Bộ Y tế: Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch COVID-19 ở cấp độ 4; Hôm nay 28-10, TP.HCM đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ; Ðã có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ 5 -11 tuổi…
Bộ Y tế: Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch COVID-19 ở cấp độ 4
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị COVID-19; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch COVID-19 ở cấp độ 4
Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1695/ CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, để bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến sẵn sàng đáp ứng các cấp độ dịch COVID-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) điện UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nội dung. Cụ thể:
Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị COVID-19.
Trong đó có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Củng cố hạ tầng kỹ thuật về oxy y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến để bảo đảm cung cấp oxy y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống oxy trung tâm để cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén, đủ số vỏ chứa oxy như bồn, bình và chai khí oxy y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến quận, huyện trở lên.
Hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Công điện của Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh có kế hoạch thiết lập khu điều trị COVID-19 ngay trong đơn vị để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19, thực hiện chuyển tuyến khi vượt quá năng lực chuyên môn;
Thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị COVID-19, tránh lây nhiễm chéo.
Đồng thời, thực hiện xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 các trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19 và xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ để phát hiện ca bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Các cơ sở khám chữa bệnh rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp
Đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho bác sĩ và điều dưỡng; các bệnh viện đa khoa từ tuyến quận, huyện trở lên thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và một số bệnh viện chuyên khoa (như truyền nhiễm, phổi..) thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo, lọc máu…Tiếp tục và tăng cường chỉ đạo đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán và điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho tất cả cán bộ y tế.
Triển khai các giải pháp để tăng cường chất lượng công tác khám, chữa bệnh và điều trị dịch bệnh; rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh (như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặt lịch khám qua hẹn; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh…);
Thực hiện kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú cho tối đa là 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các loại hình khám bệnh, chữa bệnh như khám, chữa bệnh từ xa.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đầu tư nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch củng cố hệ thống khám, chữa bệnh (đặc biệt là các khoa Hồi sức tích cực) đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và thu dung, điều trị COVID-19, giảm tỷ lệ vong do bệnh tật và COVID-19.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của Sở Y tế và các đơn vị liên quan. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Chủ động phòng COVID-19 cho trẻ em bằng vaccine là cần thiết
Về lý do cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, TS.BS. Lê Kiến Ngãi – Trưởng Phòng khám, tư vấn tiêm chủng – Khoa dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi TW sẽ lý giải trong bài viết sau đây.
Trong đại dịch, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em đã gia tăng theo thời gian
Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid -19 (làn sóng thứ nhất) hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thông báo tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở mức thấp. Tại Mỹ, ngày 6/4, CDC Mỹ báo cáo có 2.572 (chiếm 1,7%) trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong số 149.082 ca nhiễm từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020.
Tại Hàn Quốc, tháng 3/2020 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc cho biết có 6,3% trong số các trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 19 tuổi. Dữ liệu của Ý được công bố vào ngày 18/3 cho thấy chỉ có 1,2% là trẻ em trong tổng số 22.512 trường hợp mắc COVID-19; không có trường hợp tử vong nào.
Hệ thống giám sát Châu Âu thu thập dữ liệu từ các quốc gia Châu Âu và Vương quốc Anh về các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Trong số 576.024 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm, 0.7% ca nhiễm từ 0-4 tuổi, 0,6% từ 5-9 tuổi, 0,9% từ 10-14 tuổi.
Tuy nhiên cho đến nay, ở giai đoạn làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, câu chuyện đã khác. Cũng tại Mỹ, từ tháng 7/2021, số bệnh nhi mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%, trong đó gần 30% ca nhiễm mới ghi nhận trong tuần đầu tháng 9/2021 ở nước này là trẻ em.
Ở Indonesia, theo thống kê tới ngày 28/7/2021 nước này có hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2,9%; 6-18 tuổi là 9,9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Ở Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tháng 7/2021 đã ghi nhận có khoảng 5% số ca mắc COVID-19 tại thành phố là trẻ từ 0-5 tuổi.
Việc xuất hiện các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, như biến chủng Delta. Cùng với số ca mắc COVID-19 xuất hiện nhiều ở cộng đồng thời gian qua, đồng nghĩa với việc nguồn nhiễm gia tăng thì tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em tăng cao trong thời gian qua là điều có thể lý giải được.
Nguy cơ nhiễm và lây truyền COVID-19 ở trẻ em không khác biệt so với người lớn
Để đánh giá về nguy cơ lây truyền COVID-19 ở trẻ em, một nghiên cứu ở Mỹ thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021 ở những hộ gia đình có ít nhất một F0 để xem xét mức độ lây COVID-19 cho các đối tượng khác nhau căn cứ vào tỷ lệ nhiễm bệnh thứ phát. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 thứ phát ở các nhóm khác nhau lần lượt là: Trẻ <4 tuổi (6,3%), 5-11 tuổi (4,4%), 12-17 tuổi (6%) và người lớn trên 18 tuổi (5,1%). Kết quả này cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 giữa trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn không có sự khác biệt, thậm chí trẻ nhỏ còn có nguy cơ cao nhất (6,3%).
Phân tích nguy cơ mắc COVID-19 thông qua phương thức lây truyền của virus SARS-CoV-2, bao gồm lây truyền qua giọt bắn, lây truyền qua tiếp xúc và lây truyền qua không khí không thấy có sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn.
Nguy cơ có thể xảy ra các đường lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em không những không thấp hơn ở người lớn mà còn có những đặc điểm cho thấy trẻ em dễ mắc COVID-19 , như trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với người lớn và tiếp xúc gần với nhau (được người lớn gần gũi chăm sóc; trẻ em ăn, chơi, học cùng nhau…); trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với các bề mặt ở cả trong hộ gia đình, trong trường lớp và những nơi sinh hoạt chung; trẻ nhỏ hiếu động không dễ cho việc mang các phương tiện phòng hộ, như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em hoàn toàn có thể có hội chứng “COVID kéo dài” hay còn gọi là hội chứng “hậu COVID”. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và tương lai của trẻ, mà trước mắt gây khó khăn cho việc phân biệt với tình trạng táí phát hoặc tái nhiễm bệnh, dẫn đến khó kiểm soát lây truyền.
Mặc dù nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ và có biểu hiện giống như các nhiễm trùng hô hấp thông thường. Tuy nhiên đặc điểm này xét ở khía cạnh nguồn nhiễm lại cho thấy nếu trẻ em mắc COVID-19 lại dễ làm phát tán tác nhân virus ra bên ngoài, tức là có thể lây virus sang cho người khác.
Cần thiết phải chủ động phòng COVID-19 cho trẻ em bằng vaccine
Để phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu đã trở thành thường quy hiện nay là thông điệp “5K” thì việc phòng ngừa chủ động bằng vaccine là biện pháp rất cần thiết.
Vaccine Comirnary của hãng Pfizer-BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng từ 31/12/2020. Ngay từ khi được đưa vào sử dụng vaccine Comirnary đã được đề xuất sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên với liều như người lớn (liều 0,3ml chứa 30mcg vaccine ). Tại Việt Nam vaccine được phê duyệt sử dụng từ tháng 6/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đầu tháng 10/2021, Pfizer-BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi với hiệu quả phòng bệnh cao và tính an toàn cao. Hãng đã nộp hồ sơ xin phê duyệt. Pfizer- BioNTech đang tiếp tục thử nghiệm vaccine cho các nhóm trẻ 6 tháng – 2 tuổi và 2-5 tuổi.
Vaccine Moderna của hãng Moderna (Mỹ) đã được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12-17 tuổi (trước đó đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên từ tháng 12/2020). Vaccine được đánh giá là có hiệu quả và tác dụng phụ tương tự như đã gặp ở người lớn. Moderna đang tiếp tục thử nghiệm vaccine ở nhóm trẻ từ 6 tháng-12 tuổi.
Hãng Sinopharm (Trung Quốc) đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine Verocell của hãng cho nhóm trẻ từ 3-17 tuổi với thông báo kết quả thử nghiệm rất nhiều triển vọng.
Các nhãn hàng vaccine khác như AstraZenneca, Novavax, Sputnik… cũng đang hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và sẽ công bố khi có kết quả
Đánh giá về tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, các nhà chuyên môn cho biết không có sự khác biệt so với người lớn. Các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em phổ biến là sưng, đau chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, có thể buồn nôn, và sẽ tự hết sau vài ngày. Cũng đã có một số báo cáo về viêm cơ tim sau tiêm vaccine nhóm mRNA nhưng tỷ lệ rất thấp. Trẻ em cần phải được theo dõi đúng các quy trình sau tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hà Nội ghi nhận 28 ca dương tính, trong đó có 10 ca tại cộng đồng trong ngày 27/10
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26-10 đến 18h ngày 27-10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 28 ca dương tính, trong đó có 10 ca tại cộng đồng, 17 ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu phong tỏa.
Các bệnh nhân (BN) này phân bố tại 10 quận, huyện: Mê Linh (7), Quốc Oai (5), Hoàng Mai (3), Hoàn Kiếm (3), Hà Đông (3), Đống Đa (2), Hai Bà Trưng (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Nam Từ Liêm (1) và phân bố theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (7); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (7); chùm liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức (4); chùm liên quan đến các tỉnh có dịch (4); chùm liên quan ổ dịch 67 Giáp Bát, quận Hoàng Mai (3); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (2); chùm sàng lọc ho sốt (1).
7 BN thuộc chùm liên quan ổ dịch huyện Quốc Oai:
BN1: P.A.B, nữ, sinh năm 1980, ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông. BN là F1 (đồng nghiệp) của BN L.T.T.H, ngày 26-10 được lấy mẫu và có kết quả dương tính.
BN2: P.T.T.H, nữ, sinh năm 1973, ở phường Phú La, quận Hà Đông. BN là F1 của BN P.D.M, được cách ly từ ngày 24-10 và xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN3: P.H.P, nam, sinh năm 2017, ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. BN sống trong khu vực phong tỏa, ngày 26-10 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN4-BN7: N.Q.T, nam, sinh năm 1981; N.M.A, nữ, sinh năm 2011; N.M.T, nam, sinh năm 2006; N.V.K, nam, sinh năm 2012, đều ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. 4 BN là F1 (chồng và con) của BN N.P.N, đã được chuyển cách ly tập trung. Ngày 26-10, họ được lấy mẫu khẳng định, kết quả dương tính.
7 BN thuộc chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh:
BN1: N.D.T, nam, sinh năm 1965, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. BN có tiền sử tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ tỉnh Hà Giang về đám hiếu tại huyện Mê Linh, Hà Nội). Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định cho kết quả dương tính.
BN2: N.C.L, nam, sinh năm 1959, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. BN có tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ tỉnh Hà Giang về đám hiếu tại huyện Mê Linh), ngày 26-10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
BN3: N.D.C, nam, sinh năm 1991, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. BN có tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ tỉnh Hà Giang về đám hiếu tại huyện Mê Linh), ngày 26-10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
BN4: N.C.A, nam, sinh năm 1965, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Ngày 23 và 24-10, BN này đi đám hiếu tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN5: N.C.T, nam, sinh năm 1954, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Ngày 23 và 24-10 đi đám hiếu tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN6: Đ.V.H, nam, sinh năm 1964, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. BN sống tại tỉnh Hà Giang, ngày 23-10 về Hà Nội. Ngày 23, 24-10 đi đám hiếu tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26-10 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính
BN7: N.C.C, nam, sinh năm 1942, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Ngày 23 và 24-10, BN đi đám hiếu tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
4 BN thuộc chùm liên quan Bệnh viện Việt – Đức:
BN1: P.T.H, nam, sinh năm 1998, ở xã Vũ Lạc, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. BN là người nhà chăm người bệnh tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Việt – Đức từ ngày 29-9. Ngày 2-10, BN được chuyển cách ly tại huyện Chương Mỹ, ngày 26-10 có kết quả xét nghiệm dương tính.
BN2: N.T.T, nam, sinh năm 1952, ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. BN là người nhà chăm người bệnh tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Việt – Đức từ ngày 16-9. Ngày 2-10, BN được chuyển cách ly tại huyện Chương Mỹ, ngày 26-10 có kết quả xét nghiệm dương tính.
BN3: N.K.T, nam, sinh năm 1959, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa. BN là người nhà chăm người bệnh tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Việt – Đức từ ngày 16-9. Ngày 2-10, BN được chuyển cách ly tại huyện Chương Mỹ, ngày 26-10 có kết quả xét nghiệm dương tính.
BN4: N.T.H, nữ, sinh năm 1988, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai.
BN là bác sĩ siêu âm Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Việt – Đức, được chuyển cách ly ngày 5-10. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
4 BN thuộc chùm liên quan đến các tỉnh có dịch:
BN1: L.P.T.M, nữ, sinh năm 2017, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. BN là F1 BN L.A.T, ngày 18-10 đã được cách ly và xét nghiệm âm tính. Ngày 26-10, BN được lấy lại mẫu cho kết quả dương tính.
BN2: N.M.H, nam, sinh năm 1997, ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Ngày 24-10, BN từ phường Thạnh Lộc, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội trên chuyến bay VN260 ghế 31A. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN3: N.L.A, nữ, sinh năm 1994, ở phường Phúc La, quận Hà Đông. BN về từ thành phố Hồ Chí Minh ngày 25-10 trên chuyến bay QH240. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN4: N.T.K.N, nữ, sinh năm 2000, ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Ngày 22-10, BN về từ thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay VJ128. Ngày 26-10, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
3 BN thuộc chùm liên quan ổ dịch 67 Giáp Bát, quận Hoàng Mai:
BN1: P.T.C.L, nữ, sinh năm 1987, ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
BN2: N.T.T, nữ, sinh năm 1985, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
BN3: N.T.T.H, nữ, sinh năm 1972, ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
3 BN này là F1 của BN P.Đ.T đã được cách ly, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
2 BN thuộc chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu – Ô Chợ Dừa:
BN1: L.H.H, nữ, sinh năm 1990, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. BN là nhân viên salon tóc Mẹ Ớt, được cách ly từ ngày 23-10 và xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 26-10, BN xuất hiện sốt, đau mỏi người, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN2: Đ.N.L, nữ, sinh năm 1969, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. BN là F1 của BN C.L.L, ngày 26-10 được lấy mẫu và có kết quả dương tính.
1 BN thuộc chùm sàng lọc ho sốt:
BN Đ.M.H, nam, sinh năm 2008, ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ngày 25-10, BN vào điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn. Ngày 26-10, BN xuất hiện triệu chứng, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 4.231 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.658 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.573 ca. Riêng ổ dịch tại huyện Quốc Oai, tính từ ngày 24-10 đến nay đã ghi nhận 37 ca dương tính. (Hà Nội mới, trang 7).
Bộ Y tế đề nghị nhanh chóng trả phụ cấp cho cán bộ y tế, tình nguyện viên chống dịch
Ngày 26-10, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh/TP, sở y tế các địa phương và các đơn vị liên quan về việc thực hiện chi trả chế độ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cho biết tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV vừa qua, có đại biểu đã phản ánh về chậm trả phụ cấp phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, các tình nguyện viên tham gia các đoàn hỗ trợ các tỉnh chống dịch.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện chi trả phụ cấp phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, các tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định (kể cả viên chức, người lao động, tình nguyện viên của các cơ sở khác đến tăng cường).
Trường hợp đơn vị quyết định huy động người hỗ trợ tham gia công tác phòng, chống dịch có nguồn kinh phí chi trả chế độ chống dịch từ nguồn thu hợp pháp và nguồn huy động đóng góp thì đơn vị được giao chủ trì phòng, chống dịch COVID-19 không phải chi trả.
Riêng cán bộ, nhân viên y tế trực thuộc các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý được cử tham gia hỗ trợ chống dịch sẽ do các bệnh viện quản lý trung tâm chi trả.
Các trung tâm sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp để chi trả kịp thời cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch (kể cả viên chức, người lao động, tình nguyện viên của các cơ sở khác đến tăng cường).
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/TP chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện theo quy định. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, hướng dẫn thực hiện. (An ninh Thủ đô, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hôm nay 28-10, TP.HCM đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ
Ngày 27-10, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc xin cho khoảng 1.800 học sinh nhóm tuổi 16 – 17 tại huyện Củ Chi và quận 1. Trong đó, 1.500 học sinh Củ Chi tiêm buổi sáng và 300 học sinh quận 1 tiêm buổi chiều.
“Như một ngày hội”
Với việc tiêm vắc xin cho khoảng 1.500 học sinh vào sáng 27-10, Củ Chi là địa phương đầu tiên của TP.HCM và cả nước được chọn thí điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi.
Từ sáng sớm, đông đảo học sinh của ba trường THPT trên địa bàn huyện Củ Chi bao gồm Trường THPT Củ Chi, Tân Thông Hội và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi (độ tuổi 16 – 17 tuổi) đã tập trung đến điểm Trường tiểu học cơ sở thị trấn Củ Chi để khám sàng lọc trước khi tiêm. Đông đảo phụ huynh cũng có mặt, ngóng theo con như thể đang bước vào một kỳ thi quan trọng.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền – chủ tịch UBND huyện Củ Chi – nói rằng “hôm nay như một ngày hội”. Bởi việc được tiêm vắc xin chính là mong muốn không chỉ của các em, phụ huynh mà cả người dân huyện Củ Chi.
“Tiêm chủng vắc xin sẽ là điều kiện để các em được sớm trở lại trường học” – bà Hiền chia sẻ.
Có mặt tại buổi mở màn chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ sáng 27-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ về lý do TP.HCM chọn huyện Củ Chi và quận 1 tổ chức thí điểm tiêm cho trẻ, bởi quận 1 là quận trung tâm có điều kiện cơ sở vật chất, mật độ dân số cao; còn Củ Chi là “vùng xanh”, công tác tiêm vắc xin nơi đây vốn đang được thực hiện tốt thời gian qua.
Phụ huynh yên tâm
Tại điểm tiêm Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), các bậc phụ huynh được cùng con ngồi chờ, “tận mắt” nhìn thấy con được tiêm như thế nào. Ông T.Đ.P., 44 tuổi, ở quận 5, cảm thấy yên tâm khi được cùng con đi tiêm.
Khi con gái ông được nhân viên y tế tiêm xong mũi đầu tiên, ông đã cảm thấy con gái mình giờ đã được “bảo vệ” phần nào. Năm nay con cuối cấp, phải trải qua nhiều kỳ thi, con ông được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thế này gia đình ông cảm thấy yên tâm hơn hẳn.
Có mặt tại điểm tiêm chủng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ông Lê Phước Hùng, giám đốc Trung tâm Y tế quận 1, cho biết tối 26-10, trung tâm y tế quận đã nhận được 3.000 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi.
Trong chiều 27-10, quận 1 mới tiêm cho 326 học sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh. Hiện các điểm tiêm chủng cho trẻ em của quận đều đã sẵn sàng, chỉ đợi chỉ đạo của Sở Y tế, quận sẽ tiến hành tiêm chủng ở nhiều điểm tiêm trong ngày 28-10. Hiện quận 1 có hơn 12.000 trẻ từ 12 – 17 tuổi.
3 tuần sau sẽ tiêm mũi 2
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ đối tượng tiêm thí điểm lần này tại thành phố rất đặc biệt, đó là các em học sinh, tương lai của đất nước. Do đó trước, trong và sau khi tiêm vắc xin việc chuẩn bị mọi thứ phải hết sức cẩn thận, cung cấp đầy đủ thông tin đến phụ huynh, học sinh về việc cần chuẩn bị gì về mặt tâm lý, sức khỏe, thời gian…
Ông Đức nhấn mạnh thành phố mong muốn và hướng đến việc tạo cho các em có điều kiện học tập tốt nhất có thể. Một trong những điều kiện đó là được đi học phải an tâm, an toàn; nếu không yên tâm các em sẽ không tiếp thu được kiến thức.
“Muốn các cháu đi học trở lại thì phải đảm bảo an toàn, và một trong những điều kiện đảm bảo an toàn là các cháu được phủ vắc xin. Ba tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu tiêm mũi 2 cho các cháu và sau hai tuần tiêm các cháu sẽ được bảo vệ. Đó chính là một trong những điều kiện cần để tổ chức đi học lại” – ông Đức nhấn mạnh.
Có mặt tại Củ Chi, ông Nguyễn Hữu Hưng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – đánh giá địa phương tổ chức chặt chẽ, đảm bảo khoảng cách an toàn và hiệu quả. Các em học sinh phấn khởi và nhận được sự đồng thuận lớn từ các bậc phụ huynh.
Theo ông, từ ngày 28-10 các quận huyện và TP Thủ Đức; trong trường học hay ngoài trường học đều sẽ tổ chức tiêm vắc xin đại trà cho trẻ, ưu tiên từ 16 – 17 tuổi.
“Ngày 28-10, tất cả quận, huyện sẽ đồng loạt triển khai các điểm tiêm cho trẻ. Tuy nhiên chỉ đơn vị nào chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế mới được triển khai tiêm chủng cho các em, còn ngược lại sẽ không được tổ chức tiêm cho đến khi đảm bảo an toàn thực sự” – ông Hưng khẳng định. (Tuổi trẻ, trang 14; Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 6; Thanh niên, trang 11; Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Ðã có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ 5 -11 tuổi
Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia đã đồng ý chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Khám sàng lọc xác định các trường hợp chống chỉ định
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, cần khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đó là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2 với các biểu hiện như nổi mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. “Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm. Một số trường hợp như trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính, béo phì… cần chỉ định tiêm tại trung tâm y tế hoặc tại bệnh viện giống như đối với người lớn. Việc tiêm chủng cũng được tổ chức theo các điểm tiêm như đang triển khai tiêm cho người lớn”, TS Điển nói.
Các chuyên gia cho rằng, tiêm cho trẻ em ở trường học thì nhân viên cơ sở y tế sẽ tham gia hỗ trợ, phối hợp quy trình tiêm với các thầy cô giáo nên sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng là nơi tập trung theo dõi sau tiêm và đánh giá sau tiêm với trẻ. Khi trẻ về nhà, gia đình theo dõi những dấu hiệu sức khoẻ theo tờ hướng dẫn được phát sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi cần. Bên cạnh đó, thời gian qua, các địa phương đã thành lập các đội y tế cơ sở, đội cấp cứu lưu động để có thể đáp ứng những tình huống có phản ứng bất lợi.
Năm sau tiêm cho trẻ 5-11 tuổi
Về việc tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, ông Điển cho hay: “Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm cho nhóm trẻ em trong độ tuổi nhỏ hơn (5-11 tuổi) trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc xin cho trẻ em. Hiện Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó thì chúng ta sẽ tiêm”.
Ông Điển khuyến cáo, cần tiêm vắc xin cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh nếu mắc COVID-19 và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vắc xin sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong vì đây là đối tượng nguy cơ cao. Theo dữ liệu hiện nay, trên toàn thế giới, số lượng trẻ em mắc COVID-19 nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi.
Về kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em tại Việt Nam, TS Park Kidong, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay: “Trước khi khuyến cáo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiêm chủng cho người lớn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Điều này phù hợp với khuyến nghị của WHO. Hiện nay, WHO đã phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 Pfizer/BioNTech vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) để sử dụng cho thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi)”.
Hà Nội: Trẻ có thể đi học khi phủ vắc xin cho người lớn
Dịch COVID-19 tại Hà Nội những ngày qua đang phức tạp trở lại với sự xuất hiện của ổ dịch ở huyện Quốc Oai và một số quận, huyện khác. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh lo ngại trẻ sẽ khó sớm có thể trở lại đi học bình thường khi chưa được tiêm vắc xin.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nói: “Thời gian qua, số trẻ mắc COVID-19 tại Hà Nội là có nhưng không nhiều và hầu hết đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, hiện nay tiêm vắc xin giảm được sự lây nhiễm nhưng không phải giúp phòng bệnh được triệt để. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Song quan trọng nhất là khi mắc thường có triệu chứng nhẹ và không phải nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế và không bị tử vong”. Do đó, chuyên gia này nhận định, Hà Nội có thể cho học sinh đi học trở lại tốt nhất là khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân hoặc tiêm vắc xin cho trẻ em.
“Lúc này cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta không thể về “Zero COVID-19”, phải chấp nhận sống chung nhưng phải lưu ý là khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt”, ông Phu nói. (Tiền phong, trang 6).
Việt Nam vượt mốc 900.000 ca nhiễm Covid-19
24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới, tăng 812 ca so với ngày trước đó tại 47 tỉnh, thành phố. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 900.585 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số 4.411 ca nhiễm mới, có 7 ca nhập cảnh và 4.404 ca ghi nhận trong nước. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.140), Bình Dương (521), Đồng Nai (499), Đắk Lắk (254), Bạc Liêu (242), An Giang (221), Tây Ninh (202), Kiên Giang (150), Tiền Giang (127), Sóc Trăng (98), Cần Thơ (98), Bình Thuận (97), Quảng Nam (92), Trà Vinh (82), Long An (81), Đồng Tháp (49), Thanh Hóa (45), Khánh Hòa (44), Hậu Giang (42), Gia Lai (32), Nam Định (28), Hà Nội (26), Quảng Ngãi (21), Nghệ An (19), Bình Phước (19), Hà Giang (19), Phú Thọ (18), Vĩnh Long (18), Bà Rịa – Vũng Tàu (17), Bắc Giang (14), Bến Tre (14), Ninh Thuận (14), Thừa Thiên Huế (14), Hà Nam (12), Quảng Trị (6), Đắk Nông (6), Kon Tum (6), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (3), Bình Định (3), Hà Tĩnh (1), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1), Quảng Ninh (1), Lào Cai (1), Phú Yên (1). Trong đó có 2.052 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-69), Nghệ An (-40), Cà Mau (-32). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (+357), Bạc Liêu (+136), Sóc Trăng (+98).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.800 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 900.585 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.144 ca nhiễm).
Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 895.793 ca, trong đó có 809.497 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (428.013), Bình Dương (230.406), Đồng Nai (62.970), Long An (34.448), Tiền Giang (15.985).
Hôm nay, cả nước có 2.024 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 812.314.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.718 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.817; Thở ô xy dòng cao HFNC: 443; Thở máy không xâm lấn: 94; Thở máy xâm lấn: 344; ECMO: 20
Trong ngày ghi nhận 54 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (32), Bình Dương (8 ), Long An (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Kiên Giang (1), An Giang (1), Sóc Trăng (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 63 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.856 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nhân dân, trang 8).
Ngọc Nga tổng hợp