Táo bón là một trong những rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, từ trẻ nhỏ đến người già đều dễ mắc phải. Táo bón gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống và có thể là dấu hiệu báo động sức khỏe đang gặp vấn đề.
Táo bón là gì?
Táo bón là bệnh thường gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị táo bón sẽ đi cầu ra phân khô cứng hoặc buồn đi vệ sinh mà không được, phải rặn mạnh. Thời gian đi vệ sinh lâu hơn và 2 -3 ngày mới đi vệ sinh một lần.
Hiện nay, tình trạng táo bón trở nên phổ biến, trở thành “căn bệnh thời đại” do mọi người ăn uống không khoa học, lạm dụng thức ăn nhanh, ăn ít rau quả, ít chất xơ, uống ít nước mà thay vào đó lại nạp nhiều đồ uống có ga, trà, cà phê, rượu bia, ngồi nhiều ít vận động. Đồng thời, quỹ thời gian eo hẹp, công việc chồng chất, áp lực, nhiều người thường xuyên nhịn tiểu trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng đến đường bài tiết, gây tình trạng táo bón. Táo bón còn hay xảy ra khi mang thai, dị ứng sữa bò và các chế phẩm từ sữa, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị như trầm cảm…
Người bị táo bón thường xuất hiện những triệu chứng như: đi đại tiện khó khăn, 3-4 ngày/lần, phân lớn, rất cứng khô, phải rặn để đẩy ra ngoài, đau rát hậu môn, đôi khi phân sẽ dính máu. Đối với trường hợp táo bón nặng: người bệnh có dấu hiệu sốt nhẹ, buồn nôn, nôn liên tục, chướng bụng đầy hơi, cơ thể xanh xao, gầy, cân nặng giảm sút. Khi cố rặn có thể dẫn đến nứt rách hậu môn, chảy máu và đau rát nhiều.
Đừng chủ quan khi bị táo bón
Nếu không xử lý sớm, táo bón kéo dài sẽ gây đau đớn, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên giấc, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như trĩ, sa nghẽn hậu môn, tắc ruột do phân, nghiêm trọng hơn có thể tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
Trẻ em bị táo bón thường kèm theo biếng ăn, đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, khó chịu, suy dinh dưỡng, có khả năng bị nứt kẽ hậu môn do việc rặn mạnh để đẩy phân khô cứng ra ngoài.
Đối với người trưởng thành, táo bón kéo dài gây ra rất nhiều bất tiện và những biến chứng nguy hiểm. Do phân tích tụ trong ruột sẽ gây tình trạng tắc ruột, bán tắc ruột, chướng bụng. Đồng thời phân không đào thải ra ngoài được sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào máu gây nên chứng nhiễm độc mạn tính. Táo bón ở người lớn còn là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh trĩ, biến chứng nguy hiểm nhất là ung thư hậu môn – trực tràng. Khi bị táo bón, phân chứa rất nhiều độc tố gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid, phức hợp nitroso khiến chất thải khô và cứng, thời gian tồn đọng lâu trong hậu môn, các độc tố này tiếp xúc với niêm mạc trực tràng dễ gây ung thư hậu môn.
Đối tượng dễ bị táo bón nữa là phụ nữ mang thai. Giai đoạn thai kỳ cần bổ sung nhiều vi chất có thể ảnh hưởng đến đường ruột như sắt, canxi, magie,… Lúc này cơ thể mẹ cũng có sự thay đổi hormone khiến tiêu hóa kém đi, ăn không ngon miệng, dễ buồn nôn, cộng thêm việc thai nhi lớn dần gia tăng áp lực lên thành bụng khiến mẹ bầu dễ bị táo bón. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây sảy thai, sinh non.
Làm gì khi bị táo bón?
Để thoát khỏi tình trạng táo bón nhanh nhất bạn cần tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh. Bạn cũng có thể thử những mẹo sau đây để dễ dàng đi ngoài được khi bị táo bón.
Bổ sung chất xơ
Bị táo bón nên ăn gì để nhanh khỏi là vấn đề được nhiều người quan tâm. Việc hấp thu các loại thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ quả giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn, phân mềm ra khiến đi đại tiện trơn tru, suôn sẻ. Những thực phẩm nên bổ sung như chuối, xoài, bơ, khoai lang, mật ong, quả mơ, nước ép mận khô. Đặc biệt ăn nhiều sữa chua hoặc uống thêm men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng táo bón.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn làm mềm phân, nhuận tràng. Việc này rất quan trọng với người bị táo bón.
Xoa bóp bụng cải thiện táo bón
Mỗi buổi sáng khi thức dậy, bạn hãy thực hiện một số động tác massage làm nóng, xoa bóp bụng theo chiều kim đồng hồ. Hành động này giúp kích thích nhu động ruột, giúp đi đại tiện dễ dàng hơn. Làm thường xuyên và bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn.
Ngồi đại tiện đúng tư thế
Việc ngồi đi vệ sinh sai tư thế, quá lâu cũng gây tăng áp lực lên thành hậu môn gây táo bón, trĩ. Bạn cần ngồi đúng tư thế, nên đặt 2 chân lên chiếc ghế nhỏ sao cho phần bụng và đùi tạo thành 1 góc 35 độ. Như vậy ruột thẳng hơn và đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Xả nước ấm vào vùng hậu môn
Nước ấm sẽ giúp phân mềm hơn, giảm tình trạng đau rát hậu môn khi bị táo bón. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tốc độ xả nước, không quá mạnh để tránh phản tác dụng.
Uống thuốc
Bên cạnh các cách dân gian, việc làm giảm chứng táo bón bằng cách uống thuốc cũng rất được ưa chuộng. Các bạn có thể sử dụng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp nhuận tràng hiệu quả, giảm đáng kể tình trạng táo bón. Kết hợp uống thêm chế phẩm chứa cao diếp cá, cao đương quy, Rutin, Meriva để cải thiện tối đa triệu chứng đau rát chảy máu do táo bón, đồng thời phòng ngừa bệnh trĩ rất tốt.
Theo Suckhoedoisong.vn