Điểm báo ngày 28/6/2021

(CDC Hà Nam)

TPHCM: Tốc độ tiêm chủng dự kiến về đích đúng kế hoạch; Cách ly F1 tại nhà cần giám sát chặt, xử lý nghiêm; Tự chủ toàn diện 4 bệnh viện lớn: Thận trọng khi triển khai tiếp; Chợ truyền thống ‘chống chọi’ COVID-19

TPHCM: Tốc độ tiêm chủng dự kiến về đích đúng kế hoạch

Chiều 27-6, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có tổng cộng 643.411 người được tiêm vaccine trên tổng số 718.999 trường hợp đến tiêm. Trong đó, có 82.205 người tạm hoãn tiêm do có bệnh nền, huyết áp cao, trên 65 tuổi, tâm lý gây rối loạn và một số nguyên nhân khác, sẽ bố trí tiêm vào đợt sau. Trong đợt này, TPHCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm. Một số người có phản ứng phản vệ. Tất cả đều được phát hiện sớm và đã ổn định sức khỏe.

“Thời gian đầu tổ chức tiêm chủng còn xảy ra nhiều chệch choạc. Sau khi rút kinh nghiệm, rà soát các khâu liên quan và nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, tốc độ tiêm chủng tại TPHCM đang tăng rất nhanh và dự kiến về đích 806.000 liều theo đúng kế hoạch”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Tối 27-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, TP ghi nhận 200 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 184 trường hợp là các tiếp xúc với những bệnh nhân đã được công bố trước đó đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; 12 trường hợp mới phát hiện đang điều tra dịch tễ; 4 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp. 184 trường hợp là các tiếp xúc được điều tra truy vết.

Tối cùng ngày, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh viện có 2 bác sĩ tham gia tiêm chủng tại điểm tiêm 268 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (phụ trách khu vực cấp cứu và xử trí sau tiêm) dương tính với Covid-19. Bệnh viện đã có thông báo yêu cầu các đơn vị có cán bộ chiến sĩ đi tiêm chủng tại 268 Trần Hưng Đạo từ ngày 21-6 đến 24-6 cần thực hiện nghiêm 5K, theo dõi sức khỏe (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Cách ly F1 tại nhà cần giám sát chặt, xử lý nghiêm

Ngày 27-6, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND TPHCM về việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1. Theo đó trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ: Hiện nay tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn, gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TPHCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo Hướng dẫn; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố hoặc đơn vị được chỉ định tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Phải có kịch bản ứng phó tình huống xấu khi dịch diễn biễn phức tạp

Sáng 27-6, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã về kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bình Dương. Cùng đi có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ có đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất – kinh doanh tại chỗ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương áp dụng mô hình tổ chức ăn ở, sản xuất tại chỗ, nhất là tại các khu công nghiệp. Ăn ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ, bàn thêm phương án tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để thực hiện mô hình này mà tỉnh Bắc Giang đã thực hiện có hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đề nghị tỉnh chủ động điều chỉnh các dự án đầu tư công cho phù hợp, nhất là các dự án trọng điểm cần triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thủ tướng đánh giá cao định hướng tăng trưởng kinh tế xanh của Bình Dương bằng áp dụng khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số của nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng nhân cơ hội thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh này, tỉnh Bình Dương mạnh dạn tái cơ cấu nền kinh tế theo đổi mới công nghệ số; tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp thành phố Hồ Chí Minh kết nối giao thông, đẩy mạnh phát triển hơn nữa tính liên kết vùng.

Thủ tướng đề nghị Bình Dương tập trung đầu tư hoàn thiện giao thông; biểu dương Bình Dương mở đường sá khá tốt đã tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội rõ rệt, nhất là sau khi mở đường thì đô thị, dịch vụ, công nghiệp phát triển mạnh.

Thời gian tới, Thủ tướng lưu lý tỉnh Bình Dương ổn định chính trị, an toàn, an ninh và an dân; tổ chức hoàn thành tốt kỳ thi trung học phổ thông, kết thúc tốt năm học 2021. Đặc biệt, về nhiệm vụ, giải pháp là ưu tiên thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.

Để đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát tình hình, không được lơ là, mất cảnh giác. Tỉnh phải có kịch bản ứng phó tình huống xấu khi dịch diễn biến phức tạp, nhưng không vội vàng, hốt hoảng, nhanh chóng phong tỏa, khép kín “dễ cho người làm, nhưng khó cho dân”.

Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương khi có dịch xảy ra, cần khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời thay đổi cách ly cho phù hợp, nên nghiên cứu thí điểm cách ly diện F1 tại nhà. Thay đổi này quan trọng, nhưng chắc chắn phải triển khai làm đúng quy trình, đúng quy định, nhưng đối với những nhà đủ điều kiện mà họ có nhu cầu. Việc này đã ban hành quy chế, quy định, tiêu chuẩn, nên Bình Dương nghiên cứu áp dụng. Mặt khác, việc cách ly tại nhà cần áp dụng qua điện thoại, qua phương tiện internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; diễn tập cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát (Hà Nội mới, trang 3).

 

Tự chủ toàn diện 4 bệnh viện lớn: Thận trọng khi triển khai tiếp

Hơn một năm qua, 4 bệnh viện (BV) lớn thuộc “tốp” đầu cả nước gồm BV Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy được đưa vào thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, 2 BV triển khai thí điểm thực sự đã bộc lộ một số bất cập.

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 33 phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy. Theo đề án, tự chủ ở BV công lập được đánh giá là xu thế tất yếu và để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Thực tế, lâu nay các BV đã tự chủ phần lớn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, tự bảo đảm chi thường xuyên…

Cụ thể, các BV trên đã tự chủ tổ chức, nhân sự theo Điều 66 Nghị định 115 ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1772, ngày 20/4/2020 phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc, hàng hóa, dịch vụ…; Quyết định số 1814, ngày 21/4/2020 phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản cố định… Hai văn bản này đã cho phép các BV chủ động hầu hết, trừ xây dựng cơ bản. Hình thức tự chủ này so với tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 được đánh giá là gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ tự chủ chi đầu tư.

Theo Nghị Quyết 33, khi tự chủ toàn diện, 4 BV được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quyết định về quy mô BV, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn… Bên cạnh đó, khi tự chủ, các BV sẽ như doanh nghiệp, có Hội đồng quản lý (HĐQL). HĐQL có quyền thành lập, giải thể các BV thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc…; có quyền thuê tổng giám đốc.

Tuy nhiên trên thực tế, vị trí chủ tịch HĐQL, ban giám đốc các BV này đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Hiện tại, pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về những thẩm quyền trên của BV khi triển khai tự chủ. Mặt khác, theo Nghị Quyết 33 về tự chủ toàn diện, khi bắt đầu triển khai thì Giám đốc BV đương nhiệm sẽ kiêm chủ tịch HĐQL.

Điểm mâu thuẫn nữa là tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2020, Nghị Quyết 117 ngày 9/12/2019 của Chính phủ đã ra đời, yêu cầu Bộ Y tế tổ chức và nhân sự theo hướng “chủ tịch HĐQL không kiêm nhiệm tổng giám đốc/giám đốc BV” trong thời gian thực hiện thí điểm. Điều này lại mâu thuẫn với Nghị Quyết số 33 trước đó yêu cầu chủ tịch HĐQL kiêm nhiệm tổng giám đốc/giám đốc BV hoặc được quyền bổ nhiệm, thuê giám đốc BV…

Không ít ý kiến cho rằng, ở mô hình tự chủ toàn diện, chủ tịch HĐQL BV thực tế chỉ ban hành nghị quyết, họp hội đồng. Trong khi giám đốc BV mới là người thực hiện các công việc điều hành BV. Điều này có thể dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành BV. Thực tế, Bạch Mai và BV K dù đã gần hết thời gian triển khai thí điểm tự chủ nhưng các văn bản hướng dẫn quy định ban hành thống nhất cho các BV vẫn chưa có. Cụ thể: BV Bạch Mai vẫn chưa có chủ tịch HĐQL BV mà giám đốc BV sẽ kiêm nhiệm. Đây cũng là điều dẫn tới những lo lắng rằng, quyền lợi của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, vì nếu quản lý không tốt sẽ dễ dẫn tới phía BV lạm dụng chỉ định trong khám và điều trị.

Tránh vết xe đổ

Bạch Mai là BV tiên phong thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, chưa hết thời gian thí điểm, tại đơn vị này hơn 220 lao động, trong đó có gần 100 bác sĩ đã xin thôi việc, nguồn thu giảm 2.000 tỷ đồng. Để tránh vết xe đổ như BV Bạch Mai, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, cần quy định cụ thể vị trí, quyền hạn người đứng đầu BV.

Trong văn bản Bộ Nội vụ trả lời Bộ GD&ĐT về Hội đồng Quản lý Trường ĐH Y Dược TPHCM mới đây, về xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập khi có hội đồng trường, Bộ Nội vụ cho rằng, hiệu trưởng là người đứng đầu. Vậy về phía BV giám đốc có phải là người đứng đầu?!

Đại diện nhiều BV cho rằng, trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện, cần thận trọng khi tiếp tục triển khai. Cụ thể, về quy định tại Nghị Quyết 33: Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập HĐQL và cử giám đốc đương nhiệm làm chủ tịch HĐQL kiêm tổng giám đốc/giám đốc BV theo đề án của mỗi BV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa 2 năm. Như vậy, chủ tịch HĐQL được kiêm giám đốc BV trong 2 năm thí điểm (Tiền phong, trang 12).

 

Chợ truyền thống ‘chống chọi’ COVID-19

Thời gian qua, tại TPHCM phát hiện loạt ca mắc COVID-19 liên quan chợ truyền thống. Ngay sau đó, thành phố triển khai nhiều biện pháp để chống dịch có hiệu quả tại những khu vực có loại chợ này.

Lây nhiễm từ chợ

Theo Sở Y tế TPHCM, đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến chợ. Trong đó, chuỗi lây nhiễm có số ca mắc cao nhất hiện nay là cụm dịch liên quan chợ đầu mối Hóc Môn. Hiện chợ này tạm ngưng hoạt động từ ngày 28/6 đến ngày 4/7.

Ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 12/6 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn khi 13 tiểu thương, 1 nhân viên bốc xếp, 1 người giao hàng, 1 khách mua hàng và 5 người nhà của họ được phát hiện dương tính. Từ khu chợ này, ngành y tế tiếp tục truy vết và phát hiện 3 tiểu thương ở chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) nhiễm SARS-CoV-2. Nguyên nhân là trước đó người này đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng. Một khu chợ khác có tiểu thương bán trái cây bị nhiễm là chợ Tân Hương (Q.Tân Phú), người này cũng lấy hàng ở chợ đầu mối Hóc Môn. Như vậy, liên quan chuỗi lây nhiễm này, tổng cộng gần 100 ca được xác định.

Trong khi chuỗi lây nhiễm này chưa được khống chế, ngày 16/6, Thành phố tiếp tục phát hiện một người bốc xếp cá ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều ngày qua, khu chợ này trở thành điểm nóng, nhân viên y tế xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm hàng chục nghìn lượt người liên quan. Đến ngày 25/6, tổng cộng phát hiện 32 ca nhiễm COVID-19. Chợ Kim Biên (Q.5) – khu chợ sỉ nổi tiếng với mặt hàng hóa chất, hóa phẩm công nghiệp cũng phát hiện 8 ca dương tính. Ca chỉ điểm từ người nhà của nhân viên cửa hàng quẹt gas, được tầm soát ở Bệnh viện quận 10. Đến nay, nhiều nhân viên cửa hàng, người nhà và một người đi khám bệnh cùng khung giờ với F0 ban đầu cũng nhiễm bệnh. Ngoài ra, TPHCM ghi nhận cụm lây nhiễm ở chợ khu phố 2, phường An Lạc và chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân).

Ngày 27/6, đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho biết, một người sống gần chợ từ F1 đã thành F0. Ngành y tế lẫy mẫu toàn bộ tiểu thương, tìm người có liên quan; tạm ngưng hoạt động một số quầy sạp, hạn chế khách ra vào… Cùng ngày, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cũng phong tỏa một phần do tiểu thương hàng thịt heo nghi mắc COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, sự giao lưu, tiếp xúc, mua bán ở các chợ truyền thống, trong đó có chợ đầu mối, hiện không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; Mật độ giao lưu, tiếp xúc, không đeo khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo.

Căng mình chống dịch

Hơn một tháng qua, BQL chợ Bình Thới (Q.11) thực hiện biện pháp phát “phiếu đi chợ” cho người dân. Việc này nhằm hạn chế tụ tập đông và dễ quản lý lượng khách ra vào chợ. Trên phiếu có chỗ trống điền thông tin người đến chợ, có mã QR Code nhằm dễ dàng truy vết. Ông Nguyễn Bá Tùng – Trưởng BQL chợ Bình Thới cho biết: “Người dân ở quận nào cũng có thể đi chợ Bình Thới nếu có phiếu. Chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân để đăng ký nếu đi lần đầu tiên, những người đã đăng ký mang theo phiếu để nhân viên chợ quét mã QR. Chúng tôi cũng giới hạn số lượng không vượt quá 200 người bên trong chợ. Lần lượt có người mua sắm xong rồi ra ngoài thì người khác mới được vào”.

Chị Mỹ Hạnh (34 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Lúc đầu thấy tò mò vì được phát thẻ, nhưng nhờ vậy có thể giãn cách, lại có thể truy vết nếu có tình huống không mong muốn xảy ra. Cách quản lý, phòng dịch nghiêm ngặt tại chợ giúp mình yên tâm khi đến”.

“Chợ một cửa” là cách làm của BQL chợ Hiệp Tân (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Bà Huỳnh Hồng Trước – Phó BQL chợ Hiệp Tân cho hay, để hạn chế cùng một thời điểm người dân đến mua hàng đông, buổi sáng chợ có bố trí người trực tại lối vào. Bảo vệ sẽ ghi chép thông tin số lượng người đến chợ. Sau khi mua hàng xong, khách sẽ ra về bằng lối đi khác như vậy sẽ tránh được việc ùn ứ, đảm bảo khoảng cách. Lực lượng bảo vệ có nhiệm vụ phân bố, hướng dẫn để lượng người ra vào chợ hợp lý.

Theo ông Lê Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND Quận 6, BQL các chợ truyền thống ở quận 6 đã lập chốt kiểm soát tại các cổng ra vào chợ, cử lực lượng giám sát, sắp xếp giãn cách; khách đến chợ được đo thân nhiệt, khai báo y tế… Đồng thời dừng bán các mặt hàng không thiết yếu, chấm dứt các hoạt động mua bán trên lòng đường, lề đường, vỉa hè các khu vực chợ tạm trên địa bàn. “Việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhất là tại các điểm chợ là hết sức quan trọng để cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng” – ông Bình cho biết. Trước câu hỏi có nên tạm ngừng chợ truyền thống, Sở Công Thương TPHCM cho rằng, trừ những chợ thuộc khu vực có dịch, phải phong tỏa, còn lại đến thời điểm này các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố vẫn được kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu (Tiền phong, trang 5).

                                                                                                                              Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/01/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận