Thêm bằng chứng về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai

(CDC Hà Nam)
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Medicine, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì bản thân và thai nhi có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng của COVID-19.
1. Vaccine phòng COVID-19 giúp giảm nguy cơ các biến chứng thai kỳ

Đối với những phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 28 ngày trước ngày sinh, những biến chứng có thể bao gồm sinh non, thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao gấp 4 lần ở những phụ nữ không được tiêm chủng. Những bà mẹ này cũng có nguy cơ phải nằm điều trị ở khoa hồi sức tích cực dài ngày hơn so với những bà mẹ đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nghiên cứu mới này bao gồm dữ liệu của hơn 87.000 phụ nữ ở Scotland mang thai trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khoảng thời gian này, ít phụ nữ mang thai được tiêm vaccine phòng COVID-19 hơn so với những phụ nữ không mang thai, cụ thể trong số những phụ nữ sinh con vào tháng 10/2021, 32% đã được tiêm chủng đầy đủ, so với tỷ lệ này là 77% ở phụ nữ từ 18 đến 44 tuổi không mang thai.

Thêm bằng chứng về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai - Ảnh 2.

Vaccine phòng COVID-19 giúp giảm nguy cơ các biến chứng thai kỳ

Trong số gần 5.000 phụ nữ mang thai bị mắc COVID-19, 77% chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Khoảng 12% thai phụ bị mắc COVID-19 đã được tiêm 1 liều vaccine và 11% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số những phụ nữ mang thai mắc COVID-19 phải nằm khoa hồi sức tích cực, 98% chưa được tiêm chủng.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong số trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc COVID-19 mà chưa được tiêm chủng, tỷ lệ tử vong là 22,6 trên 1.000 trẻ, so với tỷ lệ tử vong trong cộng đồng nói chung là 5,6 trên 1.000 trẻ. Tương tự, 16,6% trẻ sinh non ở thai phụ mắc COVID-19 chưa được tiêm chủng so với 8% trẻ sinh non trong cộng đồng nói chung.

2. Vai trò quan trọng của vaccine phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Sarah Stock, giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Edinburgh (Anh) cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 làm tăng nguy cơ biến chứng như sinh non, thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh”.

“Tiêm phòng là cách an toàn và hiệu quả nhất để phụ nữ ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp tự bảo vệ mình và thai nhi trước tác động của COVID-19. Nếu bạn đang ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ hoặc dự định sắp mang thai thì nên tiêm vaccine phòng COVID-19” – Sarah Stock nói.

Mặc dù dữ liệu được thu thập từ trước khi xuất hiện các biến thể Delta và Omicron, nhưng nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng nào phủ nhận vai trò của vaccine trong việc ngăn ngừa các biến chứng COVID-19 trong thai kỳ.

“Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp an toàn nhất để các thai phụ tự bảo vệ bản thân và thai nhi, đặc biệt khi số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng mạnh” – Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Thêm bằng chứng về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai - Ảnh 3.

Nên tiêm vaccine phòng COVID-19 khi mang thai để bảo vệ bà mẹ và thai nhi

Tiến sĩ Timothy Rafael tại Bệnh viện Đại học North Shore ở Manhasset, New York (Mỹ) cho rằng: “Kết quả nghiên cứu này đã nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời kỳ mang thai để ngăn ngừa những hậu quả xấu do COVID-19 đối với cả mẹ và con. Chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để không chỉ những phụ nữ mang thai được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, mà tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiêm chủng đầy đủ”.

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine phòng COVID-19 không làm tăng nguy cơ vô sinh trong tương lai hoặc các tác động xấu khi mang thai, bao gồm sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh, trẻ nhẹ cân hoặc tử vong sơ sinh. Các tác dụng phụ do tiêm chủng trong khi mang thai cũng tương tự như đối với cộng đồng dân số nói chung.

Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận 200.000 liều vaccine COVID-19

Ngọc Nga

Phòng, chống bệnh bạch hầu

Ngọc Nga

Hiểu đúng về “tính sinh miễn dịch” và “hiệu quả bảo vệ” của vaccine COVID-19

Ngọc Nga