Thủ tướng: Khẩn trương nghiên cứu chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Sự tận hiến phục vụ của các thầy thuốc luôn để lại ấn tượng, sự biết ơn sâu sắc
Tối ngày 27.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2022) – chương trình đầy ý nghĩa tôn vinh và tri ân đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc, nhất là trong bối cảnh cả nước vượt qua khó khăn, kiên cường, đoàn kết chống lại dịch bệnh COVID-19.
Cùng tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lời thề y đức “sâu y lý – giỏi y thuật – giàu y đức” luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào bằng trí tuệ và lòng yêu nước cao cả.
Thủ tướng nhắc đến những tên tuổi lớn của nền y học Việt Nam như Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di, Bác sĩ Vũ Đình Tụng; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu…
“Chúng ta nhớ đến hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế thầm lặng phục vụ trong các chiến trường gian nan và nguy hiểm, nhiều người đã anh dũng hy sinh góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Chúng ta nhớ đến các bác sĩ, nhân viên y tế đã phục vụ trong các cơ sở y tế còn nghèo nàn, lạc hậu sau thời kỳ chiến tranh để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Dù trong thời chiến hay thời bình, sự tận hiến phục vụ đồng bào, chiến sĩ của các thầy thuốc và nhân viên y tế luôn để lại ấn tượng và sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta”, Thủ tướng phát biểu.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, nhìn lại hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái…
Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành y tế, bác sĩ và nhân viên y tế.
Nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4
Theo Thủ tướng, dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất, nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của Nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai, minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…
Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhiệm vụ của ngành y tế là rất nặng nề.
Theo Thủ tướng, để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức “mỗi người vì mọi người” trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng,… Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định; là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi Nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp các cháu trở lại trường học an toàn.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ trong thẩm quyền sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội; nhất là Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho Nhân dân.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
“Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên và người lao động ngành y tế trên mọi miền Tổ quốc của chúng ta. Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả “Thầy thuốc như mẹ hiền ” để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng dân tộc khỏe mạnh, đất nước phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng!”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu. (Lao động, trang 2)
Thủ tướng: Tập trung nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4
Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
“Anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức
Tối 27/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022) – chương trình đầy ý nghĩa tôn vinh và tri ân đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc, nhất là trong bối cảnh cả nước vượt qua khó khăn, kiên cường, đoàn kết chống lại dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lời thề y đức “sâu y lý – giỏi y thuật – giàu y đức” luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào bằng trí tuệ và lòng yêu nước cao cả.
“Chúng ta nhớ đến hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế thầm lặng phục vụ trong các chiến trường gian nan và nguy hiểm, nhiều người đã anh dũng hy sinh góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Chúng ta nhớ đến các bác sĩ, nhân viên y tế đã phục vụ trong các cơ sở y tế còn nghèo nàn, lạc hậu sau thời kỳ chiến tranh để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Dù trong thời chiến hay thời bình, sự tận hiến phục vụ đồng bào, chiến sĩ của các thầy thuốc và nhân viên y tế luôn để lại ấn tượng và sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta”, Thủ tướng phát biểu.
Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái.
Đó là những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương.
“Chúng ta nhớ đến hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo… Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh.
Nhưng có lẽ điều ám ảnh, day dứt nhất đối với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế là khi phải chứng kiến những giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết… rồi cần mẫn, lặng lẽ giữ gìn những đồ đạc, kỷ vật để trao lại cho gia đình bệnh nhân khi họ ra đi mà không có người thân bên cạnh.
Đó là mạch nguồn, là ánh sáng của lương tri, của lòng nhân ái, của đạo đức, của trái tim đôn hậu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”, Thủ tướng phát biểu.
Cùng với đó là những bác sĩ và nhân viên y tế đã phục vụ chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc với tần suất làm việc không kể ngày đêm, gánh vác công việc gấp nhiều lần lúc bình thường do nhiều đồng nghiệp phải tăng cường phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; những bác sĩ, y tá ngày đêm túc trực, làm việc tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo,… với nhiều khó khăn và vất vả.
Hàng ngàn nhân viên y tế đã không quản ngại ngày đêm để thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine lớn chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, nước ta là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới mặc dù việc tiếp cận vaccine rất khó khăn, dân số đông và tỷ lệ nhân viên y tế trên dân số còn thấp. Tỷ lệ tiêm chủng cao là cơ sở để nước ta tự tin đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế
Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành y tế, bác sĩ và nhân viên y tế.
Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Để ứng phó với dịch bệnh, Nhân dân đã đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước và ngành y tế để đi qua nghịch cảnh và khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được ủng hộ cho Quỹ Vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến, mua sinh phẩm, thiết bị y tế… Đồng thời, đã xuất hiện nhiều bài thơ, nhiều ca khúc sâu lắng của các nhạc sĩ, nhà thơ và Nhân dân cả nước tặng riêng thầy thuốc và nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi Nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp các cháu trở lại trường học an toàn.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
“Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam; một lần nữa, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên và người lao động ngành y tế trên mọi miền Tổ quốc của chúng ta. Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả “Thầy thuốc như mẹ hiền ” để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng Dân tộc khỏe mạnh, Đất nước phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng!”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Sống cùng F0, làm sao để giảm nguy cơ lây nhiễm?
Nhiều người cho rằng, sống chung một nhà với F0, nhất là ở trong nhà khép kín, nhà chung cư có diện tích hẹp thì việc giữ tuyệt đối cho bản thân không mắc COVID-19 là điều rất khó.
Việc bạn có bị lây nhiễm COVID-19 khi sống cùng nhà với F0 sẽ phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng, khả năng giãn cách xã hội, việc đang dùng chung đồ, cách thức dọn dẹp không gian chung…
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 18/2, Hà Nội có 161.745 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà, chiếm 96,74% tổng số F0.
Nhiều người cho rằng, sống chung một nhà với F0, nhất là ở trong nhà khép kín, nhà chung chư có diện tích hẹp thì việc giữ tuyệt đối cho bản thân không mắc COVID-19 là điều rất khó.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng F0 thì phải ở riêng phòng, mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống phải tách biệt với những người mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi chung nhà thì dù là F0 hay F1 cũng phải đeo khẩu trang. Đồng thời, F1 phải tự theo dõi sức khoẻ của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0…
Để hạn chế tối đa lây chéo, ông Nga khuyến cáo mọi thành viên trong gia đình nếu có F0 cần hạn chế nói chuyện với nhau, có thể trao đổi qua điện thoại hoặc tin nhắn. Đặc biệt, cần lưu ý ở những vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức không khạc nhổ bừa bãi, chú ý vệ sinh thường xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện để tránh virut lây lan…
Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), ở cùng nhà vời F0 sẽ có nguy cơ phơi nhiễm cao. Cần có những biện pháp phòng ngừa cụ thể như:
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
CDC thông tin, những người mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình có khả năng lây nhiễm không quá 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Người có biểu hiện nặng hơn có khả năng lây nhiễm không quá 20 ngày sau khi phát bệnh.
Đăc biệt, những người đã khỏi bệnh vẫn có thể cho kết quả dương tính trong tối đa 3 tháng sau khi nhiễm. Tuy nhiên, những cá nhân này không còn lây nhiễm trong thời gian đó.
Cách giữ an toàn cho bản thân
Bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào, nếu một người cảm thấy bị ốm hoặc có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 (ngay cả khi không có triệu chứng), họ vẫn nên tự cách ly bằng cách ở nhà, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với các thành viên trong gia đình.
Nếu chưa tiêm chủng đầy đủ, cần cẩn thận để tránh tiếp xúc với virus. Không được chủ quan bởi ngay cả những người đã tiêm đủ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt khi biến thể Omicron lan tràn.
Đeo khẩu trang trong nhà
Theo CDC, nếu trong gia đình có người mắc COVID-19, các thành viên nên đeo khẩu trang vừa vặn. Khi tiếp xúc gần F0 thì khẩu trang N95 và KN95 cung cấp khả năng bảo vệ tốt nhất.
Làm sạch và khử trùng nhà thường xuyên
Nếu có thể, hãy dành một phòng ngủ và phòng tắm riêng cho người bị bệnh. Nếu không thể tách biệt, thành viên mắc COVID-19 nên làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng sau mỗi lần dùng.
Nếu người bệnh không đủ sức khỏe để tự vệ sinh, một thành viên khác trong nhà đeo khẩu trang, găng tay để làm sạch và khử trùng khi cần thiết. Đảm bảo phòng sinh hoạt chung được thông thoáng.
Làm xét nghiệm tại nhà
Tiếp tục theo dõi các triệu chứng và thực hiện xét nghiệm lặp lại vài ngày một lần hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)
F0 gia tăng, nhà trường và sinh viên đều rối
Trường lùi lịch học vì số lượng F0 gia tăng khiến sinh viên ngoại tỉnh khóc ròng vì đã đặt cọc tiền nhà trọ. Còn những sinh viên học trực tiếp bị mắc COVID-19 cũng như ngồi trên lửa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường đại học (ĐH) đã điều chỉnh kế hoạch học tập trung, trong đó có một số trường tạm hoãn lịch học trực tiếp. Sinh viên năm thứ 2, thứ 3 (các khóa chưa đi học tập trung) của trường ĐH Thương mại, số sinh viên F0 là 920 em. Sau 3 ngày học tập tại trường, số sinh viên năm thứ nhất (K57) mắc COVID-19 phát sinh là 129 em.
Với tình hình các ca F0 liên tục tăng, dự kiến khi toàn bộ sinh viên quay trở lại học trực tiếp, số lượng sinh viên là F0 sẽ rất lớn, trường ĐH dự báo lúc đó sẽ rất khó khăn trong công tác điều trị và phòng chống dịch.
Do đó, trường ĐH Thương mại đã khảo sát, lấy ý kiến sinh viên chính quy khóa 55, 56 (năm thứ 2, 3) về nhu cầu quay trở lại trường học trực tiếp (dự kiến trước đó là ngày 7/3).
Kết quả, 75% sinh viên tham gia khảo sát đồng ý phương án tiếp tục học trực tuyến. Với kết quả trên, Ban giám hiệu trường ĐH Thương mại quyết định tạm dừng thực hiện kế hoạch dạy học trực tiếp đối với các khóa còn lại từ ngày 7/3; tiếp tục triển khai kế hoạch giảng dạy theo hình thức trực tuyến đến ngày 21/3.
Ngay sau khi nhận được tin nhà trường sẽ lùi lịch học trực tiếp, một số sinh viên trường ĐH Thương Mại cảm thấy bức xúc. Sinh viên cho rằng trường nên có một quyết định dứt khoát học trực tuyến hoặc trực tiếp đến hết kỳ để những người ngoại tỉnh chủ động về chỗ ở.
Bạn P.T.H chia sẻ, một hay hai tuần nữa tình hình dịch bệnh chưa thể thay đổi. Trường thông báo nửa vời như hiện nay sinh viên đã đóng tiền cọc nhà trọ rồi không biết xử lý thế nào. Vì trước đó, trường thông báo ngày 7/3 sinh viên năm thứ 2, 3 chính quy và một số loại hình đào tạo khác sẽ đi học trực tiếp nên rất nhiều sinh viên đã lên Hà Nội tìm phòng trọ.
Theo sinh viên, chuyện trường phải “quay xe” do dịch COVID-19 không phải lần đầu tiên. Sinh viên N.T.O cho biết từ đợt 30/4/2021, em đã giữ trọ đến tận tháng 1 vừa rồi mới trả nhà. Tính ra tiền trọ 7-8 tháng cũng xấp xỉ học phí 1 kỳ. Trường ra thông báo mới như này sinh viên thật sự rất hoang mang về vấn đề nên giữ hay trả nhà trọ.
“Chúng em rất mong nhà trường có phương án lịch lên trường cụ thể nhất để sinh viên yên tâm hơn”, N.T.O nêu mong muốn.
Không chỉ sinh viên trường ĐH Thương mại mà sinh viên Học viện Ngoại giao, sinh viên các trường ĐH lùi lịch học đều tỏ ra băn khoăn với những quyết định chạy theo dịch bệnh của các trường. Các em cho rằng, sinh viên khác với phổ thông, phần lớn không sinh sống tại địa bàn Hà Nội nên rất khó khăn về nơi ăn chốn ở.
Hơn nữa, bên cạnh việc học tại trường, sinh viên cũng có các kế hoạch liên quan đến làm thêm, học các khóa học ngoại khóa hoặc các hoạt động khác nên rất cần thời gian biểu ổn định.
Nhà trường cũng bị động
Bốn ngày nay, N.V.T, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đã trải qua những ngày là F0 bị hành như chết đi sống lại. Em chia sẻ đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà giờ chỉ nói 3 câu đã thấy đứt hơi.
Sau 2 tuần đi học, T không biết mình đã nhiễm virus từ nguồn nào. Quê ở Tuyên Quang, không có bố mẹ, T được anh trai chăm sóc. Nhưng điều em lo lắng hơn là khi đi học trực tiếp, nghỉ học là cắt đứt luôn các môn đang theo học. Kỳ này đăng ký nhiều môn chỉ 2-3 tín chỉ nên T đã nghỉ học mất mấy môn.
Trong thời gian này, em chưa nhận được thông báo của trường là sẽ bị trừ điểm chuyên cần hay sẽ phải học lại, thi lại vì theo quy chế, chỉ được nghỉ không quá 20% tín chỉ/môn.
Tương tự, N.L.T trường ĐH Thương mại cũng chia sẻ lớp có hơn 100 sinh viên nhưng sau một tuần đến trường, chỉ còn 22 người đi học trực tiếp, hơn 80 người còn lại mắc COVID-19 hoặc là F1 phải nghỉ học. Nhưng L.T không thấy trường thông báo học trực tuyến, trực tiếp bù mà chỉ được thông báo sinh viên tự học trong tài liệu giáo trình. Có môn học, đọc giáo trình L.T không hiểu hết khối lượng kiến thức chuyển tải nên em rất lo khi thi hết môn.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, với sinh viên là F0, có thể cách ly tại trường hoặc tại nhà tùy nhu cầu.
Trong thời gian sinh viên nghỉ vì mắc COVID-19, nhà trường sẽ tổ chức dạy bù kiến thức các môn học khi sinh viên trở lại trường và không tính đó là học lại, thi lại để sinh viên yên tâm. (Tiền phong, trang 6)
Số ca mắc mới tiến sát mốc 100.000 ca/ngày, số tử vong tăng
Bản tin COVID-19 chiều 28-2 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới đang tiến sát mốc 100.000 ca mới/ngày, số tử vong đã tăng trở lại mốc trên 100 ca/ngày. Hà Nội tiếp tục có số mắc cao nhất với 12.850 ca.
Tính từ 16h ngày 27-2 đến 16h ngày 28-2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 94.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, có 66.227 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (12.850), Quảng Ninh (9.105), Nghệ An (3.958), Bắc Ninh (3.572), Hưng Yên (3.309), Lào Cai (3.233), Nam Định (2.921), Phú Thọ (2.887), Vĩnh Phúc (2.852), Hòa Bình (2.493), Lạng Sơn (2.439), Hải Dương (2.337),
Tuyên Quang (2.287), Đắk Lắk (2.276), Hải Phòng (2.216), Ninh Bình (2.196), Sơn La (2.103), Hà Giang (2.080), Yên Bái (1.998), Bắc Giang (1.986), Thái Bình (1.848), TP.HCM (1.790), Quảng Bình (1.735), Lai Châu (1.663), Thái Nguyên (1.492), Bình Phước (1.232), Cao Bằng (1.201), Đà Nẵng (1.128), Khánh Hòa (1.117), Điện Biên (1.018), Quảng Trị (978), Hà Nam (925),
Bình Định (887), Đắk Nông (856), Cà Mau (836), Thanh Hóa (788), Hà Tĩnh (760), Phú Yên (744), Lâm Đồng (708), Bà Rịa – Vũng Tàu (589), Quảng Nam (437), Bình Dương (393), Quảng Ngãi (373), Bến Tre (258), Tây Ninh (250), Thừa Thiên Huế (212), Bình Thuận (199),
Kon Tum (196), Bạc Liêu (149), Đồng Nai (106), Trà Vinh (74), Long An (71), Vĩnh Long (65), Sóc Trăng (43), Kiên Giang (42), Cần Thơ (39), Đồng Tháp (27), Ninh Thuận (20), An Giang (13), Tiền Giang (11), Hậu Giang (5).
Ngày 28-2, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 28.095 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Quảng Ninh.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-2.521), Gia Lai (-846), Bình Dương (-406).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+3.108), Lai Châu (+1.663), Hà Nội (+1.333).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 74.773 ca/ngày.
Việt Nam vượt 3,4 triệu ca mắc từ đầu vụ dịch
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.443.485 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến nay có gần 2,44 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.473 ca, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 2.765 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 316 ca; thở máy không xâm lấn: 110 ca; thở máy xâm lấn: 272 ca; ECMO: 10 ca.
Số ca tử vong tăng
Từ 17h30 ngày 27-2 đến 17h30 ngày 28-2 ghi nhận 108 ca tử vong tại: Hà Nội (21), Đà Nẵng (10), Quảng Nam (5), Quảng Ngãi (5 ca trong 2 ngày), Thanh Hóa (5 ca trong 2 ngày), Vĩnh Phúc (5), Bắc Giang (4), Hà Nam (4 ca trong 2 ngày), Hòa Bình (4), Kiên Giang (4),
Nam Định (4), Nghệ An (4), Quảng Ninh (4), Bình Phước (3), Phú Thọ (3), Đắk Lắk (2), Đồng Nai (2), Hải Phòng (2), Ninh Bình (2), TP.HCM (2), An Giang (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1), Tuyên Quang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 92 ca. Như vậy sau nhiều ngày giữ được số ca tử vong dưới 100 ca, ngày 28-2 số ca tử vong đã tăng trở lại mốc trên 100 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.252 ca, chiếm tỉ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á. Trong ASEAN, Việt Nam xếp thứ 4 về số ca tử vong do COVID-19. (Tuổi trẻ, trang 4)
Số ca Covid-19 gia tăng, Hà Nội phân bổ khẩn thuốc Molnupiravir
Ngày 28-2, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 98/SYT-NVD gửi 22 trung tâm y tế quận, huyện và 5 bệnh viện (gồm các bệnh viện: Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông) về việc phân bổ 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; thực hiện việc cấp phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị giám đốc các đơn vị theo danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà, tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế. Đồng thời, các đơn vị cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.
Theo quyết định của Sở Y tế Hà Nội, 6 trung tâm y tế các quận, huyện: Cầu Giấy, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Tây Hồ và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được phân bổ 10.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được nhận 4.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nhận 3.000 viên; Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi mỗi nơi nhận 2.000 viên. 16 trung tâm y tế quận, huyện còn lại mỗi nơi nhận 20.000 viên.
Trong thời gian gần đây, số ca Covid-19 mỗi ngày ở Hà Nội tăng nhanh. Cao điểm 3 ngày gần đây, số F0 mới phát hiện mỗi ngày từ gần 10.000 lên hơn 11.500 ca.
Theo thống kê của Bộ Y tế cập nhật sơ bộ đến ngày 27-2, hiện cả nước có hơn 1,05 triệu ca F0 đang điều trị, theo dõi tại nhà. Riêng Hà Nội có gần 460.000 ca (chiếm gần 46% tổng số F0 của cả nước điều trị tại nhà). (Hà nội mới, trang 1).
Bùi Ngọc Nga