Điểm báo ngày 30/08/2021

(CDC Hà Nam)
Chưa thể cấp phép khẩn cấp cho Nano Covax; Bình Dương: Lập thêm bệnh viện dã chiến; Chiến lược tự lực, tự cường sản xuất vaccine Covid-19; Phải kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất…

Chưa thể cấp phép khẩn cấp cho Nano Covax

Sau cuộc họp kéo dài 8 tiếng, tối 29/8, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thông tin chính thức kết luận cuộc họp của Hội đồng đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin phòng COVID-19 Nano Covax diễn ra cùng ngày.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của các tiểu ban chuyên môn thẩm định hồ sơ và kết luận của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, các thành viên Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Hội đồng tư vấn) đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan của hồ sơ đăng ký vắc-xin Nano Covax.
Hội đồng tư vấn ghi nhận các kết quả đạt được đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành của Nano Covax đã được các tiểu ban chuyên môn thẩm định, Hội đồng Đạo đức nghiệm thu. Đồng thời, Hội đồng tư vấn đề nghị doanh nghiệp tiếp tục bổ sung, làm rõ các nội dung.

Cụ thể, bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ đối tượng đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng tới thời điểm hiện tại.

Về tính sinh miễn dịch, đơn vị nghiên cứu cần bổ sung, cập nhật dữ liệu theo Đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng Đạo đức thông qua, bao gồm: bổ sung, cập nhật đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (ví dụ biến chủng Delta, biến chủng Anh…) và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.

Hội đồng tư vấn cũng đề nghị doanh nghiệp phối hợp nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vắc-xin và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới) dựa trên dữ liệu y văn.

“Đề nghị doanh nghiệp khẩn trương bổ sung, cập nhật các nội dung nêu trên, báo cáo Hội đồng Đạo đức và Hội đồng tư vấn tiếp tục xem xét, thẩm định cuốn chiếu các kết quả nghiên cứu để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách”, Hội đồng tư vấn nêu rõ.

Trước đó, trong các ngày 20-22/8, Hội đồng Đạo đức đã họp thẩm định, chấp thuận kết quả giữa kỳ pha 3a vắc-xin Nano Covax, sau đó tư vấn, chuyển hồ sơ sang Hội đồng cấp phép để xem xét. Đây là cơ sở, điều kiện cần đầu tiên cho quá trình cấp phép khẩn cấp một loại vắc-xin, sinh phẩm y tế. Phía Hội đồng Đạo đức cho biết, việc chấp thuận kết quả giữa kỳ 3a dựa trên dữ liệu báo cáo đến ngày 20/8. Tuy nhiên, việc cấp phép hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Hội đồng cấp phép. Hội đồng Đạo đức chỉ là bên đưa ra ý kiến tư vấn.

Nano Covax sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng, bắt đầu từ ngày 17/12/2020. Đầu tháng 8 vừa qua, một số tỉnh có văn bản gửi Bộ Y tế xin tham gia thử nghiệm Nano Covax với số lượng hàng trăm nghìn người.

Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa đồng ý vì cho rằng, thử nghiệm cần phải đúng quy trình, tuân theo đề cương nghiên cứu và phải được Hội đồng Đạo đức phê duyệt.

Công viên TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) với tổng diện tích 31ha sẽ được trưng dụng một phần làm bệnh viện dã chiến, nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh địa phương đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao trong những ngày qua. (Tiền phong trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Bình Dương: Lập thêm bệnh viện dã chiến

Ngày 29/8, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng các chuyên gia y tế của Bộ Y tế chi viện đã đến khảo sát công viên TP Thủ Dầu Một (hay còn gọi là công viên Thanh Lễ, tọa lạc trên địa bàn phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một).

Công viên này có tổng diện tích khoảng 31ha, sẽ được trưng dụng một phần để thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 600 giường.

Sau khi bệnh viện này được thành lập, sẽ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, Bình Dương cũng trưng dụng thêm hai sảnh trong công viên này để thiết kế thành hai khu vực điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng, mỗi khu vực gồm 100 giường, được trang bị oxy riêng biệt, có vách ngăn riêng và các vật dụng cần thiết.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc bệnh viện Hồi sức cấp cứu tại Bình Dương, khu vực công viên được trưng dụng đủ điều kiện để làm bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến này sẽ lắp đặt camera giám sát bệnh nhân để bác sĩ kịp thời xử lý tình huống, lắp đặt thêm màn hình theo dõi tại khu vực nghỉ ngơi của bác sĩ, bắt buộc phải tạo nhóm zalo group giữa bệnh nhân và bác sĩ, thiết kế thêm các khu nhà vệ sinh, nhà tắm riêng biệt.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 ghi nhận mỗi ngày cao, Bình Dương đã lên kế hoạch ứng phó 150.000 ca (tính tổng lũy kế). Hiện, Bình Dương có gần 99.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 54.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Địa phương này hiện có 24 khu điều trị COVID-19. (Tiền phong, trang 4).

Đồng Hới thí điểm cách ly F1 tại nhà

Ngày 29/8, ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã có văn bản hướng dẫn thí điểm áp dụng cách ly F1 tại gia đình để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch thành phố Đồng Hới đã yêu cầu các địa phương chủ động nhắn chậm cách ly nguồn lây nhiễm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý và tập trung triển khai thí điểm việc cách ly tại nhà, thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly, đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm tra và giám sát thường xuyên việc cách ly của các F1 này.

Cũng trong sáng nay, thành phố Đồng Hới cũng ghi nhận thêm 20 ca dương tính với SARS-Cov-2 trong cộng đồng. Một số địa phương, khu phố đã được phong toả hoàn toàn để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, trong mấy ngày qua lượng F0 trong cộng đồng có chiều hướng giảm dần, nhiều địa phương điểm nóng như xã Đức Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) đã không phát hiện thêm trường hợp dương tính với SARS-Cov-2.

Tính đến hôm nay (29/8) toàn tỉnh Quảng Bình có 411 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có 58 trường hợp đã ra viện, 353 trường hợp đang điều trị. Hiện có 4933 F1, 6991 F2; 3915 trường hợp đang cách ly tập trung, 3543 trường hợp cách ly tại nhà. (Tiền phong, trang 4).

Chiến lược tự lực, tự cường sản xuất vaccine Covid-19

 Chính vì thế, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Ngày 6-8-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP với chỉ đạo rõ ràng: Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine, thuốc trong nước là giải pháp căn cơ và chiến lược; không chỉ là phòng chống dịch Covid-19 trước mắt mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam.

Nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đến nay, Việt Nam đã có hai ứng viên vaccine nội địa đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang. Trong khi Covivac vừa hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người, thì Nanocovax đã hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19. Đây là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA do Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 để đi vào sản xuất tại nhà máy hiện đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 với Nga và Nhật Bản cũng đã được ký kết và đang triển khai.

 Chủ trương kịp thời, kiên quyết, rõ ràng

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ động chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Covid-19. “Chiến lược vaccine” mà Việt Nam đẩy mạnh triển khai bao gồm nhiều mũi “chủ công”. Trong đó, bên cạnh việc tích cực tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước với tinh thần “tự lực, tự cường về vaccine” được coi là giải pháp căn cơ lâu dài.

Việt Nam có yếu tố thuận lợi là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công nhận có hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ, đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch còn tiếp tục gia tăng, dù khống chế thành công dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ có thể mất đi lợi thế trong mở cửa nền kinh tế vì không có đủ vaccine Covid-19 tiêm cho người dân để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tìm các nguồn cung cấp vaccine từ bên ngoài, Việt Nam phải chủ động để sớm tự sản xuất được vaccine Covid-19.

Chính vì thế, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Ngày 6-8-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP với chỉ đạo rõ ràng: Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine, thuốc trong nước là giải pháp căn cơ và chiến lược; không chỉ là phòng chống dịch Covid-19 trước mắt mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam.

Nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đến nay, Việt Nam đã có hai ứng viên vaccine nội địa đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang. Trong khi Covivac vừa hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người, thì Nanocovax đã hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19. Đây là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA do Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 để đi vào sản xuất tại nhà máy hiện đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 với Nga và Nhật Bản cũng đã được ký kết và đang triển khai.

Hành động quyết liệt để có vaccine nội địa sớm nhất

Theo tính toán, Việt Nam phải có 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, với các cam kết cho đến nay từ phía các nhà cung cấp, khả năng phải đến năm 2022 chúng ta mới có đủ vaccine. Chính vì vậy, làm sao đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất các vaccine nội địa đã trở thành vấn đề cấp bách.

Tại cuộc họp ngày 12-8 vừa rồi về nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống Covid-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian vừa qua “đã cố gắng rồi nhưng phải cố gắng hơn nữa, đã quyết tâm rồi nhưng phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi nhưng phải nỗ lực hơn nữa” vì mục tiêu chung là Việt Nam phải có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân và bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân lên trên hết. Từ đó, chủ động và khẩn trương trong việc phối hợp để có thể rút gọn tối đa thủ tục hành chính liên quan đến quy trình thử nghiệm, cấp phép đối với vaccine nội địa.

Với các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhất là các thành viên của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá kết quả nghiên cứu đối với các vaccine thử nghiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt hành chính cho việc cấp phép nhanh chóng đối với vaccine sản xuất trong nước khi đã đáp ứng yêu cầu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch theo quy định của vaccine và tham khảo kinh nghiệm, tư vấn quốc tế.

Với các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ cần thiết theo quy định, gửi Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để được xem xét, xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể.

Theo thông tin mới nhất, vaccine Nanocovax do Việt Nam sản xuất đã có những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Miễn dịch tạo ra sau tiêm vaccine có thể trung hòa được virus bao gồm cả chủng mới. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, ngoài các biến cố bất lợi nhẹ như sốt, cảm giác khó chịu, đau đầu nhẹ, đau tại chỗ tiêm thì không có biến cố nặng nào.

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a của vaccine Nanocovax gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét trước khi Bộ Y tế có quyết định cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vaccine Nanocovax.

Nếu Việt Nam sản xuất thành công vaccine Covid-19, vị trí của Việt Nam về an ninh vaccine sẽ rất cao, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Ngoài ra, nếu chúng ta có được vaccine nội địa, sẽ đảm bảo vấn đề an ninh vaccine, không phải phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài hiện cũng đang hết sức khan hiếm. Vaccine do Việt Nam chủ động sản xuất cũng sẽ căn cứ theo những chủng có thể gây nguy cơ cho Việt Nam để từ đó chọn lựa phù hợp nhất. (An ninh Thủ đô, trang 1).

Phải kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất

Ngày 29-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố.

Tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta vẫn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là lúc dịch đã đi qua, như Bắc Ninh vừa xuất hiện ổ dịch mới.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể, nếu cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thì báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế – xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công.

Phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, nhanh nhất, địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Ai vi phạm quy định, lơ là, chủ quan, làm không hết trách nhiệm thì phải xử lý, ai làm tích cực, có hiệu quả thì khen thưởng. Từng tỉnh, từng huyện, từng xã phải đẩy nhanh lộ trình đạt mục tiêu càng sớm càng tốt để trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện “mục tiêu kép”…

“Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cơ sở vẫn là khâu yếu nhất. Nếu nơi nào lãnh đạo xã, phường còn nắm các nội dung chỉ đạo lơ mơ thì chắc chắn kiểm tra sau đó cho thấy người dân chưa tiếp cận tốt về an sinh xã hội, y tế…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng nhấn mạnh 11 nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung các tỉnh, huyện, xã phải hết sức lưu ý trong triển khai thực hiện.

– Thứ nhất, khi áp dụng Chỉ thị 16, phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhiệm vụ này.

– Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội, không để bất cứ người dân nào đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm 3 đối tượng cụ thể: Các đối tượng có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.

– Thứ ba, là công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng. Để làm việc này, phải thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, ngăn chặn lây lan, giảm F0; bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến, không để quá tải tuyến trên; kết hợp đông y với tây y, cổ truyền với hiện đại trong điều trị…

– Thứ tư, thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ. Tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Thủ tướng lưu ý việc tiêm vaccine và xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.

– Thứ năm, bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng công an tham gia, hỗ trợ nhiệm vụ này.

– Thứ sáu, huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, kêu gọi, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.

– Thứ bảy, nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong “vùng đỏ” sang những nơi an toàn, thông thoáng để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này. Đây là kinh nghiệm đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai.

– Thứ tám, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Thủ tướng lưu ý, ưu tiên chống dịch nhưng không được bỏ quên các nhiệm vụ quan trọng thường xuyên khác như xây dựng Đảng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng…

– Thứ chín, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; không ban hành quy định riêng, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

– Thứ mười, công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh. Phải chủ động trong thông tin, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngành văn hóa, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trong việc này, đây cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền về truyền thống văn hoá, lịch sử, các giá trị tốt đẹp của dân tộc ta, đất nước ta.

– Mười một, kịp thời đúc rút các kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Bình Dương vượt 100.000 ca nhiễm, gần 20% người Việt được tiêm vắc xin

Bảo đảm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều cho toàn bộ nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch; bảo đảm nhân lực có kiến thức chuyên môn và phòng ngừa lây nhiễm cho điều trị.

Theo hướng dẫn này, cơ sở y tế áp dụng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn trong chăm sóc người bệnh, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19, bảo đảm tiêm phòng vắc xin đủ liều cho toàn bộ nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến đầu, hạn chế việc lây nhiễm cho nhân viên y tế thông qua việc phân luồng, tăng cường sàng lọc nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm/nghi nhiễm.

Cho đến nay đã có hàng ngàn nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 và ít nhất đã có 3 người tử vong. Công đoàn Y tế Việt Nam đã có công văn đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho 3 nhân viên y tế (gồm 2 người ở TP.HCM và 1 người ở Bình Dương). 1.200 y bác sĩ bị lây nhiễm khác đã được nhận trợ cấp mức 10 triệu đồng/người.

Cho đến nay, Bộ Y tế đã điều động 16.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh thành phía Nam chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 27-8, đã có 17,4% người Việt đã tiêm 1 liều vắc xin, 2,4% đã tiêm đủ 2 liều. Tuy nhiên so với số liệu trung bình toàn thế giới, con số này vẫn ở mức thấp. Toàn thế giới có 26,8% dân số đã tiêm đủ 2 liều.

TP.HCM: Phải hoàn thành xét nghiệm vùng đỏ – cam đợt 2 ngày 1-9

Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết TP đã trải qua hơn 7 ngày thực hiện công điện 1099 và chỉ thị 11 của UBND TP.

Hầu hết các địa phương đã hoàn thành xét nghiệm vùng cam và vùng đỏ. Riêng với vùng xanh, cận xanh và vàng, việc xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ và đến hết ngày 30-8 phải hoàn thành xét nghiệm đợt 1.

Sau khi kết thúc đợt 1, các vùng này chuyển sang đợt 2 và phải hoàn thành trước ngày 6-9 để phân loại lại các vùng nguy cơ. Đối với vùng đỏ và vùng cam phải hoàn thành xét nghiệm đợt 2 vào ngày 1-9. TP.HCM đồng thời hướng dẫn rộng rãi để tăng tỉ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu.

Sở TT&TT TP.HCM cho biết lực lượng tổng đài viên từ MobiFone và Viettel đến tăng cường đã giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài 1022, kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Từ ngày 29-8, tổng đài 1022 đã bổ sung phương thức tiếp nhận thông tin y tế, an sinh của người dân bên cạnh cách thức gọi điện. Người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi đề nghị qua ứng dụng Zalo (1022 TP.HCM) hoặc qua ứng dụng “Tổng đài 1022”.

Theo ông Lê Quốc Cường – phó giám đốc Sở TT&TT, khi người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi thông tin phản ánh qua các kênh trên sẽ giúp giảm lưu lượng gọi trực tiếp đến tổng đài 1022, giảm nghẽn mạng.

“Hãy dành kênh gọi điện thoại 1022 cho trường hợp khẩn cấp, người không có điện thoại thông minh, người già hoặc người khó có điều kiện tiếp cận công nghệ để tất cả đều được hỗ trợ” – ông Cường nói.

Bình Dương vượt ngưỡng 100.000 ca, tỉ lệ xuất viện cao

Tổng ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tới ngày 29-8 đã trên 104.000 ca. Số ca mắc sẽ tiếp tục tăng. Bình Dương buộc phải kéo dài giãn cách xã hội đến 15-9 (thay vì 30-8 như dự kiến) và chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn có tới 150.000 ca F0, theo dự báo của UBND tỉnh.

Một tín hiệu lạc quan cho diễn biến dịch bệnh tại Bình Dương là tỉ lệ xuất viện, khỏi bệnh cao. Tính tới ngày 29-8 đã có trên 55.000 F0 được xuất viện, khỏi bệnh, chiếm trên 50% tổng số ca mắc tại Bình Dương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 10.749 ca tử vong cho đến nay, có 80% ở TP.HCM, kế đến là tỉnh Bình Dương 7,5% (số ca mắc tại Bình Dương bằng 1/2 so với TP.HCM), Long An 2,5%, Tiền Giang 1,9%, Đồng Nai 1,7%, Đồng Tháp 1,2%, các địa phương còn lại từ 0,6% trở xuống.

Đồng Nai: Nâng cấp tổng đài, xử lý nhanh phản ảnh của người dân

UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu ngành viễn thông phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố mở rộng hệ thống tiếp nhận trên tổng đài 1022 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin đề nghị hỗ trợ, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp do dịch bệnh COVID-19, xử lý nhanh các kiến nghị của người dân trong vòng 24 giờ. Thông tin lĩnh vực y tế mang tính cấp bách, các bộ phận có trách nhiệm phải xem xét, xử lý trong không quá 4 tiếng.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản gia hạn thêm thời gian tạm ngừng tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ đề nghị cho Iao động nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp đến hết ngày 31-8.

Đối với 7 quốc gia có tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, có số ca mắc mới trong 7 ngày qua cao (Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản, Ấn Độ) tạm ngừng tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ nhập cảnh đến hết ngày 15-9. (Tuổi trẻ, trang 3).

Trao gói thiết bị y tế trị giá 10,8 tỉ đồng cho Bệnh viện Thống Nhất

Ngày 29-8, chương trình ‘Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19’ và ‘Sài Gòn thương nhau’ đã trao tặng Bệnh viện Thống Nhất gói thiết bị y tế gồm nhiều loại máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, khẩu trang và mặt nạ.
Kinh phí là 10,8 tỉ đồng, do Tập đoàn Sông Tiên (STC), PFEC, TPBank, Tập đoàn Hưng Thịnh và các thành viên “Sài Gòn thương nhau” tài trợ.

Các thiết bị y tế được trao tặng lần này gồm: 5.000 khẩu trang 3M, 7.000 mặt nạ thở oxy, 10 máy thở Evita, 10 máy thở HFNC, 42 máy theo dõi bệnh nhân năm thông số, 10 máy hút dịch và 50 giường y tế.

Trước đó, chương trình cũng đã trao tặng nhiều thiết bị y tế cho Bệnh viện Thống Nhất để hỗ trợ công tác phòng chống dịch trị giá hơn 6 tỉ đồng, gồm 1 xe cấp cứu và 40.000 khẩu trang N95-Tenamyd FM, 10 máy bơm tiêm tự động của Nhật, 10 máy truyền dịch tự động của Nhật, 10 máy hút dịch tự động của Ý và 20 máy thở HFNC hỗ trợ oxy liều cao và 100 máy bơm tiêm tự động…

Ông Võ Thành Toàn – phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – cho biết ngoài thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và điều trị các ca bệnh COVID-19, hiện bệnh viện còn được phân công phụ trách bệnh viện dã chiến tiếp nhận COVID ba tầng, quy mô 1.000 giường tại Trung tâm Triển lãm và hội chợ quận Tân Bình (TP.HCM).

Hiện nay Bệnh viện dã chiến đa tầng điều trị COVID-19 Tân Bình đã tiếp nhận, điều trị số lượng ngày càng tăng với 50 giường hồi sức, 150 giường bệnh nhân nặng…

“Bộ máy của bệnh viện hiện đang hoạt động gần như 300% công suất, trải ra từ bệnh viện dã chiến, giữ sạch vùng lõi cho Bệnh viện Thống Nhất, hỗ trợ Bệnh viện hồi sức COVID 2, Bệnh viện dã chiến số 6, số 8…” – ông Toàn chia sẻ.

Được biết, cứ 6 tiếng thì lực lượng y tế sẽ thay ca cho nhau một lần. Việc bảo vệ lực lượng y tế tham gia điều trị 1.000 giường bệnh ở đây là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, ông Toàn chia sẻ lượng đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao mỗi ngày được sử dụng để bảo vệ lực lượng này cũng là vấn đề trăn trở.

Tiếp nhận gói trang thiết bị lần này, ông Toàn nói đã thêm phần an tâm hơn để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân.

“Số thiết bị này sẽ nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện dã chiến đa tầng điều trị COVID-19 Tân Bình bởi ở đây đang rất cần các loại máy này” – ông Toàn nhấn mạnh. (Tuổi trẻ, trang 4).

Thêm 8.813 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Theo bản tin của Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/8 là 8.813 người, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên con số 219.802 ca.

Theo bản tin dịch COVID-19 tối 29/8 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 12.796 ca mắc COVID-19, trong đó Bình Dương nhiều nhất với 5.414 ca, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 4.957 ca. Trong ngày, có 8.813 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh./. (Hà Nội mới, trang 7).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 25/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận