Điểm báo ngày 23/12/2021

(CDC Hà Nam)
Cần sớm hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch với biến chủng Omicron; Cẩn trọng với thuốc điều trị Covid-19 trên mạng; Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập: Chủ động ứng phó; Triển khai Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ, giảm tử vong do Covid-19…

Cần sớm hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch với biến chủng Omicron

Ngày 22.12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp; nâng cao năng lực y tế cơ sở… Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 – 7 lần so với chủng Delta). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với biến chủng Delta, khi người mắc đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta.

Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn.

Trong dịp Tết Nguyên đán, tổ Covid-19 cộng đồng, công an, dân quân, y tế và các lực lượng cần tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong tiêm vét vắc xin, hỗ trợ người bệnh, không để người nào đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có tết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Trong khi chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch.

Ngày 22.12, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo tình hình hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày. Theo đó, số ca mắc Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR trong ngày là 979 ca. Như vậy, trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới tại TP.HCM giảm dưới 1.000 ca. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đến nay là 496.817 người. Tuy vậy, số ca test nhanh dương tính mỗi ngày vẫn còn từ 2.000 – 3.000 ca.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 22.12, TP.HCM đã tiêm được hơn 15 triệu liều vắc xin Covid-19, bao gồm: mũi 1 hơn 7,96 triệu liều, mũi 2 hơn 6,95 triệu liều và 36.561 liều mũi bổ sung, 104.178 liều mũi nhắc lại. (Thanh niên, trang 2)

 

Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập: Chủ động ứng phó

Để chủ động ứng phó trước khả năng xuất hiện của biến chủng Omicron tại Việt Nam, Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch; tăng cường tiêm vét vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3; cấp phát đủ thuốc kháng virus cho tất cả những người bị nhiễm có nhu cầu được uống sớm nhất…

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở cơ sở, ngày 22/12.

Xuất hiện tâm lý chủ quan

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lí chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong văn bản gửi các tỉnh, thành ngày 22/12 yêu cầu thực hiện những biện pháp để giảm tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đặc biệt yêu cầu trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lí; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin do thời tiết chuyển mùa Đông – Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Đặc biệt các địa phương phải nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Công an tiếp tục duy trì, phát huy vai trò công an cơ sở cùng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để truy vết người tiếp xúc, quản lí người mắc tuyến cơ sở; bảo đảm an ninh an toàn các khu cách li, điều trị; quản lí người nhập cảnh; hỗ trợ, tham gia quá trình đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc để ngăn ngừa tiêu cực…

Không để thiếu thuốc điều trị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta). “Giả sử biến chủng Omicron có độc lực nhẹ đi thì vẫn có một tỉ lệ người đã tiêm đủ vắc xin bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỉ lệ bị nặng. Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm gây quá tải hệ thống y tế thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy chúng ta không được lơi lỏng cảnh giác”, Phó Thủ tướng nói.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng với biến chủng Delta khi người mắc đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam. Hệ thống y tế cơ sở phải quản lí tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lí, theo dõi sức khỏe”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa Đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc điều trị. (Tiền phong, trang 3)

 

Tăng nhanh ca nặng, nguy kịch vì COVID-19

Ngày 22/12, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện có 460 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở này, trong đó có 50 ca thở máy, 5 bệnh nhân chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Số ca nặng tăng đáng kể so với vài ngày trước.

Tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nơi điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng nhất, chỉ trong 1 tuần các bác sĩ đã phải chỉ định chạy ECMO cho 5 bệnh nhân, gồm 4 thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh và người phụ nữ 67 tuổi có bệnh lí nền. Ở phòng bệnh số 2 khoa Hồi sức tích cực, nữ bệnh nhân nằm mê man, xung quanh dây dợ nối thiết bị hỗ trợ sự sống với cơ thể. Chị là một trong những thai phụ mắc COVID-19 nặng, nguy kịch khi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Nguyễn Thị Thường cho biết, hiện nay tình trạng rất đáng báo động là những bệnh nhân chưa tiêm vắc xin kèm mắc bệnh lí nền khi nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nặng, nguy kịch rất cao. “Khoa đang có 30 bệnh nhân thở máy và 5 ca thở máy, đặt ECMO; trong đó có 10 bệnh nhân là thai phụ/phụ nữ sau sinh. Tất cả thai phụ, sản phụ này đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các bệnh nhân này chỉ 1-2 ngày đã diễn biến nặng, tiên lượng tử vong nếu không kịp thời điều trị tích cực”, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho hay.

Một trong các bệnh nhân chạy ECMO là sản phụ 27 tuổi chuyển đến từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đang mang thai những tháng cuối, mắc COVID-19 và diễn biến tăng nặng rất nhanh. Bệnh nhân từng ngừng tuần hoàn, buộc phải mổ cấp cứu bắt con. Cuối tuần qua, do diễn biến quá nặng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên hệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để cử kíp bác sĩ tới đặt ECMO cho sản phụ này và vận chuyển bệnh nhân về cơ sở 2 Đông Anh tiếp tục điều trị. Những ca còn lại, trong đó có một số chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang đều mang thai ở những tháng cuối, mắc một số bệnh lí sản khoa. “Do diễn biến nhanh, các thai phụ này bị suy hô hấp, khi các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không hiệu quả, bệnh nhân được chỉ định chạy ECMO. 5 bệnh nhân tình trạng đã tạm thời ổn định sau thời gian đặt ECMO”, bác sĩ Phúc thông tin thêm.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay khi thai nghén, hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm, là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể khó chống đỡ virus. PGS.TS Cường khuyên các thai phụ nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ cả mẹ và con. (Tiền phong, trang 3)

 

Triển khai Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ, giảm tử vong do Covid-19

Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến thể mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động lớn đến hệ thống y tế. Bộ Y tế đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19, triển khai mạnh mẽ “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ”…

Ngày 22/12, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành; làn sóng dịch thứ 4 đã từng bước được khống chế, ngăn chặn tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố đang chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Tuy nhiên hiện nay số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến thể mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.

Để công tác điều trị COVID-19 tốt hơn, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các nội dung:

Các địa phương rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19

Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.

Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực theo Đề án số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021. Huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép: vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.

Rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.

Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.

Triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ”

Các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch..) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.

Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị. Tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống… đầy đủ cho người bệnh. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa. Sở Y tế và các bệnh viện tầng 3 điều phối hoạt động chuyển tuyến giữa các cơ sở điều trị; chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới.

Các địa phương bố trí mỗi bệnh viện điều trị COVID-19 có ít nhất “2 tầng điều trị” để thuận tiện trong điều trị và chuyển tầng nội viện. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn. Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện.

Rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt; tăng cường thông khí của toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị người bệnh COVID-19. Xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày.

Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, “Thầy thuốc đồng hành”, tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố. cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Khi cần thiết huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện vào chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị.

Quan tâm, xây dựng bổ sung chính sách, chế độ với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người mắc COVID-19

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực và cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị COVID-19 dài ngày, căng thẳng kéo dài, chịu nhiều áp lực và gánh nặng chống dịch.

Các tỉnh, thành phố áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh và điều hành, quản lý. Củng cố công tác thống kê, báo cáo của địa phương và trên phần mềm https://cdc.kcb.vn để có các thông tin và chỉ đạo chính xác, kịp thời.

Cập nhật theo dõi tình hình thu dung, theo dõi điều trị người bệnh tại các tầng và số giường trống để tiếp nhận người bệnh mới. Kiểm tra, đánh giá, phân tích công tác điều trị trong giai đoạn trước để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho hợp lý. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Triền khai ngay các giải pháp giảm tử vong do Covid-19”

 

PC-COVID bổ sung theo dõi dữ liệu COVID-19 và cập nhật hotline 24/7

Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, phiên bản thứ 5 có mã 4.1.4 của ứng dụng (app) phòng chống dịch PC-COVID hiện đã có mặt trên 2 kho ứng dụng phổ biến App Store và CH Play.

Trong phiên bản mới, ngoài việc đồng bộ lại dữ liệu mũi tiêm vaccine phòng dịch của người dùng, PC-COVID cũng được bổ sung thêm 2 tiện ích: Dữ liệu COVID và Hotline 24/7.

Trong đó, tiện ích “Dữ liệu COVID” giúp người dùng theo dõi các số liệu về dịch COVID-19. “Hotline 24/7” được sử dụng trong trường hợp người dùng cần hỗ trợ liên quan đến ứng dụng PC-COVID.

Bên cạnh đó, trong phiên bản mới, nhóm phát triển ứng dụng cũng hiển thị thêm “Cấp độ dịch” của nơi người dùng đến. Cụ thể, khi người dùng đến các địa điểm có phân luồng, ứng dụng sẽ giúp nhân viên kiểm soát biết được người đó đã từng quét QR ở những địa phương nào, đồng thời xem địa phương đó cấp độ dịch cao hay thấp theo quy định của Bộ Y tế.

Để cập nhật phiên bản mới, người dùng thiết bị chạy hệ điều hành iOS và Android chỉ cần vào kho ứng dụng, gõ “PC-COVID” trong khung tìm kiếm, chọn “PC-COVID Quốc gia” và bấm cập nhật. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Không để người mắc Covid-19 khó tiếp cận dịch vụ y tế

Ngày 22-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán 2022.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu công tác tiêm chủng phải đẩy nhanh hơn, chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi sang phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vaccine Covid-19.

Đồng thời Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Phó Thủ tướng lưu ý, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, các lực lượng như công an, dân quân, y tế và người dân tiếp tục tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” triển khai tiêm vét vaccine; phát hiện, hỗ trợ người bệnh; không để người đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có tết.

Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới thông báo đã ghi nhận biến thể Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng chống dịch Covid-19. Ở trong nước, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, cùng với sự xuất hiện tâm lý chủ quan. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Công an xã xung kích chống dịch

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Công an các xã trên địa bàn huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã cùng với các lực lượng liên quan xung kích nơi tuyến đầu chống dịch, góp phần khống chế, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan.

Từ ngày 20/12 đến trưa 22/12, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước đã ghi nhận 16 ca mắc COVID-19. Thiếu tá Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Công an xã Tiên Cảnh cho hay, ngay sau khi phát hiện ca F0 đầu tiên, lực lượng Công an xã đã nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương khẩn trương tiến hành truy vết, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca F0 cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã còn đến từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh; nắm bắt tình hình ANTT ở cơ sở.

Sáng 22/12, UBND huyện Tiên Phước đã quyết định phong tỏa tạm thời thôn 3, xã Tiên Cảnh có 194 hộ, 850 nhân khẩu để phòng, chống dịch COVID-19. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã Tiên Cảnh đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng thiết lập một số chốt kiểm soát trọng yếu, thực hiện kiểm soát vùng phong tỏa.

Còn tại xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Công an xã nói rằng, từ ngày 19/11, dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát trên địa bàn xã và nhanh chóng gia tăng hơn 100 ca F0. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, lực lượng Công an xã phải “căng mình” thực hiện nhiệm vụ kép vừa tham gia tuyến đầu chống dịch vừa đảm bảo ANTT ở địa phương. Đến nay, khi tình hình dịch COVID-19 tại xã Tiên Cẩm đã được kiểm soát, CBCS Công an xã tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân không lơ là, chủ quan và phải chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo ANTT tại địa phương, ngày 16/12 vừa qua, Công an xã Tiên Cẩm vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen…

Thượng tá Lê Thanh Phát, Trưởng Công an huyện Tiên Phước đánh giá, thời gian qua, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Công an các xã trên địa bàn đã bám sát cơ sở, tích cực, chủ động tham gia tuyến đầu chống dịch, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, biểu dương. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã đã đảm bảo tốt tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở. Ngày 21/12, Công an huyện Tiên Phước đã tổ chức mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Việc thực hiện đợt cao điểm này gắn với đợt cao điểm đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch COVID-19; tích cực phối hợp với tổ COVID cộng đồng, các cơ quan chức năng tổ chức truy vết, quản lý chặt người về từ các vùng có dịch, nhất là các tỉnh, thành có số ca mắc cao; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (Công an Nhân dân, trang 3)

 

Cẩn trọng với thuốc điều trị Covid-19 trên mạng

Những ngày qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân nghe lời quảng cáo, truyền tai nhau về công dụng của các loại thuốc điều trị Covid-19 nên đã lùng mua trên mạng xã hội. Trong khi đó, các chuyên gia y tế và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân cần cẩn trọng, không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19…

Mua bán tràn lan trên mạng

Ngày 12-12-2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5666/QĐ-BYT về sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó nêu rõ danh mục 3 loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 gồm Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình; Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ… và do các cơ sở y tế cấp phát thuốc.

Ngay sau khi quyết định ban hành, trên các trang mạng xã hội đã rao bán rầm rộ các loại thuốc này. Cụ thể, trên các trang Facebook, Zalo, các hội nhóm… có nhiều tài khoản rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… rất được ưa chuộng. Tại nhóm Chợ thuốc Hapulico (530), ngày 19-12, tài khoản tên Khánh Hải, Trần Anh đã đăng thông tin “Sẵn 30h đặc trị của Ấn” và hình ảnh của lọ thuốc Molnupiravir. Phía dưới phần bình luận có hàng chục người nhắn tin hỏi giá và nhận báo giá… Chị Nguyễn Thu Huyền, phố Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết: “Mỗi ngày nhận thông tin số ca F0 tăng cao tôi lại lo lắng. Do vậy, tôi đã tìm mua các loại thuốc điều trị Covid-19 để phòng khi gia đình có người có triệu chứng thì uống”.

Các loại thuốc đặc trị của Nga cũng được rao bán khá nhiều. Tài khoản tên Tạ Thị Nhung rao bán ngày 18-12 trên mạng xã hội kèm hình ảnh hộp thuốc Arbidol 200mg của Nga với công dụng phòng ngừa và điều trị Covid-19… Tương tự, trong ngày 19-12, nhiều người bán chụp cả thùng thuốc Arbidol và chào giá 295.000 đồng – 320.000 đồng/hộp 10 viên. Thuốc Areplivir của Nga là thuốc đặc trị Covid-19 có giá từ 2,1 triệu đồng/hộp – 2,5 triệu đồng/hộp. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, có rất nhiều người mua số lượng cả thùng với giá buôn để về bán lại. Thuốc Tylenol xuất xứ từ Mỹ cũng được rao bán nhiều trên mạng vì được quảng cáo có khả năng điều trị Covid-19 tại nhà. Đặc điểm chung là các loại thuốc đều không có nhãn phụ, hoàn toàn bằng chữ nước ngoài.

Liên quan đến việc mua bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, Cục thực hiện kiểm tra 4 vụ việc liên quan đến mặt hàng thuốc đặc trị Covid-19, trong đó đã xử phạt 1 vụ với mức phạt 70 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thuốc; 3 vụ việc còn lại đang chuyển đến cơ quan điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Người dân cần cẩn trọng

Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ 3 vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc điều trị Covid-19 có chữ nước ngoài trên sản phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Toàn bộ số hộp thuốc điều trị này đều chưa được kiểm định chất lượng, không bảo đảm các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 mà Bộ Y tế vừa ban hành là cấp về cho các sở y tế, từ đó sở y tế cấp về các quận, huyện để điều trị cho các bệnh nhân F0. Các cơ sở y tế xã, phường khi cấp thuốc, điều trị Covid-19 cho bệnh nhân phải có sự đồng ý của bệnh nhân… Do vậy, bất kỳ loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 nào bán trên mạng xã hội hoặc tại các hiệu thuốc đều là vi phạm quy định, người dân cần cẩn trọng để tránh “tiền mất tật mang”.

Tương tự, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cảnh báo người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội. Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa đối với việc bán hàng, quảng cáo trực tuyến, nhất là thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội.

Thực tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị thanh tra tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, kịp thời lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong thực tế, việc rao bán thuốc vẫn còn công khai trên mạng xã hội, trong khi đó số vụ kiểm tra, thu giữ hàng hóa là thuốc nhập lậu vẫn chưa nhiều. Thiết nghĩ, để không còn tình trạng mua bán thuốc điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh tay hơn nữa của các ban, ngành chức năng để sức khỏe của người dân được bảo vệ một cách chính đáng. (Hà Nội mới, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/8/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 09/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/9/2018

CDC Hà Nam