Điểm báo ngày 04/7/2022

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế lần đầu “điểm danh” các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp; Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4; Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cùng 7 đồng phạm gây thiệt hại trên 14 tỷ đồng; Loay hoay giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế…

Bộ Y tế lần đầu “điểm danh” các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp

Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) thấp như Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Nai… đã được Bộ Y tế điểm tên công khai. Chiều nay, 3-7, Bộ Y tế lần đầu tiên công bố công khai các tỉnh, thành phố có tỷ lệ và tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 đang đạt thấp, số liệu được cập nhật tính đến hết ngày 2-7.

Theo đó, với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) trên cả nước đạt 45.436.997 mũi tiêm (đạt 67,7% số đối tượng thuộc diện tiêm). Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ tiêm thấp là: Hải Phòng (43,1%); Khánh Hòa (42,0%); Đồng Nai (43,6%); Cà Mau (39,0%); Hậu Giang (35,1%).

Ngược lại, các tỉnh đạt tỷ lệ tiêm cao gồm: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).

Về kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4), tính đến hết ngày 2-7, cả nước đạt 4.617.673 mũi tiêm (mới đạt 6,9%).

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (2,3%); Đồng Tháp (2,3%).

Các tỉnh đạt tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (24,7%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Với nhóm từ 12-17 tuổi, tổng số mũi tiêm nhắc lại tính đến hết ngày 2-7 là 922.265 mũi tiêm, đạt tỷ lệ 10,5%.

Trong đó, miền Bắc có 14 tỉnh thành tiến độ triển khai tiêm chậm, miền Trung có 2 tỉnh, miền Nam có tỉnh 9 tỉnh thành.

Ngược lại, kết quả tiêm nhắc tốt ở nhóm này gồm: Thanh Hóa (46,1%); Tây Ninh (47,0%); Bến Tre (43,7%). (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới BA.5 của virus SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Để tăng cường kiểm soát dịch, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước… (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cùng 7 đồng phạm gây thiệt hại trên 14 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, kết luận bị can Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh 14.215.000.000 đồng. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 54/QĐ-VPCQCSĐT ngày 28/10/2020.

Ngày 30-6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 26/KL-VPCQCSĐT, kết luận bị can Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, đại diện Chủ đầu tư chủ mưu và các đồng phạm gồm: Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc, Tổ trưởng Tổ chuyên gia; Phí Duy Tiến, Phó Giám đốc, Tổ trưởng Tổ thẩm định; Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Chủ tịch Hội đồng đánh giá hàng mẫu; Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán, thành viên Bên mời thầu; Nguyễn Đỗ Nguyên, Trưởng khoa Tổng hợp, Tổ phó Tổ chuyên gia phụ trách chấm kỹ thuật, đồng thời là thành viên Hội đồng đánh giá hàng mẫu; Lương Ngọc Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, thành viên Hội đồng đánh giá hàng mẫu; Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Khoa Glaucoma phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh 14.215.000.000 đồng.

Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Minh Khải và đồng phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 54 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, ghi lời khai người bị hại. (An ninh Thủ đô, trang 15).

 

Loay hoay giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo kết luận của Thủ tướng,tình trạng thiếu thuốc , trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi khiến người dân lo lắng.

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế…

Thế nhưng đến thời điểm này, nhiều cơ sở y tế trên cả nước vẫn còn loay hoay trong đấu thầu, mua sắm. Hệ lụy của những ách tắc này khiến nhiều bệnh nhân (BN) phải tự xoay trở rất khổ sở khi hằng ngày vẫn đang đối mặt với tình trạng bệnh viện (BV) thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Đáng lo hơn, tình trạng này vẫn chưa rõ khi nào được giải quyết rốt ráo.

Khi đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, giám đốc một BV đầu ngành thuộc Bộ Y tế cho hay “vẫn còn đó nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ”. Điển hình, hầu hết trang thiết bị phục vụ cho mổ kỹ thuật cao trong BV là máy liên doanh liên kết. Vừa qua, sau khi có ý kiến của các đoàn kiểm tra về mua sắm, quản lý giá, tỷ lệ chia phần kết dư giữa BV công và đơn vị cung cấp máy, gần hết máy móc, thiết bị xã hội hóa phải đắp chiếu, do tính pháp lý yếu.

“Bây giờ nếu muốn mua sắm thì rất khó để xác định giá thật và cơ quan nào thẩm định giá để đảm bảo chính xác, tin cậy cũng như đủ tính pháp lý”, vị giám đốc này bày tỏ.

Cùng với những băn khoăn về pháp lý trong mua sắm máy móc, lãnh đạo BV này cũng băn khoăn về định giá thương hiệu khi BV công tham gia liên danh, liên kết, thực hiện xã hội hóa. “Riêng về định giá thương hiệu BV công, hiện chưa có BV nào làm việc này cả. Nhưng nếu đi thẩm định thương hiệu thì cũng không biết ai thẩm định? Hiện rất cần một bên thẩm định”, vị lãnh đạo BV này đề xuất và chia sẻ băn khoăn: “Làm thế nào để xác định chính xác giá trị khi thẩm định, tránh nguy cơ lãnh đạo BV bị kết tội “bắt tay” với cơ quan thẩm định, làm sai lệch giá trị thương hiệu… Các vấn đề đó cho thấy hành lang pháp lý còn lỏng lẻo, và các nhà quản lý hiện đều sợ mắc lỗi nếu thực hiện liên danh, liên kết”.

Đủ kiểu thiếu, hụt

Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, do không thực hiện đấu thầu được cũng dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế khám chữa bệnh, gây khó khăn và thiệt thòi cho người bệnh.

BV đa khoa Vĩnh Long là BV lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. Ông Huỳnh Thanh Trí, Phó giám đốc BV, cho hay: “Lúc thiếu thuốc và vật tư y tế, khi có BN đến, mình phải cho chuyển viện tuyến trên hoặc hướng dẫn họ tự mua thuốc bên ngoài, như thuốc tiêu sợi huyết có giá hơn 10 triệu đồng/lọ, các khớp nhân tạo có giá từ 35 – 55 triệu đồng…”.

Theo ông Trí, giờ khó khăn nhất là thiếu về hóa chất và vật tư y tế, gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị của BV, như xét nghiệm tầm soát nhồi máu cơ tim, đông máu, định lượng vi rút, nước tiểu… BV muốn mua sắm vật tư y tế cấp bách phải xin Sở Y tế, chờ duyệt; những danh mục giá trị cao phải trình qua UBND tỉnh, dẫn đến việc BN là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Cơ chế, quy định buộc phải làm như vậy. Hiện tại, BV mới hoàn thành xong danh mục vật tư, hóa chất. Nếu ổn hết thì phải 3 tháng nữa BV mới thực hiện mở thầu được.

Khi đề cập đến những khó khăn, hướng khắc phục vấn đề thiếu thuốc điều trị và vật tư y tế, bà Hồ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho hay theo kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuốc, vắc xin giai đoạn 2022 – 2023 còn một số mặt hàng chưa trúng thầu. Lý do, không có nhà thầu tham dự đấu thầu, hồ sơ kỹ thuật không đạt yêu cầu, giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch…

Trong khi đó, theo TS Tô Minh Nghị, Giám đốc BV đa khoa Cà Mau, khoảng 1 – 3 tháng nữa thì BV sẽ thiếu thuốc. Vật tư y tế giao cho các đơn vị tự đấu thầu. Rất nhiều món đã hết thời gian của gói thầu trước. Giờ phải đấu thầu mới nhưng đang gặp 2 vấn đề: giá tăng và về mặt đấu thầu phải thông qua hội đồng khoa học kỹ thuật về danh mục, chủng loại, số lượng… để có bước làm dự toán và thẩm định giá, nhưng hiện tại khó tìm các công ty thẩm định giá. Sau các vụ tiêu cực xảy ra vừa rồi với ngành y tế, gần như các công ty từ chối thẩm định giá về vật tư y tế. Nếu có thẩm định, họ đưa giá rất cao, cao hơn giá quy định nên BV cũng “bó tay”.

Tương tự, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết hiện BV đang thiếu một số vật tư y tế nhỏ lẻ do đang gặp khó khăn trong việc mua bán. BV đang tập trung báo cáo các vướng mắc lên Sở Y tế và UBND TP.Đà Nẵng. Theo bác sĩ Nhân, theo Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, kể từ ngày 1.4.2022, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Bên cạnh đó, việc mua sắm đòi hỏi phải đầy đủ các quy trình. Tuy nhiên, các đơn vị nhỏ lẻ không đáp ứng được các tiêu chí đó.

“Ví dụ như ống xông màng phổi hoặc dẫn lưu màng phổi là một dụng cụ không thể thiếu trong điều trị. Nhưng trong mua sắm thì các đơn vị cung ứng dụng cụ này không có kê khai hoặc phân loại nhóm. Trong khi đó, việc mua sắm bắt buộc phải đầy đủ các quy trình”, bác sĩ Nhân nói.

Bác sĩ đông y loay hoay tự chế thuốc

Tại Thái Bình, có tình trạng BN phải tự mua bơm kim tiêm, chỉ khâu… khi đến điều trị tại BV; bác sĩ đông y phải tìm kiếm vị thuốc về tự bào chế để phục vụ người bệnh trước tình trạng thiếu thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc BV Y học cổ truyền Thái Bình, khẳng định bài thuốc ngâm chân đã hết từ lâu. Tuy nhiên, để không giảm dịch vụ y học cổ truyền, đảm bảo chất lượng điều trị, BV phát động phong trào cán bộ thu hái dược liệu sẵn có tại địa phương để bào chế thuốc ngâm chân, và thực hiện miễn phí cho người bệnh từ tháng 6 vừa qua.

Theo bác sĩ Việt, đến thời điểm hiện tại, nhiều vị thuốc cổ truyền đã hết, số vị thuốc còn lại chỉ đủ cung cấp trong một thời gian ngắn, nhiều bài thuốc không đủ vị thuốc để thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn của đơn vị.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do BV đang không thể thực hiện được gói thầu vị thuốc cổ truyền vì một số vướng mắc. Đơn cử, Thông tư 38 của Bộ Y tế (quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền) quy định cơ sở khám chữa bệnh chỉ sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải được cấp giấy đăng ký lưu hành. Nhưng trên thực tế, số lượng vị thuốc cổ truyền được cấp giấy đăng ký lưu hành còn rất ít. Trong khi đó, BHXH tỉnh Thái Bình cũng đã khuyến cáo một số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư 38.

“Do đó, sau khi Thông tư 38 có hiệu lực, trong kho thuốc còn một số vị thuốc cổ truyền nhưng chúng tôi không dám sử dụng. Ngoài ra, nhiều nhà thầu cũng đã từ chối cung cấp dược liệu cho cơ sở khám chữa bệnh chúng tôi”, bác sĩ Việt cho hay.

Bệnh nhân lẫn bệnh viện đều khổ

Hiện nay, hàng loạt cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rơi vào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế nên đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, khiến nhiều người bệnh thiệt thòi.

Từ tháng 4 đến nay, bà T.H. (ở xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam) nhiều lần được con mình chở đến BV Mắt Quảng Nam để mổ đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, lần này qua lần khác bà liên tục được BV hẹn. Theo bà H., khi đến BV thăm khám thì các bác sĩ bảo nếu muốn mổ đục thủy tinh thể theo diện BHYT thì phải chờ. Còn muốn mổ nhanh thì bà phải bỏ tiền túi ra mua cườm và mổ dịch vụ, nhưng phí rất đắt.

“Ở BV này không chỉ tôi mà có rất nhiều người đến khám và mổ mắt cũng lâm cảnh tương tự. BV Mắt nhưng lại không có thủy tinh thể khiến người dân rất thiệt thòi”, bà H. buồn bã cho hay.

Lãnh đạo BV Mắt Quảng Nam cho biết, từ tháng 4 đến nay, những BN có chỉ định mổ thay thủy tinh thể đều không thể thực hiện, vì BV không còn thủy tinh thể dự trữ để mổ thay cho BN. “Gói thầu của BV đã hết hạn từ tháng 6.2021. Khi hết hạn phải có thầu mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Vật tư tại BV thiếu khiến công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn, nhiều BN phải chuyển lên tuyến trên”, vị này nói.

Ông Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc BV đa khoa Quảng Nam, cho biết hiện nay tại BV thiếu rất nhiều thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, vật tư y tế gồm kim tiêm, chỉ hoặc đinh ốc, vít phục vụ phẫu thuật cũng thiếu rất nhiều. Theo ông Ẩn, điều đáng nói là các gói thầu về hóa chất và vật tư của BV đã hết hiệu lực gần 1 năm nay. BV đã nhiều lần gửi tờ trình đến các cấp để xin ý kiến chỉ đạo về việc mua vật tư y tế phục vụ cấp cứu và điều trị cho BN. “Lẽ ra hàng loạt dụng cụ, vật tư tiêu hao thuộc danh mục bảo hiểm chi trả, nhưng nay BN phải tự bỏ tiền ra mua. Chính điều này, BV phải liên tục nhận sự than phiền của người bệnh”, ông Ẩn nói.

Không chỉ các BV lớn mà ở các trung tâm y tế cũng lâm cảnh thiếu thuốc và vật tư y tế. Theo ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm y tế H.Núi Thành (Quảng Nam), thuốc cho BN tâm thần tại địa phương dường như đã “cạn kiệt”, cùng với đó những vật tư y tế như hóa chất xét nghiệm, vắc xin dịch vụ, phim chụp X-quang… cũng thiếu trầm trọng.

“Hiện tượng thiếu nguồn vật tư y tế diễn ra từ cuối năm ngoái đến nay, cao điểm nhất là 2 tháng trở lại đây vì không đấu thầu được. Việc thuốc dành cho BN tâm thần bị thiếu khiến chúng tôi rất đau đầu”, ông Tiến nói. (Thanh niên, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/6/2020

CDC Hà Nam