Điểm báo ngày 04/01/2022

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng yêu cầu tiến hành các thủ tục để mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi; Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về thuốc, vaccine phòng, chống COVID-19

 

Thủ tướng yêu cầu tiến hành các thủ tục để mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Tiến hành các thủ tục để mua vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 9629/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Công văn nêu rõ, để tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vaccine và tiến độ tiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau: Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt việc tiêm vaccine phòng COVID-19

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9656/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn.

Đồng thời, báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1 năm 2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong Quý I năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về thuốc, vaccine phòng, chống COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Về cơ sở thu dung, điều trị COVID-19

Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 là cơ sở tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị người nhiễm COVID-19 theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:

Các cơ sở được thành lập để thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 gồm:

Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19;
Bệnh viện điều trị COVID-19;
Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19;
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19;
Trạm y tế lưu động;
Các khoa, phòng, bộ phận, đơn vị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19; Các hình thức tổ chức khác.

Thẩm quyền thành lập, giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền thành lập, giao nhiệm vụ thu dung, điều trị COVID-19 phân công một cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Cơ chế, chính sách đối với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19

Đối với các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ trực tiếp cho phòng, chống dịch COVID-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây:

Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố;
Xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.
Cho phép thay thế Giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 85 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bằng Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).

Đối với vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại Điểm c Khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Đối với vaccine do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại Điểm c Khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Đối với các vaccine do Chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép miễn Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vaccine, Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng.

Việc kê khai, công bố giá đối với vaccine mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân được thực hiện như sau:

Doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký và không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật;
Bộ Y tế báo cáo Chính phủ thông tin về giá mà doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng, thỏa thuận mua vaccine và không phải thực hiện công bố giá theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục nhập khẩu đối với thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoặc được viện trợ, tài trợ:

– Cho phép đơn vị nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan và đưa hàng về bảo quản tại các kho đạt Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GSP) được Bộ Y tế công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn đối với các lô hàng thuốc điều trị COVID-19 và vaccine phòng COVID-19 trong khi chờ Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc cấp Giấy phép nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế hoặc đơn vị nhập khẩu. Cơ quan hải quan chỉ cho phép thông quan lô hàng thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 khi đơn vị nhập khẩu nộp Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế cấp cho lô hàng;

– Đơn vị nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 có trách nhiệm:

+ Báo cáo Bộ Y tế về việc đã mở tờ khai hải quan trong vòng 2 ngày làm việc kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

+ Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định. Nộp giấy phép nhập khẩu cho cơ quan hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp quá thời hạn nêu trên mà chưa thể cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ Y tế có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan để thực hiện quản lý, giám sát.

+ Bảo quản nguyên trạng và chỉ được phép lưu hành sản phẩm sau khi được thông quan và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật về dược.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (31/12/2021) đến hết ngày 31/12/2022. Quy định tại (1) và (3) áp dụng từ ngày 1/1/2021. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Người đàn ông Australia thoát chết ngoạn mục: ‘Tôi tin tưởng trình độ của y bác sĩ Việt Nam’

Mắc bệnh nặng lại kết hợp nhiều bệnh lý nền phức tạp nhưng người bệnh quốc tịch Australia vẫn quyết tâm điều trị tại Việt Nam vì tin tưởng vào trình độ của các y bác sĩ nơi đây.

Tiền sử bệnh phức tạp

Bệnh nhân F. (58 tuổi, quốc tịch Australia), hiện là giảng viên tiếng Anh một trung tâm Anh ngữ, sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2005.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh phức tạp, mắc viêm đa khớp từ nhỏ, thường xuyên phải điều trị giảm đau loại corticoid dẫn đến hội chứng giả Cushing như da mỏng, rạn da, tăng phân bố mỡ ở bụng/mặt, tăng huyết áp, vết thương lâu lành dễ nhiễm trùng, kèm theo biến chứng dùng corticoid kéo dài là suy thượng thận.

Trước đó tháng 4/2021, bệnh nhân bị viêm phổi nặng phải điều trị hồi sức tích cực thở máy tại BV Bạch Mai. Đến tháng 5, bệnh nhân lại nhập viện và được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, được điều trị chống đông kéo dài (Aspirin).

Bệnh viêm đa khớp gây biến chứng nặng nên bệnh nhân đã phải thay cả hai khớp gối cách đây 20 năm tại Úc. Người bệnh cũng từng bị tai nạn giao thông đã phải phẫu thuật kết hợp xương đùi năm 2011 và lấy nẹp vít sau đó 1 năm.

Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân khi nhập viện, bác sĩ Vũ Xuân Vinh – Khoa Phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy cho biết: Lần này bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán: thoát vị hoành có biến chứng/viêm phổi, tăng huyết áp, hẹp mạch vành, huyết khối tĩnh mạch sâu đang điều trị chống đông, suy thượng thận, thay khớp gối hai bên, viêm đa khớp.

Thoát vị cơ hoành là bệnh lý rất nguy hiểm khi gây ra hai hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Thứ nhất, khi toàn bộ dạ dày thoát vị lên trên lồng ngực sẽ chiếm thể tích lồng ngực chèn ép vào tim và phổi làm ảnh hưởng hoạt động hô hấp và tuần hoàn, ở bệnh nhân này hệ hô hấp và tuần hoàn đã có bệnh lý nên càng trầm trọng thêm. Đây chính là nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân khó thở, phải cấp cứu nhiều lần tại BV Bạch Mai.

Thứ hai là nguy cơ hoại tử tạng thoát vị, khi tạng thoát vị là dạ dày kích thước lớn 94x105x82mm chui qua lỗ thoát vị nhỏ hơn là 70mm, đặc biệt khi bệnh nhân ăn uống, thể tích dạ dày tăng lên làm cho dạ dày có nguy cơ thiếu máu dẫn đến hoại tử và thủng. Đây là biến chứng có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng dù có được can thiệp phẫu thuật.

“Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa tim mạch, hô hấp, hồi sức tích cực và gây mê, sau hội chẩn các bác sĩ xác định đây là ca bệnh nặng do tổn thương giải phẫu phức tạp và bệnh lý nội khoa nhiều liên quan đến hai cơ quan sinh mạng của cơ thể là hô hấp và tuần hoàn. Vì vậy chúng tôi đã quyết định điều chỉnh tốt các rối loạn về hô hấp trước mổ: điều trị viêm phổi, sử dụng thuốc giãn phế quản, điều chỉnh chống đông đường uống sang đường tiêm”, BS Vinh chia sẻ.

Bệnh nhân có yếu tố người nước ngoài và bệnh nặng, do vậy các bác sĩ giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà, sau quá trình cân nhắc, gia đình quyết định điều trị tại BV Bạch Mai, từ chối việc trở lại Australia.

Những thách thức của cuộc phẫu thuật

Ngày 20/12, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cuộc phẫu thuật được tiến hành. Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân với 4 sẹo nhỏ 0,5-1cm trên thành bụng trước. Trong quá trình mổ, phát hiện thấy tổn thương rất lớn ở khe thực quản cơ hoành dẫn đến tình trạng toàn bộ dạ dày thoát vị lên trên lồng ngực. Ekip đưa toàn bộ dạ dày xuống trở lại ổ bụng, khâu phục hồi tổn thương cơ hoành và tạo van chống trào ngược kiểu Dor.

Ca mổ diễn ra trong 2 giờ đồng hồ. Sau 3 giờ phẫu thuật bệnh nhân đã ra khỏi phòng hồi sức về khoa điều trị và có thể tự ngồi dậy và vận động tại chỗ ngay sáng hôm sau và xuất viện sau mổ 2 ngày.

Đánh giá về ca bệnh này, TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa gan mật tụy cho biết: Ở bệnh nhân này quyết định phẫu thuật thực sự rất khó khăn. Đầu tiên là bệnh nhân có rất nhiều bệnh lý nội khoa nặng làm tăng nguy cơ tử vong và biến chứng của phẫu thuật.

Các bệnh lý về tim mạch, hô hấp ảnh hưởng lớn đến quá trình gây mê và bơm hơi ổ bụng trong nội soi. Bệnh lý suy thượng thận làm chậm liền vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các bệnh lý ngoại khoa phức tạp, vùng phẫu thuật nằm sâu trong ổ bụng và trong lồng ngực, quá trình phẫu thuật ảnh hưởng đến hoạt động cả tim và phổi và phải thực hiện nhiều kĩ thuật khó để sử chữa tổn thương của bệnh nhân. Thêm nữa bệnh nhân là người nước ngoài nên vấn đề thủ tục mổ phức tạp kèm theo quá trình điều trị bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

“Thành công của ca mổ là sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa và sự tin tưởng tuyệt đối của người nhà vào êkip phẫu thuật”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

 

Vaccine COVID-19 vẫn là ‘tấm khiên’ hiệu quả phòng ngừa SARS-CoV-2

Dù đã chích đủ 2 mũi vaccine COVID-19 nhưng nhiều người lo lắng liệu có bị nhiễm COVID – 19 hay không, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát. Chúng ta nên hiểu vấn đề này sao cho đúng và cần làm gì để hạn chế lây nhiễm virus, nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh?
1. Sau khi chích vaccine COVID-19, bạn có chắc chắn 100% sẽ không bị nhiễm virus hay không?
Câu trả lời là không.

Cho tới hiện nay thì chưa có vaccine nào cho thấy có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Vaccine Pfizer-BioNTech hoặc vaccine  Moderna thường được biết đến với hiệu quả khoảng trên 90% còn vaccine AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được chích liều thứ 2. Điều này có nghĩa là không phải 100% người được chích vaccine của Pfizer-BioNTech/Moderna hoặc của AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy, các bạn vẫn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh dù rằng đã được chích vaccine ở mức độ cao khi đang ở trong vùng dịch.

Khi cơ thể của bạn được chích ngừa thì các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo ra “kháng thể” đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc với cơ thể qua các dịch trong người như dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt… Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào để vào bên trong. Do vậy, virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào và sẽ không bị bệnh.

Để dễ hình dung, các kháng thể này được ví như những “tấm khiên” được tạo ra để ngăn những mũi tên của “quân địch” bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào “chất lượng của những tấm khiên” và “mật độ của những mũi tên”. Dĩ nhiên là không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ. Trong làn mưa tên ấy thì vẫn có những phần trăm rất nhỏ đối với tấm khiên tốt và phần trăm lớn hơn đối với tấm khiên có chất lượng kém hơn mà những mũi tên có thể lọt qua.

Do vậy, chúng ta hãy khoan vội hoang mang khi thấy có người này, người kia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi đã chích vaccine, mà hãy tìm hiểu xem “tỉ lệ” những người đã được chích vaccine trong tổng số những người bị nhiễm virus là bao nhiêu.

2. Tỉ lệ người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 bị nhiễm SARS-CoV-2 là rất nhỏ
Trong một nghiên cứu gần đây ở Mỹ trên 3.975 người là các nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu và những người làm việc trong những ngành nghề thiết yếu. Những người này được xét nghiệm hàng tuần kể từ tháng 12/2020 và cho thấy, đến nay có 204 người bị nhiễm virus. Trong số những người bị nhiễm này chỉ có 16 người đã được chích vaccine (1 hoặc 2 liều), còn lại là 156 người chưa được chích vaccine (32 người còn lại không xác định được tình trạng nên đã được loại ra khỏi thí nghiệm).

Dựa trên số liệu này, chúng ta có thể thấy rằng những người được chích vaccine chỉ chiếm khoảng 9% số người bị nhiễm virus. Dù rằng trong thí nghiệm này họ đã gom chung người có hiệu quả bảo vệ 1 phần (do mới chích 1 liều đầu tiên) và người đã có hiệu quả bảo vệ đầy đủ (sau 14 ngày tính từ ngày chích liều thứ 2). Điều này cho thấy rằng vaccine có hiệu quả rõ ràng trong việc giúp ngăn ngừa virus lây nhiễm.

3. Vaccine COVID-19 làm giảm bệnh nặng và tử vong do SARS-CoV-2
Tuy không có vaccine COVID-19 nào có hiệu quả bảo vệ khỏi nhiễm virus 100% nhưng hầu hết các vaccine hiện nay như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson… đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã chích vaccine khi mắc bệnh COVID-19 là 100%.

Cũng từ số liệu của nghiên cứu khoa học đề cập phía trên cho thấy rằng: Những người đã chích vaccine nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 thì số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không chích vaccine.

Đây có thể giúp giải thích vì sao những người này thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở… và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn 2 ngày) so với người không chích vaccine. Điều này giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn khi đa số những người đã được chích vaccine khi mắc COVID-19 hoàn toàn không có triệu chứng. Ví dụ, như 53 trường hợp nhân viên y tế của Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thì 52 trường hợp không có triệu chứng.

4. Người đã chích vaccine COVID-19 có giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng hay không?
Câu trả lời là có.

Câu hỏi trên khá quan trọng và luôn được các nhà quản lý đặt ra khi lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus trong cộng đồng và mở cửa kinh tế. Một số điểm nêu trên cũng đã giải đáp phần nào thắc mắc này.

Khi được chích vaccine thì xác suất nhiễm virus đã giảm đi rất thấp. Nếu không may bị nhiễm thì số lượng virus trong người đó cũng thấp hơn đáng kể và họ khỏi bệnh nhanh hơn so với người không chích vaccine.

Số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng và tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Do vậy, khi vaccine giúp giảm các yếu tố này thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng khi số lượng người được chích vaccine tăng lên. Điều này đã được cho thấy trong một nghiên cứu khác ở Anh với trên hơn 365 ngàn gia đình. Họ thấy rằng những người đã chích ít nhất một liều vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca nếu lỡ bị nhiễm virus thì nguy cơ lây nhiễm virus của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nửa. Đây cũng là những tiền đề mà các nước có tỉ lệ người chích vaccine cao và hiệu quả như Israel, Mỹ đã bắt đầu mạnh dạng nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho dân nước họ.

Để giảm sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỉ lệ người chích vaccine. Đối với những nước có tỉ lệ này còn thấp, thì chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch tại cộng đồng, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Luôn cảnh giác trong việc lây nhiễm virus để không khi nào chủ quan với việc tiếp xúc gần, hạn chế tụ tập đông người, kể cả ở nơi công sở. Do đó đối với nhân viên công sở cần nâng cao ý thức và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch tại cơ quan, đó là:

Kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi đầu ngày làm việc và yêu cầu nhân viên có biểu hiện cảm sốt ở nhà.
Giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (cách nhau ít nhất 2 mét).
Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang suốt trong thời gian làm việc, nhất là khi có người khác ở chung phòng.
Chỉ cởi khẩu trang trong giờ làm việc khi uống nước hoặc ăn cơm. Không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ khi người này là người trong gia đình (vợ, chồng…);
Giảm tối đa người đến cơ quuan làm bằng cách cho những người có thể làm việc qua mạng làm việc ở nhà.
Đối với những người bắt buộc phải đến chỗ làm thì nên chia ra thành nhiều ca để giảm thiểu số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc trong một thời điểm.
Nếu được thì nên thông gió cho các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào, thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục.
Hy vọng các thông tin trên giúp các bạn bớt hoang mang khi nghe người này người kia bị nhiễm virus dù rằng sau khi chích vaccine đầy đủ. Hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh lây lan khá tốt và nếu chiến lược vaccine được áp dụng kịp thời thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/6/2020

CDC Hà Nam