Điểm báo ngày 31/08/2021

(CDC Hà Nam)
Bình Dương: Sẽ tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell do TP.HCM chia sẻ; Bộ Y tế: ‘COVID-19 có thể lây sang vật nuôi’; Tổ chức kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ từ gốc tới từng ngõ, ngách, hộ dân; Thêm một bệnh viện, thêm niềm tin, hy vọng giữ lại nhiều sự sống; TPHCM tiếp nhận 10.320 phần thuốc điều trị bệnh trị giá 1,548 tỷ đồng…
Bình Dương: Sẽ tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell do TP.HCM chia sẻ
Ngày 30-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã thống nhất triển khai tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm tiếp nhận từ TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Lợi – bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương – xác nhận thông tin trên. “Bình Dương sẽ nhận 1 triệu liều và triển khai tiêm sớm”, ông Lợi cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Chương – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương – cho biết dự kiến hai ngày nữa khi nhận được vắc xin Vero Cell, các đơn vị tiêm chủng sẽ bắt đầu tiêm.

Theo tìm hiểu, nhiều khu phố, phường tại Bình Dương cũng bắt đầu triển khai để người dân đăng ký tiêm vắc xin Sinopharm. Tuổi Trẻ Online khảo sát một số doanh nghiệp tại Bình Dương được biết họ cũng sẵn sàng đăng ký tiêm vắc xin này để phòng chống COVID-19.

Trước đó, vì quá nóng ruột, đại diện Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương còn kiến nghị và UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin tiêm vắc xin Nano Covax (đang thử nghiệm, chờ cấp phép chính thức) với số lượng lớn nhưng chưa được chấp thuận.

Bình Dương hiện đã có trên 104.000 ca mắc COVID-19, chiếm tới 4% dân số, trong đó đã có 819 người tử vong (mới tính số lượng có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR), tính tới ngày 29-8. Dự báo số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng, Bình Dương phải chuẩn bị cho tình huống có tới 150.000 ca F0 (tương đương khoảng 6% dân số).

Vắc xin là giải pháp tốt nhất để phòng chống COVID-19 nhưng cùng với cả nước đang thiếu vắc xin, tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin tại Bình Dương còn thấp. Tới 29-8, tổng cộng mới có trên 906.000 liều vắc xin được tiêm, trong đó chỉ có gần 40.000 người đã được tiêm 2 mũi.

Theo ước tính của UBND tỉnh Bình Dương, nếu chỉ tính riêng vắc xin cho 1,5 triệu người trên 18 tuổi thì tỉnh này sẽ cần tới 3,2 triệu liều vắc xin (mỗi người tiêm tối thiểu 2 liều).

Trước Bình Dương, các tỉnh như Hải Phòng, Đồng Nai cũng đã nhận vắc xin Sinopharm từ TP.HCM và đã triển khai tiêm. (Tuổi trẻtrang 4).

Bộ Y tế: ‘COVID-19 có thể lây sang vật nuôi’

Theo Bộ Y tế, qua nhiều nghiên cứu trên thế giới, đã có bằng chứng cho việc COVID-19 có thể lây sang vật nuôi.

Chiều 30-8, Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà trong ngày 28-8.

Theo hướng dẫn trên, Bộ Y tế cảnh báo người mắc COVID-19 và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi, cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Bởi có bằng chứng cho việc COVID-19 có thể lây sang vật nuôi.

“Theo CDC Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ động vật là thấp. Tuy nhiên, con người có thể truyền virus trên sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần. Thế giới cũng đã ghi nhận các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc COVID-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2”, Bộ Y tế cảnh báo.

Theo Bộ Y tế, các động vật từng được ghi nhận mắc COVID-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng. Ngoài ra, nhiều bang tại Mỹ cũng phát hiện hươu đuôi trắng nhiễm virus trên.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu cách virus ảnh hưởng đến các loài động vật khác nhau. Những nghiên cứu này thường có quy mô nhỏ, không cho thấy liệu động vật có nguy cơ truyền bệnh ngược lại cho con người hay không. Nghiên cứu cho thấy nhiều loài động vật có vú, bao gồm chó, mèo, chuột đồng, dơi ăn quả… có thể nhiễm virus.

Một số công trình khác lấy các loài linh trưởng là mô hình lây nhiễm.

Cũng trong nội dung hướng dẫn trên, Bộ Y tế cũng nhắc lại những nguyên tắc cơ bản khi F0 cách ly điều trị tại nhà. Theo đó, người nhiễm được bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng. Nếu không có phòng riêng, gia đình cần đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm và luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

“Không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, bộ dụng cụ ăn, khăn tắm hoặc bộ đồ giường với những người khác trong nhà. Bảo đảm nhà ở thông thoáng. Tuyệt đối không di chuyển ra khỏi khu vực cách ly”, Bộ Y tế khuyến cáo.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. Thời điểm rửa tay là trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác thải.

“Luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể nhằm không khí luôn được thay đổi. Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác. Không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung. Sử dụng quạt, máy lọc không khí”, Bộ Y tế đề nghị. (Tuổi trẻ, trang 4).

Tổ chức kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ từ gốc tới từng ngõ, ngách, hộ dân

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn còn không ít sơ hở, nhất là trong thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp triệt để khắc phục sơ hở, tập trung ngăn chặn dịch để sớm đưa Hà Nội về trạng thái an toàn. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền cần sự chung tay, chung sức và ý thức cao của cộng đồng.

Thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần và sự tham gia rất tích cực từ đại bộ phận nhân dân Thủ đô – đây cũng là nét đẹp truyền thống của người dân Hà Nội được phát huy. Trong đó, người dân không những chấp hành giãn cách xã hội mà còn tham gia các tổ tự quản, cùng chính quyền chốt chặn tại các điểm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, đợt bùng phát dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều các đợt trước do sự xuất hiện của chủng mới và tiếp tục biến đổi, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Nguy cơ phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng còn lớn. Những ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh những ngày gần đây cho thấy vẫn còn nhiều sơ hở trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số chùm ca bệnh mới tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Trước đó là tại phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa); xã Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho thấy nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau.

Qua đó có thể thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Đáng lo ngại là ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”. Các ca dương tính với SARS-CoV-2 còn được phát hiện tại các khu chợ dân sinh, siêu thị, mới đây nhất là chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). Lái xe “luồng xanh”, lái xe cấp cứu 115 cũng đã ghi nhận dương tính, cảnh báo một kiểu xâm nhập dịch bệnh vào cộng đồng rất khó lường. Các ca bệnh còn được phát hiện ở trường hợp F0, F1 sau khi điều trị, cách ly tập trung được cho về nhà… Chính quyền cũng đã vào cuộc quyết liệt, đại bộ phận nhân dân đã ra sức ủng hộ cao, chỉ còn một bộ phận nhỏ chưa tuân thủ các quy định. Vì vậy, ngay lúc này, chính quyền và nhân dân phải tăng cường song hành như “cá với nước”.

Chủ động kịch bản, phương án phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch diễn biến rất phức tạp, khó khăn trong phòng, chống dịch, trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trước hết là người đứng đầu tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 lúc này vẫn là phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, toàn hệ thống, từng nơi, từng địa bàn phải thường xuyên rà soát, đánh giá, kịp thời rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, sơ hở và những thiếu sót cả về mặt khách quan và chủ quan. Tinh thần chỉ đạo lâu nay của Thành ủy là các quận, huyện, thị ủy tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, uy tín cá nhân cán bộ. Các cấp ủy, chính quyên phải chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm… để có kịch bản, phương án phòng, chống dịch chủ động; tổ chức kiểm soát dịch chặt chẽ từ gốc tới từng ngõ, ngách, từng hộ dân.

Hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa trong xã hội; coi Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong làng xã, tổ dân phố làm trung tâm để quy tụ nhân dân tham gia chống dịch. (An ninh Thủ đô, trang 1).

Thêm một bệnh viện, thêm niềm tin, hy vọng giữ lại nhiều sự sống

Trong 1 tuần khẩn trương thi công ngày đêm, ngày 30-8, Bộ Công an đã tổ chức lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến Phước Lộc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19; cùng các đồng chí trong Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại khu vực phía Nam, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, dự lễ khành thành.

Về phía Bộ Công an, đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Ủy viên Trung ưởng Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an chủ trì buổi lễ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thống nhất triển khai Bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh với công suất 300 giường. Bước đầu đảm bảo có 100 giường để phục vụ hồi sức cấp cứu đối với bệnh nhân nặng. Trong quá trình triển khai, Bộ Công an đã được Bộ Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh, các lực lượng liên quan và các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ để đảm bảo cho Bệnh viện được triển khai, đi vào hoạt động một cách nhanh nhất.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đã hỗ trợ, vừa góp ý, vừa thi công hoàn thiện và bổ sung những hạng mục cần thiết nên bệnh viện đã cấp tốc được hoàn thành chỉ sau 7 ngày tổ chức thi công.

Đồng chí Thứ trưởng thông tin, sau thời gian dài trên tuyến đầu chiến đấu với Covid-19, hiện lực lượng Công an đã có trên 2.000 cán bộ chiến sĩ (CBCS) bị nhiễm Covid-19 và gần 10 CBCS hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Thời gian qua, lực lượng Công an đã sát cánh cùng với lực lượng Quân đội và ngành Y tế thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ của lực lượng tuyến đấu theo chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Để bảo vệ tính mạng cho CBCS, thân nhân CBCS và nhân dân, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết tâm đưa Bệnh viện dã chiến Phước Lộc vào hoạt động…

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không giấu được sự xúc động: “Chúng ta đã trải qua hơn 1 năm chiến đấu với dịch bệnh. Chúng ta cũng đã biết sự nguy hiểm, thảm khốc do dịch bệnh gây ra. Ngay trong lực lượng tuyến đầu chống dịch như đội ngũ thầy thuốc, lực lượng Công an, Quân đội cũng đã có những chiến sĩ đã hy sinh vì dịch bệnh. Chúng ta cùng đau nỗi đau của hàng nghìn gia đình mất đi người thân; chúng ta cùng lo, cùng trăn trở với những khó khăn không thể diễn tả hết của hàng vạn gia đình, hàng vạn doanh nghiệp… nhưng chúng ta không thể gục ngã; chúng ta đã và đang làm tất cả để cùng nhau bảo vệ bằng được tính mạng và sức khỏa của nhân dân, của các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Do đó, thêm một Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, là chúng ta có thêm niềm hy vọng; thêm niềm tin sẽ có rất nhiều cuộc sống được giữ lại”.

Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Công an đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến Phước Lộc là một minh chứng sống động cho sự hiệp đồng tác chiến, không còn sự phân biệt giữa lực lượng vũ trang với dân sự, giữa Trung ương với địa phương, giữa chính quyền với doanh nghiệp trong cuộc chiến chống Covid, tất cả là nhằm chiến thắng bằng được dịch bệnh.

Phó Thủ tướng cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã không quản ngày đêm thi công để Bệnh viện dã chiến Phước Lộc đi vào hoạt động; cảm ơn các lực lượng tham gia chống dịch, đặc biệt là lực lượng Công an đã có mặt ngay từ ngày đầu tiên, và tin tưởng rằng, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc với sự hỗ trợ về chuyên môn của những bệnh viện đầu ngành của ngành y tế và sự hỗ trợ của nhiều ngành, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid. (An ninh Thủ đô, trang 5; Công an nhân dân, trang 1).

TPHCM tiếp nhận 10.320 phần thuốc điều trị bệnh trị giá 1,548 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây tặng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM 10.320 phần thuốc, trị giá 1,540 tỷ đồng. Số thuốc này được Ban Dân vận Thành ủy TPHCM chuyển đến 312 trạm y tế xã, phường, thị trấn, cùng 411 trạm y tế lưu động trên địa bàn TPHCM. Sáng 30-8, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tiếp nhận và trao thuốc điều trị bệnh cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn TPHCM. Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp; Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng.

Tại buổi lễ, Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây tặng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM 10.320 phần thuốc, trị giá 1,548 tỷ đồng. Số thuốc này được Ban Dân vận Thành ủy TPHCM chuyển đến 312 trạm y tế xã, phường, thị trấn, cùng 411 trạm y tế lưu động trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi lễ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, tính đến nay, TPHCM đã trải qua 4 tháng thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Với diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, mục tiêu hàng đầu TPHCM đặt ra là đảm bảo vấn đề sức khỏe cho người dân. Theo đó, khi phát hiện ca bệnh, TPHCM đặt mục tiêu không để ca bệnh chuyển nặng và khi ca bệnh trở nặng là phải hạn chế tử vong.

Hơn 120 ngày, TPHCM triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch; trong đó với nguồn lực từ ngoài xã hội đã có nhiều chương trình chăm lo an sinh cho người dân. Đặc biệt có chương trình phối hợp để tạo túi thuốc nghĩa tình chuyển đến bệnh nhân F0 khi TPHCM đang trong quá trình thí điểm thực hiện điều trị F0 tại nhà và áp dụng những giải pháp sử dụng thuốc có chỉ định, thuốc phục hồi sức khỏe cho những người bị mắc Covid-19.

Thời gian qua, chương trình túi thuốc nghĩa tình của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây đã thực hiện được 20.000 túi thuốc ở một số quận, huyện góp phần chăm sóc sức khỏe và giúp người mắc Covid-19 hồi phục.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ Tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây, chia sẻ, là một công dân của TPHCM, bản thân chung tay, góp sức cùng TPHCM đẩy lùi dịch Covid-19 càng sớm, càng tốt. Với sự tư vấn của Công ty Dược Sài Gòn, công ty đã có những túi thuốc đưa tận tay người dân.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, cách đây 2 ngày Bộ Y tế chính thức có hướng dẫn thuốc điều trị, trong đó có thuốc chỉ định cho người mắc Covid-19. Theo đó, căn cứ trên thực tiễn của TPHCM, trước đó 1 tuần, tổ chuyên gia về điều trị Covid-19 của TPHCM lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trình Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thí điểm 1 toa thuốc điều trị cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà.

Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy có trao đổi với Sở Y tế TPHCM thống nhất chuyển đổi túi thuốc nghĩa tình từ chuyển cho các bệnh nhân F0, nay chuyển đến các trạm y tế, đặc biệt là các trạm y tế lưu động. Do đó, các túi thuốc này có ý nghĩa rất quan trọng, vì có thêm thuốc điều trị cho người dân.

Theo ông Tăng Chí Thượng, hiện nay, TPHCM đang dùng 2 mũi giáp công. Đó là phát triển mạnh năng lực và quy mô của các bệnh viện tiếp nhận và thu dung người mắc Covid-19 ở tầng 2, 3. Đồng thời, mũi giáp công rất mới, thiết thực, hiệu quả là chăm sóc tại nhà cho F0. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp phường, xã, thị trấn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại công điện số 1099 và công điện số 1022, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM Dương Anh Đức đã có văn bản chỉ đạo ngày 28-8 về việc thành lập trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 cấp phường, xã, thị trấn. Theo văn bản ký ngày 28-8, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn là Chỉ huy trưởng; Bí thư Đảng ủy phường, xã, thị trấn là Chính ủy; các thành viên là lãnh đạo UBND, UB MTTQ, các đoàn thể, ban ngành, đại diện lực lượng hỗ trợ.

UBND phường, xã, thị trấn tập trung thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, không để một người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, đặc biệt là rà soát các hộ dân trong khu nhà trọ, khu dân cư lao động, chung cư, cần hỗ trợ lương thực thực phẩm cần trong 10 ngày tới. Từ đó, tổ chức hỗ trợ ngay bằng ngưồn lực hiện có của địa phương và báo cáo về UBND quận huyện, TP Thủ Đức để báo UBND TPHCM (thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để được hỗ trợ gói an sinh. Đồng thời, hoàn thành bổ sung các đối tượng chăm lo (1,5 triệu đồng/hộ) theo gói hỗ trợ số 2; củng cố hệ thống tiếp nhận yêu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, y tế, phát huy các nhóm hỗ trợ mua hàng, đi chợ giùm dân.

Ngoài ra, UBND phường, xã, thị trấn có kế hoạch đảm bảo xét nghiệm  theo quy mô và tiến độ quy định, phát huy vai trò quản lý, thăm khám và chăm sóc F0 tại nhà của trạm y tế lưu động, trạm y tế, tổ tư vấn F0 tại nhà, triển khai đầy đủ túi thuốc F0 tại nhà, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức, các quận huyện phân công thành viên phụ trách các phường, xã, thị trấn hỗ trợ triển khai các nội dung trên, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc. (Sài Gòn giải phóng, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Toàn quốc có 9.014 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30/8

Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 30-8, nước ta có thêm 14.224 ca nhiễm mới, 9.014 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, có thêm 315 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, tính từ 17h ngày 29-8 đến 17h ngày 30-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (6.050), thành phố Hồ Chí Minh (5.889), Long An (524), Đồng Nai (491), Tiền Giang (221), Khánh Hòa (126), Hà Nội (110), An Giang (90), Kiên Giang (73), Nghệ An (68), Tây Ninh (56), Đà Nẵng (54), Bình Thuận (46), Thừa Thiên – Huế (40), Đồng Tháp (37), Cần Thơ (36), Trà Vinh (36), Bà Rịa – Vũng Tàu (33), Quảng Bình (30), Quảng Ngãi (30), Đắk Lắk (24), Bình Định (20), Sóc Trăng (19), Thanh Hóa (18), Bình Phước (15), Phú Yên (14), Bến Tre (11), Quảng Nam (10), Vĩnh Long (7), Ninh Thuận (7), Quảng Trị (6), Đắk Nông (5), Hà Tĩnh (4), Hậu Giang (4), Lâm Đồng (3), Bạc Liêu (3), Sơn La (2), Kon Tum (2), Hưng Yên (2), Bắc Ninh (2), Cà Mau (1); trong đó có 7.504 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.467 ca. Tại Bình Dương tăng 636 ca, thành phố Hồ Chí Minh tăng 932 ca, Long An giảm 9 ca, Đồng Nai tăng 114 ca, Tiền Giang tăng 66 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 163/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.572 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (215.810), Bình Dương (110.258), Đồng Nai (23.132), Long An (21.457), Tiền Giang (9.438).

Về tình hình điều trị, có 9.014 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 228.816.

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó có 4.157 bệnh nhân thở ô xy qua mặt nạ; 1.247 bệnh nhân thở ô xy dòng cao HFNC; 105 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 916 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 24 bệnh nhân chạy ECMO.

Đặc biệt, trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 315 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (245), Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Hà Nội (1), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên – Huế (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%). (Hà Nội mới, trang 7; Tiền phong, trang 4).

Điều trị F0: Thiếu thuốc kháng virus
Tại cuộc họp báo về tình hình COVID-19 chiều 30/8 về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học TPHCM hiện là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM đã cung cấp thông tin chi tiết về tình hình phân phối thuốc đến F0 đang điều trị tại nhà.

Bà Phong Lan cho biết, thành phố đang chuẩn bị 3 loại túi thuốc để cung cấp cho người dân mắc COVID-19 đủ điều kiện trị bệnh tại nhà. Trong đó, túi thuốc A là nhóm thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng; túi thuốc B nhóm kháng viêm, kháng đông, đây là những thuốc đặc trị, phải có chỉ định của bác sĩ.

Gần đây nhất, thành phố đã triển khai túi thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir. Theo phân tích của PGS Phong Lan, loại thuốc này vẫn đang trong đang trong giai đoạn thử nghiệm vì thuốc chưa được cấp phép của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế. Đây là loại thuốc rất đặc biệt, do một doanh nghiệp dược tại TPHCM được nhượng quyền để sản xuất tại Việt Nam.

Thuốc Molnupiravir đã được thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Thống Nhất cho kết quả khả thi; được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Công ty dược cam kết sẽ tài trợ 2,3 triệu viên tương ứng 116.000 liều cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. Tác dụng của thuốc này là tiêu diệt SARS-CoV-2. Đây là thuốc điều trị nguyên nhân còn túi thuốc A và B là nâng cao thể trạng và điều trị triệu chứng.

Dẫn chứng từ số liệu được Sở Y tế TPHCM cung cấp, PGS Phong Lan cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và túi B. Cho đến hôm nay, các đơn vị liên quan đã giao 74.000 túi A và túi B về cho các quận huyện. Còn 76.000 túi còn lại vẫn đang tích trữ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 để chờ phục vụ cho bệnh nhân F0.

Theo thống kê đến ngày 30/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 85.298 người, trong đó có 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 22.245 người thì về cơ bản các túi thuốc A và B đã đáp ứng được cho người bệnh.

Tuy nhiên túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) mới được phân phối thì chưa đáp ứng đủ được nhu cầu của người bệnh. “Tâm lý người dân đều mong muốn khi nhận thuốc thì phải đầy đủ cả 3 túi A, B, C do đó giải pháp để cung ứng cần phải được xúc tiến sớm. Phía công ty tài trợ thuốc cho biết với 116.000 liều, Bộ Y tế phân bổ cho TPHCM 50.000 liều. TPHCM đã nhận 16.000 liều số 34.000 liều còn lại sẽ được bổ sung trong ngày mai (31/8) hoặc ngày 1/9”- bà Lan cho hay. (Tiền phong, trang 5).

Nhân viên y tế mắc bệnh nền không trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, bên cạnh những biện pháp phòng ngừa chung đối với nhân viên y tế thì nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi… điều trị, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân Covid-19.

Đối với nhóm “nguy cơ lây nhiễm thấp”, nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường, không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Đối với nhóm “nguy cơ lây nhiễm cao”, nhân viên y tế thực hiện cách ly y tế theo quy định chung về cách ly y tế của Bộ Y tế và của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ưu tiên bố trí cách ly y tế tại nhà (nếu nhà ở của nhân viên y tế đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc tại khu vực cách ly do cơ sở khám, chữa bệnh bố trí…

Bộ Y tế cho biết, hôm nay (31/8), Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 – Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).

Ngày 30/8, làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tỉnh cần ngăn chặn các nguy cơ, kiểm soát hiệu quả tình hình; phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng và hệ thống chính trị, không để nguồn lây xâm nhập vào địa bàn. Đề nghị các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn rà soát, ký cam kết phòng, chống dịch. Khi phát hiện các ca F0, doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý; công nhân phải cam kết tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch…

Ngày 30/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức lễ xuất quân vận chuyển nông sản, thực phẩm hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại buổi lễ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục hỗ trợ 50 tấn củ, quả; 50 nghìn quả trứng thu mua của bà con tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trị giá hơn 550 triệu đồng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tình đoàn kết gắn bó quân dân, là tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 hướng về nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 30/8 cả nước ghi nhận 14.224 ca mắc Covid-19, gồm năm ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước tại 41 tỉnh, thành phố, trong đó có 7.504 ca trong cộng đồng. Tỉnh Bình Dương là địa phương có số mắc Covid-19 cao nhất với 6.050 ca. Trong ngày, có 9.014 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 315 người chết tại 16 tỉnh, thành phố. Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đến nay tổng số vắc-xin đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm một mũi là 17.186.153 liều và tiêm mũi hai là 2.524.407 liều.

Trước tình trạng phát sinh nhiều chùm ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn Hà Nội, ngày 30/8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất. Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo công tác xét nghiệm diện rộng, ưu tiên nguồn lực xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, vùng phong tỏa, cách ly, nhằm bóc tách triệt để các ca F0; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”; tiến tới xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” để đưa thành phố trở về trạng thái an toàn.  (Nhân dân, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bệnh nhân COVID -19 nặng được y bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc

Hơn 100 bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID -19 của BV Trung ương Huế thiết lập tại TP. HCM đã và đang được các y bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc Bộ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các y bác sĩ khi đến thăm trung tâm (chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bệnh viện Chợ Rẫy nối thành công bàn tay của bảo vệ ở Bình Dương bị chém đứt lìa

Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt báo động đỏ, nối thành công bàn tay của một bảo vệ ở Bình Dương bị chém đứt lìa sau 6 giờ phẫu thuật.

Chiều 30-8, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ của bệnh viện đã nối thành công bàn tay bị chém đứt lìa cho ông V.Đ.K., 50 tuổi, nhân viên bảo vệ làm việc tại Bình Dương.

Ông K. là nạn nhân trong vụ mâu thuẫn với nhóm người trung chuyển F0 tại một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chiều 29-8.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, ông K. nhập viện trong tình trạng bị chém đứt lìa bàn tay phải. Thời điểm này khoa cấp cứu của bệnh viện cũng đang quá tải do cùng lúc tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng từ các nơi chuyển về.

Tuy nhiên đánh giá nguy cơ không thể phục hồi bàn tay nếu không xử lý kịp thời, các bác sĩ đã nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ để không bỏ lỡ thời gian vàng cứu bàn tay cho người bệnh.

Bác sĩ Đào Thanh Tú – khoa ngoại chấn thương chỉnh hình – cho biết bệnh nhân được đưa đến bệnh viện đã ở giờ thứ 4 sau tai nạn. Sau kích hoạt quy trình khẩn, không đầy một tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ phẫu thuật nối chi suốt 6 tiếng đồng hồ.

Ca phẫu thuật được đánh giá thành công bước đầu. Đến chiều nay 30-8, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt; đầu ngón tay và các ngón tay đều hồng, ấm có thể nhúc nhích nhẹ, dấu bấm móng tay hồng và bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi. (Tuổi trẻ, trang 4).

Trọng Đoàn tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 4/10/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/1/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận