Răng nhạy cảm vì sao?

(CDC Hà Nam)

Răng nhạy cảm hay răng ê buốt là cách gọi thông thường của hiện tượng quá cảm ngà hoặc triệu chứng ê buốt ở chân răng.

 Đây là bệnh lý mà răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi chịu những kích thích từ nhiệt độ nóng hoặc lạnh và ngoại lực, thường xuất hiện nhất ở những người trẻ và trung niên. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sâu răng và các bệnh về răng lợi khác.

Vì sao răng bị ê buốt?

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới răng nhạy cảm bao gồm:

Tụt nướu: Chân răng được bao bọc bởi các mô nướu. Tuy nhiên, nếu như bị bệnh nha chu, nướu có thể bị tụt và lộ ra lớp ngà nhạy cảm.

Răng bị vỡ, nứt: Nhai đá, cắn kẹo cứng, hay tai nạn va đập có thể dẫn đến mẻ hoặc nứt răng. Khi một chiếc răng bị nứt, các đầu mút dây thần kinh bên trong sẽ bị kích thích khi ăn nhai. Ngoài ra, vết nứt cũng là nơi chứa vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến răng bị đau buốt;

Sâu răng: Sâu răng tạo ra các lỗ sâu trên răng, khi lỗ sâu vào tủy làm lộ các đầu mút dây thần kinh trong tủy răng. Từ đó khiến răng dễ bị ê buốt;

Nghiến răng: Mặc dù men răng là mô cứng nhất trong cơ thể, nhưng theo thời gian men răng cũng có thể bị mòn đi vì những thói quen mà nhiều người tưởng chừng vô hại ví dụ như nghiến răng;

Thói quen chăm sóc răng miệng sai quy cách: Việc đánh răng sai cách hoặc không xỉa răng đầy đủ đều có thể là nguyên nhân dẫn đến răng nhạy cảm. Chải răng quá mạnh bằng bàn chải cứng có thể dẫn đến tổn thương lợi và nhạy cảm răng. Các vấn đề về nha chu do đánh răng sai cách khiến cho răng bị tụt lợi, để lộ ngà răng. Sự tích tụ của các mảng bám (cao răng) trong thời gian dài cũng sẽ dẫn đến sâu răng hoặc khiến răng trở nên yếu đi;

Thói quen ăn uống không tốt: Nếu hay ăn những thức ăn chứa nhiều axit như thức ăn chế biến sẵn, qua thời gian chúng sẽ gây lộ ngà răng và gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu;Tẩy trắng răng hoặc các phương pháp thẩm mỹ khác cho răng…

Phòng tránh thế nào?

Để phòng ngừa răng nhạy cảm thì việc vệ sinh răng miệng thường xuyên là một việc làm cực kỳ quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe răng miệng. Một số điều nên làm để bảo vệ răng bao gồm: Nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ với kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm; Hãy dùng bàn chải có lông mềm mịn và chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn, không nên chải răng theo chiều ngang; Cần thay bàn chải đánh răng thường xuyên khoảng 2 – 3 tháng/lần, hoặc có thể thay sớm hơn nếu bàn chải đã xơ; Cần luyện tập một chế độ ăn cân bằng. Ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ khiến tuyến nước bọt hoạt động tốt, giúp tạo nên các khoáng chất chống lại quá trình gây nhạy cảm cho răng. Nên ăn các loại rau như các loại đậu, cải bắp, đậu Hà Lan, đậu phộng, quả hạnh nhân.. Hạn chế sử dụng những loại thức ăn có hại cho răng như thức ăn có đường, thức uống có ga và axit; Bổ xung canxi: Canxi là thành phần không thể thiếu trong việc chống lại các vấn đề về răng. Các thức ăn từ bơ sữa là nguồn canxi lý tưởng, với các lựa chọn như sữa, sữa chua và phomat; Hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt sau khi ăn, bởi nó giúp làm trôi đi các mảng bám trên răng; Nếu có tật nghiến răng khi ngủ, hãy tham khảo ý kiến nha sĩ liệu có nên dùng miếng bảo vệ răng vào ban đêm để hạn chế tình trạng này; Khám răng định kỳ.

Thanh Huyền tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Những dấu hiệu “đỏ” cảnh báo cơn đau tim

Ngọc Nga

Chuyên gia tư vấn cách phòng COVID-19 cho mẹ bầu hiệu quả

Ngọc Nga

Mùa mưa, thận trọng với bệnh da tiếp xúc do côn trùng

admin

Để lại bình luận