Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam là bệnh viện thứ 2 ở tỉnh thực hiện nhiệm vụ quan trọng và không mấy dễ dàng: điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ở thời điểm đầu tháng 7, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam là bệnh viện duy nhất của tỉnh vẫn đang thực hiện điều trị bệnh nhân Covid-19, gồm 9 bệnh nhân cũ từ ổ dịch Phú Đa, xã Công Lý (Lý Nhân), thêm 2 bệnh nhân mới từ ổ dịch thôn 4, xã Thi Sơn (Kim Bảng) mới vào đêm 5/7.
 

Trao đổi với bác sỹ Phạm Xuân Viết, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam được biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát bệnh viện đã được Sở Y tế chỉ đạo sẽ là một trong những cơ sở điều trị chính bệnh nhân Covid-19. Thực hiện sự chỉ đạo, bệnh viện đã chủ động chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người. Bệnh viện dành 2 tầng trong tòa nhà 4 tầng với 40 giường bệnh, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, thành lập các kíp trực.

Tuy nhiên, ở những lần bùng phát dịch trước đó do số lượng bệnh nhân ít nên chỉ điều trị bên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam chỉ tiếp nhận các trường hợp F1 đến cách ly tập trung. Chỉ đến lần bùng phát dịch lần thứ 4 này số lượng bệnh nhân nhiều, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam mới chính thức tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Điều trị cho bệnh nhân Covid-19, xác định nhiệm vụ nặng nề hơn, quan trọng hơn, bệnh viện đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất đã được dùng thực hiện cách ly F1 trước đó, gồm 20 giường bệnh, bổ sung cơ sở vật chất, chọn người và phân công cán bộ y, bác sỹ cho 2 kíp trực luân phiên vào khu điều trị. Những y, bác sỹ được chọn vào khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 phải không có bệnh nền, sức đề kháng tốt để phòng trường hợp lây nhiễm và cũng để bảo đảm sức khỏe “chiến đấu” thời gian dài với thứ dịch bệnh nguy hiểm này trong khu cách ly cùng bệnh nhân. Ngoài ra, cũng phải xem xét đến yếu tố gia đình, ví dụ như không có con quá nhỏ, hoặc nhà có cha mẹ già ốm nặng mà lại neo người…

Bác sỹ Phạm Xuân Viết cũng nhấn mạnh: Bệnh viện động viên, làm công tác tư tưởng cho anh em trước khi vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bởi công việc không hề đơn giản, nguy cơ lây nhiễm cao, lại phải ở trong đó suốt một thời gian dài không được ra ngoài. Các y, bác sỹ, điều dưỡng đều xác định nhiệm vụ, sẵn sàng vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo điều động của lãnh đạo bệnh viện.

Bác sỹ Lê Tất Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu là người ở trong khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lâu nhất bệnh viện – một tháng rưỡi. Khi chúng tôi viết bài này anh vẫn đang trong thời gian cách ly 21 ngày theo quy định sau khi ra khỏi khu điều trị. Trò chuyện qua điện thoại, bác sỹ Lê Tất Thắng cho biết: Đến ngày 7/7, bệnh viện đã tiếp nhận tổng số 23 bệnh nhân Covid-19. Đã có 12 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, 11 người vẫn đang điều trị. Ngoài ra, còn có 1 bệnh nhân Covid-19 từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chuyển về. Trong số các bệnh nhân điều trị tại đây, khoảng 10% là người già có bệnh nền. Có những ca bệnh tương đối nặng, nhưng chưa trường hợp nào phải can thiệp thở máy. Tình trạng bệnh nhân như vậy nên việc điều trị cũng không quá khó, tập trung xử lý triệu chứng và nâng cao sức đề kháng để bệnh nhân có sức chống lại vi-rút gây bệnh, nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, phải thường xuyên quan sát, theo dõi, thăm khám để nắm tình hình sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là người già, người có bệnh nền. Ngoài ra còn phải động viên để bệnh nhân thoải mái về tinh thần, yên tâm, phối hợp trong điều trị. Có những bệnh nhân khi mới nhập viện lo lắng đến mất ăn mất ngủ dẫn đến suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị, các y, bác sỹ phải động viên, làm công tác tư tưởng mới ổn định được.

Theo phân công trước đó, hai kíp trực điều trị bệnh nhân Covid-19 luân phiên nhau 21 ngày vào khu điều trị sau khi ra tiếp tục cách ly 21 ngày theo quy định mới được trở lại cuộc sống bình thường. Với điều kiện như vậy, các y, bác sỹ, điều dưỡng đã phải nỗ lực, đồng thời chấp nhận hy sinh nhiều khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt-điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sỹ Lê Tất Thắng chia sẻ: Mọi người đều phải sắp xếp việc gia đình và có sự hỗ trợ tích cực từ người nhà mới ở trong khu điều trị lâu được như vậy. Nhớ nhà, nhớ con bởi hằng tháng trời chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại. Mặc dù, phải ở trong môi trường cách ly, không gian chật chội, điều kiện sinh hoạt hạn chế, nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng các y bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý luôn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, động viên bệnh nhân phối hợp tốt, đồng thời chú ý bảo đảm an toàn cho mình. Bác sỹ Lê Tất Thắng cũng cho biết, dù vất vả, chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, nhưng anh và các đồng nghiệp đều rất vui và tự hào khi được góp sức mình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, không chỉ kíp y, bác sỹ trong khu điều trị, mà tất cả cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam cũng phải căng mình gánh vác công việc chung thay cho những người phải vào khu điều trị. Bác sỹ Phạm Xuân Viết, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Lực lượng bác sỹ của bệnh viện “mỏng”, thường mỗi khoa chỉ có 1 bác sỹ. Từ khi bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có bác sỹ phải phụ trách 2 khoa để đồng nghiệp vào khu cách ly. Bệnh viện cũng phải hết sức chú trọng công tác phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, cũng như các cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên làm việc tại đây.

Cuộc chiến với “giặc” Covid-19 vẫn đang tiếp tục. Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện phải nâng tổng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 lên 40 giường, sẵn sàng tiếp nhận nếu có bệnh nhân mới khi bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca bệnh mới ở thôn 4, xã Thi Sơn (Kim Bản). Với 40 giường bệnh, bệnh viện phải chuẩn bị 5 kíp trực, thường trực trong khu điều trị là 2 kíp thay vì 1 kíp như bây giờ. Thời gian đổi kíp (2 kíp mới vào, 2 kíp cũ ra cách ly 28 ngày), bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng rất thiếu nhân lực. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam Phạm Xuân Viết khẳng định: Dù là tình huống nào, cán bộ, nhân viên bệnh viện sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, góp phần quan trọng vào việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

ĐH

Bài viết liên quan

Một tuần gồng mình chống dịch: Thành phố Phủ Lý bình tĩnh, đoàn kết để chiến thắng

Ngọc Nga

20 vấn đề sức khỏe không thể chờ đợi hết dịch Covid-19 mới đi khám

CDC Hà Nam

Cần tránh gây hoang mang, hiểu lầm về virus corona

Ngọc Nga

Để lại bình luận