Điểm báo ngày 18/12/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh nhân mắc cúm tăng: khuyến cáo của các chuyên gia; Kéo ngược bệnh nhân bằng bài toán nâng cao chất lượng bệnh viện; Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ cải cách hệ thống y tế; …

Bệnh nhân mắc cúm tăng: khuyến cáo của các chuyên gia

Thời điểm này, số lượng bệnh nhi mắc cúm A (cúm mùa) đang gia tăng. Hiện tại BV Nhi TW đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A, trong đó có không ít ca nặng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo thuốc điều trị cúm A- tamiflu là thuốc chỉ dùng khi bác sĩ kê đơn, người dân tuyệt đối không tự ý mua về sử dụng…

Theo thông tin từ BV Nhi TW, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 100-120 bệnh nhi đến khám tại BV Nhi TW với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi… nghi ngờ mắc cúm.

TS, BS Ðỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc  Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em – BV Nhi TW cho biết, những ngày miền bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây. “Riêng trong tháng 11, có khoảng gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện. Trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10-20% số bệnh nhân so với trước”, BS Hải cho hay.

Tính trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của BV Nhi TW tiếp nhận 15 – 20 ca mắc mới. Đó là những trường hợp trẻ nhỏ bị cúm nặng, có biến chứng hoặc trên nền bệnh mãn tính khác. Còn các trường hợp lớn hơn, xét nghiệm có mắc cúm A hầu hết đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà.

PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi TW cho hay, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng vi rút cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc…

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia của BV Nhi TW khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể. Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi

Liên quan đến bệnh cúm A, hiện nay nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc cúm về sử dụng, khiến cho giá của mặt hàng này lên cao. Tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, đặc biệt là các nhà thuốc quanh BV Nhi TW cho hay giá một viên thuốc Tamiflu hiện là 150.000 đồng/viên.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Phương Anh-  (Nguyễn Du – Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết chồng chị đã phải mua thuốc Tamiflu là 200.000 đ/viên. Như vậy một hộp thuốc (gồm một vỉ 10 viên) có giá 1,5-2 triệu đồng.  Trong khi đó, theo bảng giá kê khai tại cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giá thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên, chỉ khoảng 450.000 đồng/vỉ 10 viên.

Theo PGS. TS Trần Minh Điển, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Cũng về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho rằng, thói quen dùng thuốc tràn lan, cứ khi có dịch cúm người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết. 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị

Hiện BV Nhi TW đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.

Đại diện Cục Quản lý dược cho biết thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện.  Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị. Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Kéo ngược bệnh nhân bằng bài toán nâng cao chất lượng bệnh viện

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số: “Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh”.

Không chỉ ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương quá tải do người bệnh vượt tuyến, trong khi có những bệnh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện hoàn toàn điều trị được. Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để kéo ngược bệnh nhân từ nước ngoài về, từ tuyến Trung ương về tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh về tuyến huyện.

Bài 1: Tiếc nuối cho những ca xuất ngoại sai lầm

Xuất ngoại chữa bệnh đã diễn ra nhiều năm nay và con số gần 2 tỉ USD mà người Việt chi ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm đã nói lên một thực tế, nếu như các (BV) bệnh viện tuyến cuối có thể nắm bắt được lượng bệnh nhân này thì không chỉ nâng cao uy tín của bệnh viện, tay nghề của bác sĩ, mà đây còn là nguồn thu rất lớn cho BV. Bởi có người xuất ngoại tìm đến các BV có tiếng ở các nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…

Ca bệnh “xuất ngoại” không may mắn mà báo chí phản ánh đã cách đây không lâu là điển hình của việc sống dở, chết dở ở nước ngoài. Đó là trường hợp một phụ nữ có thai bị rau tiền đạo, BV Phụ sản Trung ương chỉ định phải mổ lấy con và cắt tử cung. Nhưng chị ấy nghe theo lời “cò mồi” nên đã ra nước ngoài để chữa bệnh, chi phí hết 1 tỉ đồng. Bác sĩ nước ngoài cũng mổ lấy thai, cắt tử cung như chỉ định của BV Phụ sản Trung ương, nhưng không hiểu vì sao, họ lại cắt luôn niệu quản của chị. Đến 23 Tết âm lịch, họ cho chị về Việt Nam và hẹn mồng 8 Tết sang khám lại.

Khi trở lại đất nước đó để tái khám, riêng tiền hội chẩn, bác sĩ nước ngoài yêu cầu chị phải nộp 12.000 USD, và nếu nối lại niệu quản thì chị sẽ phải mất 46.000 USD nữa. Thấy số tiền quá lớn và quá bất công (vì chính họ cắt niệu quản của chị), người mẹ này đã phải quay về Việt Nam, vào BV Việt Đức chữa trị.

Sau này tôi nghe các bác sĩ BV Việt Đức kể lại, thứ 2 chị nhập viện BV Việt Đức, thứ 3 chị được chỉ định mổ cấp cứu, thứ 7 chị đã được xuất viện. Tổng chi phí của chị tại BV Việt Đức hết 9 triệu. So với chi phí 1 tỉ đồng trước đó chị chi cho BV nước ngoài, mới thấy quyết định xuất ngoại của chị thật là sai lầm và đáng tiếc.

Một người quen của tôi cho biết, anh nuối tiếc khi đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng kết quả lại không như mong muốn mà chi phí bỏ ra quá lớn, khiến gia đình anh đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Cách đây 2 năm, bố anh được BV K chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, không còn cơ hội phẫu thuật, chỉ điều trị bằng hóa chất và xạ trị. Nghe điều này, anh không tin tưởng và quyết định đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh.

Chuyến đi đầu tiên chi phí khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu, thuê phiên dịch, thuê nhà, ăn ở, đi lại đã tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Riêng chụp PET đã cao hơn gấp nhiều lần so với giá trong nước. Sau 5 lần truyền hóa chất ở nước ngoài, do quá tốn kém, gia đình anh đã đưa bố về nước. Lúc này, khối u di căn ra vào gan, dạ dày và không còn đáp ứng với hóa chất, khi đưa bố quay trở lại BV trong nước, các bác sĩ đã lắc đầu. Hơn 2 tháng sau, bố anh mất.

“Bệnh của bố tôi nên điều trị trong nước vì có ra nước ngoài cũng không cứu được. Nếu ở trong nước điều trị, mẹ tôi còn có nhiều thời gian ở bên chăm sóc hơn. Đây là điều nuối tiếc nhất của gia đình tôi” – anh nói.

Con số 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm nói lên điều gì? Điều đó chứng tỏ điều kiện kinh tế của một bộ phận người Việt Nam không ngừng nâng cao, đi đôi với việc chất lượng cuộc sống cũng có yêu cầu cao hơn, đặc biệt là khám, chữa bệnh. Trong buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã cho biết, một bộ phận người dân sống ở TP Móng Cái cứ đau ốm là sang Đông Hưng, Trung Quốc chữa bệnh mà không tới các bệnh viện trong nước, trong khi chi phí chữa bệnh tại Trung Quốc rất cao. Vì sao người dân vẫn bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh? Có lẽ, đây là câu hỏi của rất nhiều nhà quản lý, của ngành Y tế, không chỉ đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Về câu hỏi này, Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: “Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quản lí, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều bác sĩ trăn trở đi tìm lời giải. Tôi cảm thấy vừa bức xúc, vừa tiếc nuối cho người bệnh. Trong lĩnh vực ngoại khoa của tôi, rất nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, và kết quả không thật sự mỹ mãn như người ta kỳ vọng.

Trong số 62 bệnh nhân ghép gan tại BV Việt Đức, có 5 bệnh nhân ra nước ngoài rồi lại quay lại chỗ chúng tôi để ghép. Về mặt xã hội, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 – 10 lần ở Việt Nam. Ví dụ ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ. Tôi hay nói đùa, “họ đã trả học phí một cách ngu ngốc”.

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từng chia sẻ, giá một ca ghép tế bào gốc ở nước ngoài cao gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Người dân ra nước ngoài ghép tế bào gốc không phải bởi nơi đó giỏi hơn Việt Nam mà chỉ bởi họ chưa được truyền thông rộng rãi về những thành tựu ghép tế bào gốc trong nước. Trong khi đó, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Viện Huyết học – truyền máu TP Hồ Chí Minh hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc, đã ghép thành công cho hàng trăm ca với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với bệnh nhân ra nước ngoài.

Theo nhiều người, họ ra nước ngoài chữa bệnh không chỉ vì tin vào y học tiên tiến của nước đó, mà còn là do chất lượng khám chữa bệnh trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận người dân còn chưa thực sự tin vào chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh trong nước. Tình trạng quá tải BV khiến họ ám ảnh. Các dịch vụ chăm sóc y tế chưa cao, chưa đồng bộ khiến người bệnh mệt mỏi, nên họ đã chọn cách ra nước ngoài để điều trị.

Đặc biệt, một số bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tế bào gốc ra nước ngoài chữa bệnh vì họ cho rằng các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch. Bên cạnh đó không ít người ra nước ngoài chữa bệnh là do tâm lí sính ngoại, cố gắng ra nước ngoài bằng mọi giá, trong khi có những bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối thì dù nước có có nền y học tiên tiến cũng không cứu được. (Công an nhân dân, trang 4).

 

Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ cải cách hệ thống y tế

Chiều 17-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Takeshi Kasai đã thông báo một số nội dung Báo cáo của WHO về cải cách hệ thống y tế theo hướng mở rộng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí phải chăng cho mọi người dân Việt Nam. Báo cáo này đề xuất với Chính phủ Việt Nam về việc hoạch định và cải cách chính sách trong trung và dài hạn một số lĩnh vực ưu tiên, hướng tới đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những hỗ trợ của WHO dành cho Việt Nam trong hơn 40 năm qua trên hầu khắp các lĩnh vực y tế như: Phòng chống dịch bệnh, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng, phát triển hệ thống y tế, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn xây dựng chính sách y tế, đổi mới tài chính y tế, điều phối viện trợ, bảo hiểm y tế, các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, lao, sốt rét, HIV…

Trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với WHO trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn của y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạt và vượt các chi tiêu đặt ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020 – 2030.

Trong đó, ngành y tế Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ tăng cường hệ thống y tế bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm; Nâng cao sức khỏe thông qua cải thiện lối sống; Đẩy mạnh công tác chuẩn bị giám sát và ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng; Xây dựng/sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực sức khỏe… (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống gần 1.300 kết quả xét nghiệm

Chiều 17.12, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về kết quả thanh tra ban đầu việc mua sắm, quản lý, sử dụng test xét nghiệm nhanh HIV, HbsAg tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Kết quả thanh tra, xác minh cho thấy, việc có test HIV Combo tại Khoa Vi sinh y học của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn là do bà Chu Thị Loan, Phó khoa, phụ trách Khoa Vi sinh y học nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của chi nhánh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Lục Tinh (Hà Nội) cung cấp (40 test HIV Combo). Khoa Vi sinh y học thừa nhận không báo cáo với bệnh viện (BV) việc nhận và sử dụng test HIV Combo.

Bà Chu Thị Loan đã phổ biến, chỉ đạo các nhân viên trong khoa thực hiện cắt dọc gần 40 test HIV Combo, chia test này làm đôi, để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm với test HIV 1/2. “Kết quả xét nghiệm bằng các que thử Combo được nhân viên khoa ghi khống thành 1.272 kết quả test vào sơ đồ Test HIV 1/2, trong khi thực tế chỉ kiểm chứng gần 80 test”, báo cáo của Sở Y tế viết.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Khoa Vi sinh y học đã không thực hiện đúng quy định về việc tiếp nhận quà tặng, không báo cáo BV; việc Khoa Vi sinh y học tự ý sử dụng test HIV Combo để xét nghiệm kiểm chứng với test HIV 1/2 nhưng không xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, không báo cáo lãnh đạo BV là không thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng, nghiên cứu khoa học; khoa cắt dọc test HIV Combo để xét nghiệm là không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội, cho biết thêm rằng qua kiểm tra cũng cho thấy việc cấp phát, ghi chép thống kê sử dụng các test, kít xét nghiệm HIV, HbsAg của Khoa Vi sinh y học không chặt chẽ, không chính xác. Để xảy ra những vi phạm trên, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Khoa Vi sinh y học, đồng thời có trách nhiệm của BV trong công tác quản lý vật tư y tế.

Không đảm bảo cho kết quả xét nghiệm chính xác

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã nhận được thông tin phản ánh về việc kỹ thuật viên tại Khoa Vi sinh y học của BVĐK Xanh Pôn đã chia đôi test khi thực hiện một số mẫu máu xét nghiệm.

Đánh giá về vi phạm này, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định muốn có kết quả xét nghiệm chính xác nhất, trước hết phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong trường hợp như vừa xảy ra tại BVĐK Xanh Pôn, việc cắt đôi que xét nghiệm là không đúng quy chế chuyên môn và cũng không đúng khuyến cáo của nhà sản xuất là dùng 1 que thử cho 1 mẫu xét nghiệm. Việc làm không đúng sẽ không thể bảo đảm cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác. “Nguy hiểm hơn, có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Họ không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân hay cộng đồng, nếu không được biết để điều trị”, bà Hà nhìn nhận.

Cũng theo bà Nhị Hà, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đang tiến hành điều tra, xác minh tại BVĐK Xanh Pôn về các vi phạm trong xét nghiệm vừa được Sở Y tế TP.Hà Nội thanh, kiểm tra. Trong quá trình điều tra, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng của BVĐK Xanh Pôn cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Cơ quan CSĐT khi có yêu cầu.

Bà Nhị Hà thì cho rằng từ sự việc này, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội đã yêu cầu không chỉ lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn và tất cả giám đốc các BV trong và ngoài công lập phải tăng cường quản lý nội bộ, thông qua thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, duy trì kiểm soát chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát quy trình cấp phát và sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao tại khoa dược, phòng vật tư, khoa xét nghiệm, khoa khám bệnh. Xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận, làm thất thoát hóa chất, vật tư tiêu hao theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá sự cố xét nghiệm tại BVĐK Xanh Pôn cho thấy các BV cần luôn kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật.

“Sự việc tại BVĐK Xanh Pôn cũng nhắc nhở các sở y tế, các BV, các cơ sở điều trị, các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm cần chú trọng rà soát thực hiện nghiêm túc các quy định về xét nghiệm. Lãnh đạo các sở y tế, giám đốc các BV có giường bệnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong thực hiện các quy định, quy chế chuyên môn về xét nghiệm”, ông Khuê nói.

Theo ông Khuê, để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, Bộ Y tế đã có các quy định đầy đủ, các thiết bị xét nghiệm có tiền là mua được nhưng con người vẫn có yếu tố quyết định để cho ra kết quả xét nghiệm có chính xác hay không. Nó là quá trình lấy máu, bảo quản; kiểm chuẩn, vận hành trang thiết bị, hóa chất. Với test nhanh cũng vậy, dù sàng lọc cũng cần phải làm đúng, vì với nhiều xét nghiệm, kết quả của test sàng lọc sẽ là cơ sở để bác sĩ có chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu, tiếp theo. Nếu ngay từ sàng lọc đã không chuẩn, có thể dẫn đến sai sót, bệnh nhân có thể không được làm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe, bệnh lý.

“Chất lượng xét nghiệm, tiêu chí quan trọng liên quan chất lượng chẩn đoán, khám chữa bệnh. Tại các BV, giám đốc BV chịu trách nhiệm tổ chức các công tác liên quan chất lượng BV, chất lượng chẩn đoán, khám chữa bệnh. Sau sự việc trên, Bộ Y tế đề nghị giám đốc các sở y tế, giám đốc các BV trên cả nước cần tăng cường quản lý nội bộ, rà soát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn chuyên môn quy trình để phát hiện, phòng tránh xảy ra những vi phạm trong cơ quan quá trình liên quan đến hoạt động xét nghiệm. Đặc biệt, phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm; quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo BV, lãnh đạo phòng xét nghiệm; nhân viên quản lý chất lượng xét nghiệm. Việc này không phải chỉ thực hiện định kỳ mà buộc phải theo quy trình chuẩn. Các đơn vị phải bảo đảm duy trì thường xuyên công tác kiểm soát cả các quy định liên quan trực tiếp đến chất lượng xét nghiệm”, ông Khuê nêu rõ. (Thanh niên, trang 1; Nhân dân, trang 8; Hà NHội mới, trang 1; Khoa học & Đời sống, trang 2).

 

Điều tra vụ sản phụ tử vong tại BV hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới

Cơ quan chức năng TP.Đồng Hới (Quảng Bình) điều tra vụ sản phụ L.T.Ng tử vong tại BV hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.

Ngày 17.12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Hới (Quảng Bình) phối hợp với Viện KSND Đồng Hới tiến hành niêm phong bệnh án, lập hồ sơ, lấy lời khai các bác sĩ và nữ hộ sinh tại Bệnh viện (BV) hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới liên quan cái chết của sản phụ L.T.Ng (34 tuổi, ngụ H.Bố Trạch).

Trước đó, sau khi nhận được tin báo sản phụ Ng. tử vong tại BV trên vào khoảng 5 giờ cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Hới đã ra quyết định trưng cầu Trung tâm giám định y khoa – pháp y tỉnh Quảng Bình để giám định nguyên nhân cái chết của sản phụ Ng.

Tuy nhiên, sau đó gia đình sản phụ từ chối giám định, chỉ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản trả lời kết quả trong thời gian sớm nhất.

Chiều qua 17.12, BV hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới tổ chức họp báo về vụ việc do bác sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc BV, chủ trì. Bác sĩ Phong cho hay bệnh nhân Ng. vào viện lúc 8 giờ ngày 15.12, được chẩn đoán chuyển dạ sinh lần thứ ba, thai 40 tuần, thiếu nước ối.

Trong quá trình theo dõi chuyển dạ từ sáng cho đến khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, bệnh nhân có chuyển biến, được đưa vào bắt đầu để sinh thì chuyển biến nặng. Sau đó, bệnh nhân được mổ cấp cứu khẩn cấp do chẩn đoán vỡ tử cung (mổ mở ổ bụng để lấy thai, cầm máu).

Quá trình phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân diễn biến nặng thêm, tụt huyết áp, ngừng tim và được cấp cứu hồi sức ngừng tim ngay tại phòng mổ; vừa hồi sức cấp cứu vừa tiến hành phẫu thuật cắt tử cung cầm máu.

Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong vào sáng 17.12. Sự cố được BV báo cáo Bộ Y tế để thành lập hội đồng xem xét, tìm ra nguyên nhân. Trước mắt, BV đã đình chỉ công việc của ê kíp trực hôm đó, gồm 2 bác sĩ Cao Xuân Thành, Phan Văn Hiếu và 4 nữ hộ sinh.

Cũng theo bác sĩ Phong, hiện sức khỏe của cháu bé sơ sinh cũng đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu do bị nghẹt thở thời gian dài. (Thanh niên, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/8/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận