Các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

(CDC Hà Nam)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là sự lây truyền vi rút HIV từ người mẹ bị nhiễm HIV sang con trong suốt thời kỳ mang thai, lúc sinh, hoặc trong thời kỳ cho con bú. Cần có biện pháp phòng lây truyền để giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Người mẹ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền vi rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú.

Trong thời kỳ mang thai: Vi rút HIV từ máu của mẹ sẽ di chuyển qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và kéo dài trong suốt thai kỳ.

Trong khi sinh: Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt quá trình chuyển dạ. Bởi khi trẻ chui ra từ đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo như: nuốt nước ối, vi rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ đều có chứa HIV. Người mẹ mang thai nhiễm HIV có nguy cơ lây truyền HIV sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn… Cứ sau mỗi giờ từ khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng thêm khoảng 2%.

Khi cho con bú: Mặc dù số lượng vi rút HIV trong sữa mẹ không cao, nhưng vẫn gây nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, vi rút HIV có trong sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc, lưỡi, lợi của trẻ và lây nhiễm HIV cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi và gây nhiễm HIV cho trẻ.

Các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?

Phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ: Nếu một người phụ nữ không nhiễm HIV thì không có sự lây truyền HIV từ mẹ sang con, do vậy phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là dự phòng sớm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Phụ nữ đi tư vấn và xét nghiệm phát hiện HIV trước khi có ý định mang thai, nhất là đối với những phụ nữ từng có, hay đang có hành vi nguy cơ (bán dâm, tiêm chích ma túy…) hoặc có chồng là người từng có hoặc đang có hành vi nguy cơ cao.

Phòng mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV ở độ tuổi sinh đẻ: Biện pháp tránh thai tốt nhất với phụ nữ nhiễm HIV là dùng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục; Phụ nữ nhiễm HIV đã mang thai thì cần đến cơ sở y tế sớm để được tư vấn và có quyết định phá thai sớm hoặc giữ thai.

Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khi mang thai, khi sinh và khi cho con bú:

Nếu phụ nữ nhiễm HIV vẫn muốn giữ thai thì cần được tư vấn và được thăm khám thai hàng tháng ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: Uống thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo phác đồ của Bộ Y tế. Cần được chăm sóc và dự phòng thích hợp trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, hạn chế các can thiệp gây chảy máu như cắt tầng sinh môn, mổ lấy thai khi có chỉ định về sản khoa…

Chăm sóc và hỗ trợ sau sinh cho bà mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV: Người mẹ biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.

Nếu gia đình trẻ có đủ điều kiện sau thì nuôi trẻ bằng sữa thay thế sữa mẹ ngay sau đẻ:

Gia đình đồng ý và hỗ trợ nuôi dưỡng bằng sữa thay thế (sữa công thức); bà mẹ và gia đình có khả năng về kinh tế để chắc chắn cung cấp đủ sữa ăn thay thế trong 6 tháng đầu; sữa thay thế có bán sẵn tại khu vực và mẹ đang sinh sống; bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng để chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ đúng liều lượng, số lượng, an toàn và đảm bảo vệ sinh để không có nguy cơ gây tiêu chảy và suy dinh dưỡng cho trẻ; gia đình phải có nguồn nước sạch và vệ sinh được đảm bảo tại hộ gia đình và cộng đồng; bà mẹ và gia đình tiếp cận dịch vụ y tế để nhận được dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ.

Nếu gia đình trẻ không có các điều kiện trên, thì nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (không cho ăn thêm bất cứ thức ăn nước uống nào khác) rồi cho ăn bổ sung từ tháng 7 và cai sữa cho trẻ ăn bổ sung hoàn toàn khi trẻ từ đủ 12 tháng tuổi.

Trong thời gian trẻ bú sữa mẹ, bắt buộc người mẹ phải điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt.

Ngoài ra, trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV cần được đăng ký và theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế điều trị về HIV/AIDS để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng nếu có.

Người mẹ sau sinh cần được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại một cơ sở y tế để xem xét chỉ định điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) hoặc nhiễm trùng cơ hội khi có chỉ định.

Khi áp dụng các biện pháp sinh đẻ và chăm sóc thích hợp, dùng thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo đúng hướng dẫn sẽ giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

BsCKI. Vũ Thị Lan

Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Phòng, chống dịch COVID-19 tại trụ sở làm việc

Ngọc Nga

Các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 12/01/2022

Mậu Ngọ

Để lại bình luận