Điểm báo ngày 22/6/2021

(CDC Hà Nam)
Việt Nam có thể tiêm hàng triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày; Những lưu ý khi tiêm vắc-xin Covid-19; Thực hiện chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 để tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng…

 

Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng các đối tác trong nội khu xây dựng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, có các giải pháp mang tính thực tiễn cao như: Giải pháp về quản lý cách ly tại nhà, Ứng dụng kiểm tra thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang tự động…

Hiện, dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với số ca thuộc diện nghi nhiễm phải tự cách ly tại nhà ngày một tăng. Việc này gây rất nhiều khó khăn và áp lực cho các cơ quan có thẩm quyền. Xuất phát từ thực tế này, QTSC phối hợp Công ty TMA Innovation xây dựng ứng dụng quản lý cách ly tại nhà. Ứng dụng kiểm soát người cách ly tại nhà là hệ thống quản lý được tích hợp với thiết bị đeo thông minh, hỗ trợ các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm soát hành vi, tình trạng sức khỏe của người thuộc diện nghi nhiễm Covid-19 đang phải cách ly. Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions Trần Phúc Hồng cho biết: Giải pháp Ứng dụng quản lý cách ly tại nhà bằng AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (in-tơ-nét vạn vật) giúp giám sát tình trạng sức khỏe, vị trí của người cách ly thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh, gửi cảnh báo đến cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể hoặc người cách ly ra khỏi khu vực cách ly. Với giải pháp này, các đơn vị có thể dùng được với nhiều loại thiết bị khác nhau nếu có hỗ trợ bluetooth và cho phép quản lý, kiểm soát dữ liệu. Dữ liệu truyền về từ thiết bị có tính bảo mật cao, chỉ được kiểm soát và truy xuất bởi các bên có thẩm quyền.

Ứng dụng kiểm soát cách ly tại nhà có các chức năng như định vị vị trí của người đang cách ly bằng điện thoại thông minh đã được kết nối, thống kê lại các lần vi phạm phạm vi cách ly. Thiết bị có tích hợp cảm biến nhiệt độ, tự động đo và báo cáo biểu đồ thân nhiệt của người cách ly về hệ thống quản lý, thay thế nhân viên y tế đến trực tiếp theo dõi thân nhiệt người cách ly hằng ngày. Thiết bị còn cảnh báo cho cơ quan chức năng khi người đeo thiết bị thông minh ra khỏi phạm vi cách ly hoặc thân nhiệt tăng cao, thiết bị sẽ tự động gửi cảnh báo đến hệ thống để các bên quản lý kịp thời ứng phó. Thiết bị đeo thông minh còn có thể kiểm tra được các chỉ số sức khỏe khác như huyết áp, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, lượng calo tiêu thụ…

Đối với giải pháp Ứng dụng kiểm tra thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang tự động, giải pháp này giúp sàng lọc người nghi nhiễm Covid-19. Theo đó, khi có người đi qua thiết bị, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu người đó không đeo), thân nhiệt vượt quá 37,50C máy sẽ đưa ra cảnh báo. Cổng đo thân nhiệt tự động này được áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cách ly cần kiểm soát người ra vào với mục đích thay thế người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, mang lại tính an toàn cao. Hiện, hệ thống này đang được áp dụng tại tòa nhà TMA Building, tòa nhà QTSC Building 1, QTSC Building 9 trực thuộc QTSC; Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), khu biệt thự An Phú TP Thủ Đức), Công ty LandmarkAsia PPVN… Trưởng Bộ phận Giải pháp Công nghệ QTSC Nhiêu Quốc Trân cho biết: Hệ thống tiện ích này giúp các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay, các bến xe, trên xe buýt, những nơi tập trung đông người giảm bớt được các nhân sự phụ trách kiểm tra thân nhiệt. Đồng thời, thiết bị còn nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thiết bị khai báo y tế tự động hỗ trợ khai báo y tế tại các khu vực công cộng, bệnh viện, trường học, tòa nhà cao tầng. Thiết bị này hỗ trợ tự động hóa khai báo y tế và sàng lọc bệnh nhân, giúp tiết kiệm nhân sự cũng như tránh quá tải và ùn tắc khi khai báo bằng giấy. Tích hợp hệ thống kiểm soát thông tin từ xa, dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần, sàng lọc các đối tượng nghi nhiễm theo các nhóm nguy cơ từ thấp đến cao. Thiết bị có giao diện thân thiện với người dùng, dễ sử dụng với thao tác đơn giản, tích hợp nhiều tính năng thông minh và dễ triển khai. Ưu điểm của thiết bị khai báo y tế tự động là dùng giọng nói hướng dẫn người dùng từng bước và tự động kiểm tra thân nhiệt, nhắc đeo khẩu trang. Sau đó, thiết bị sẽ tự động điền thông tin cho người dùng bằng cách nhận diện khuôn mặt, scan mã QR nếu người dùng đã khai báo trực tuyến trước đó. Cuối cùng, người dùng chỉ cần điền thông tin về sức khỏe của bản thân và nhận mã QR chứng thực được in ra sau khi hoàn tất khai báo y tế. Ông Trần Phúc Hồng cho biết thêm, trong hai năm qua, QTSC đã phối hợp Công ty TMA Solutions cung cấp nhiều giải pháp ra thị trường để hạn chế tiếp xúc khi dịch Covid-19 bùng phát trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới AI, IoT, Robot, máy bay không người lái, 5G… Ngoài ra, QTSC còn phối hợp với các đơn vị trong nội khu phát triển nhiều giải pháp tiện ích khác như xây dựng Hệ thống quản lý camera thông minh (Smart VMS) tại QTSC; hệ thống POD phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân ở các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh; ứng dụng chuyển đổi số phục vụ làm việc từ xa… (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Những lưu ý khi tiêm vắc-xin Covid-19

Từ ngày 19-6, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho khoảng một triệu người. Ngoài các trường hợp ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, thành phố dự kiến thực hiện tiêm chủng cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người hơn 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố khuyến cáo người dân lưu ý một số điều trước và sau khi tiêm vắc-xin Covid-19.

Trước khi đến điểm tiêm chủng, người dân cần mang theo CMND, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc-xin khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Trong suốt quá trình từ nhà đến địa điểm tiêm và khi tiêm, cần tuân thủ thông điệp 5K. Ngoài ra, người dân nên tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại và khai báo các thông tin cần thiết.

Khi tới điểm tiêm, người dân có trách nhiệm chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin như tình trạng sức khỏe hiện tại, bệnh lý mãn tính đang mắc phải hoặc điều trị, loại thuốc, liệu trình điều trị đã hoặc đang sử dụng gần đây, từng mắc Covid-19 hay chưa, các loại vắc-xin tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua, đang mang thai hoặc nuôi con bú hay không.

Cần thông báo với cán bộ y tế nếu có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Nếu tiêm mũi vắc-xin thứ hai, người tiêm phải thông báo các phản ứng của cơ thể trong lần tiêm chủng đầu tiên. Ngoài ra, người dân nên chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vắc-xin được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo, các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử lý, cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi tiêm chủng, người tiêm nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng, tác dụng phụ. Khi về nhà, nơi làm việc, người tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng ba tuần sau đó. Ngoài ra, giấy xác nhận tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nên giữ lại. Một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19 như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo Sở Y tế thành phố, không gặp tác dụng phụ cũng không có nghĩa là vắc-xin kém hiệu quả. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc-xin. Trường hợp sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, ngoài một số dấu hiệu thông thường nêu trên, người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Người tiêm chủng không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm, không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Ít nhất 12 đến 14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ hai vắc-xin đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Sau khi tiêm chủng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đạt hiệu quả tốt nhất. (Nhân dân, trang TPHCM)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Quy trình tiêm vaccine phải đảm bảo an toàn”

 

Tấm lòng nhân dân Thủ đô với Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19

Từ đầu tháng 6 đến nay, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã tích cực ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, với mong muốn sẻ chia gánh nặng về kinh phí, đưa Thủ đô và đất nước vượt qua dịch bệnh.

Cán bộ, nhân dân phường Gia Thụy (quận Long Biên) vừa mới chuyển số tiền 335 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 đến Ủy ban MTTQ quận Long Biên. Đó là kết quả sau nửa tháng triển khai vận động nhân dân đóng góp, xây dựng Quỹ. Ngay sau khi trung ương tổ chức lễ phát động, MTTQ phường Gia Thụy đã nhanh chóng vận động nhân dân trên địa bàn. Trong điều kiện tình hình phòng, chống dịch bệnh, các tổ dân phố đã có những cách làm chủ động, sáng tạo để đưa thông tin tới người dân qua các nhóm zalo, qua mạng xã hội facebook. Hình thức tiếp nhận cũng được các tổ dân phố thực hiện linh hoạt, tiếp nhận ủng hộ qua hình thức chuyển khoản để những người dân thực hiện ủng hộ nhanh chóng và an toàn. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Gia Thụy Hoàng Ngọc Tuyến cho biết, sau khi nhận tiền ủng hộ, lãnh đạo các tổ dân phố nhắn tin cảm ơn và công khai số tiền ủng hộ của người dân trên nhóm zalo tổ dân phố, từ đó động viên, khích lệ những người khác cùng hưởng ứng tham gia. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động sáng tạo, linh hoạt, một số tổ dân phố chỉ trong vài ngày đã huy động được từ 15 đến 20 triệu đồng.

Trong những ngày này, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố 14 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Phạm Thị Hồng Chuyên tất bật hơn khi cùng các cán bộ tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. So với nhiều khu dân cư khác trên địa bàn thành phố, tổ dân phố 14 phường Phú Thượng lập “kỷ lục” về số tiền vận động được, với tổng số là hơn 300 triệu đồng. Do phải hạn chế tiếp xúc cho nên chính quyền, đoàn thể phường Phú Thượng, cán bộ Tổ dân phố 14 tích cực thực hiện tuyên truyền, vận động qua loa phóng thanh, qua mạng xã hội. Bà Phạm Thị Hồng Chuyên cho biết: “Kinh tế đất nước mình còn hạn hẹp, muốn có vắc-xin để vượt qua dịch bệnh thì phải có nguồn kinh phí. Chúng tôi tuyên truyền rõ thông điệp này đến người dân qua zalo, ngay lập tức nhân dân hưởng ứng. Rất nhiều người đã chuyển khoản ủng hộ cho Quỹ”.

Sau khi Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 ra đời, mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đều tích cực tham gia ủng hộ, coi đóng góp xây dựng Quỹ là trách nhiệm với Thủ đô, đất nước. Đã có nhiều câu chuyện xúc động về những tấm lòng nhân dân Thủ đô với việc ủng hộ Quỹ khi từ người già đến em nhỏ dành dụm tiền ủng hộ. Nhiều địa phương đã đạt được những con số ấn tượng. Điển hình trong đó là quận Long Biên, mới đây, ngay trong lễ phát động ủng hộ Quỹ, MTTQ quận Long Biên đã tiếp nhận số tiền ủng hộ lên tới 16 tỷ đồng. Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của quận Thanh Xuân đã huy động được 6 tỷ đồng. Một số đơn vị có mức đóng góp cao như cán bộ và nhân dân các phường: Nhân Chính, Khương Đình, Khương Trung, Thanh Xuân Trung… đạt từ 600 đến 800 triệu đồng. Tại khu vực ngoại thành, một số huyện vận động xây dựng Quỹ đạt kết quả tốt. Huyện Hoài Đức vận động được 5 tỷ đồng, huyện Gia Lâm thu được 5 tỷ 812 triệu đồng ngay trong lễ phát động xây dựng quỹ…

Các tôn giáo trên địa bàn Hà Nội cũng vận động tín đồ của mình thực hiện tốt nhiệm vụ “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc” thông qua ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa phương, ở nơi công tác. Riêng Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội vận động được hơn 30 triệu đồng vào Quỹ của thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội Phạm Huy Thông cho biết, song song với ủng hộ Quỹ, các lãnh đạo tôn giáo đều thông báo dừng các sinh hoạt tập trung tại các nhà thờ, vận động giáo dân tránh tụ tập đông người để cùng Nhà nước, nhân dân vượt qua đại dịch. Xúc động khi tiếp nhận những tấm lòng của nhân dân Thủ đô ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Để thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho người dân, rất cần sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tấm lòng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đồng chí lão thành, các vị chức sắc, nhà tu hành… tham gia ủng hộ kinh phí mua vắc-xin thể hiện tinh thần sẵn sàng sẻ chia, là nguồn động lực to lớn để thành phố sớm vượt qua đại dịch”.

Mới đây, TP Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch Covid-19”. Đã có 1.561 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký ủng hộ; 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đăng ký hưởng ứng chương trình. Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.700 tỷ đồng và 2,5 triệu liều vắc-xin. Tại chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân và toàn thể nhân dân Thủ đô, cùng lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái”, chung tay ủng hộ, hỗ trợ chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của thành phố. Đồng chí cũng khẳng định, thành phố cam kết tổng hợp đầy đủ các khoản ủng hộ, quản lý công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, để chiến dịch tiêm phòng vắc-xin đạt hiệu quả cao nhất. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Hà Nội mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, ăn uống trong nhà từ 0 giờ ngày 22-6

Ngày 21-6, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 1942 /UBND-KGVX về việc tiếp tục duy trì, thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, từ 0 giờ ngày 22-6-2021, UBND thành phố cho phép mở cửa trở lại: dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà bảo đảm: khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).

Yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.

UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các chốt trực lưu động để kiểm tra lượng phương tiện ra vào các cửa ngõ của thành phố, quản lý toàn bộ lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc mới như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng.

Hà Nội đề nghị Cụm Cảng hàng không Nội Bài kiểm soát toàn bộ danh sách hành khách thường trú, lưu trú trên địa bàn thành phố trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, để kịp thời giám sát khi có tình huống phát sinh.

Toàn bộ người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế online trong thời gian 24 giờ từ khi quay trở về Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở, Tổ Covid cộng đồng rà soát, nắm bắt, quản lý danh sách người từ các địa phương khác trở về Hà Nội, trong đó lưu ý người từ các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng để quản lý, giám sát chặt chẽ. Khuyến cáo người dân Thủ đô chỉ di chuyển qua các địa phương nêu trên trong trường hợp thực sự cần thiết, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết khoanh vùng xử lý kịp thời khi phát sinh các ca bệnh hoặc các trường hợp liên quan. Thường xuyên nắm bắt, cập nhật danh sách thông tin của người lao động tại địa phương gắn với thông tin di biến động trong khu vực; kiểm tra phương án phòng chống dịch, đánh giá nguy cơ trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; bảo đảm mọi phương án sẵn sàng khi tình huống phát sinh. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Thanh niên, trang 3: “Hà Nội cho mở cửa lại một số dịch vụ”; Tiền phong, trang 5: “Hà Nội mở lại quán cắt tóc, ăn uống trong nhà”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: Hà Nội mở lại nhiều dịch vụ nhưng phải đóng cửa trước 21 giờ”; Công an Nhân dân, trang 4: “Hà Nội cho phép mở lại dịch vụ ăn uống trong nhà và cắt tóc, gội đầu”; Hà Nội mới, trang 1: “Hà Nội cho phép mở cửa trở lại quán cắt tóc, gội đầu, ăn uống trong nhà”

 

TP.HCM đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19

Chiều 21.6, TP.HCM mới bắt đầu triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm chủng 836.000 liều vắc xin Covid-19 (vắc xin AstraZeneca) trên tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Các địa điểm tiêm được đặt tại các trung tâm y tế, trạm y tế và điểm tiêm ngoài cộng đồng như trường học, trung tâm thể dục thể thao, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Triển khai trên diện rộng

Tại điểm tiêm cộng đồng Trung tâm bồi dưỡng chính trị (P.Võ Thị Sáu, Q.3), mặc dù 13 giờ 30 phút ngày 21.6 mới đến giờ tiêm, nhưng từ khoảng 12 giờ 45 phút đã đông người dân đến xếp hàng khai báo y tế, chờ đợi hướng dẫn để thực hiện các bước tiêm.

Ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND P.Võ Thị Sáu, cho biết đơn vị thực hiện tiêm chủng là Bệnh viện (BV) Tai mũi họng, có 3 tổ. Dự kiến số lượng tiêm khoảng 300 người, là thành viên của các tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn phường. Ngoài ra, Q.3 còn 3 điểm tiêm cộng đồng khác.

“Lực lượng được huy động để hỗ trợ hướng dẫn người dân tại đây ngoài phía P.Võ Thị Sáu, P.5 và ngành y tế, còn có lực lượng tình nguyện viên quận đoàn, công an, bảo vệ dân phố. Công tác hậu cần, chuẩn bị các phương án hỗ trợ cấp cứu theo hướng dẫn của ngành y tế đã đầy đủ. Do số lượng đông nên chiều nay chia thành 4 đợt”, ông Nam cho hay. Đa số người đến tiêm vắc xin ở độ tuổi trung niên.

Bà Đ.T.H.C (68 tuổi, ngụ P.Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Tôi không cảm thấy hồi hộp; mình được tiêm, sẽ biết các cách thức tiêm vắc xin, loại vắc xin… để về thông tin lại cho người dân trong khu phố”.

Chiều cùng ngày, điểm tiêm chủng cộng đồng ở Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) do BV Lê Văn Thịnh là đơn vị tiêm chủng, cũng tiêm vắc xin cho 238 người. Tại điểm tiêm Nhà thi đấu đa năng Q.7, khoảng 13 giờ ngày 21.6, lực lượng chức năng đã túc trực hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt và ổn định chỗ ngồi tại khu vực chờ tiêm vắc xin Covid-19. Người dân khi đến tiêm ngừa tại đây đều tuân thủ phòng chống dịch. Khoảng 13 giờ 20 phút, nhân viên y tế thông báo người dân đầu tiên vào tiêm vắc xin Covid-19. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó chủ tịch P.Bình Thuận (Q.7, TP.HCM), cho biết dự kiến tiêm cho 107 người là thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng.

Theo ghi nhận, có một số người huyết áp cao, có bệnh nền…, sau khi khám sàng lọc đã được tư vấn đi tiêm tại các BV. Ngoài ra, công tác tổ chức tại một số điểm tiêm khác chưa kịp thời có thể do hạn chế về thời gian.

Tiêm phủ 95% đối tượng ưu tiên

Trưa 21.6, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn TP.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng đây là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, công tác chuẩn bị gấp rút nhưng vẫn đảm bảo chu đáo. Toàn TP có 946 đội tiêm chính thức, 59 đội tiêm dự phòng, các đội tiêm đã được Bộ Y tế tập huấn công tác an toàn tiêm chủng, sở y tế tập huấn lại một lần nữa. Mỗi đội sẽ tiêm cho 200 người/ngày, tổng cộng tiêm cho 189.200 người/ngày. Điều đặc biệt của chiến dịch này có sự tham gia của các BV tuyến T.Ư, y tế tư nhân.

Ngành y tế cơ cấu 1 đội tiêm chủng gồm 5 nhân sự (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng); tổ hành chính có 3 người gồm 1 nhân sự tổ chức khai báo y tế, sàng lọc và bổ sung giấy tờ cam kết, 2 nhân viên địa phương nhập dữ liệu, cấp giấy chứng nhận; tổ an ninh có 7 người. Bên cạnh đó, có 4.000 đoàn viên thanh niên hỗ trợ sắp xếp bố trí hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách, trật tự.

Tại các điểm tiêm chủng đều có xe cấp cứu và ê kíp túc trực để xử lý, nếu có sự cố thì trong vòng 2 – 3 phút sẽ có xe cấp cứu tới. Trường hợp xảy sự cố, người dân sẽ được hưởng toàn bộ chính sách của bảo hiểm y tế. Trước khi tổ chức tiêm đồng loạt, ngành y tế đã tiêm chủng ở một số khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) và các tổ Covid-19 cộng đồng.

Ông Nam thông tin, ngành y tế sẽ rút kinh nghiệm khi tổ chức, tiếp nhận, lấy thông tin, hỗ trợ sau tiêm (giãn cách, tránh tình trạng người tiêm chủng tập trung, mất trật tự). Nếu tiêm hết số lượng vắc xin nhận được trong vòng 5 – 7 ngày tới, TP.HCM sẽ có độ bao phủ vắc xin 6% dân số.

Theo Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 4 tập trung cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, làm việc ở các đơn vị trọng yếu. Phấn đấu đạt 95% đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo kế hoạch.

Đến cuối năm sẽ có 5 – 10 triệu liều

Về nguồn cung vắc xin sắp tới, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay sẽ có 2 nguồn. Thứ nhất là nguồn Chính phủ cấp, từ nay đến cuối năm VN nhận hơn 100 triệu liều vắc xin, nếu tính theo quy mô dân số thì TP.HCM có khoảng 10 triệu liều vì chiếm khoảng 10% dân số cả nước. Xét theo độ tuổi, hiện 75% dân số TP.HCM ở độ tuổi 18 – 65 tuổi nên số lượng người dân được tiêm vắc xin sẽ ít hơn. Nguyên nhân là một số loại vắc xin yêu cầu về độ tuổi, như AstraZeneca yêu cầu từ 18 tuổi trở lên, Pfizer thì cho từ 12 tuổi trở lên.

Đối với nguồn TP.HCM chủ động tìm kiếm, ông Đức cho biết trong quá trình triển khai, TP.HCM đều tham vấn ý kiến chuyên gia, thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và các nhà cung cấp.

Trước thông tin các hãng vắc xin chỉ làm việc với Chính phủ, ông Đức thông tin bên cạnh Chính phủ thì các hãng cũng làm việc với chính quyền địa phương. Hiện TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất chứ không thông qua trung gian. “Hiện nguồn mà TP.HCM đang hướng đến là có khoảng 5 – 10 triệu liều trong năm nay”, ông Đức nói.

Về kinh phí mua vắc xin, theo ông Đức, sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tiếp cận nhanh nhất nguồn vắc xin và tổ chức tiêm chủng cho người dân bởi nếu sử dụng ngân sách thì phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công tốn nhiều thời gian hơn. Ông Đức khẳng định, tất cả người lao động làm việc trong KCN, KCX, KCNC và KCN phần mềm sẽ được tiêm vắc xin chứ không hề có sự phân biệt, chọn lọc giữa các doanh nghiệp. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người được tiêm chủng mũi 1 loại vắc xin nào thì mũi 2 sẽ được tiêm đúng loại đó.

Tính đến nay, TP.HCM được Bộ Y tế cấp 4 đợt vắc xin Covid-19. Đợt 1 có 8.000 liều, đợt 2: 55.000 liều, đợt 3: 70.000 liều và đợt 4: 836.000 liều; tổng cộng 969.000 liều. TP.HCM đã tiêm xong đợt 1, 2 và đang tiêm đợt 3 với khoảng 44.000 người được tiêm mũi 1 và gần 51.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Đợt 4 này, TP.HCM đã phân bổ cụ thể cho các đối tượng. Cụ thể, các nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp), tổng số 128.000 liều; trong đó, quân đội (30.000 liều), công an (20.000 liều), hải quan (1.500 liều), tổ Covid-19 cộng đồng 49.500 liều. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải (bến xe, nhà ga, tài xế xe buýt, xe khách, xe công nghệ, taxi…), du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, viễn thông, xăng dầu, hàng hóa trên 100.159 liều. Giáo viên, người làm việc tại cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người là 120.000 liều. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế 70.000 liều. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch: công nhân KCX, KCN, KCNC, công viên phần mềm… là 420.000 liều. (Thanh niên, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 2: “TP.HCM vào chiến dịch 5 ngày tiêm vắc xin”; Lao động, trang 1: “TP.Hồ Chí Minh: 280.000 công nhân khu công nghiệp sẽ được tiêm vaccine Covid-19”

 

Xây dựng chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện công thức ‘5K+ vắc xin’, tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi vào phòng, chống dịch Covid-19.

Chiều 21.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong phòng, chống dịch là rất tích cực. Chính phủ biểu dương một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Y tế, TP.Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch nên tình hình có chiều hướng tốt.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi đợt bùng phát thứ 4 của dịch, nhanh chóng ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, phục vụ mục tiêu “kép”.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 là “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là chủ thể trung tâm. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện công thức “5K+ vắc xin”, tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi vào phòng, chống dịch; không quá máy móc về đơn vị hành chính mà căn cứ vào tình hình dịch bệnh để thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách linh hoạt và chỉ ở cơ sở; xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm là chìa khóa dập dịch thành công…

Về thực hiện “Chiến lược vắc xin”, Thủ tướng chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, các ngành lưu ý phải thống nhất lại một mối, đảm bảo chất lượng vắc xin; chống cạnh tranh giữa tư nhân và nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng, trong sáng vô tư; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vắc xin; tiếp nhận chuyển giao thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn về công nghệ sản xuất vắc xin; xây dựng cụ thể chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin ở tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành.

Về những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn với tinh thần “3 không”: không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị. Đồng thời cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phòng, chống dịch…

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các ngành địa phương cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch; có chính sách khả thi, phù hợp tình hình, đối tượng dễ tiếp cận nhất có hiệu quả nhất để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các bộ, ngành và các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đảm bảo an toàn, hiệu quả, song giảm tối đa sự phiền hà cho học sinh, phụ huynh. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “TPHCM tiêm chủng thần tốc”; Báo Tuổi trẻ, trang 1: “Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19: Người dân hiểu rõ, càng nhiều thuận lợi”

 

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm Chỉ thị 10

Sau 2 ngày TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, nhìn chung người dân chấp hành tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp vi phạm, trong đó đáng chú ý nhất là chợ tự phát vốn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chiều 21.6, tại khu vực nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 30.4, công viên 23.9 (Q.1), ghi nhận thực tế cho thấy hầu như không có tình trạng tập trung đông người (quá 3 người). Nhưng ngày 21.6, tổ công tác của UBND P.Bến Nghé (Q.1) tạm giữ 15 ghế nhựa buôn bán tập trung đông người, yêu cầu ngừng hoạt động 19 trường hợp thuộc các loại hình không thiết yếu.

Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 10, các chợ tự phát trên địa bàn Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, TP.Thủ Đức… bát nháo, lộn xộn. Nhưng đến hôm qua 21.6, lực lượng chức năng có mặt từ sáng sớm nhắc nhở, xử lý nghiêm nên phần nào đã chấn chỉnh tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp vi phạm.

Cụ thể, tại chợ tự phát Phạm Văn Bạch (P.12, Q.Gò Vấp), chiều 21.6, khi tổ công tác P.12 (Q.Gò Vấp) phát hiện bà H. vẫn bán rau củ quả cho khách bất chấp lệnh ngừng hoạt động chợ tự phát nên đã tịch thu tang vật, lập biên bản xử phạt đối với bà H. Ngoài ra, tổ công tác còn xử phạt 1 triệu đồng đối với anh P.V.H (quê Hải Phòng) khi anh đến chợ tự phát mua hàng.

Ông Đỗ An Nhàn, Chủ tịch UBND P.12 (Q.Gò Vấp), cho biết công tác kéo barie tại khu chợ tự phát Phạm Văn Bạch đã được triển khai từ sáng sớm, đến chiều cùng ngày, tổ công tác tiếp tục đặt bảng thông báo yêu cầu người dân chấp hành Chỉ thị 10. Ngày thứ 2 xử lý, chấn chỉnh tại chợ tự phát, tổ công tác P.12 đã xử phạt 5 trường hợp không đảm bảo công tác phòng chống dịch (5 triệu đồng) và 3 trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường với số tiền 750.000 đồng. Trước đó, ngày 20.6, UBND P.12 cũng xử phạt 6 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường và 7 trường hợp người đến mua hàng tại chợ tự phát.

Liên quan hoạt động của các chợ tự phát, ông Trần Đăng Khoa, Chánh văn phòng HĐND và UBND Q.Bình Thạnh, cho biết các phường sẽ dừng toàn bộ hoạt động của các chợ tự phát trên địa bàn.

TP.HCM đề xuất hỗ trợ lao động tự do

Ngày 21.6, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có văn bản khẩn gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM về việc đề xuất chính sách hỗ trợ khoảng 230.000 người lao động tự do bị mất việc làm, gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại TP.HCM. Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 230 tỉ đồng.

Theo đó, tiêu chí đối tượng được đề xuất hỗ trợ là người lao động tự do. Đồng thời, người lao động làm trong 6 nhóm công việc, gồm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ngày 30.5 (như tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên…). (Thanh niên, trang 2)

 

Khởi tố giám đốc làm bùng dịch Covid-19, gây thiệt hại hơn 7 tỉ đồng

Công an TP.Đà Nẵng khởi tố giám đốc Thẩm mỹ viện quốc tế Amida làm bùng dịch Covid-19, gây thiệt hại hơn 7 tỉ đồng.

Ngày 21.6, Công an TP.Đà Nẵng khởi tố, cho tại ngoại đối với Nguyễn Quang Trọng (29 tuổi, ngụ căn hộ B1204 chung cư Fhome, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Amida, về tội vi phạm quy định an toàn ở nơi đông người.

Trước đó, khi TP.Đà Nẵng xuất hiện dịch Covid-19 cuối tháng 4, UBND TP.Đà Nẵng cấm không tụ tập đông người, đeo khẩu trang và các quy định chống dịch khác.

Tuy nhiên, tối 2.5, tại Thẩm mỹ viện quốc tế Amida TP.Đà Nẵng, Nguyễn Quang Trọng vi phạm tụ tập trên 30 người. Ban đầu tất cả mang khẩu trang, nhưng Trọng yêu cầu bỏ ra để hô to các khẩu hiệu thể hiện quyết tâm nâng cao doanh số.

Hậu quả, có 65 người nhiễm Covid-19 liên quan ổ dịch bùng phát tại Công ty TNHH quốc tế Amida, khiến nhà nước tốn chi phí hơn 7,1 tỉ đồng để điều trị, truy vết, cách ly… Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Nguyễn Quang Trọng vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống Covid-19. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Khởi tố giám đốc Thẩm mỹ viện Amida vì làm lây lan dịch”

 

Quỹ vắc-xin COVID-19: ‘Trao biển’ nhưng chưa chuyển tiền

Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19 ra đời để tiếp nhận sự ủng hộ của mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ cùng ngân sách nhà nước sớm đạt mục tiêu tiêm vắc – xin phòng COVID-19 cho toàn dân. Do đó, mọi sự ủng hộ vào quỹ, dù nhiều hay ít, đều rất quý và đáng trân trọng. Tới nay vẫn còn nhiều tổ chức đã cam kết, đã “trao biển” nhưng chưa chuyển tiền vào tài khoản quỹ.

Nhiều lý do chậm chuyển tiền

Theo công bố của Ban quản lý Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19 (Bộ Tài chính), tính tới 11h ngày 21/6, quỹ đã tiếp nhận được 5.935 tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi) ủng hộ từ 331.251 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cùng thời điểm, còn 40 tổ chức, cá nhân đã cam kết ủng hộ quỹ nhưng chưa chuyển, hoặc mới chuyển một phần tiền. Tổng số tiền các đơn vị cam kết nhưng chưa chuyển là hơn 1.953 tỷ đồng. Danh sách tổ chức, cá nhân đã chuyển và cam kết nhưng chưa chuyển tiền ủng hộ được công khai trên cổng thông tin của Kho bạc Nhà nước.

Theo danh sách 40 tổ chức đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền vào tài khoản Quỹ Vắc-xin COVID-19 còn một số đơn vị và tập đoàn lớn với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Theo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam số tiền này rất cần thiết cho cuộc chiến chống COVID.

Theo danh sách trên, PV Tiền Phong đã liên hệ để tìm hiểu lý do các đơn vị chưa chuyển tiền. Đơn cử như có một tập đoàn công nghệ lớn cam kết ủng hộ quỹ 450 tỷ đồng, tới nay còn 444 tỷ đồng chưa chuyển. Phía truyền thông tập đoàn này lý giải, do đặc thù doanh nghiệp nhà nước, phải thực hiện theo quy định về thủ tục, trình tự nên mất nhiều thời gian. Sáng 21/6, tập đoàn đã ký chuyển 1 lần 450 tỷ đồng vào tài khoản quỹ. Còn 6 tỷ đồng đã chuyển vào quỹ là của các đơn vị thành viên tập đoàn ủng hộ riêng.

Danh sách trên còn có Tập đoàn kinh tế khác chưa chuyển 400 tỷ đồng. Phía tập đoàn này cho hay, đầu giờ chiều 21/6 đã chuyển tiền vào tài khoản quỹ. Tập đoàn này cũng cần thời gian để làm thủ tục và đợi các đơn vị thành viên chuyển tiền ủng hộ để tổng hợp chuyển 1 lần. Còn có ngân hàng cam kết ủng hộ 11 tỷ đồng nhưng chưa chuyển, cũng nằm trong danh sách trên. Ngân hàng này cho hay, số tiền này đã được ngân hàng chuyển vào tài khoản của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam từ ngày 4/6.

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận cam kết ủng hộ 1.016 tỷ đồng, tới nay đã chuyển vào tài khoản quỹ 475 tỷ, còn 541 tỷ đồng chưa chuyển. “Mặt trận đứng ra kêu gọi và tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch bệnh và mua vắc-xin COVID-19 từ trước khi Quỹ Vắc-xin ra đời. Số tiền này các tổ chức, cá nhân cam kết ủng hộ qua MTTQ, không phải của MTTQ ủng hộ, nên các đơn vị chưa chuyển thì chúng tôi cũng chưa có tiền chuyển vào quỹ, nếu nhận được tiền sẽ chuyển ngay. Dự kiến chiều 21/6, MTTQ sẽ chuyển thêm khoảng 450 tỷ đồng nữa vào quỹ”, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho PV Tiền Phong biết sáng 21/6.

Thiện nguyện nên khó chế tài

Về một số tổ chức, cá nhân đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền vào Quỹ Vắc-xin COVID-19, giải pháp để tránh trường hợp không chuyển tiền, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng: “Đây là hoạt động thiện nguyện nên cũng rất tế nhị, là cam kết xã hội, không phải cam kết pháp luật. Chương trình ủng hộ mua vắc-xin COVID-19 xưa nay chưa từng có, nên các tổ chức, cá nhân ủng hộ đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất lớn, rất đáng trân trọng. Nhiều đơn vị cam kết ủng hộ với số tiền lớn, cần thời gian để thu xếp, điều đó cũng dễ hiểu”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19 cho biết, ít ngày trước quỹ có văn bản đôn đốc các tổ chức, cá nhân đã cam kết sớm chuyển tiền vào tài khoản quỹ. “Ủng hộ quỹ là tự nguyện, tổ chức, cá nhân chưa chuyển tiền cũng tế nhị, nên quỹ chỉ đôn đốc, công khai, không quy định thời hạn. Việc cá nhân, tổ chức cam kết ủng hộ cũng rất quý. Tuy nhiên, các đơn vị chưa chuyển tiền cũng làm khó cho ban quản lý quỹ, khi thông tin ủng hộ được công khai, mọi người đều biết, nhưng trong danh sách tiền về quỹ lại không có tên một số đơn vị, cũng khó cho ban quản lý quỹ”, ông Vinh nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Quỹ Vắc-xin COVID-19, một số đơn vị có văn bản gửi lại giải thích, trước khi có quỹ đã chuyển một phần hoặc toàn bộ tiền đã cam kết vào tài khoản của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hoặc Bộ Y tế. Do đó, khi các cơ quan này chuyển tiền vào tài khoản quỹ kèm danh sách đơn vị ủng hộ, ban quản lý quỹ sẽ đối chiếu để đưa vào danh sách đã chuyển tiền. Hiện tại, tài khoản quỹ chưa nhận được số tiền các đơn vị đã ủng hộ từ Bộ Y tế chuyển sang.

Về chi quỹ, theo ông Vinh, Chính phủ vừa đồng ý mua lại vắc-xin AstraZeneca của một đơn vị trong nước, khi Bộ Y tế ký hợp đồng, quỹ sẽ chuyển tiền ngay. Việc chi quỹ phụ thuộc vào tiến độ triển khai mua vắc- xin của Bộ Y tế.

Theo công khai của Ban quản lý Quỹ Vắc-xin COVID-19, một số cá nhân đã ủng hộ quỹ số tiền lớn, như (tài khoản hiện tên không dấu): Ngo Van Vuong và gia đình cháu Nguyen Binh An ủng hộ 5 tỷ đồng; Gia đình Nguyen Quang Sy (Dak Lak) 500 triệu đồng; Nguyen Thi Minh Phuong 500 triệu đồng; Ca sỹ My Le 500 triệu đồng; Huynh Minh Hung 300 triệu đồng; Vợ chồng ca sỹ My Dung 300 triệu đồng…

Các tổ chức đã chuyển tiền ủng hộ quỹ số tiền lớn như: Cty Golf Long Thành 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng, VNPT 400 tỷ đồng, EVN 400 tỷ đồng, Sun Group 320 tỷ đồng, VRG 200 tỷ đồng, Petrolimex 200 tỷ đồng, Mobifone 200 tỷ đồng, SCIC 200 tỷ đồng, ACV 150 tỷ đồng… (Tiền phong, trang 1)

 

Sức ép từ những ca bệnh nặng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, đánh giá, trong đợt dịch thứ 4 này, số lượng bệnh nhân COVID-19 rất lớn, tạo ra sức ép mạnh mẽ với hệ thống điều trị.

Chủng virus lần này (được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) có diễn biến lâm sàng nhanh hơn, số lượng bệnh nhân nặng cao hơn các lần trước. “Phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn 3 đợt dịch trước. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn như lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo) là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức tích cực trong điều trị COVID-19”, bác sĩ Cấp cho hay.

Theo bác sĩ Cấp, về mặt di truyền học, khi một người nhiễm 2 chủng virus khác nhau thì có thể dẫn đến sự tổ hợp các yếu tố di truyền của 2 chủng đó thành một chủng virus mới. “Tuy nhiên, về mặt lâm sàng, chúng tôi chưa nhận thấy điểm khác biệt nhiều giữa chủng virus của Anh và chủng Ấn Độ nguyên gốc nên về mặt lâm sàng, chúng tôi vẫn điều trị theo phác đồ cũ”, ông nói.

Hiện nay, việc điều trị bệnh nhân nặng là vấn đề rất quan trọng. Ngay từ đầu, các chuyên gia đã chú trọng nâng cao năng lực điều trị tại các tuyến cơ sở vì khi các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến tỉnh điều trị tốt, tỷ lệ diễn biến trở nặng, nguy kịch thấp đi, giảm gánh nặng đối với khoa hồi sức cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, giảm số bệnh nhân phải chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nguy cơ lây nhiễm nếu điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà

Về việc một số quốc gia chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, bác sĩ Cấp cho rằng, với những nước có lượng bệnh nhân lớn, dịch đã lưu hành rộng trong cộng đồng, họ sẽ áp dụng chiến lược điều trị tại nhà, nếu nặng mới đến bệnh viện. “Nhưng tại Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát được dịch ngoài cộng đồng, số lượng bệnh nhân chưa vượt quá khả năng điều trị nên ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện. Với các bệnh nhân COVID-19, đa phần tuần đầu có biểu hiện nhẹ và một số có biểu hiện nặng ở tuần thứ 2”, ông nói.

Theo bác sĩ Cấp, nếu áp dụng giống như nước ngoài, những trường hợp nhẹ, diễn biến nhẹ điều trị ở nhà thì có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là trong gia đình có 3-4 thế hệ cùng chung sống, có người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. “Vì thế, nếu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nhà thì rất nguy hiểm”, ông nhận định. Theo ông, việc điều trị tại nhà cũng khó để phát hiện sự thay đổi bệnh lý sớm, nếu để rất nặng mới vào viện thì khả năng điều trị thấp hơn.

Tối 21/6, Bộ Y tế cho biết, trong ngày Việt Nam ghi nhận 272 ca mắc với 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2), Hải Dương (1), Kiên Giang (1), An Giang (1). Trong 267 ca ghi nhận trong nước, tại TPHCM có 166 ca, Bắc Giang (51), Bình Dương (21), Bắc Ninh (13), Nghệ An (5), Đà Nẵng (4), Tiền Giang (2), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (2), Trà Vinh (1); có 258 ca được phát hiện trong khu cách ly, khu đã được phong toả. Cùng ngày, Bộ Y tế thông tin, có 3 bệnh nhân COVID-19 tử vong, đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, gồm 2 ca ở TPHCM và 1 ca ở Bắc Giang. (Tiền phong, trang 5)

 

Tình hình chống dịch Covid-19 có chiều hướng tốt, cần tiếp tục phát huy thành quả

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kết quả đạt được trong phòng chống dịch là rất tích cực, Chính phủ biểu dương Bộ Y tế, TP Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhất là TPHCM, đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống dịch nên tình hình có chiều hướng tốt, cần tiếp tục bảo vệ và phát huy thành quả.

Chiều 21-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào. Do đó, chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác và cần rút kinh nghiệm trong phòng chống dịch để điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận, phù hợp với tình hình mới.

Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong phòng chống dịch là rất tích cực, Chính phủ biểu dương Bộ Y tế, TP Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhất là TPHCM, đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống dịch nên tình hình có chiều hướng tốt, cần tiếp tục bảo vệ và phát huy thành quả.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19, nhanh chóng ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, phục vụ mục tiêu “kép”, ngăn dịch để ổn định sản xuất – kinh doanh, với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; trong đó, tập trung hỗ trợ TPHCM, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhất là tại khu công nghiệp.

Nhắc lại quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là chủ thể trung tâm, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào chống dịch, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện công thức “5K+ vaccine”, tiếp tục ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, sớm ổn định tình hình; bao vây, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng; không quá máy móc về đơn vị hành chính mà căn cứ vào tình hình dịch bệnh để thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách linh hoạt và chỉ ở cơ sở; xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm là chìa khóa dập dịch thành công…

Thủ tướng chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, các ngành lưu ý phải thống nhất một mối, phối hợp thật tốt để đảm bảo cấp phép, quản lý, đảm bảo chất lượng vaccine; chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng, trong sáng vô tư; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vaccine; tiếp nhận chuyển giao thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn về công nghệ sản xuất vaccine, nhanh chóng đưa sản phẩm vào thử nghiệm rộng rãi hơn; xây dựng cụ thể chiến dịch thần tốc tiêm vaccine ở tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, kêu gọi người dân vào cuộc, truyền cảm hứng, động viên người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền thật bình đẳng cho các nguồn vaccine để người dân không so bì, chờ đợi.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn với tinh thần “3 không”: không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị. Đồng thời cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để việc phòng chống dịch được phù hợp với tình hình và đạt hiệu quả hơn như: xây dựng các quy định về mua vaccine; quy định chống dịch trong các khu công nghiệp, các cơ sở y tế, các khu cách ly; tiêu chuẩn, quy định thí điểm cách ly tại nhà; cơ chế xã hội hóa xét nghiệm…

Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong phòng chống dịch; có chính sách khả thi, phù hợp tình hình, đối tượng dễ tiếp cận nhất có hiệu quả nhất để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vaccine Covid-19

Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam vaccine Covid-19, làm cơ sở phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Chiều 21-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori. Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tái khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, quan trọng hàng đầu, lâu dài với sự tin cậy cao trong chính sách ngoại giao của Việt Nam; ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò cường quốc toàn cầu, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Coivd-19; chuyển cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine vào ngày 16-6.

Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori cho biết, Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ chế, tổ chức quốc tế để hỗ trợ vaccine cho tất cả các nước. Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam vaccine Covid-19, làm cơ sở phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn tăng cường kết nối hai nền kinh tế với nhau trên cơ sở Tuyên bố chung trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Hai bên nhấn mạnh, bên cạnh sự giao lưu tin cậy giữa chính phủ và người dân hai nước, sự hợp tác giữa quốc hội hai nước có vai trò rất quan trọng, cần tiếp tục được thúc đẩy. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật sát thực tế, có tính ổn định và dễ đoán định để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.

Về các vấn đề quốc tế, hai bên bày tỏ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, sự thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982… (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 5: “Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo tất cả người dân được tiêm vaccine COVID-19”

 

Người mắc bệnh mạn tính: Thận trọng khi tự chăm sóc tại nhà

Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người bệnh có tâm lý e ngại đến các bệnh viện để khám bệnh, nhất là những người mắc bệnh mạn tính. Một số người đã tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà dẫn đến bệnh nặng thêm.

Nhiều nguy cơ

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.L. (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở và khò khè. Tại phòng khám Hen – COPD, bác sĩ cho biết chị L. bị hen phế quản cấp. Cách đây 3 tháng, chị L. được chẩn đoán mắc hen suyễn và điều trị ngoại trú. Hơn 3 tuần nay, thấy sức khỏe ổn định, chị L. tự ý ngưng uống thuốc. Vài ngày sau, các triệu chứng khó thở nặng, ho nhiều khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau khi nhập viện, người bệnh được cho thở oxy, phun khí dung thuốc giãn đường thở, tiêm thuốc corticoid. Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến tình trạng của chị L. diễn tiến xấu hơn là do tự ý ngưng thuốc, và khi triệu chứng trở nặng đã không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen đúng lúc.

PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ, hen suyễn là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài, người bệnh cần tuân thủ điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh dễ lên cơn hen cấp, khó thở nặng, phải nhập viện cấp cứu. Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, khó thở dẫn đến tử vong.

Không may mắn như chị L., cuối tháng 5 vừa qua, BV Đại học Y Hà Nội đã ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, bệnh nhân nam (85 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) có tiền sử bệnh phổi mạn tính tâm phế mạn, điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo lịch hẹn. Bệnh nhân có tình trạng khó thở và lẽ ra phải quay trở lại BV tái khám, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngần ngại không đến. Đến khi được người nhà đưa đến BV cấp cứu thì đã trong tình trạng nguy kịch.

Mặc dù thấu hiểu tâm lý lo sợ của bệnh nhân khi phải đến BV trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhưng PGS-TS Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà. Nếu bệnh nhân có bệnh nền có các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo thì buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.

Chú ý phòng ngừa

Theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần, hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu. Trên thực tế đã có không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình tự điều trị tại nhà. Một trong những lý do thường gặp là người bệnh không tiếp cận được với những trung tâm chăm sóc và quản lý hen suyễn, tin dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để tự điều trị.

Bên cạnh đó, nhiều người bệnh lạm dụng hoặc không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn cấp. “Việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỷ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn”, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo.

Cùng với hen suyễn, các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp cũng là các bệnh lý âm thầm nhưng có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu như tự ý điều trị tại nhà, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đang điều trị bệnh mạn tính cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mình hiện có. Nếu còn ít thì cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Người bệnh cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… để sử dụng khi cần thiết. Trong trường hợp có chỉ định tái khám, cần đến gặp bác sĩ và phải đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến BV gần nhất.

Về chế độ sinh hoạt, người mắc bệnh mạn tính cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích. Đặc biệt, không uống thuốc bổ vô tội vạ, bởi nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra tình trạng tương tác với thuốc điều trị, quá tải các thành phần khoáng chất, mà nghiêm trọng nhất là quá tải sắt có thể dẫn đến tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Thủ tướng khen 32 thầy thuốc tiêu biểu, xuất sắc trong phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 977/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 32 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

32 cá nhân được tặng Bằng khen gồm:

1. TS.BSCKII. Phan Thị Xuân – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

2. TS.BS. Lê Quốc Hùng – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

3. ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ – Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

4. TS. BS. Phùng Mạnh Thắng – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

5. TS.DS. Nguyễn Quốc Bình – Giám đốc Trung tâm DI & ADR kiêm Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

6. BSCKII. Phạm Thanh Việt – Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

7. BSCKI. Huỳnh Quang Đại – Giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc, Khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế;

8. ThS.ĐD. Nguyễn Trần Đức – Điều dưỡng trưởng, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

9. Bà Nguyễn Thị Minh Thuý – Điều dưỡng, Khoa Hồi sức tích cực khu D thuộc Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

10. TS.BS. Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế;

11. TS.BS. Đỗ Thiện Hải – Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế;

12. TS.BS. Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế;

13. TS.BS. Mai Văn Tuấn – Trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Y tế;

14. BSCKII. Phạm Như Vĩnh Tuyên – Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Y tế;

15. GS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

16. ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

17. Ông Trương Văn Trường – Điều dưỡng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

18. Ông Hoàng Quốc Thắng – Điều dưỡng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

19. Ông Nguyễn Xuân Thành – Bác sĩ, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

20. Bà Nguyễn Thị Thường – Điều dưỡng trưởng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

21. Bà Nguyễn Thị Hà – Điều dưỡng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

22. Bà Nguyễn Thị Yến – Điều dưỡng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

23. ThS. Trần Văn Kiên – Bác sĩ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

24. Ông Mạc Duy Hưng – Bác sĩ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

25. ThS. Phạm Văn Phúc – Bác sĩ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

26. TS.BS. Trần Văn Giang – Phó Trưởng Khoa Virus – Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế;

27. TS.BS. Lê Viết Nhiệm – Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bộ Y tế;

28. GS.TS. Ngô Quý Châu – nguyên Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

29. PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Chi – Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

30. ThS. Trương Thái Phương – Trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

31. TS.BS. Trương Anh Thư – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

32. Ông Nguyễn Đức Linh – Điều dưỡng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 để tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng

GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này có nhiều điểm mới và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người dân…

PV: Thưa Bộ trưởng, được biết Bộ Y tế đang chủ trì chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 quốc gia. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm cơ bản của chiến dịch này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng sau:

Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm là ở tất cả các xã, phường;

Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng lần này dựa trên các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động như tại khu vực nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách tiện ích nhất và dễ dàng nhất;

Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cũng như nhiều bộ, ngành có liên quan khác cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này;

Thứ tư cũng là điểm rất quan trọng của chiến dịch này đó là sự triển khai của tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này;

Tiếp đó, chúng ta cũng áp dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó có triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng chống dịch.

Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khoẻ điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi tiến hành tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua các tin nhắn. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển các tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.

Đồng thời, khi tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng sẽ sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử để tiêm xong người nào sẽ tick vào hệ thống phần mềm do Bộ Y tế đã phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng triển khai nội dung này.

Tiếp đó, tại Sổ sức khoẻ điện tử này khi tiêm xong sẽ đồng bộ hoá cả thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu về sau này khi áp dụng hộ chiếu vắc xin.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để có thể quản lý và xử trí kịp thời.

PV: Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này là tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam. Tại sao lại đặt ra mục tiêu như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 và đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng.

Mà muốn có miễn dịch cộng đồng việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc xin.

PV: Vậy để đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Việt Nam đã tiêm gần 2,5 triệu mũi vắc-xin phòng COVID-19, tỷ lệ phản ứng sau tiêm dưới 20%

Việt Nam đã thực hiện tổng cộng tiêm 2.422.643 liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 là 121.683 người. Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 – 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vắc-xin đã được cung ứng.

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, việc tiêm vắc-xin bao phủ 70% dân số của cả nước phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc-xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Trong trường hợp nguồn cung vắc-xin dồi dào đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế, bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia. Như vậy, thời gian đạt được mục tiêu sẽ rút ngắn xuống so với chỉ triển khai trong hệ thống tiêm chủng mở rộng.

Cập nhật về các phản ứng sau tiêm vắc -xin COVID-19, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Dương Thị Hồng cho biết: Vắc-xin COVID-19 cũng như bất kỳ một loại vắc-xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”.

Liên quan đến chỉ định tiêm vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…), PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc COVID-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc-xin, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.

Vắc-xin phòng COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được WHO tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc-xin khi đưa ra sử dụng. “Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc-xin mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm”- PGS.TS. Dương Thị Hồng nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Tăng cường phòng, chống dịch tại chung cư và khu công nghiệp

Nhằm hạn chế lây lan do môi trường làm việc và sinh sống đông đúc, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống dịch tại các khu chung cư, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 21-6, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm phòng, chống dịch tại các quận, huyện vẫn được duy trì nghiêm túc.

Kiểm soát chặt tại các khu công nghiệp

Thực hiện công tác phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện đã chỉ đạo 64 doanh nghiệp thành lập 192 Tổ an toàn Covid-19 với 620 công nhân lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Đồng thời, huyện lập danh sách quản lý 3.761 công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp khu công nghiệp Ngọc Hồi, trong đó, 2.094 người thường trú trên địa bàn huyện Thanh Trì; điều tra, rà soát 144 trường hợp đi về từ vùng dịch đã thực hiện khai báo y tế và cách ly tại nhà theo quy định.

Đến nay, huyện Thanh Trì đã lấy 110 mẫu xét nghiệm sàng lọc khu vực có nguy cơ tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, kết quả 110/110 mẫu âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, huyện rà soát các trường hợp trên địa bàn liên quan Khu công nghiệp Quang Châu, Đình Trám – Bắc Giang, Sam Sung, Canon – Bắc Ninh có 76 trường hợp liên quan, huyện đã lấy mẫu xét nghiệm 36 trường hợp, kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tại địa bàn huyện Hoài Đức, hiện có 119 doanh nghiệp tại các điểm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề và các doanh nghiệp tại các xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện đã thành lập 228 Tổ an toàn Covid-19 với 899 thành viên tham gia, hoạt động hiệu quả. Bên cạnh theo dõi, giám sát và báo cáo hằng ngày, các thành viên Tổ an toàn Covid-19 còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người thân, gia đình và đồng nghiệp về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Huyện cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là kiểm tra hiệu quả hoạt động của các Tổ an toàn Covid-19 tại các doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo 20/20 xã, thị trấn triển khai nghiêm túc công tác tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn. Thông qua đó, các lực lượng xử phạt 83 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 173 triệu đồng.

Khảo sát sáng 21-6 trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh), hiện địa bàn xã có hơn 15.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Cách đó không xa, trên địa bàn xã Võng La cũng có khoảng 3.000 lao động đang cư trú, sinh sống ở 3 thôn Đại Độ, Võng La và Sáp Mai. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hai xã đã tiến hành lập chốt kiểm tra y tế tại các điểm tiếp giáp, lối ra vào liền kề với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Theo quan sát của phóng viên, hằng ngày, mỗi lao động ra – vào xã đều phải đo thân nhiệt, ghi lại thông tin cá nhân, nếu phát hiện trường hợp có nhiệt độ cao, lập tức tổ chức cách ly, xét nghiệm theo quy định. Chủ tịch UBND xã Kim Chung Lê Thị Vân Huyền cho biết, để người dân, đặc biệt là công nhân lao động nhận thức và hiểu rõ tác hại, mức độ lây lan của dịch bệnh, xã thực hiện công tác khoanh vùng, siết chặt cách ly đối với những trường hợp F1, F2. Cùng với đó, phân công lực lượng trực 24/24/7; lập 49 chốt kiểm soát y tế tại các trục đường chính ra – vào tại 3/3 thôn, phân công 286 người tham trực tại các chốt. Qua kiểm tra, các lực lượng xử phạt 7 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang với tổng số tiền 13 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Bằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Võng La, đến thời điểm này, để tránh nguy cơ dịch bệnh từ khu công nghiệp hoặc từ các ổ dịch khác, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã lập 14 chốt kiểm soát và 30 chốt kiểm tra y tế trên địa bàn 3 thôn cùng các khu vực tiếp giáp với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Thực hiện nghiêm tại chung cư

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chung cư, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Lan cho biết, do khó khăn về mật độ dân cư đông với nhiều nhà chung cư đóng trên địa bàn, phường Định Công đã yêu cầu các Tổ Covid-19 cộng đồng do lực lượng công an làm chủ công hằng ngày bám sát cùng các tổ trưởng dân phố đi từng nhà, rà từng ngõ làm công tác tuyên truyền cho người dân ý thức chung tay phòng, chống dịch.

Tương tự, tại trước sảnh khu thang máy, khu vực ngồi chờ, các chung cư trên địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đều có các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Chị Lê Thúy Hiền, người dân phường Trung Hòa cho biết, trên các bảng tin thông báo của các khu chung cư đều dán chỉ đạo của Trung ương và thành phố để người dân kịp thời nắm bắt thông tin; dán pa nô, áp phích khuyến cáo thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các phường rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, từ tổ dân phố, hộ gia đình, nhất là các khu chung cư, nhà trọ, bảo đảm năng lực hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của Tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Ngô Duy Quý cho biết, trên địa bàn xã có Khu đô thị Tân Tây Đô với 6 tòa nhà chung cư, hàng trăm hộ dân đang sinh sống. Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng cách ly y tế khi có ca dương tính xảy ra tại các khu chung cư. Huyện và xã cũng đã tổ chức diễn tập xử lý tình huống giả định khi có ca dương tính với Covid-19 tại tòa CT1B. Đồng thời, xã phối hợp với các tổ dân phố quản lý chặt chẽ các trường hợp F2 đang cách ly y tế tại khu chung cư; hướng dẫn người dân thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Đến nay, cơ bản người dân đều chấp hành tương đối tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Tính từ ngày 30-4 đến nay, huyện Gia Lâm tiếp nhận 20 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó 14 trường hợp đã ra viện. Tổng số người khai báo y tế từ ngày 10-5 đến nay là 5.901 người. Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, hiện tại, huyện sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F1 đến khu cách ly tập trung của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các khu chung cư, khu công nghiệp để người dân biết về tình hình dịch bệnh, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Việt Nam có thể tiêm hàng triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày

Với năng lực hiện nay, Việt Nam có thể tiêm hàng triệu mũi vaccine một ngày. Cán bộ và nhân viên y tế tại 15.000 điểm tiêm trên toàn quốc, đều là những người đã có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn về tiêm chủng. Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không lo thiếu nguồn lực, nhân lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19.

Có thể tiêm hàng triệu liều vaccine mỗi ngày

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trong lịch sử ngành Y tế, Bộ Y tế đã tập huấn trên toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, để đảm bảo triển khai chiến dịch tiêm chủng ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận các địa điểm tổ chức tiêm chủng, đến tận bàn tiêm và thực hiện tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có); giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Với quy mô triển khai lớn nhất từ trước đến nay, công tác tiêm chủng được thực hiện ở tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở các xã, phường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, cho thấy có sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế về vấn đề này. Ban an toàn tiêm chủng có những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi ro khi tiêm. Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tiêm chủng từ khám sàng lọc trước tiêm, chẩn đoán và điều trị các vấn đề sau tiêm đến xử trí phản vệ… đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến quy mô toàn quốc về quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm trên nguyên tắc: “An toàn – Thận trọng – Thực hiện từng bước – Tăng cường tối đa độ bao phủ”.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp phát sinh tai biến tiêm chủng tại cơ sở y tế của mình để việc triển khai tiêm chủng đạt kết quả cao, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Về năng lực tiêm chủng tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định: “Với năng lực hiện nay, Việt Nam có thể tiêm hàng triệu mũi vaccine một ngày. Cán bộ và nhân viên y tế tại 15.000 điểm tiêm trên toàn quốc, đều là những người đã có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn về tiêm chủng. Chúng ta không lo thiếu nguồn lực tiêm chủng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tiêm chủng sẽ được triển khai tại các bệnh viện các tuyến từ Trung ương đến địa phương, các trung tâm tiêm chủng, hệ thống y tế tự phòng từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, về đến tuyến xã… trên khắp cả nước đều đã được tập huấn đầy đủ về công tác tiêm chủng. “Tôi xin đơn cử nếu như tổ chức tiêm tại 10.000 điểm tiêm trên khắp cả nước, mỗi nơi chỉ tiêm 10 mũi vaccine là có thể tiêm hết 100.000 liều vaccine cùng lúc. Như vậy, công suất tiêm có thể đảm bảo nếu chúng ta có đủ vaccine”- ông Cường khẳng định.

Mua được vaccine sẽ đưa về Việt Nam nhanh nhất

Về việc nhập khẩu vaccine, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã bàn và thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tối đa chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vaccine thì đưa về Việt Nam thật nhanh.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua cơ quan này đã xử lý hàng trăm đề nghị, gặp gỡ hàng chục doanh nghiệp muốn được nhập khẩu vaccine nhưng sau khi tìm hiểu thì tất cả các nguồn cung vaccine đều đã có tiếp xúc trực tiếp với Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý những tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với các đơn vị trung gian chào bán vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian có giấy ủy quyền chính thức của nhà sản xuất.

Đối với việc nhập khẩu vaccine của TPHCM, căn cứ đề nghị, nhu cầu của thành phố, Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền chính thức từ nhà sản xuất và thành phố.

Bộ Y tế và các cơ quan thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm vẫn còn tình trạng tranh mua vaccine trên thế giới, nhất là trước tháng 10.2021. Các địa phương, doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vaccine tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vaccine trong năm 2021 và sang năm 2022 mới có. Dự kiến sang năm 2022 thị trường vaccine phòng COVID-19 sẽ có thay đổi.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu Bộ Y tế có văn bản sớm để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21/NQ-CP gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Đây cũng là nguyện vọng của các nhà tài trợ.

Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 xong cho đối tượng ưu tiên và đạt đến miễn dịch cộng đồng, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.

Liên quan đến các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước; tiến độ thử nghiệm các loại vaccine trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7.2021.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ thống nhất chủ trương, một mặt tận dụng, tiếp cận tất cả nguồn cung vaccine trên thế giới, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vaccine trong nước không chỉ phục vụ nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mà còn phát triển công nghiệp vaccine, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vaccine.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vaccine trên thế giới. Ngoài hai nguồn chính thức mua của hãng Astra Zeneca và nguồn tài trợ vaccine Sputnik V của Nga, sắp tới là vaccine của hãng Pfizer, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (3 loại vaccine Astra Zeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục nhận viện trợ vaccine song phương của các nước. Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca cho Việt Nam và cũng đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine do Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tài trợ. (Lao động, trang 2).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận