Đưa bác sĩ trẻ về cơ sở
Trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn về việc củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở sau một thời gian dài ứng phó đại dịch Covid-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai hoạt động đầu tiên trong đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đó là đưa bác sĩ trẻ về tăng cường cho trạm y tế phường, xã, thị trấn…
Mới đây, gần 300 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp đã tình nguyện xuống các cơ sở y tế ở các quận, huyện để rèn luyện và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có mặt trong buổi lễ đón bác sĩ về cơ sở tại quận 12, bác sĩ trẻ Hà Duy Việt chia sẻ, khi tìm hiểu về chương trình thí điểm thực hành dành cho bác sĩ mới ra trường của Sở Y tế thành phố, anh đã quyết định tham gia ngay. Dù đây là chương trình thí điểm đầu tiên nhưng bác sĩ Hà Duy Việt cảm thấy hào hứng hơn là lo lắng: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hành tại cơ sở, nhưng đây là khoảng thời gian bổ ích để chúng tôi học tập cũng như được gần người dân hơn”.
Để triển khai hoạt động này, ngành y tế thành phố đã tổ chức các buổi gặp và tiếp xúc với các bác sĩ mới tốt nghiệp tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để giới thiệu chương trình “Thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”. Theo đó, bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ được thực hành 12 tháng tại trạm y tế dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành tại các bệnh viện đa khoa hạng I tuyến thành phố. Sau đó, họ về thực hành tại các bệnh viện trong sáu tháng.
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là một chương trình hoàn toàn mới, Sở Y tế sẽ chủ động kết nối, lắng nghe những ý kiến, đề xuất của bác sĩ trẻ trong thời gian thực hành tại trạm y tế. Sau đó, Sở sẽ có đánh giá định kỳ, sơ kết rút kinh nghiệm để đạt kết quả cao nhất có thể và làm tiền đề duy trì hoạt động này tại trạm y tế phường, xã, thị trấn. Sở Y tế thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và chi phí sinh hoạt (dự kiến là 60 triệu đồng cho 12 tháng, sẽ được HĐND thành phố xem xét trong kỳ họp sắp tới).
“Bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình thực hành này sẽ được nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, năng lực phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện, năng lực hoạt động xã hội…, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở của thành phố”, PGS, TS Tăng Chí Thượng thông tin thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Nhân dân Gia Định, năm nay, với sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, chương trình đào tạo bác sĩ trẻ có nhiều điểm mới. Nếu như với chương trình đào tạo trước đây, học viên tham gia toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện thì chương trình năm nay bổ sung thời gian học tập tại các trạm y tế phường, xã, tạo cơ hội để các bác sĩ trẻ tiếp cận người bệnh ở giai đoạn rất sớm, nhận diện các dấu hiệu bệnh tật và điều trị người bệnh mau chóng hồi phục hơn.
Là một trong số 297 bác sĩ trẻ được tăng cường xuống cơ sở, bác sĩ trẻ Phạm Vĩnh Anh (tốt nghiệp khóa 2015-2021, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) từng tình nguyện tham gia tổ y tế từ xa theo dõi F0 khi dịch bệnh bùng phát tại TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Phạm Vĩnh Anh hiểu rõ áp lực nặng nề mà các nhân viên ở trạm y tế trải qua trong suốt mùa dịch. Việc người bệnh ở các phường, xã, thị trấn thiếu sự theo dõi, chăm sóc của bác sĩ tuyến cơ sở ở các bệnh lý khác cũng là điều khiến chị trăn trở: “Chương trình thực hành này là lựa chọn tốt để bác sĩ có cơ hội ôn lại và hiểu rõ hơn về các chuyên khoa, là cơ hội trải nghiệm tốt để hiểu nhu cầu của người bệnh ở tuyến cơ sở”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đánh giá đây là một sáng kiến quan trọng, mang tính bước ngoặt của ngành y tế thành phố và đề nghị Sở Y tế thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp các trường đại học, bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế sớm ban hành quy chế, quy định về vai trò, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để các bác sĩ trẻ làm đúng nhiệm vụ được giao. Sở Y tế thành phố cũng sớm tham mưu ban hành chính sách đãi ngộ lương, phụ cấp để bác sĩ trẻ yên tâm cống hiến, học tập phát triển nghề nghiệp trước mắt và lâu dài, không bị thiệt thòi.
“Các bác sĩ trẻ hãy xem đây là một trong những môn học chính, môn học thực tiễn có ích đối với nghề nghiệp, là nghĩa vụ thiêng liêng của người bác sĩ. Đây còn là cơ hội thử thách, rèn luyện bản thân, đồng thời tận dụng tốt thời gian quý báu này để giúp ích cho đời”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh… (Nhân dân, trang TPHCM)
Nhộn nhạo thị trường thuốc điều trị COVID-19
Thời gian qua, một số đối tượng đã tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc điều trị COVID -19, các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… để trục lợi.
Cuối tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường TPHồ Chí Minh kiểm tra tại một căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh do Trần Thanh Thảo (SN 1984, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) làm chủ, lực lượng kiểm tra phát hiện và thu giữ tổng cộng 22.800 viên thuốc tân dược, được quảng cáo điều trị COVID-19 như: Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets; Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg; Molaz Azista…
Trong đó, có một số thuốc nghi vấn là hàng kém chất lượng và đáng chú ý là các loại tân dược này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn, chứng từ, thông tin bao bì thể hiện sản phẩm do Ấn Độ sản xuất. Trị giá số thuốc bị thu giữ ước tính khoảng trên 2 tỷ đồng.
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện, bắt giữ nhiều lô thuốc được quảng cáo là điều trị COVID -19 nhập lậu từ Trung Quốc, bán lén lút cho người dân. Cơ quan Công an đã thu giữ tại kho của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Toyo (quận Bình Tân) 9.200 hộp thuốc nhãn hiệu Lianhua Qingwen jiaonang (Trung Quốc) còn gọi là “Liên hoa thanh ôn”, và 400 hộp cùng loại trên một xe ôtô tải được vận chuyển ra từ kho hàng này. Thu giữ 9 thùng thuốc “Liên hoa thanh ôn” (chứa 3.240 vỉ thuốc) tại một điểm giao – nhận ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, số hàng này được đưa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh giao cho Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1999, ngụ Di Linh, Lâm Đồng) để tiêu thụ. Toàn bộ số thuốc “Liên hoa thanh ôn” trên đều chưa được phép lưu hành, không có hóa đơn chứng từ và tất cả đều được nhập lậu từ Trung Quốc.
Có thể thấy, lợi dụng tình trạng các ca bệnh COVID-19 ngày càng tăng ở các địa phương, cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, các đối tượng đã tung ra thị trường rất nhiều loại thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, chất lượng.Các loại thuốc này được chào bán nhiều ở các “chợ mạng”với đa dạng xuất xứ như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…
Chị Trần Thị Mai (ngụ quận 3) cho biết: “Khi nhà bị dính 3 F0, với tâm lý lo sợ nên nên tôi lên mạng tìmmua thuốc điều trị COVID-19. Nghe người bán giới thiệu thuốc đặc trị COVID-19 Areplivir rất tốt, được sử dụng phổ biến tại Nga. Họ nói là họ có một ít hàng xách tay ở nước ngoài về dùng không hết nên chia sẻ. Đang lo lắng chưa biết mua thuốc ở đâu, nghe vậy nên tôi cũng mua đặt mua 1 hộp dù giá khá cao 2,2 triệu đồng/hộp”.
Còn chị Trần Thị Lan (ngụ quận 7) cũng được người bán giới thiệu thuốc điều trị COVID – 19 “Liên hoa thanh ôn” là thuốc được làm từ thảo dược thành phần có hoa kim ngân, hoa chuông vàng Nhật Bản và một số loại thực vật khác, nên rất tốt cho sức khỏe. Tùy theo liều lượng sử dụng, “Liên hoa thanh ôn” ngoài chữa COVID – 19, còn có tác dụng chữa sốt nhẹ, ho, mệt mỏi… với giá từ 240-250 ngàn đồng/vỉ. “Tuy nhiên, do trên hộp chỉ ghi toàn chữ Trung Quốc, không có dòng tiếng Việt nào, nên tôi cũng sợ không dám mua”, chị Lan chia sẻ.
Không riêng thuốc điều trị COVID-19, mà trong thời gian qua rất nhiều người bỏ số tiền lớn để mua các loại thuốc, thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 như: Kit test, khẩu trang, máy đo nồng độ oxy,… một cách dễ dàng. Thậm chí, có thời điểm thuốc men, trang thiết bị y tế bán qua mạng xã hội cũng rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã kinh doanh hàng nhập lậu gồm các sản phẩm phòng chống dịch, vật tư y tế, thuốc (kể cả thuốc chưa được lưu hành do nhu cầu tăng cao của người dân)… để trục lợi. Đáng chú ý, các vụ vi phạm bị phát hiện trong thời gian qua phần lớn vận chuyển trên các container, xe tải, các kho chứa trữ, phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử. Thậm chí một số đối tượng còn lợi dụng xe vận chuyển hàng hóa được cấp mã luồng xanh để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, các Đội QLTT đã xử lý 46 vụ với số tiền phạt khoảng 1,2 tỉ đồng. Dự báo trong năm 2022 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trở lại. Vì vậy, trong năm 2022 Cục QLTT tiếp tục ký kết hợp tác với các lực lượng công an, hải quan… để tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh kiểm tra. Một trong những nhóm hàng mà QLTT tập trung kiểm soát đó là các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình “loạn” các mặt hàng phòng, chống dịch, ngày 18/2, Bộ Y tế đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn.
Một số mặt hàng tiêu biểu như đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng… việc này gây ảnh hưởng lớn tới công tác phòng, chống dịch, đồng thời tác động xấu tới lòng tin của người tiêu dùng. (Công an Nhân dân, trang 1)
Chúc mừng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Sáng 21/2, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, chúc mừng Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022).
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Ðinh Tiến Dũng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên y tế lời chúc mừng tốt đẹp nhất và lời cảm ơn sâu sắc về những nỗ lực miệt mài cống hiến trong những năm qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong đó, hệ thống y tế thành phố, nhất là tuyến cơ sở, đã có bước chuyển mạnh, đáp ứng yêu cầu điều trị ở mức cao. Hiện nay, mặc dù số ca mắc tăng cao, có ngày lên tới 5.000 ca và số người đang được điều trị khá lớn (hơn 100.000 người, trong đó 94 đến 95% điều trị tại nhà), nhưng hệ thống y tế không bị quá tải, tình hình duy trì ổn định.
Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch đáp ứng nhu cầu thực tiễn; trước mắt, thực hiện và hoàn thành đúng Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng mùa xuân.
Ðồng thời tập trung củng cố, hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, triển khai mô hình y học gia đình nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm quá tải cho tuyến trên; chú trọng triển khai các dịch vụ trình độ cao, kỹ thuật cao tại các bệnh viện; nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm chất lượng, quy trình chuyên môn, phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, trách nhiệm; xây dựng, gìn giữ hình ảnh y tế Thủ đô, nâng cao y đức, xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng của người dân.
* Ngày 21/2, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt các Giáo sư, Phó Giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế cho thành phố. Ðồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh dự.
Buổi họp mặt là dịp để lãnh đạo, các đại biểu cùng nhau nhìn lại những vấn đề y tế và tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo đưa ra các giải pháp cho thành phố trong tương lai. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, để ngành y tế thành phố hiện có nguồn nhân lực chất lượng tốt, ngoài sự lãnh đạo và quan tâm của Thành ủy, chính quyền thành phố, còn có công lao không nhỏ của các thầy thuốc đồng thời là các nhà giáo trong việc đào tạo các thế hệ y, bác sĩ. Các nhà giáo, thầy thuốc đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực y tế là những nhân viên vừa giỏi về chuyên môn, vừa giàu về y đức.
Mặc dù vậy, ngành y tế thành phố hiện còn gặp thách thức không nhỏ khi tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân tuy cao nhất cả nước nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước phát triển; thiếu bác sĩ thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình…
* Hướng tới kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), sáng 21/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Ðại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế”.
Các khách mời tại tọa đàm đều khẳng định: thời gian qua, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ và cần có các bước cụ thể hơn để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế. Ðây là việc làm cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, nhất là nhân lực y tế cơ sở trong bối cảnh mới hiện nay.
Làm rõ hơn về số liệu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nêu hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào, đại diện Bộ Y tế cho biết, đây là khảo sát từ tháng 9 đến 11/2021. Thời điểm đó đang là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên việc chi trả còn chưa kịp thời. Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ðến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có các công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời cho những người tham gia phòng, chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, tổn thất đối với nhân viên y tế-lực lượng tuyến đầu. (Nhân dân, trang 1)
Thay đổi thời gian cách ly đối với trường hợp F1
Ngày 21/2, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành hướng dẫn mới về cách ly y tế với F0 và F1. Theo đó, F1 chưa tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 sẽ cách ly 7 ngày tại nhà, còn đã tiêm đủ liều chỉ phải cách ly 5 ngày.
Bộ Y tế rút ngắn thời gian cách ly với F1, chia thành 2 nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 là F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid), liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Trường hợp này cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 5.
Nhân viên y tế thực hiện việc test hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp qua phương tiện từ xa). Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
Nhóm 2 là những người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 7 ngày. Các yêu cầu về nơi cách ly, cách thức xét nghiệm giống như trên. Tuy nhiên, nhóm này xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7.
Nếu âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày, thực hiện nghiêm 5K và báo cơ quan y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Thời gian cách ly F0 duy trì như hướng dẫn tại Quyết định 250 ngày 28/1/2022 của Bộ Y tế.
Theo quy định trước đó của Bộ Y tế, F1 chỉ được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng. Thời gian cách ly là 7 ngày và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 7. Nếu âm tính, F1 tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Như vậy, quy định mới này mở rộng điều kiện, cho phép tất cả F1 (dù chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine) được cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Cùng với đó, thời gian cách ly của F1 cũng được rút ngắn chỉ còn 5-7 ngày tùy điều kiện về việc tiêm đủ vaccine hay chưa.
Định nghĩa người tiếp xúc gần (F1) vẫn được giữ nguyên như hướng dẫn tại Công văn 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021. Cụ thể, F1 là một trong số các trường hợp sau:
– Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề báo Thanh niên, trang 1: “Giảm thời gian cách ly tại nhà các F1 tiêm đủ liều vắc xin”
Trường học gia tăng F0, ứng biến mỗi nơi một khác
Gần 2 tuần qua khi học sinh đi học trở lại, tình trạng F0, F1 gia tăng, mỗi trường, mỗi địa phương ứng biến một kiểu khác nhau.
Tại Hải Phòng, số ca mắc COVID-19 trong giáo viên, học sinh lên tới hơn 22.000 ca. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hải Phòng kiên trì mở cửa trường học và khẳng định: “Có 1 học sinh đến trường vẫn dạy học trực tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), cho rằng sau gần 2 tuần dạy học trực tiếp, diễn biến dịch phức tạp, số ca F0 tăng nhanh gây khó khăn, lúng túng cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, các trường đều thực hiện nghiêm chủ trương mở cửa trường học cần phải xác định rõ là sống chung, lâu dài với dịch, phải thích nghi. Địa phương yêu trường học không gây bất kỳ phiền hà nào cho phụ huynh, học sinh như phải nộp giấy tờ liên quan F0, F1… mới được đi học.
Theo số liệu của Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa, 2 tuần dạy học trực tiếp đã ghi nhận hơn 2.500 học sinh, giáo viên là F0. Tuy nhiên, địa phương quyết tâm không đóng cửa trường học và đưa ra các hướng dẫn để các trường hoàn thành chương trình. Trong đó, có các vấn đề như xác định F1 đối với tiểu học là 2 học sinh ngồi bên cạnh F0 và được nghỉ học 7 ngày; THCS do giáo viên chủ nhiệm xác định và các em chỉ nghỉ 3-5 ngày có xét nghiệm âm tính sẽ đi học trở lại. Thanh Hóa cũng đưa ra tiêu chí để trường học chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến như, mỗi lớp trên 10 học sinh F0 đối với tiểu học; 1/3 học sinh đối với THCS- THPT.
Trong khi đó tại Hà Nội, hiện nay chỉ còn trẻ mầm non và học sinh lớp 1đến lớp 6 các quận nội thành chưa đi học, còn lại các trường đều đã mở cửa từ ngày 7/2 nhưng trường học rối vì nhiều quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách làm khác nhau. Ví dụ, có nơi lớp chỉ 4 học sinh là F0 cả lớp đã chuyển sang học trực tuyến; có nơi 1 học sinh đi học cũng dạy trực tiếp; một số trường khuyến khích phụ huynh tự mua que test cho con 1 tuần 2 lần ở nhà; nhiều trường tự tổ chức test đồng loạt cho học sinh để sàng lọc F0; chưa ăn bán trú…
Một số địa phương khác như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk… cũng đã cho dừng học trực tiếp đối với một số khối lớp nhỏ tuổi, lí do là số ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Nhiều địa phương cho học sinh dừng đến trường vì nhiệt độ dưới 10 độ C.
Lo chất lượng dạy và học
Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, điều lo lắng nhất là chất lượng học tập cũng như các kỹ năng khác của học sinh vì không được học trực tiếp. Mở cửa trường học dù sẽ nảy sinh nhiều tình huống và giáo viên rất vất vả để ứng biến nhưng được tới trường ngày nào học sinh có lợi ngày đó.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho hay để trường học mở cửa bền vững cần có giải pháp, hướng dẫn kỹ về các điều kiện để cha mẹ yên tâm. Cách làm như một số trường ở Hà Nội vừa qua cho thấy, các quy định chưa thuận tiện như học sinh vừa đến trường có F0, F1 nghỉ ở nhà 14 ngày; không tổ chức ăn bán trú; yêu cầu test nhanh gây áp lực tài chính đối với phụ huynh hay số ca F0 tăng nhanh khiến cha mẹ hoang mang…
Bộ GD&ÐT cũng đã có sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học quy định cụ thể về chuẩn bị trước, trong, sau khi học sinh đến trường; xử trí nếu phát hiện F0, F1… nhưng không quy định cụ thể bao nhiêu trường hợp F0/ lớp, thậm chí cả trường chuyển sang học trực tuyến. Thay vào đó, việc đóng cửa trường học khi nào là trách nhiệm thuộc về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương. (Tiền phong, trang 6)
Học sinh trở lại trường học: Chủ động thích ứng trong tình hình mới
Hiện nhiều địa phương đang cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài ở nhà đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sức khỏe của nhiều trẻ nhỏ khi môi trường học tập, sinh hoạt thay đổi. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 tại trường học gần đây tăng nhanh, trở thành nỗi lo với nhiều phụ huynh cũng như học sinh.
Phụ thuộc tình hình thực tế
Sau 2 tuần trở lại học trực tiếp, những ngày qua, số học sinh phát hiện dương tính với Covid-19 có dấu hiệu tăng tại TPHCM. Qua khám sàng lọc, test nhanh, nhiều trường đã phát hiện học sinh nghi nhiễm Covid-19. Có trường, học sinh THCS (khối 7, 8, 9 đã tiêm vaccine) ghi nhận gần một nửa sĩ số trong một lớp nhiễm Covid-19. Do đã được tiêm vaccine, học sinh nhiễm được nhà trường báo với phụ huynh đón con về theo dõi, hướng dẫn chăm sóc, chữa trị, đến khi có kết quả âm tính thì quay lại trường học tiếp.
Hầu hết nhà trường có kênh trao đổi với phụ huynh trên mạng xã hội để thông tin kịp thời tình hình sức khỏe học sinh và thảo luận giải pháp học tập tốt nhất cho các em. Nếu lớp nào có nhiều học sinh nhiễm Covid-19, phụ huynh đề xuất cho con ở nhà và nhà trường tổ chức học trực tuyến để không bị mất bài học. Các lớp có học sinh nhiễm ít, nhà trường khoanh vùng, bảo vệ các học sinh trong lớp học trực tiếp.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, quy định chuyển đổi qua hình thức dạy học trực tuyến đối với F0 và F1 tiếp xúc gần là hướng dẫn chung trong toàn ngành đối với tình huống xuất hiện 1-2 ca F0 trong lớp học. Tuy nhiên, trường hợp xuất hiện cùng lúc nhiều ca thì tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý phù hợp như khoanh vùng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chuyển đổi hình thức dạy học…
“Trường hợp xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp, có khả năng lây nhiễm cao thì việc chuyển đổi hình thức dạy học được xem là cần thiết nhằm cắt đứt nhanh nhất nguồn lây nhiễm nếu có trong lớp học”, đại diện Sở GD-ĐT cho biết.
Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay không quy định cứng tỷ lệ bao nhiêu học sinh nhiễm bệnh thì lớp học đó chuyển qua dạy học trực tuyến mà tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương và cơ sở giáo dục. Khi có trường hợp xuất hiện chùm ca nhiễm trong lớp học thì nhà trường báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện và TP Thủ Đức để có khuyến nghị về mặt y tế, từ đó hiệu trưởng quyết định hình thức dạy học phù hợp.
Hiệu trưởng các trường đều cho biết, khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, nhà trường báo ngay cho trạm/trung tâm y tế trên địa bàn trú đóng để nhận được hỗ trợ trong việc đánh giá tình hình, điều tra dịch tễ và chỉ định ứng phó đối với từng trường hợp. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục và y tế địa phương hiện nay chưa “đều tay” ở các quận, huyện, một số trường hợp cơ sở giáo dục phải độc lập tác chiến khiến hiệu quả phòng chống dịch còn hạn chế.
Trang bị kiến thức phòng dịch
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, trẻ mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ và phần lớn được điều trị tại nhà (chiếm 98%-99%), tỷ lệ tử vong cũng rất thấp. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nếu trẻ mắc bệnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ… cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho rằng, khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng tại nhà cần cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để xử trí. Trong trường hợp trẻ mắc Covid-19 tại trường học, cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế để cùng xử lý. Đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
“Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì nên được chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc. Người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Việc điều trị tại nhà ở trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ là chìa khóa nhằm giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết”, bác sĩ Lê Hồng Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế và trường học đang phối hợp rất tốt trong việc hướng dẫn về việc xử lý F0 trong trường học. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố không quá căng thẳng như giữa năm 2021 nên không có chuyện nhân viên y tế quá tải và từ chối hỗ trợ trường học. Trường hợp các trạm y tế từ chối hoặc không phối hợp với các trường học trong việc xử lý F0 cần báo ngay về Sở Y tế để xác minh, xử lý. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới nhất áp dụng từ 21/2
Từ hôm nay, ngày 21/2, giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới sẽ được áp dụng. Theo đó, mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 nhanh mẫu đơn trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tối đa 78.000 đồng/xét nghiệm…
Thông tư 02/2022/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành quy định giá xét nghiệm COVID-19 mới sẽ áp dụng ngay từ hôm nay- ngày 21/02/2022.
Thông tư này áp dụng đối với các trường hợp: thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Không áp dụng Thông tư 02 đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo Bộ Y tế, cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 bao gồm 3 chi phí.
Thứ nhất, chi phí lấy mẫu và bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm;
Thứ hai, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch COIVD-19 của cán bộ và nhân viên y tế).
Thứ ba, chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư 02 quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 từ ngày 21/2 như sau:
Xét nghiệm nhanh mẫu đơn:
Mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm).
Xét nghiệm COVID-19 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn:
Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 186.600 đồng/xét nghiệm).
Xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Trong đó, sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định.
+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 que: 223.300 đồng/xét nghiệm; gộp 03 que: 175.100 đồng/xét nghiệm; gộp 04 que: 151.000 đồng/xét nghiệm; gộp 05 que: 136.600 đồng/xét nghiệm;
+ Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 que là 110.600 đồng/xét nghiệm; gộp 07 que là 103.800 đồng/xét nghiệm; gộp 8 que là 98.600 đồng/xét nghiệm; gộp 9 que là 94.600 đồng/xét nghiệm; gộp 10 que là 91.400 đồng/xét nghiệm;
+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 mẫu tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 mẫu: 257.000 đồng/xét nghiệm; gộp 03 mẫu: 208.800 đồng/xét nghiệm; gộp 04 mẫu: 184.700 đồng/xét nghiệm; gộp 05 mẫu: 170.300 đồng/xét nghiệm…
+ Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 mẫu là 145.300 đồng/xét nghiệm; gộp 07 mẫu là 138.500 đồng/xét nghiệm; gộp 08 mẫu là 133.300 đồng/xét nghiệm; gộp 09 mẫu là 129.300 đồng/xét nghiệm; gộp 10 mẫu là 126.100 đồng/xét nghiệm. (Sức khỏe & Đời sống, trang)