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP Hồ Chí Minh), Bộ Y tế cũng thiết lập Trung tâm HSTC Covid-19 với 500 giường và giao Bệnh viện Bạch Mai đảm trách. Ngày 3/8, gần 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt và nhanh chóng bắt tay vào công việc, tích cực chuẩn bị để đưa khu HSTC vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Ðáng chú ý, các trang thiết bị máy móc, vật tư y tế đã được đưa từ Bắc Giang vào đến Bệnh viện dã chiến số 16 đang được đội ngũ kỹ sư lắp đặt, hiệu chỉnh để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Ðoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện dã chiến số 16 gồm đầy đủ các chuyên khoa từ Hồi sức, Cấp cứu, Truyền nhiễm, Sản, Nhi… với những cán bộ đã có kinh nghiệm chống dịch tại nhiều “chiến trường” Ðà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh…

Trước tình hình số ca mắc có xu hướng gia tăng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Y tế đã triển khai thành lập trung tâm HSTC tại Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long… Tại Vĩnh Long, Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 có quy mô 250 giường bệnh được Bộ Y tế giao Bệnh viện Nhi T.Ư phụ trách; là tuyến cuối trong bậc thang điều trị Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận. Trung tâm có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở trong khu vực được phân công. PGS, TS Trần Minh Ðiển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đang có mặt tại Vĩnh Long để phối hợp chính quyền địa phương, Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long triển khai huy động nguồn nhân lực và chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc để trung tâm có thể vận hành trong thời gian sớm nhất. PGS, TS Trần Minh Ðiển cho biết: Chúng tôi triển khai theo phương án thiết lập trung tâm quy mô nhỏ rồi từng bước mở rộng, tăng số lượng giường bệnh đến quy mô Bộ Y tế quyết định. Ngoài 24 thầy thuốc Bệnh viện Nhi T.Ư tăng cường vào, đội ngũ nhân lực tại trung tâm được huy động từ các đơn vị y tế trên địa bàn cùng tham gia. Ngay ngày 5/8, Trung tâm HSTC chính thức tiếp nhận 54 người bệnh Covid-19 vào điều trị, trong đó có 25 người cần theo dõi sát. Các bác sĩ đang tập trung theo dõi sát các mức độ chuyển nặng, như nhịp thở, SpO2, nhịp tim, tri giác… để can thiệp ngay khi có dấu hiệu nặng; tránh để tình trạng nặng kéo dài khi cấp cứu sẽ không kịp và khó hồi phục.

Bình Dương đang là một trong những địa phương có số ca mắc cao nên công tác điều trị được ngành y tế và chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt. Do số người bệnh nhiều, chắc chắn số ca chuyển nặng sẽ cao, cho nên trong chuyến kiểm tra thực địa về công tác phòng, chống dịch mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định thành lập Trung tâm HSTC tại Bình Dương có quy mô 500 giường bệnh và giao PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội làm Giám đốc Trung tâm này. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tập trung hoàn thiện mặt bằng, lắp đặt nội thất, trang thiết bị… PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, các lực lượng tham gia xây dựng đang làm việc liên tục 24 giờ trong ngày và dự kiến ba tuần nữa trung tâm sẽ được đưa vào vận hành. Về nguồn nhân lực, trung tâm cần khoảng 1.000 người, do vậy ngoài lực lượng từ Bệnh viện đại học Y Hà Nội tăng cường vào sẽ có sự tham gia của lực lượng y tế của các đơn vị y tế trên địa bàn Bình Dương, hệ thống y tế Becamex, Bộ Y tế điều động và tình nguyện viên…

Ngoài Trung tâm HSTC tại Bình Dương, Bệnh viện đại học Y Hà Nội được giao triển khai xây dựng Bệnh viện điều trị Covid-19 – Y Hà Nội quy mô 500 giường bệnh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện các đơn vị xây dựng, lắp đặt trang thiết bị cũng làm việc liên tục 24 giờ trong ngày để khoảng bốn tuần nữa sẽ chính thức đi vào vận hành. Ðội ngũ nhân lực vận hành Bệnh viện điều trị Covid-19 – Y Hà Nội sẽ đến từ Bệnh viện đại học Y Hà Nội và các đơn vị y tế trên địa bàn Thủ đô. Khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ là đơn vị tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực thành phố Hà Nội; thực hiện chức năng Trung tâm HSTC Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công. (Nhân dân, trang 8).

 

3.708 người mắc Covid -19 được công bố khỏi bệnh

Tối 5-8, Bộ Y tế cho biết, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 5-8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.301 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 3.298 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (1.537), Long An (526), Bình Dương (325), Đồng Nai (248), Khánh Hòa (96), Đồng Tháp (82), Bình Thuận (75), Hà Nội (69), Cần Thơ (52), Bà Rịa – Vũng Tàu (46), Phú Yên (38), Bến Tre (36), Ninh Thuận (32), Gia Lai (24), Đắk Lắk (23), Hải Dương (21), Quảng Ngãi (10), Quảng Nam (9), Bình Phước (8), Thái Bình (7), Đắk Nông (7), Thừa Thiên Huế (6), Hà Tĩnh (5), Lào Cai (5), Quảng Bình (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Thanh Hóa (1), Hưng Yên (1), Yên Bái (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1) trong đó có 554 ca trong cộng đồng. Như vậy trong ngày 5-8 ghi nhận 7.244 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 7.239 ca ghi nhận trong nước (giảm 379 ca so với hôm qua). Tính đến chiều 4-8, Việt Nam có 185.057 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 182.723 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 181.153 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình.

Về tình hình điều trị, hôm nay có 3.708 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 58.040 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 486 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca. Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 168.241 xét nghiệm cho 357.058 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 6.721.408 mẫu cho 19.009.497 lượt người.

393 ca tử vong do Covid-19

Chiều 5-8, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận thêm 393 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 4 đến 5-8 là 214 ca; tại tỉnh Bình Dương từ ngày 1 đến 5-8 là 112 ca; tại tỉnh Tiền Giang ngày 5-8 là 27 ca; tại tỉnh Long An ngày 5-8 là 9 ca; tại tỉnh Đồng Tháp ngày 5-8 là 8 ca; tại tỉnh Đồng Nai ngày 5-8 là 8 ca; tại tỉnh Bến Tre ngày 5-8 là 4 ca; tại tỉnh Vĩnh Long ngày 5-8 là 3 ca; tại tỉnh Sóc Trăng ngày 5-8 là 1 ca; tại tỉnh Khánh Hòa ngày 5-8 là 1 ca; tại tỉnh Bình Thuận ngày 5-8 là 1 ca; tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 5-8 là 1 ca; tại tỉnh An Giang ngày 5-8 là 1 ca; tại TP Hà Nội ngày 5-8 là 1 ca; tại TP Đà Nẵng ngày 5-8 là 1 ca; tại TP Cần Thơ ngày 5-8 là 1 ca… (Nhân dân, trang 8).

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/2/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận