Điểm báo ngày 26/10/2020

(CDC Hà Nam)
Kỷ lục trẻ mắc bệnh hô hấp phải thở ô xy; Thêm 8 ca mắc mới Covid – 19 có 3 trẻ nhỏ; Báo động trẻ thừa cân, thiếu chất; Hà Nội: Triển khai nhiều mô hình thực phẩm sạch để chống “thực phẩm bẩn”…

Kỷ lục trẻ mắc bệnh hô hấp phải thở ô xy

“Phòng cấp cứu sáng nay đã có hơn 30 ca phải thở oxy, kỷ lục từ đầu năm tới giờ” – BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 nói, đồng thời cho biết có hàng trăm bệnh nhi viêm đường hô hấp đang được điều trị tại đây. Kín bệnh nhi viêm đường hô hấp

Trưa 23/10, tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh hô hấp được cha mẹ bế xếp hàng chờ đợi đến lượt thăm khám. Bên trong các phòng bệnh, giường nào cũng có 2 bé nằm; hai bên hành lang của khoa, các giường nhỏ dành cho bệnh nhi được kê hẳn ra ngoài nhưng vẫn không đủ chỗ. Một số phụ huynh trải chiếu ở các bậc thang để vừa nằm, vừa tiện chăm sóc trẻ.

Chị T.H (25 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) vừa sinh con được hơn mười ngày cũng tất tả chờ nhập viện cho con. “Bé khó thở, sốt kéo dài. Chúng tôi đã đưa đi khám bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi. Đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thì bác sĩ yêu cầu nhập viện do bé có dấu hiệu viêm phổi” – chị H lo lắng nói.

Theo số liệu ghi nhận tại khoa Hô hấp, khoảng 3-4 tuần nay, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng nhanh và đến ngày 23/10 đã đạt tới số kỷ lục của năm với hơn 400 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị tại khoa, trong khi số giường bệnh trong khoa chỉ có 140.

Theo BS Tuấn, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, bệnh nhi điều trị tại khắp các bệnh viện trong cả nước đều vắng, sau đó tăng lên nhưng ngày đông nhất cũng chỉ có 140 trẻ nằm điều trị tại khoa. Ở phòng khám, 70% số trẻ đến khám hô hấp đến từ TPHCM, còn trong khoa thì có đến 60-70% bệnh nhân ở tỉnh nhập viện điều trị và khoảng 70% số trẻ đang nằm điều trị tại khoa hô hấp dưới 12 tháng tuổi.

Các triệu chứng thường gặp ở phòng khám là trẻ bị nhiễm trùng hô hấp như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm tai giữa… Trong khi các trường hợp nhập viện là do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi… và song hành còn có dị ứng, hen suyễn.

Tại phòng cấp cứu của khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng thành phố cũng có nhiều bệnh nhi từ sơ sinh đến 2 tuổi phải thở oxy, thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), thậm chí thở máy vì mắc các bệnh lý hô hấp hoặc các biến chứng về hô hấp do bệnh nền gây ra.

Tình trạng nhiều trẻ nhập viện liên quan đến hô hấp cũng diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đơn vị này cho hay, số trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện này tăng cao trong những ngày gần đây. Theo bệnh viện, có thể do thời tiết những ngày qua thay đổi, mưa liên tục nên đã làm số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám, nhập viện tăng cao. Hiện số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tăng hơn gấp đôi so với đợt sau dịch COVID-19.

Nhiều trẻ trở nặng

Cũng theo BS Trần Anh Tuấn, chỉ trong buổi sáng 23/10 đã có hơn 30 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng phải thở oxy. “Đây là kỷ lục từ đầu năm tới nay”- BS Tuấn nói.

Theo các chuyên gia y tế, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là đỉnh điểm trẻ mắc bệnh hô hấp. Phải hết tháng 11-12 mới giảm ở mức nhẹ.

BS Tuấn khuyến cáo để phòng bệnh, phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi tiêu cực của thời tiết (khi trời lạnh, mưa cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ). Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.

Về biện pháp lâu dài cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá… Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch. Tránh để trẻ ở gần người hút thuốc lá vì dễ tăng nguy cơ viêm phổi. Nếu bị hen suyễn nhưng vẫn sống trong môi trường có khói thuốc lá thì bệnh hen suyễn rất khó kiểm soát. (Tiền phong, trang 11).

 

Thêm 8 ca mắc mới Covid – 19 có 3 trẻ nhỏ

Tối 25/10 Bộ Y tế cho biết có thêm 8 ca mắc mới COVID-19 (BN1161 – 1168) nhập cảnh, được cách ly ngay. Trong đó có có ba trẻ em dương tính với SARS- CoV-2.

Cụ thể:

Bệnh nhân 1161 (BN1161): nữ, 42 tuổi, có địa chỉ tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Bệnh nhân 1162 (BN1162): nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh nhân 1163 (BN1163): nữ, 40 tuổi, có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh nhân 1164 (BN1164): nữ, 47 tuổi, có địa chỉ tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

BN1161-1164 là công dân Việt Nam, ngày 21/10 từ Pháp nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN5010, được chuyển đến cách ly ngay tại Trung đoàn Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ngày 24/10/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện tại các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền.

Bệnh nhân 1165 (BN1165): nam, 1 tuổi, có địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh nhân 1166 (BN1166): nữ, 5 tuổi, có địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

BN1165-1166 là con của BN1159.

Bệnh nhân 1167 (BN1167): nam, 1 tuổi, có địa chỉ tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Là con của BN1157.

Ngày 20/10 BN1165-1167 từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN8, được chuyển đến cách ly ngay tại Trung đoàn 831, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Kết quả xét nghiệm của BN1165-1166 ngày 24/10 và BN1167 ngày 25/10 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Bệnh nhân 1168 (BN1168): nam, 64 tuổi, có địa chỉ tại huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Bệnh nhân là công dân Việt Nam, ngày 23/10, từ Mỹ quá cảnh qua Sân bay Incheon Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam tại Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN431, được chuyển đến cách ly ngay tại huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 24/10 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa Điện Ngọc, Quảng Nam.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.576. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong ngày có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1089, BN1115, BN1118, BN1119, BN1090, BN1081. Như vậy đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi 1.057 ca (Tiền phong, trang 11; Hà Nội mới, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Báo động trẻ thừa cân, thiếu chất

Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng đáng báo động, nhất là ở khu vực đô thị của Việt Nam. Không ít trẻ bị thừa cân nặng nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Trong khi đó, các bậc phụ huynh chưa nhận thức rõ vấn đề này để có giải pháp can thiệp kịp thời. Hệ quả của việc nhận thức không đúng.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành với 5.000 học sinh của 75 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc 25 xã, phường tại một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%.

Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%.

Dù tỷ lệ béo phì ở trẻ gia tăng nhưng theo một cuộc điều tra tại Hà Nội cũng do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, có đến 53% phụ huynh khi được hỏi không nhận thức đúng tình trạng thừa cân của con em mình. Thậm chí, nhiều người còn thích con mập, cho con ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, bánh kẹo… khiến trẻ thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.

Mới 4 tuổi nhưng con gái chị Lê Thu V. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nặng tới 25kg. Được khen “mát tay” nuôi con nên trong thời gian dài, chị V. thường ép con ăn mà không quan tâm đến việc con thừa cân. Đến khi con bị ốm, phải nhập viện điều trị, chị mới tá hỏa khi bác sĩ cho biết, bé bị thiếu chất dinh dưỡng.

Đưa con đến khám tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, bác sĩ cho biết bé bị dư thừa chất béo, chất đạm nhưng lại thiếu một số vi chất, như: Canxi, sắt, kẽm…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chúng ta không nên nghĩ béo phì nghĩa là cái gì cũng thừa. Có những bé béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất.

Thậm chí, ngày nay trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu, khả năng hấp thụ của cơ thể, trong khi đó lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, trẻ thừa cân, béo phì do khẩu phần ăn giàu năng lượng và protein nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp.

Qua khảo sát về thói quen vận động của trẻ đến khám tại Trung tâm Điều trị béo phì và hội chứng chuyển hóa của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2019 thì 88% trẻ thừa cân, béo phì dành nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử và ít tập luyện thể dục thể thao.

Theo số liệu thống kê, thời gian vận động ở nhóm trẻ béo phì trung bình là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút/ngày. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh, đặc biệt là xem tivi ở trẻ béo phì là hơn 82 phút/ngày (trẻ bình thường là 50 phút/ngày).

Tăng vận động, hạn chế thực phẩm kém lành mạnh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất như chất đạm, chất béo, chất bột đường, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ tăng trưởng cả chiều cao, cân nặng và trí tuệ. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, hay mắc bệnh vào thời điểm giao mùa.

Đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện ở trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai cho rằng, giai đoạn trẻ từ 6 đến 11 tuổi là thời điểm cơ thể phát triển mạnh cả về thể chất cũng như trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Ở giai đoạn này, nếu trẻ bị thiếu hụt chất sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tầm vóc cũng như trí lực khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

“Ngoài việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, trong bữa ăn nên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhanh, nước ngọt…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai nói.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, để trẻ phát triển toàn diện, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới hai tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

Mặt khác, trẻ cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như phát triển cơ thể toàn diện; với trẻ từ 0 đến 5 tuổi ngủ đủ 11 giờ/ngày, từ 5 đến 10 tuổi ngủ đủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ngày… (Hà Nội mới, trang 5).

 

Hà Nội: Triển khai nhiều mô hình thực phẩm sạch để chống “thực phẩm bẩn”

Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng chống ngộ độc thực phẩm như: Quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát an toàn thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát…Với số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm liên tục tăng vọt, từ 59.109 cơ sở vào năm 2016 lên 83.712 cơ sở vào năm 2020, Hà Nội là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước. Lẽ dĩ nhiên, với số lượng lớn lại tăng nhanh như vậy thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) luôn hiện hữu và gia tăng theo.

Thế nhưng, nếu như năm 2017, Hà Nội chỉ có 6 quận, huyện, thị xã được chấm điểm đạt xuất sắc trong công tác ATTP thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị. Tình trạng ATVSTP ở Hà Nội những năm gần đây thực sự chuyển biến tích cực.

Hiệu quả từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo

Cách đây vài năm, tình trạng “thực phẩm bẩn” ở mức hết sức nghiêm trọng, là vấn đề nhức nhối, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đó, bước vào giai đoạn 2016-2020, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ngành y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai 2 chương trình, hoạt động để kiểm soát ATTP. Đó là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.

Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng chống ngộ độc thực phẩm như: Quản lý ATTP bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát…

Nhìn lại kết quả triển khai công tác ATTP của Thủ đô 5 năm qua, có những con số đạt được rất ấn tượng. Toàn thành phố đã kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ với 14 bị can về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng…

Quan trọng hơn, với phương châm “xây” thực phẩm sạch để chống thực phẩm “bẩn”, bức tranh ATTP của thành phố đã chuyển biến tích cực. Hơn 2 năm trở lại đây, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đã hình thành và ngày càng nhân rộng. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… thay đổi rõ rệt.

Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho biết, dù mới triển khai từ 2018 song đến nay, quận đã xây dựng và duy trì 11 “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”. Hay như Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, tính đến nay, Cầu Giấy đã cấp biển nhận diện cho 82/82 cơ sở kinh doanh trái cây, đạt tỷ lệ 100%…

Trong khi đó, Thanh Oai và Phú Xuyên là 2 huyện đầu tiên của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ đông người từ 2016, hiệu quả đến nay đã được chứng minh qua việc không ghi nhận vụ ngộ độc nào suốt 4 năm qua. Năm 2017, thành phố nhân rộng mô hình này tại quận Long Biên và huyện Quốc Oai. Đến năm 2019, tiếp tục nhân rộng ra 11 quận, huyện, thị xã.

Theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, trong năm 2020, thành phố phấn đấu triển khai mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã, phường thuộc 20 quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến một điểm sáng trong công tác đảm bảo ATTP của Hà Nội vài năm gần đây là quận Nam Từ Liêm. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, từ 2016 đến nay, quận đã triển khai được 14 trạm xét nghiệm nhanh ATTP tại các chợ, đồng thời triển khai Đề án xét nghiệm thực phẩm giai đoạn 2019-2020, tăng cường xét nghiệm chuyên sâu định lượng nhằm đánh giá chất lượng thực phẩm… (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 39,189 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết qua thanh tra chuyên ngành đóng, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền phải truy đóng 44,759 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến hết tháng 9/2020, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hơn 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

So với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tăng trưởng dương nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp lại giảm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại hơn 3.100 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch.

Trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng 791 đơn vị, đạt 53,8% kế hoạch; kiểm tra 2.117 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 247 đơn vị đạt 41,76% kế hoạch.

Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, trong 9 tháng đầu năm, toàn Ngành đã tổ chức thực hiện 1.384 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 1.808 đơn vị.

Qua thanh tra chuyên ngành đóng, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền phải truy đóng là 44,759 tỷ đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56,733 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội số tiền 2,889 tỷ đồng do thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định; thu hồi về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp số tiền 1,749 tỷ đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định; thu hồi về Quỹ bảo hiểm y tế số tiền 39,189 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện theo quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại BVĐK Lệ Thuỷ- Quảng Bình

Trong chương trình kiểm tra công tác ứng phó y tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, chiều ngày 24/10, tại Quảng Bình đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm, kiểm tra công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại BVĐK Lệ Thủy, Trạm Y tế xã Liên Thuỷ.và thăm một số hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã.

Bác sĩ soi đèn pin phẫu thuật, mổ đẻ cho  bệnh nhân trong cơn mưa lũ lịch sử

BVĐK huyện Lệ Thuỷ là một trong những cơ sở y tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. BS Thái Văn Công, Giám đốc Bệnh viện cho biết trong những ngày mưa lũ, nước ngập vào Bệnh viện tới hơn 2m, khiến hệ thống máy chủ có nguy cơ cao bị hỏng nặng; 3 máy giặt, là, sấy; hệ thống xử lý nước thải; nhà máy phát điện ngập sâu; hệ thống mô tơ chạy máy phát điện hay bơm nước lên bể, hệ thống cứu hoả… đều đã hỏng. Ngoài ra, trang thiết bị văn phòng, hồ sơ bệnh án bị nước ngập hư hại… “Ước tính thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng” – BS Công cho hay.

Dù nhiều khó khăn, Bệnh viện vẫn mổ đỡ đẻ 4 ca, mổ cấp cứu ruột thừa cho người dân trong huyện. Bệnh nhân được đảm bảo dinh dưỡng, thực phẩm an toàn trong thời gian phải ở lại viện, không trường hợp tử vong nào đáng tiếc xảy ra.

BS Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử, tại Quảng Bình, nhiều cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hơn 100 trạm y tế xã bị ngâp lụt, đặc biệt BVĐK hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chịu thiệt hại nhất.

Dù khó khăn, các y bác sĩ vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo cấp cứu, đỡ đẻ, phẫu thuật an toàn cho bệnh nhân. “Mất điện toàn viện, không ít ca bác sĩ phải dù dùng đèn pin hoặc dụng cụ khác để mổ cho bệnh nhân” – BS Cường nói. Trong hoàn cảnh mưa lũ, các cơ sở y tế càng thể hiện tình đoàn kết, tương trợ.

BVĐK  huyện Bố Trạch, BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới hỗ trợ 50 bộ quần áo mổ cho BVĐK Lệ Thuỷ, 20 bộ cho BVĐK Quảng Ninh.

Tại BVĐK Lệ Thuỷ, sau khi đi khảo sát thực tế tại một số khoa và thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện sau lũ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đội ngũ y, bác sỹ BVĐK huyện Lệ Thủy.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thuỷ nói riêng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử, tại buổi làm việc, Quyền Nguyễn Thanh Long đã ghi nhân đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của của cán bộ y tế tại đây, dù mưa lũ, nước lụt dâng cao nhưng đã hết sức cố gắng, cứu chữa, phẫu thuật cho bệnh nhân.

Đặc biệt trong đợt mưa lũ này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do mưa lũ chia cắt, ngập sâu, hư hỏng các trang thiết bị, nhưng tập thể BVĐk Lệ Thuỷ đã sớm khôi phục hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Ngay trong những ngày bị chia cắt bởi mưa lũ, các y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành 4 ca phẫu thuật.

“Mất điện, phải dùng đèn pin và các dụng cụ khác để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, đó là trách nhiệm của chúng ta với nhân dân” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.

Chú trọng triển khai ngay phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Dù còn nhiều thách thức, Quyền Bộ trưởng đề nghị với ngành Y tế Quảng Bình, huyện Lệ Thuỷ cố gắng sớm khắc phục tất cả hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt là với cơ sở y tế.

Trong đó, theo Quyền Bộ trưởng, cần nhanh chóng sắp xếp đánh giá thiệt hại do mưa lũ, báo cáo Bộ Y tế để có giải pháp hỗ trợ; khẩn trương đưa các cơ sở y tế vào hoạt động, đảm bảo tính liên tục trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

GS.TS Nguyễn Thanh Long lưu ý, sau mưa lũ, rất cần quan tâm vấn đề dịch bệnh phát sinh. Cùng đó, cần đề phòng có nhiều bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn thương tích do làm lại nhà, lợp lại nóc nhà.

Do đó, Quyền Bộ trưởng khuyến cáo ngành Y tế tỉnh Quảng Bình và các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cần phối hợp, triển khai ngay công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước mắt, cần đảm bảo người dân được hưởng dịch vụ nước sạch và dịch vụ y tế, không bị bệnh sau lũ (như bệnh lây qua đường tiêu hóa, côn trùng đốt, da,…).

Trực tiếp chứng kiến toàn hộ hồ sơ bệnh án lưu trữ bị hư hại, hệ thống máy chủ hỏng, toàn bị dữ liệu bị hỏng, Quyền Bộ trưởng yêu cầu tỉnh báo cáo, đồng thời giao các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ phối hợp giải quyết sớm nhất để duy trì hoạt động khám chữa bệnh, nhất là với bệnh nhân bảo hiểm y tế.

“Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ”- Quyền Bộ trưởng khẳng định và cho hay ngay khi xảy ra mưa lũ đã có những Công điện và cử các đoàn công tác các bệnh viện, Viện vào Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh miền Trung khác trong phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh.

Tới đây, Bộ tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ này bằng cách thành lập các đoàn, sao cho mỗi tỉnh ít nhất có 2 đoàn (giúp các địa phương phục hồi công tác khám chữa bệnh không để bị gián đoạn và công tác phòng chống dịch bệnh).

Về phòng chống dịch, Bộ Y tế đã hỗ trợ bè cứu sinh, phao cứu sinh, đặc biệt là cloromin B, thuốc sát trùng, viên sát khuẩn nước quan điểm là không để địa phương thiếu. Quyền Bộ trưởng giao cho các đơn vị sẽ cấp cho mỗi địa phương 2 triệu viên viên khử khuẩn Aquatabs và 2 tấn Cloramin B.

Cùng ngày đoàn công tác Bộ y tế đã đến thăm trực tiếp tại Trạm y tế xã Liên Thủy là một trong những trạm y tế bị ngập sâu trong nước lũ. Tại đây, Quyền bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn, vất vả và thiệt hại do lũ gây ra và động viên cán bộ y tế của trạm tiếp tục nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn bước đầu trong điều kiện cơ sở vật chất hư hỏng do mưa lũ.

Trong dịp này Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm, động viên và tặng quà cho 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và bị ngập sâu trong đợt mưa lũ này.

Cũng nhân dịp này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới cá nhân Trung tướng Nguyễn Doãn Anh – Tư lệnh Quân khu 4, Sư đoàn 324 và Trung đoàn 1 và các cán bộ, chiến sĩ đã không quản khó khăn, xa xôi, thực hiện nghiêm mệnh lệnh Quân khu kịp thời vào hỗ trợ cho Quảng Bình cũng như các địa phương khác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại BVĐK Lệ Thuỷ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đồng chí Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 đã trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đang giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở huyện Lệ Thủy, giúp BVĐK Lệ Thuỷ dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Bộ Y tế biểu dương cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 đã không quản vất vả khó khăn, tích cực, khẩn trương giúp đỡ nhân dân ứng cứu, khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt là giúp đỡ các cơ sở y tế khắc phục hậu quả do lũ gây ra và đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn vùng lũ chủ động triển khai công tác phòng dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/4/2021

CDC Hà Nam

Tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 16/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận