Điểm báo ngày 17/8/2021

(CDC Hà Nam)
Các địa phương chủ động quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16; Bộ trưởng Bộ Y tế: 9 bài học chống dịch COVID-19 các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội

Các địa phương chủ động quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện 1081/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.

Công điện nêu: Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 và Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.

Tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ). Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn.

2. Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang không để dịch bệnh thâm nhập từ nước ngoài và từ các tỉnh ngoài khu vực này; tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận không để dịch bệnh lan ra khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: 9 bài học chống dịch COVID-19 các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế: Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số nơi khác, dù dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và Long An, Bình Dương, Đồng Nai…

Biến thể Delta khiến dịch COVID-19 lây lan rộng, nhanh

Báo cáo kết quả thực hiện giãn cách xã hội của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 15/8 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài là do biến thể virus Delta.

Biến thể này lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

“Đồng thời đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Thông tin của người đứng đầu ngành y tế cho biết, qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực.

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

“Mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu; một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thực hiện giãn cách phải triệt để, hài hoà trong xét nghiệm, chuẩn bị sẵn máy thở, oxy y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.

Thứ hai, huy động sức dân, xác định đúng vai trò “mỗi người dân là một chiến sỹ” trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” tại địa bàn dân cư sinh sống; phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Thứ ba, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.

Thứ tư, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả.

Thứ năm, công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Đảm bảo sẵn sàng, các phương tiện, vật tư thiết yếu để thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 như máy thở, oxy y tế.

Thứ sáu, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.

Thứ bảy, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch;

Kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị, hồi sức tích cực; tập huấn, đào tạo thường xuyên cho đội ngũ cán bộ y tế về công tác giám sát, xét nghiệm, điều trị; huy động nguồn nhân lực hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên trường y, đoàn thanh niên, tình nguyện viên…tham gia công tác lấy mẫu, hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

Thứ chín, huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược “ngoại giao vaccine”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Kiểm soát dịch để sớm ổn định cuộc sống

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP (Nghị quyết 86) về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố khẩn trương lập kế hoạch, đưa ra hàng loạt giải pháp quyết liệt, nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch theo đúng tiến độ nghị quyết đề ra.

Nỗ lực kiểm soát dịch

Sau ba tuần tăng cường thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 23/7 đến 15/8), TP Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu trong kiềm chế dịch bệnh, kéo giảm tốc độ lây nhiễm. Do chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng và khu phong tỏa, ngày 15/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 2715 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 86. Thành phố phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch trước ngày 15/9. Kế hoạch được chia làm ba giai đoạn, với từng mục tiêu cụ thể. Giai đoạn 1 từ ngày 15 đến 22/8, nỗ lực kéo giảm tỷ lệ người chết do Covid-19; không để xảy ra trường hợp người bệnh chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Trong giai đoạn này, thành phố xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ở giai đoạn 2, từ ngày 23 đến 31/8, tập trung mở rộng “vùng xanh”; phấn đấu kiểm soát được dịch tại các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11. Trong giai đoạn 3, từ ngày 1 đến 15/9, thành phố nỗ lực duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng người nhập viện điều trị dưới 2.000 người/ngày và không vượt quá số người xuất viện/ngày. Thành phố bảo đảm hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2. Hiện nay, thành phố phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai chiến lược cách ly, chăm sóc, điều trị các ca F0 tại nhà. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu: “Trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. Do đó, thành phố tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại nhà và cộng đồng kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà. Đồng thời cấp phát thuốc và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà, để không làm lây nhiễm ngoài cộng đồng”.

Tại Đồng Nai, để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 1/9 theo Nghị quyết 86, tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết, từ ngày 18 đến 31/8, sẽ huy động tất cả nhân lực, thiết bị phối hợp lực lượng y tế chi viện của các tỉnh để thực hiện chiến dịch xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trên diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người, gồm tất cả người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, đại diện hộ gia đình tại vùng nguy cơ và 20% đại diện hộ gia đình vùng bình thường mới. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, ngoài lực lượng y tế, địa phương huy động nhân lực của nhiều sở, ngành để phục vụ chiến dịch, với mục tiêu bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Mục tiêu của tỉnh Long An là từ nay đến ngày 30/8 tập trung mọi giải pháp giữ “vùng xanh” làm hậu phương vững chắc cho “vùng đỏ”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống dịch bằng cả “ba mũi giáp công”, gồm xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết để tách F0 ra khỏi cộng đồng; tập trung tiêm vắc-xin cho người dân “vùng đỏ”, kế đến là “vùng xanh”; yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16. Trong 10 ngày qua tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho gần 343.400 người trên tổng số 389.870 liều vắc-xin được cấp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương đã thành lập hai tổ công tác đặc biệt trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch đối với “vùng xanh” (gồm các huyện: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng) và “vùng đỏ” (gồm các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát). Tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội trên phạm vi các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, Tân Uyên kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 31/8, giãn cách xã hội các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 22/8. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh “vùng đỏ”, “xanh hóa” địa bàn, xây dựng và bảo vệ “vùng xanh”, sớm đưa các địa phương về trạng thái “bình thường mới bền vững”.

Để kiểm soát dịch trước ngày 25/8, TP Hà Nội đã xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng cho người dân. Từ ngày 10 đến hết ngày 15/8, các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã lấy được 313.010 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó đã phát hiện 29 ca dương tính. Từ ngày 15/8, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại những khu vực nguy cơ cao, khu vực trọng điểm để từng bước thiết lập lại các vùng an toàn, lập “vùng xanh” trong “vùng đỏ” như mô hình phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đang thực hiện. Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, tính đến hết ngày 15/8, đã có hơn 1,5 triệu người dân Hà Nội được tiêm (chiếm 25,3% dân số).

Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn sản xuất

Các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều gói an sinh xã hội. TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn trong tháng 8 và tháng 9. Gói an sinh xã hội lần này sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai thiếu đói. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, đến nay đã có gần 1,48 triệu lao động Hà Nội được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm; gần 27.000 lao động được hỗ trợ trực tiếp, có thêm nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống. Ngày 13/8, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết hỗ trợ 345 tỷ đồng cho khoảng 324.000 người thuộc 10 nhóm đối tượng, gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người nghỉ việc không lương…, và bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý cho biết, các cấp công đoàn đang tăng cường hỗ trợ người lao động, nhất là đối với công nhân ở trọ trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 22 nghìn phần quà cho công nhân, với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cùng với người sử dụng lao động kịp thời hỗ trợ người lao động với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương đã bố trí hơn 480 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân với mức 300 nghìn đồng/người, ngân sách dự kiến chi 240 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp các tổ chức thành viên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 700 nghìn lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người… Ngày 14/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký Quyết định về việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh, với mức 500 nghìn đồng/người, thời gian áp dụng trong tháng 8/2021. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chuyển hơn 164 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 353.560 người thuộc các nhóm đối tượng. Bảo hiểm xã hội đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.237 tổ chức, cơ quan và đơn vị, với hơn 296.100 người, tổng số tiền được giảm hơn 104 tỷ đồng…

Các địa phương đều quyết liệt thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch để duy trì sản xuất. Tỉnh Bình Dương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, đến ngày 30/7, có 3.662 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai địa điểm” với 393.344 công nhân. Tuy nhiên, trong nửa tháng qua đã có nhiều doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động vì gặp khó khăn khi triển khai phương án. Để tổ chức lại sản xuất của các doanh nghiệp trong tình hình mới, tỉnh giao Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp trong KCN, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. Sở Công thương thí điểm phương án sản xuất đối với một số doanh nghiệp, qua đó rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng mô hình; đơn vị nào thực hiện phương án phải ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân theo nguyên tắc phải xác định được công nhân ở “vùng xanh”, nghiên cứu cấp thẻ xanh cho công nhân “vùng xanh”.

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một trong ba phương án, đó là: “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” hoặc kết hợp hai phương án trên. Hiện, có 1.156 doanh nghiệp ở Đồng Nai đăng ký sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”. Đến nay, có 40 doanh nghiệp xin dừng sản xuất do có dịch lây lan trong nhà máy. Tỉnh đang tách các F0 và đánh giá lại tình hình, doanh nghiệp nào thật sự an toàn mới cho tiếp tục sản xuất để bảo đảm sức khỏe cho công nhân. (Nhân dân, trang 5)

 

Sát cánh cùng toàn dân chống dịch

Kể từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.

Trên tuyến đầu chống dịch, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của đội ngũ nhân viên y tế, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, sự ủng hộ của người dân, còn có sự góp sức hết sức quan trọng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm âm thầm giữ vững an ninh, trật tự xã hội, tham gia ổn định đời sống nhân dân và phòng, chống đại dịch.

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, cùng với các lực lượng chức năng, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an sát cánh cùng nhân dân chống dịch trở nên rất quen thuộc. Họ có mặt mọi nơi, từ vùng biên giới, hải đảo xa xôi, đến đường phố, đường liên xã, liên thôn, từng chốt chặn phòng, chống dịch, gần hơn nữa là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” cùng lực lượng chức năng kiểm tra, truy vết mầm bệnh, động viên đồng bào thực hiện tốt các quy định. Ở nơi nào người dân cũng có thể bắt gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại gian khó, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Như cảnh sát giao thông tăng cường hoạt động ở các chốt kiểm tra đường bộ và đường thủy, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào từng địa phương, nhất là các khu vực đang áp dụng biện pháp phong tỏa. Cảnh sát khu vực không quản ngày đêm làm nhiệm vụ tại các chốt chặn, hỗ trợ người dân khi có việc khẩn cấp như ốm đau phải tới bệnh viện, vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết đến từng hộ dân có người là đối tượng F0, F1 đang phải cách ly. Hằng đêm, hình ảnh các chiến sĩ công an tuần tra để phát hiện, xử lý những tình huống bất thường bảo đảm an ninh an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hàng vạn lao động đã về quê tránh dịch. Các chiến sĩ công an đã nhanh chóng có mặt dọc theo hàng nghìn cây số trên các tuyến đường, kịp thời hỗ trợ và cung cấp thực phẩm, nước uống, thậm chí từng lít xăng, hướng dẫn cách phòng dịch bệnh, dẫn đường cho mọi người đi qua các địa phương được an toàn, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Với phương châm “Chủ động tấn công, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong, chữa trị hiệu quả, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”, các lực lượng quân đội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ khi làn sóng thứ tư của đại dịch xảy ra, quân đội đã bố trí 180 điểm cách ly tập trung, hỗ trợ khử khuẩn, khoanh vùng, dập dịch cho các địa phương. Hiện đã sử dụng hơn 90 điểm cách ly tập trung cho hơn 15.600 người. Tại các tuyến biên giới, nhiều tháng nay, Bộ đội Biên phòng luôn duy trì hàng nghìn chốt chặn với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thay nhau làm nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép, triển khai hàng trăm điểm cách ly, giám sát chặt chẽ công dân trở về từ khu vực biên giới. Trên các đường mòn, lối mở, bên bìa rừng hay trên vách núi hiểm trở vùng biên cương, Bộ đội Biên phòng dựng lều, lán trại dã chiến, bám trụ địa bàn trong điều kiện thiếu thốn, mưa dầm giá rét để khóa chặt toàn tuyến biên giới và ngăn người nhập cảnh trái phép. Tại TP Hồ Chí Minh, Quân khu 7 đã triển khai 55 điểm cách ly tập trung với 13.000 giường bệnh, cử lực lượng tham gia quản lý hơn 300 điểm cách ly tại địa phương. Cùng với đó là hàng trăm tổ, đội cơ động, tổ chuyên khoa tham gia công tác truy vết Covid-19 và hơn 200 tổ lấy mẫu xét nghiệm. Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ và chiến sĩ quân đội đã và đang khẩn trương hết mức có thể, để cùng với các lực lượng tuyến đầu ngăn chặn sự lây lan của dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân.

Trên thực tế, gần hai năm đương đầu với dịch, không thể đo đếm hết những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ quân đội, công an. Đã có nhiều đơn vị quân đội dựng lều trại sinh hoạt ngoài rừng, nhường doanh trại làm nơi ở cho người dân phải cách ly. Nhiều chiến sĩ công an vừa tăng cường hỗ trợ công tác chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã lại lên đường tăng cường cho địa phương khác. Nhiều người phải xa gia đình vài tháng nay chưa được thăm nhà. Không ít người trong số họ có hoàn cảnh khó khăn, vợ mới sinh con không thể ở nhà trông nom, con ốm không thể chăm sóc, phải hoãn cưới vợ, cha mẹ qua đời không thể về chịu tang. Và đã có những cán bộ, chiến sĩ ngã xuống giữa ngày dịch bệnh. Như Đại úy Phan Tấn Tài, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6 (TP Hồ Chí Minh) hy sinh trong khi truy bắt đối tượng nghiện ma túy vi phạm quy định phòng, chống dịch. Trung úy Nguyễn Văn Chiến ở Đội An ninh, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, Phó Trưởng Công an xã Phước Thanh, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) trong lúc làm nhiệm vụ thực hiện truy vết không may bị nhiễm bệnh. Dù được điều trị tích cực nhưng anh đã hy sinh ngày 11/8 vừa qua.

Trong lực lượng y tế ở tuyến đầu, hiện đang có hàng nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế thuộc biên chế của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân mắc Covid-19. Khi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trở thành tâm dịch, Bệnh viện 19/8 và Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã nhanh chóng cử 166 cán bộ, nhân viên y tế tham gia điều hành Bệnh viện dã chiến số 2 tại Bắc Giang. Ngay sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh, 130 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 105 đã lên đường đến TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để xây dựng Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D quy mô 1.000 giường giúp tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng vì dịch, hiện có tới bảy bệnh viện dã chiến của quân đội được triển khai với khả năng thu dung, điều trị 3.500 bệnh nhân và sẵn sàng mở rộng tiếp nhận đến 10.000 bệnh nhân. Các thầy thuốc quân y đóng góp rất lớn vào công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế nhiều địa phương.

Những ngày chống dịch cam go, có rất nhiều câu chuyện ấm áp về nghĩa tình quân dân gây xúc động lòng người. Tiêu biểu như mô hình “Gian hàng 0 đồng” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, hay phong trào tại Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) đóng góp hàng nghìn phần quà hỗ trợ người dân các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngày 5/8 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã trao 5.000 suất quà tặng nhân dân các địa phương trên địa bàn. Ngày 8/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chiến dịch “100.000 phần quà hỗ trợ nhân dân”, cố gắng bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn nhận ít nhất 100 phần quà hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Cán bộ, chiến sĩ công an huyện Sốp Cộp (Sơn La) hiến máu cứu sống mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch. Rồi Cảnh sát giao thông huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) huy động lực lượng giúp dân thu gom nông sản; Đại úy Nguyễn Đình Chiểu, Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) giúp đỡ đưa một sản phụ đến bệnh viện sinh con; cán bộ, chiến sĩ Công an quận Nam Từ Liêm quyên tiền tặng xe máy cho chị lao công bị cướp xe máy… Và mới đây, phải nhắc tới nỗ lực của Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh khi triển khai tiếp nhận tro cốt, thắp hương đối với các trường hợp chết vì Covid-19 trên địa bàn thành phố… Những câu chuyện ấm áp đó giống như ngọn lửa truyền hơi ấm, mang nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng, góp phần viết nên bản hòa ca đẹp đẽ về lòng nhân ái, tình thương yêu đùm bọc vốn là truyền thống quý báu của dân tộc; về tính ưu việt của chế độ xã hội.

Hơn nửa thế kỷ qua, trong mọi giai đoạn cách mạng, các lực lượng vũ trang luôn là đội quân tiên phong, trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì đất nước, dân tộc. Trong chiến tranh hay trong thời bình, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch âm mưu chống phá đất nước. Khi dịch Covid-19 lây lan tại nhiều địa phương, các lực lượng vũ trang luôn là lực lượng xung kích, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự xã hội trong mọi tình huống, vừa nỗ lực tham gia chống dịch. Trong mọi thử thách, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của Công an nhân dân luôn được phát huy ở mức cao nhất, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân. Chính vì vậy, trong những ngày đất nước gặp khó khăn vì dịch bệnh, hành động và hình ảnh đẹp của các chiến sĩ quân đội, công an càng trở nên sáng rõ, trở thành điểm nhấn đặc sắc, nhân văn trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. (Nhân dân, trang 5)

 

Chạy đua với thời gian cứu sống nhiều bệnh nhân nặng

Tại 3 Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bộ Y tế thiết lập tại TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động, gần 1.000 thầy thuốc hàng đầu về hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến Trung ương được điều động vào các Trung tâm hồi sức này để cứu chữa các ca bệnh nặng.

Tại buổi kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các Trung tâm Hồi sức tích cực này vào ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long động viên lực lượng y tế tuyến đầu để các thầy thuốc chạy đua với thời gian cứu sống nhiều người bệnh nặng.

Hàng nghìn cuộc gọi xin nhập viện

Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức được thiết lập ở Bệnh viện Dã chiến số 13 TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động đã tiếp nhận 98 bệnh nhân nặng. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, số lượng bệnh nhân đang có nhu cầu điều trị rất lớn, hàng nghìn cuộc gọi đến trong những ngày qua. Bệnh viện đang tiếp nhận bệnh theo tiến độ hoàn thiện số giường, hoàn thiện tới đâu nhận bệnh tới đó.

Các y, bác sĩ của bệnh viện cùng chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang ngày đêm hối hả cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 nặng với kỹ thuật, chuyên môn và máy móc tốt nhất. Một số bác sĩ đang điều trị trong phòng hồi sức tích cực cho biết: Chúng tôi xung phong vào tâm dịch, chấp nhận xa gia đình, xa người thân, làm việc trong môi trường đặc biệt, nhưng mỗi người đều xác định xem người bệnh nặng như người thân của mình, luôn giúp bệnh nhân tất cả mọi việc, không nề hà.

Theo GS Giang, Bệnh viện Việt Đức đưa hơn 300 y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ Hà Nội vào để triển khai các hoạt động điều trị bệnh nhân. Cùng đó, bệnh viện cũng đưa hàng chục tấn trang thiết bị, phương tiện phòng hộ vào TP Hồ Chí Minh.

Trong số 500 giường điều trị của Trung tâm có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập; 200 giường bệnh nhân thở oxy và 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ. Với phương châm “tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy”, bệnh viện nhận thêm một blok nhà do nhà đầu tư xây dựng bàn giao nữa, thiết lập máy móc trong đêm 15/8 để ngày 16-8 tiếp nhận bệnh nhân.

GS.TS Trần Bình Giang cũng cho biết, một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm là oxy và thuốc tăng sức khỏe, kháng virus. Do đó, mặc dù Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức đã thiết lập bồn oxy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng Trung tâm đang nỗ lực tăng thêm oxy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều.

Tại Trung tâm hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai thiết lập tại BV Dã chiến số 16, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai đang phụ trách điều hành hoạt động của Trung tâm cho biết, hiện đang có 250 bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị, trong đó có 50 bệnh nhân đang thở máy, 6 bệnh nhân lọc máu.

Trong những ngày qua các y, bác sĩ đầu ngành của BV Bạch Mai từ Hà Nội vào làm việc tại Trung tâm đã “vượt qua nỗi nhớ nhà” chạy đua với thời gian để điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân. Ngày 15/8 đã có 23 bệnh nhân nặng được điều trị khỏi bệnh ra viện. Ngoài nỗ lực điều trị tại Trung tâm, Bệnh viện Bạch Mai còn thành lập 1 nhóm y bác sĩ hỗ trợ các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của quận 7 và quận 8.

Mở ra hy vọng cứu sống nhiều người bệnh bên lằn ranh sinh tử

Đánh giá về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân chuyển biến nặng rất nhanh, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu người. Đặc biệt, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 đặt ngay trong khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi bệnh nhân nặng từ bệnh viện dã chiến chuyển sang rất tiện lợi. Với trang thiết bị và chuyên gia giàu kinh nghiệm về hồi sức tích cực, vận hành máy thở, hệ thống ECMO, hy vọng Trung tâm Hồi sức sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nặng.

Được chăm sóc tích cực 2 ngày nay, bệnh nhân L.V.T người đầu tiên vào điều trị tại Trung tâm vừa vượt qua “cửa tử” xúc động chia sẻ: “Tôi nhập Bệnh viện Dã chiến khi bệnh đã chuyển nặng, không thở được. Sau đó tôi được chuyển cấp cứu đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, được các bác sĩ giỏi ở đây điều trị tích cực, giờ tôi có thể nói chuyện và tự ăn cháo được. Trong số hàng trăm bệnh nhân ở đây thì những người nặng đều được y, bác sĩ chăm sóc tận tình, từ vệ sinh, đút cơm, cháo cho ăn hàng ngày”.

Sau khi kiểm tra tiến độ hoàn thiện các hạng mục phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 14, lắng nghe báo cáo từ lãnh đạo 3 Trung tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của lực lượng y tế phải xa gia đình vào làm nhiệm vụ đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch. Người đứng đầu ngành y tế mong các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chăm sóc, điều trị và cứu chữa người bệnh, làm sao để người bệnh nặng chuyển tình trạng khoẻ và nhanh chóng ra viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các y, bác sĩ tuyến đầu phải nhớ tuân thủ tuyệt đối về các hướng dẫn chuyên môn, phòng hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Bởi, người bệnh đang trông chờ vào các bác sĩ, các y bác sĩ có khoẻ thì mới chăm sóc, điều trị bệnh nhân tốt được.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các Vụ/Cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc giãn cơ, máy thở cho các Trung tâm với mục tiêu “để các thầy thuốc có vũ khí đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất”.

Ngay trong chiều 16/8, 50.000 lọ thuốc giãn cơ đã được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai. Lãnh đạo Bộ Y tế giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay thêm nhân lực vào 3 Trung tâm Hồi sức tích cực để tập trung cứu sống người bệnh. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Nỗ lực vì “một ngày không có Covid-19”

Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ: “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, mà phải chiến đấu từng ngày, từng giờ để vượt qua dịch bệnh. Chúng ta đã sống hơn hai tháng trong nỗi khổ rồi. Chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 lắm, nên phải nỗ lực vượt qua bằng sức của mình. Đây là trọng trách, thử thách rất lớn với chúng ta”.

Chiều tối 16-8, TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến, triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 86 ngày 6-8 của Chính phủ (kế hoạch 2715 ngày 15-8 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM) đến các quận huyện và TP Thủ Đức.

Dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tại điểm cầu UBND TPHCM.

Kiểm soát dịch là mong muốn của toàn dân

Sau khi lắng nghe kế hoạch của địa phương cùng ý kiến góp ý của các đại biểu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, trong lúc cuộc họp đang diễn ra, mỗi ngày TPHCM có khoảng 240 người mất vì Covid-19, hàng trăm người bệnh nặng phải thở oxy, có hàng ngàn người phải nằm tầng hồi sức cấp cứu. Cạnh đó, hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có lý do sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao. Đồng chí yêu cầu dứt khoát không để việc này kéo dài thêm nữa.

Đồng chí cũng dành thời gian để chia sẻ lại nội dung cuộc điện thoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bí thư Thành ủy TPHCM mới đây, như một thông điệp và truyền năng lượng để thành phố tiếp tục chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh trong 30 ngày tới. Tổng Bí thư đánh giá rất cao, trân trọng biểu dương các tấm gương tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều trong đội ngũ cán bộ chiến sĩ tuyến đầu, xung phong không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng lao vào cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Một lần nữa, đồng chí Tổng Bí thư gởi lời thăm hỏi các lực lượng tham gia phòng chống dịch, thăm hỏi đồng bào, các lớp, các giới, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà thiện nguyện đóng công góp sức, hỗ trợ, chia sẻ cùng với đảng bộ chính quyền thành phố vượt qua khó khăn trong phòng chống dịch.

Bên cạnh những lời thăm hỏi, động viên, Tổng Bí thư còn căn dặn TPHCM nhiều điều, nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát dịch trước 15-9 là mệnh lệnh hành động của lãnh đạo, cũng là mong muốn của toàn dân. Đồng chí Tổng Bí thư mong muốn TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình vốn có, phát huy truyền thống TP Anh hùng, TP mang tên Bác, huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực y tế không phân biệt công tư, đang làm việc hay đã nghỉ hưu.

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, mọi biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm đều không xứng đáng. Tổng Bí thư cũng nhắc TPHCM phải xem cuộc chiến chống dịch là thử thách cực kỳ lớn, thử thách bản lĩnh, năng lực của toàn hệ thống chính trị cũng như nhân dân TP. Đồng thời khẳng định, Trung ương luôn theo dõi sát sao, luôn bên cạnh để TPHCM yên tâm tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.

Trước ý kiến gởi gắm, động viên của Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, mà phải chiến đấu từng ngày, từng giờ để vượt qua dịch bệnh. Chúng ta đã sống hơn hai tháng trong nỗi khổ rồi. Chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 lắm, nên phải nỗ lực vượt qua bằng sức của mình. Đây là trọng trách, thử thách rất lớn với chúng ta”.

Chỉ có một con đường là hành động quyết liệt

Đề cập đến kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 ở cấp thành phố và các quận huyện, TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét có tín hiệu tích cực, là các sở ngành, địa phương đã tự tin hơn trước. Theo đồng chí, sự tự tin đấy đến từ kinh nghiệm sau hơn hai tháng cao điểm phòng chống dịch. Hơn nữa, lúc này chúng ta cũng đã đưa ra được “toa thuốc” điều trị, đã “phủ” vaccine ở một tỷ lệ tương đối, đã chuẩn bị được hệ thống điều trị khá hơn trước rất nhiều, với 70.000-80.000 giường. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của toàn xã hội, của Trung ương, là chỗ dựa để TPHCM ấm lòng vượt qua thử thách.

Về cụ thể, đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ ra, thời gian qua một số nơi thực hiện Chỉ thị 16 chưa triệt để. Lần này, để thực hiện triệt để hơn, điều tiên quyết là phát huy hơn nữa phong trào quần chúng, để người dân đứng ra tự quản. Với những người được ra đường trong các khung giờ thì phải có ký hiệu nhận biết. Theo đồng chí, chỉ có cách ly triệt để thì mới có thể ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng.

Tiếp đó là công tác xét nghiệm. Theo kế hoạch, việc xét nghiệm lần này cũng có một số điểm mới, như test mẫu gộp 10 ở vùng xanh, mẫu gộp 5 ở vùng vàng, thêm cả hướng dẫn người dân tự test tại nhà. Khi phát hiện F0 thì bình tĩnh xử lý theo các cấp độ tại nhà, tại khu cách ly của phường, quận, thành phố. Liên quan đến quản lý F0 tại nhà, đồng chí chỉ đạo cần nhân rộng nhanh nhất có thể mô hình quản lý F0 đang thí điểm tại quận 10, quận 8.

Thêm một nhiệm vụ cụ thể, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên là cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng điều trị, có trung tâm điều phối không để tình trạng người bệnh không có nơi đến, trở nặng không ai cứu. Ngành y tế cũng cần nghiên cứu huy động nguồn lực rất dồi dào của TPHCM, đó là hơn 500 cơ sở khám, điều trị mà hiện nay mới phát huy được khoảng một nửa.

Đồng chí cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa càng nhanh càng tốt, khi tiêm phải đảm bảo an toàn và sau khi tiêm rồi cũng không được chủ quan.

Về công tác chỉ đạo điều hành, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý chủ trương phòng chống dịch phải được cụ thể hóa bằng văn bản, khi có văn bản phải thực hiện, có người theo dõi để uốn nắn, sửa chữa bởi thực tiễn sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề. “Cuộc chiến này còn 30 ngày nữa, hãy tập trung hết sức lực, hành động quyết liệt. Để có kết quả như mục tiêu đã đề ra, chỉ có một con đường là phải bằng hành động”, đồng chí Nguyễn Văn Nên gửi gắm. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Để F0 yên tâm điều trị tại nhà: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Với số ca mắc Covid-19 (F0) liên tục tăng cao mỗi ngày, các bệnh viện trở nên quá tải buộc TPHCM phải thực hiện cách ly tại nhà đối với những người mắc bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ trong công tác hướng dẫn, tư vấn và chăm sóc y tế cho người dân khiến họ phải tự “xoay xở” giữa dịch bệnh.

Tự thân vận động

Anh Nguyễn Tú Tiến (35 tuổi, sống trong một xóm trọ thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12) cho biết, ngày 12-8, 4 người trong gia đình anh thực hiện test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi có kết quả, anh báo với y tế địa phương nhưng không có ai đến hỗ trợ. Sau đó một ngày, một gia đình khác trong xóm trọ cũng dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù ngay sau đó, Trạm y tế phường Thạnh Xuân đã xuống lấy mẫu xét nghiệm cho cả xóm trọ, nhưng 2 hộ gia đình đã dương tính trước đó không hề nhận được hướng dẫn nào từ cán bộ y tế. “Cả gia đình tôi đều có dấu hiệu sốt cao, ho nhưng không ai hướng dẫn chúng tôi phải làm gì. Tôi đành phải tự tìm hiểu các cách phòng bệnh, điều trị từ các hội nhóm trên mạng và mua thuốc về uống”, anh Tiến cho hay. Điều mà anh lo ngại nhất là mẹ vợ anh đã cao tuổi, lại mắc chứng rối loạn tiền đình từ trước, nếu không may trở nặng thì không biết xử lý ra sao.

Tương tự, anh Khánh (ngụ đường Tùng Thiện Vương, quận 8) cũng đã phải mất 5 giờ tìm kiếm bệnh viện điều trị cho mẹ anh – một bệnh nhân Covid-19 tại nhà không may trở nặng. Anh Khánh kể: khi mẹ bắt đầu suy hô hấp, gia đình đã gọi cấp cứu 115 đưa đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh –  thuộc tầng 3 điều trị Covid-19, nhưng bệnh viện không thể sắp xếp được giường bệnh. Xe cấp cứu buộc phải quay đầu về Bệnh viện Quận 8, nhưng nơi đây cũng đang trong tình trạng quá tải. Sau khi rà soát danh sách, xe cấp cứu đưa mẹ anh Khánh đến Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp nhưng nơi đây cũng không thể tiếp nhận. Sau hơn 5 giờ tìm kiếm và di chuyển, cuối cùng mẹ anh Khánh mới được Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 đồng ý tiếp nhận. “Chưa bao giờ con đường đến với cánh cửa bệnh viện lại gian nan như thế”, anh Khánh cảm thán.

Thống kê đến nay TPHCM có hơn 41.000 F0 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Thực tế, thời gian qua, người dân rất khó tìm đến các cơ sở y tế trên địa bàn để được cấp cứu, điều trị bởi các bệnh viện đều quá tải. Họ buộc phải ở nhà tự mua thuốc điều trị cũng như cậy nhờ sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trong cộng đồng.

Phải hỗ trợ F0 kịp thời 
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều người dân tự đến các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 để khám và điều trị nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám, chữa bệnh và xét nghiệm tầm soát Covid-19 kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng do người bệnh phải di chuyển nhiều nơi, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại bệnh viện. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương khám, đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, tuyệt đối không làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh, thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19. “Tùy tình trạng người bệnh và kết quả xét nghiệm tầm soát Covid-19 mà quyết định việc hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà, hay chuyển vào bệnh viện để được cách ly điều trị, hoặc chuyển tuyến điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh. Chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, đảm bảo không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ cho những F0 tự cách ly tại nhà trong các tình huống khẩn cấp, UBND TPHCM đã có văn bản giao các quận, huyện, TP Thủ Đức thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, lực lượng công an, đoàn thanh niên… Mỗi khi có F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, các đội phản ứng nhanh sẽ kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc, chuyển viện nếu cần thiết.

Mới đây, mô hình “túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” được trao đến từng người dân cách ly tại nhà trên địa bàn một số phường của quận Tân Bình đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Trong mỗi túi thuốc có đầy đủ các loại thuốc thiết yếu như Paracetamol 500mg, Acetylcystein, MultiVitamin, nước súc họng, nước muối 0.9% (Natri Clorid 0,9%), viên C sủi Uscadimin C1g và khẩu trang…. Đây là những loại thuốc dựa trên danh mục thuốc theo công văn của Bộ Y tế ban hành. Những túi thuốc yêu thương ấy vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp các trường hợp F0 sớm khỏi bệnh, vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà. Sở Y tế TPHCM có văn bản hướng dẫn người mắc Covid-19 cách ly tại nhà cần chuẩn bị các thuốc thiết yếu, gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền). Sở Y tế cũng chỉ định sử dụng một số thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp, chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bắt đầu từ 16-8, TPHCM triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà (home-based care). Các trường hợp F0 đều được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, được cung cấp túi thuốc an sinh, bao gồm: thuốc đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch; đồng thời được hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, F0 sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để tự theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế. “Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

TPHCM sắp xếp lại 3 tầng điều trị Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện nay thành phố đã phân lại các tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 5 tầng thành 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và các khu cách ly tập trung quận, huyện, TP Thủ Đức chuyên tiếp nhận các bệnh nhân không triệu chứng, không bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định. Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện chuyển đổi công năng, bệnh viện tách đôi chuyên tiếp nhận các trường hợp cần cấp cứu, điều trị có các triệu chứng bệnh nhẹ, trung bình, có các bệnh lý đi kèm. Tầng 3 là các trung tâm hồi sức chuyên sâu chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 2+3)

 

Huy động bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân Covid-19

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị nhanh chóng huy động bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, khi bệnh nhân chuyển tới dứt khoát phải tiếp nhận, nếu quá tải thì tạm thời tiếp nhận rồi sau đó chuyển nơi phù hợp.

Chiều 16.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai kế hoạch 1 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Phong đánh giá để kiểm soát dịch bệnh thành công thì giãn cách xã hội giữ vai trò quan trọng để cắt đứt nguồn lây nhiễm, trong đó phải thực hiện triệt để người cách ly với người, nhà cách ly với nhà. Sở TT-TT phối hợp Bộ TT-TT, Sở GTVT đo lường mức độ di chuyển người dân theo từng địa bàn để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

Về công tác điều trị, ông Phong yêu cầu cấp thuốc kịp thời cho F0 chăm sóc tại nhà, kết nối với bác sĩ tư vấn và tổ phản ứng nhanh, không để F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận điều trị. Ông Phong cũng đề nghị nhanh chóng huy động bệnh viện (BV) tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19, khi BN chuyển tới dứt khoát phải tiếp nhận, nếu quá tải thì tạm thời tiếp nhận rồi sau đó chuyển nơi phù hợp.

Bổ sung thiết bị, nhân lực

Cùng ngày 16.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị BN Covid-19 tại 3 Trung tâm hồi sức tích cực (HSTC) BN Covid-19 của Bộ Y tế thiết lập trên địa bàn TP.HCM. Đó là Trung tâm HSTC của BV Việt Đức được thiết lập ở BVDC số 13; Trung tâm HSTC của BV Bạch Mai được thiết lập tại BVDC số 16 và Trung tâm HSTC của BV T.Ư Huế được thiết lập tại BVDC số 14.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị BN Covid-19 tại Trung tâm HSTC là ô xy và thuốc tăng sức khỏe, thuốc kháng vi rút. Mặc dù đã thiết lập bồn ô xy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu, nhưng số lượng BN được chuyển đến ngày càng nhiều nên BV đang nỗ lực tăng thêm ô xy…

Về việc các Trung tâm HSTC thiếu máy thở, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc giãn cơ, Bộ trưởng yêu cầu bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các vụ, cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc cho các trung tâm để các thầy thuốc có vũ khí đánh giặc tốt nhất, BN được điều trị nhanh nhất. Ngay trong chiều 16.8, 50.000 lọ thuốc giãn cơ đã được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm HSTC của BV Bạch Mai. Đối với nguồn nhân lực chuyên môn, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay nhân lực vào các Trung tâm HSTC này.

Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM đã thiết lập 4 trung tâm, 1 BV về HSTC BN Covid-19, quy mô 3.000 giường. Ngoài ra, TP.HCM còn có 3 BV hiện hữu quy mô trên 600 giường HSTC đặt tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới và BV Quân y 175. Hiện TP.HCM đang điều trị cho hơn 33.000 BN Covid-19, trong đó có 1.858 BN nặng đang thở máy, 15 BN can thiệp ECMO và 4.597 BN tử vong; đã có 72.873 BN Covid-19 xuất viện.

Mở cổng cấp cứu 24/7

Ngày 16.8, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã có công văn khẩn gửi đến các BV, cơ sở y tế công và tư yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận BN đến khám, cấp cứu. Theo công văn này, TP có 136 BV phải mở cổng cấp cứu BN 24/7. Đảm bảo trực cấp cứu theo đúng quy định của ngành, không được yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS- Cov-2 âm tính hay dương tính mới tiếp nhận.

BV chuyển đổi công năng một phần theo mô hình BV tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc Covid-19. Đối với BV chuyển đổi công năng hoàn toàn thành BV điều trị Covid-19 có 2 trường hợp. Trường hợp người bệnh tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến không phải là người mắc Covid-19 hoặc chưa xác định mắc Covid-19, phải bố trí một buồng cấp cứu sàng lọc riêng biệt. Kể cả trường hợp người bệnh tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến đã được xác định mắc Covid-19, BV phải tiếp nhận và cấp cứu. Riêng đối với các phòng khám đa khoa, tiếp tục duy trì buồng khám và cấp cứu sàng lọc; sau khi sơ cứu thì chuyển đến các BV điều trị phù hợp. (Thanh niên, trang 4)

 

Coi chừng sốt xuất huyết trong mùa COVID !

Mùa mưa đã đến cũng là lúc dịch sốt xuất huyết tăng cao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số biểu hiện ban đầu giống với nhiễm COVID-19, có thể gây nhầm lẫn.

Triệu chứng của sốt xuất huyết

Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn… Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích huyết tương, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó người dân cần hết sức chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

‎ Dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát cũng là lúc sốt xuất huyết xuất hiện. Chính vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh để vượt qua mùa dịch bằng cách bảo vệ sức khỏe từ bên ngoài: Thực hiện tốt 5K, tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin; tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng đủ chất, hợp lý nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, cần tỉnh táo khi các thành viên trong gia đình có người ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý hạ sốt và chữa bệnh tại nhà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 28/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 10/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận