Điểm báo ngày 03/3/2022

(CDC Hà Nam)
Giảm tải cho y tế cơ sở trong phòng, chống dịch; 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên 90%

 

Giảm tải cho y tế cơ sở trong phòng, chống dịch

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc tăng đột biến, trong đó phần lớn là các ca có triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà, đã gây áp lực lớn cho hệ thống y tế cơ sở. Trước tình hình này, các địa phương đã huy động thêm lực lượng hỗ trợ cán bộ y tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý, chăm sóc F0 kịp thời và hiệu quả hơn.

Trạm y tế xã, phường không chỉ là nơi trực tiếp tiếp nhận, hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ tại nhà, mà còn là đầu mối cấp các giấy tờ, thủ tục liên quan cho người bệnh.

Dấu hiệu quá tải

Từ ngày 14/2 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao đột biến, gần đây có gần 14 nghìn ca mắc mới/ngày. Trong đó 98% số ca mắc được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà, chiếm khoảng 50% tổng số F0 điều trị, theo dõi tại nhà của cả nước. Tại Trạm y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai) ngày đầu tháng 3, chúng tôi thấy rất nhiều người dân đến làm các thủ tục, giấy tờ. Các nhân viên y tế vừa giải thích và hướng dẫn cho người dân, vừa tất bật xử lý hàng chồng tài liệu, giấy tờ, trong khi điện thoại liên tục đổ chuông. Đại diện Trạm y tế này cho biết, những ngày trước, chiều nào cũng có khoảng 200 người đến xếp hàng để xét nghiệm Covid-19.

Hiện chỉ còn người tới làm xác nhận tình trạng khỏi bệnh, còn việc xét nghiệm Covid-19 đã hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà, quay clip và gửi qua Zalo cho cán bộ y tế phường để được công nhận kết quả. Tuy nhiên, áp lực công việc vẫn rất lớn khi không ít cán bộ, nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm Covid-19. Trong khi, mỗi ngày ở phường có thêm hàng trăm ca mắc mới và cũng chừng đó người khỏi bệnh cho nên riêng việc làm các thủ tục nhập thông tin, cấp giấy xác nhận khỏi bệnh, trả quyết định cách ly và hoàn thành cách ly… đã rất vất vả.

Chưa kể, cán bộ, nhân viên y tế phường còn phải tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc, theo dõi tình trạng và kịp thời xử lý trường hợp chuyển nặng, triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng… Có những trạm, một số nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc thể nhẹ vẫn phải tiếp tục làm việc. Tại Trạm y tế phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), năm trong tổng số chín nhân viên y tế đã nhiễm Covid-19, được bố trí làm việc riêng một tầng để cách ly với các nhân viên còn lại, đồng thời tiếp tục trực điện thoại, nhập dữ liệu, quản lý F0 trên hệ thống…

Ngày 1/3, số ca mắc mới tại Hải Phòng lên hơn 2.300 ca. Trước đó, giữa tháng 2, khi số ca nhiễm mới tăng đến 1.500 ca/ngày, y tế cơ sở ở nhiều quận đã xuất hiện tình trạng quá tải. Thành phố có 237 trạm y tế lưu động với hơn 1.170 nhân viên làm nhiệm vụ thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng. Bình quân mỗi trạm y tế lưu động có khả năng quản lý khoảng 100 bệnh nhân điều trị tại nhà, nhưng 35 trạm y tế lưu động tại các quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân phải quản lý hơn 300 ca F0 mỗi trạm. Tình trạng này khiến nhiều người dân khi mắc Covid-19 không thể gọi điện thoại hoặc liên hệ tới trạm y tế phường để được hướng dẫn, chăm sóc.

Tình trạng quá tải cũng xảy ra ở hệ thống y tế cơ sở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc. Y sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trạm trưởng Y tế xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, xã có 113 ca mắc Covid-19, trong đó có 70 người thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà. Từ mồng 7 Tết đến nay, anh và các cán bộ của trạm y tế chưa có một ngày nghỉ. Lâm Bình là huyện vùng cao và xa nhất của tỉnh, còn Xuân Lập là xã xa nhất của huyện, việc đi lại rất khó khăn, vì vậy việc truy vết, lấy mẫu thật sự nhọc nhằn, nhiều hôm xuống thôn lấy mẫu về đến trạm đã 1 giờ sáng.

Xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) nằm bên hồ Thác Bà, có hơn 360 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống, do số lao động địa phương từ các nhà máy ở tỉnh Tuyên Quang trở về ăn Tết nhiễm Covid-19, mấy ngày gần đây dịch lây lan rộng cả xã. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Lĩnh cho biết, nhân viên y tế xã nhiều ngày nay không có ngày nghỉ. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 xã tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện 5K, khai báo y tế trung thực, nếu nhiễm bệnh thì cách ly tại nhà đủ bảy ngày, thực hiện đúng các chỉ dẫn y tế, đồng thời hướng dẫn người bệnh sử dụng một số bài thuốc nam để làm giảm triệu chứng cho người điều trị F0 tại nhà.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý F0

Các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và giúp cán bộ y tế tập trung công việc chuyên môn. Thành phố Hải Phòng thí điểm thành lập các Tổ chăm sóc y tế cộng đồng và tăng cường lực lượng cho các trạm y tế lưu động tại các địa bàn có số F0 tăng cao. Tại các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, mỗi quận hình thành từ năm đến bảy Tổ chăm sóc y tế cộng đồng và bắt tay ngay vào hỗ trợ chăm sóc y tế tại nhà cho bệnh nhân Covid-19.

Cùng với đó, thành phố huy động sinh viên ngành y, dược các trường đại học trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch. Đợt đầu, 600 sinh viên các trường đại học: Y dược Hải Phòng, Hải Phòng và cao đẳng Y tế Hải Phòng được huy động để hỗ trợ các trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Em Nguyễn Thị Kim Khánh, sinh viên lớp YDK.K38F (Trường đại học Y dược Hải Phòng) cho biết, nhờ kinh nghiệm trong đợt tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh trước đó, cho nên em đã xung phong tham gia ngay chống dịch đợt này. Một tuần sau đó, 972 sinh viên các trường nêu trên tiếp tục được huy động tăng cường.

Các cơ sở y tế đảm nhiệm công tác điều trị tại tầng 2, tầng 3 cũng được hỗ trợ thêm nhân lực bằng việc điều phối, phân công các y sĩ, bác sĩ từ các khoa, phòng khác bổ sung cho bộ phận điều trị bệnh nhân Covid-19; tạm đưa nhân lực từ các bệnh viện khác bổ sung cho các khoa, phòng này bảo đảm hoạt động liên tục. Đồng thời, ngành y tế cũng sẵn sàng phương án lập 500 trạm y tế lưu động, cùng hàng trăm giường bệnh khi có tình huống số ca F0 hoặc số bệnh nhân chuyển nặng tăng cao.

Trước những bức xúc của người dân Thủ đô trong những ngày qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các xã, phường phải ứng dụng tối đa công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải công việc cho cán bộ y tế cơ sở. Các công việc liên quan thủ tục xác nhận mắc Covid-19, khỏi bệnh, hết thời gian cách ly… được giao cho các lực lượng đoàn thể hướng dẫn người dân thực hiện khai báo trực tuyến để hạn chế việc phải đi lại, xếp hàng chờ đợi.

Thí dụ như tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên), người dân có thể tự test tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì gọi điện thoại thông báo cho tổ trưởng dân phố để được cấp mã QR, tự khai báo trên hệ thống quản lý F0 của Sở Y tế Hà Nội mỗi ngày hai lần để được theo dõi sức khỏe. Sau khi điều trị đủ ngày, các F0 tự test nhanh và quay clip gửi Tổ chăm sóc F0 tại nhà của phường để nhận quyết định kết thúc điều trị bằng bản PDF gửi qua mail hoặc Zalo.

Các thành viên Tổ chăm sóc F0 tại nhà của phường được phân công làm nhiệm vụ theo dõi và làm giấy tờ kết thúc điều trị cho các F0 theo từng tổ dân phố. Phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) sử dụng phần mềm công nghệ thông qua Google Form để tạo đường link khai báo cho công dân khi nhiễm Covid-19, thay cho việc đến trực tiếp trạm y tế hoặc gọi điện thoại qua đường dây nóng. Sau khi khai báo, thông tin được nhân viên trạm y tế tiếp nhận và liên lạc lại để hỗ trợ người bệnh, giúp cho việc quản lý F0 hiệu quả, nhanh chóng hơn. Quận Hoàng Mai, điểm nóng về dịch lần này, đã tăng cường 150 giáo viên mầm non hỗ trợ việc tiếp nhận thông tin ở các địa bàn đông ca mắc.

Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Lê Thị Hồng Vân cho biết, ngoài việc phát huy hiệu quả của 1.634 tổ Covid-19 cộng đồng, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai sử dụng phần mềm “Hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” để kịp thời nắm bắt diễn biến của các bệnh nhân đang cách ly và theo dõi tại nhà, chuyển viện kịp thời khi trở nặng.

Bên cạnh đó, do đặc thù vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không có sẵn xe cứu thương chuyên dụng như thành phố, ngành y tế Yên Bái đã thành lập 88 đội vận chuyển nhanh ở vùng đặc biệt khó khăn, thành lập 90 trạm y tế lưu động, chủ động ứng phó diễn biến của dịch bệnh. Tỉnh Tuyên Quang yêu cầu lãnh đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm soát dịch, triển khai quyết liệt tiêm vắc-xin cho người dân, không để dịch diễn biến phức tạp; hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong. (Nhân dân, trang 1)

 

62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên 90%

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến chiều 2/3 cả nước đã tiêm hơn 195,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 177.992.164 liều, trong đó mũi 1 là 70.644.275 liều; mũi 2 đã tiêm 68.803.756 liều; mũi bổ sung 13.979.774 liều và mũi 3 được 24.564.359 liều. Tính đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 2 trên 90%; chỉ còn 1/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Bộ Y tế cho biết, đến nay trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm được 16.978.338 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó mũi 1 được 8.729.596 liều, mũi 2 là 8.248.742 liều.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót đối tượng nguy cơ cao là người già, phụ nữ có thai, người có bệnh nền. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Cần quan tâm những triệu chứng hậu Covid-19

Nhu cầu về tư vấn, khám và điều trị hậu Covid-19 tăng cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì không phải F0 nào cũng phải đi khám, điều trị. Việc lo lắng thái quá thậm chí sẽ dẫn đến di chứng hậu Covid-19. Trong khi đó, việc tiêm vắc-xin cũng được ghi nhận làm giảm biến chứng này.

Hậu Covid-19 xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19. Theo đó, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là ba tháng kể từ khi bắt đầu mắc với các triệu chứng và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tại hội thảo quản lý bệnh nhân sau Covid-19 diễn ra cuối tuần qua với sự tham gia trực tuyến của hơn 800 y, bác sĩ, chuyên gia trên cả nước, TS Trần Văn Giang (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho hay về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 chia thành hai giai đoạn, gồm: tình trạng Covid-19 kéo dài (một đến ba tháng sau khi mắc bệnh) và hậu Covid-19 (sau ba tháng).

Tổ chức Y tế thế giới nêu rõ: Hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ước tính có khoảng 10 đến 20% số bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.

Biểu hiện của hậu Covid-19 rất đa dạng, tổn thương ở nhiều cơ quan, phổ biến nhất bao gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác, có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày… Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy 70 đến 80% số bệnh nhân Covid-19 có ít nhất một vấn đề về hậu Covid-19 dù giai đoạn dương tính họ mắc bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ.

Đáng chú ý, các biểu hiện hậu Covid-19 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ em, triệu chứng cả khi nhiễm bệnh và hậu Covid-19 đều nhẹ và ít hơn người trưởng thành. Trong khi với bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng hoặc nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị chính của bệnh thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.

Tại nước ta, hậu Covid-19 nổi lên là vấn đề đáng được quan tâm từ đợt dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam trong năm 2021. Hiện nay, nhu cầu khám hậu Covid-19 tăng cao, nhiều địa phương, cả bệnh viện công và tư đều tổ chức bộ phận khám, tư vấn, điều trị hậu Covid-19. Tại Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là cơ sở y tế công lập đầu tiên mở phòng khám, tư vấn hậu Covid-19, có khoảng 20 đến 30 người bệnh đến khám mỗi ngày với các lý do ho kéo dài, khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, giảm năng lượng, tức ngực, giảm khả năng hoạt động và làm việc, đau xương khớp.

Có nhiều người bệnh tái khám do các vấn đề về lo âu, trầm cảm, stress sau Covid-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mỗi ngày có 20 bệnh nhân tới khám, gọi điện tư vấn về các vấn đề hậu Covid-19… Không ít người đến viện khi dấu hiệu hậu Covid-19 rõ rệt, diễn tiến khá nặng dù trước đó họ mắc Covid-19 với diễn biến nhẹ, không triệu chứng. Ở trẻ em, biến chứng hậu Covid-19 đáng lo ngại nhất là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), suy tim, suy đa tạng.

Không nên quá lo lắng

Chia sẻ với những lo lắng của người dân và khẳng định nhu cầu khám và tư vấn của bệnh nhân về hậu Covid-19 là rất cao, nhưng các chuyên gia hàng đầu cũng khuyến cáo người bệnh không nên quá lo lắng. Hiện nay, không ít người chưa điều trị khỏi Covid-19 đã lo bị hậu Covid-19. Thậm chí vì sợ biến chứng hậu Covid-19 mà có những trường hợp F0 không bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin, dù không triệu chứng vẫn lo lắng đến rối loạn ngủ, nằng nặc phải đưa vào bệnh viện điều trị. Có những gia đình sợ con mình bị hậu Covid-19, nhất là hội chứng MIS-C, đã tự tìm các đơn thuốc từ “bác sĩ mạng” rồi tích trữ, “nhồi” cho con đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng, xông hơi… nhằm điều trị, tăng sức đề kháng.

Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), cho biết: Số người dương tính SARS-CoV-2 tăng lên cao gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế cơ sở. Nhiều gia đình dù báo với trạm y tế phường/xã nhưng chưa được quản lý hết nên họ thiếu hướng dẫn, tự tìm đơn thuốc trên mạng, thậm chí “nghe ai mách gì uống nấy”. Thậm chí, có những loại thuốc xách tay từ nước ngoài không rõ thành phần là gì. Có khá nhiều bệnh nhi khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, bố mẹ đã tự ý sử dụng sớm thuốc kháng sinh, kháng viêm có chứa corticoid… Bác sĩ Giang khẳng định: “Đây là một sai lầm nguy hiểm”.

Trả lời câu hỏi tiêm vắc-xin có làm giảm biến chứng hậu Covid-19 hay không? TS Trần Văn Giang khẳng định: Để phòng Covid-19 tốt nhất là tiêm vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin không những làm giảm khả năng nhập viện, tử vong của người bệnh, mà còn giúp những vấn đề hậu Covid-19 nhẹ nhàng hơn. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy cơ tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Để khắc phục tình trạng này, chủ yếu người bệnh phải tự điều chỉnh sinh hoạt để cải thiện.

Thực tế từ các phòng khám hậu Covid-19 cho thấy trẻ thường ít có các triệu chứng hậu Covid-19 hơn người trưởng thành. Thậm chí, nhiều trẻ em đến khám chỉ vì bố mẹ lo lắng. Phần lớn trẻ em khám hậu Covid-19 nhưng không cần chụp, chiếu, lấy máu xét nghiệm vì các em chỉ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt. Sau khi cân nhắc lợi ích – nguy cơ thì bác sĩ cho rằng không cần phải lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu, chỉ dặn bố mẹ theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.

Với hội chứng MIS-C, TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Những trẻ mắc hội chứng này sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch và có thể tử vong nếu không được xác định, điều trị sớm. Bệnh khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tương tự khác. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.

PGS, TS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu rõ, tuy nhiều người gặp các triệu chứng hậu Covid-19 nhưng không có nghĩa tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ bốn tuần, tám tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu Covid-19. (Nhân dân, trang 5)

 

Để dùng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19, F0 cần phải biết những điều này

Ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, cùng đó số F0 điều trị tại nhà cũng tăng lên, nhiều người trong số này đã tìm mua thuốc Molnupiravir để ‘dự phòng’ hoặc sử dụng. Tuy nhiên, để dùng thuốc an toàn, F0 cần phải biết những thông tin sau:

Đối tượng nào dùng Molnupiravir?

Theo cập nhật hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Thời gian sử dụng Molnupiravir

Thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.

Riêng bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.

Những đối tượng cần lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir

– Phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

– Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

– Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều molnupiravir cuối cùng…

5 “KHÔNG” cần nhớ liên quan đến thuốc Molnupiravir
– Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
– Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
– Không sử dụng Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc.
– Người dân không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
– Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

Bộ Y tế: Tăng cường kiểm tra niêm yết giá thuốc điều trị COVID-19, xử nghiêm vi phạm

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý.
Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Công văn được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị COVID-19.

Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Bộ đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.

Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.

“Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý” – Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định” – công văn nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị COVID-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT thế nào?

Người bệnh có thẻ BHYT đã thực hiện được việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VENID…
BHXH Việt Nam vừa hướng dẫn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Trước đó, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Để hướng dẫn thực hiện triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT, tại công văn số 533/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH tỉnh), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT triển khai thực hiện Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế và hướng dẫn việc triển khai thí điểm nội dung này với một số nội dung cụ thể như sau:

Truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD gắn chíp khi đi KCB trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở KCB để người dân dễ tiếp cận nhất.

Do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện cần lưu ý người bệnh đi KCB lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID – BHXH số.

Trường hợp người bệnh BHYT đã thực hiện được việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc qua ứng dụng VENID.

Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ BHYT thực hiện việc KCB theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB).

Thông báo và cung cấp tới các cơ sở KCB BHYT tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chíp. Cụ thể, tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn (quét mã vạch/nhập trực tiếp).

Tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).

Hỗ trợ kịp thời cho cơ sở KCB BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng CCCD gắn chíp khi đi KCB BHYT. Đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở KCB để không xảy ra hiện tượng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL quốc gia về dân cư.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, có thể thấy, việc Bộ Công an, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục KCB BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục KCB được tiết giảm tối đa.

BHXH Việt Nam cho biết, để triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở KCB tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, khi các cơ sở KCB tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở KCB. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7)

 

Cấp bách đưa kit test COVID-19 vào bình ổn giá

Cơ sở pháp lý cho việc đưa kit test COVID-19 vào diện bình ổn giá đã có mà không phải đợi.

Giá kit test “nhảy múa” và người dân đang chịu gánh nặng về chi phí này. Các cơ quan chức năng và đặc biệt là Quốc hội (QH) đã cho phép Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Tuy nhiên đến nay, giá kit test vẫn nhảy múa và người dân phải cắn răng chịu chi phí này. Vì sao có việc này?

Chưa trình Chính phủ bình ổn giá kit test là khó hiểu

Theo TS Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng bộ môn Luật kinh tế, Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện khung pháp luật cho vấn đề trên tương đối đầy đủ. Luật Giá 2012 trao quyền cho Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH mở rộng phạm vi hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo tờ trình của Chính phủ, thêm vào đó là Nghị quyết 12/2021 của UBTVQH và các nghị định 177/2013, 149/2016, 98/2021.

Tuy nhiên, ở Điều 7 Nghị quyết 12/2021 nêu: “Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá”.

Hiểu theo quy định trên thì cần có văn bản của Chính phủ quy định kit test COVID-19 thuộc diện bình ổn giá và xác định thẩm quyền của Bộ Y tế đối với bình ổn giá kit test này.

Tức điều kiện cần là Chính phủ phải ban hành văn bản xác định rõ nội dung kit test COVID-19 thuộc mặt hàng trang thiết bị y tế phải bình ổn giá và xác định thẩm quyền của Bộ Y tế trong công tác này.

Bộ Y tế cũng cần ban hành thông tư mới thực thi Nghị định 98/2021, trong đó phân loại rõ kit test COVID-19 thuộc trang thiết bị y tế nào.

Có thể khẳng định cơ sở pháp lý hiện đã tương đối đủ, chỉ cần tháo nút thắt nêu trên là được.

Hiện đang là tháng 3, tức đã qua tháng thứ ba thực hiện Nghị quyết 12 và Nghị định 98/2021 nhưng Bộ Y tế, Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ ban hành văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết 12 bình ổn giá kit test là khó hiểu, khiến việc thực hiện Nghị quyết 12 còn nằm trên lý thuyết.

Bình ổn giá kit test là nhu cầu cấp thiết

Tương tự, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho là đã có đủ căn cứ pháp lý. Ông nêu: Theo Luật Giá 2012 thì “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 điều này, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định”. Ngày 30-12-2021, UBTVQH có Nghị quyết 12, đồng ý bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Vì vậy, Chính phủ hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để bổ sung kit test vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Việc trì hoãn áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với dụng cụ thiết yếu này không chỉ gây thêm khó khăn cho đời sống người dân vốn đã khốn khó vì đại dịch mà còn chưa tương thích với chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ đã đề ra.

Với tư cách là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ trong hoạt động này, Bộ Y tế cần đáp ứng yêu cầu hết sức chính đáng này của người dân.

Cần mức giá trần về kit test

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, kit test COVID-19 là mặt hàng tác động và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của người dân rất lớn, lợi dụng tình hình đó, nhiều thương nhân đã đẩy giá lên cao. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc.

“Nhà nước cần quản lý, phải xem xét từng loại kit test về nguồn gốc, xuất xứ… để có thể quy định mức giá trần. Điều này vẫn tạo ra sự cạnh tranh nhưng không được vượt quá mức giá cho phép” – ông Long nói.

Theo ông Long, việc tra cứu về thông tin các mặt hàng, giá rất cụ thể, không quá khó khăn. Bởi nếu là hàng nhập khẩu đều phải thông qua hải quan.

Bên cạnh đó, việc quản lý giá phải gắn với chất lượng, các cửa hàng kinh doanh phải niêm yết giá công khai, điều này hết sức quan trọng với tình hình hiện nay. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay đối với những cửa hàng bán sai quy định.

Ngoài phạt tiền, đơn vị quản lý có thể rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với cửa hàng đó. (Nông thôn ngày nay, trang 2+3)

 

F0 tăng mạnh: Dân đổ xô mua kit test nhanh, máy đo SpO2, nhưng “mù mờ” loại cấp phép

Số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành tăng mạnh khiến các sản phẩm kit test nhanh, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 trở nên khan hiếm, bị đẩy giá kiếm lời và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá kit test nhanh Covid-19, máy đo SpO2 “tăng theo F0”

Số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, dẫn theo nhu cầu về kit test xét nghiệm nhanh Covid-19 và một số vật tư y tế cũng tăng. Tại các hiệu thuốc ở Hà Nội hoạt động mua bán thuốc, các vật tư y tế luôn rầm rộ, nhộn nhịp.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, các loại kit test nhanh và máy đo SpO2 trên thị trường đang tăng giá đồng loạt, thậm chí nhiều nơi thông báo hết hàng, không đủ hàng bán cho người sử dụng. Nhiều cửa hàng khách xếp hàng chờ đến lượt mua. Cũng chính vì vậy không ít cửa hàng loạn giá, mỗi nơi một kiểu…

Tại một số nhà thuốc Khu đô thị HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội – nơi có khoảng hơn 30.000 người dân sinh sống, qua khảo sát của PV Dân Việt, tại hiệu thuốc T.M. mấy ngày vừa qua kit test xét nghiệm cháy hàng.

Nhiều người đến tìm mua nhưng liên tục nhận được cái lắc đầu từ phía nhân viên nhà thuốc. Đối với máy đo SpO2 được bán với giá 410.000 đồng/chiếc xuất xứ Trung Quốc, nhân viên cho biết cháy hàng từ nhiều ngày nay…

Cách đó không xa, một hiệu thuốc khác bán bộ kit test xuất xứ Trung Quốc với giá 75.000 đồng/bộ. Tương tự nếu như bộ máy SpO2 tại cửa hàng T.M bán với giá 410.000 đồng thì tại đây bộ tương tự được bán với giá 520.000 đồng.

Tại nhà thuốc P.M thì bán 105.000 đồng bộ kit test của Hàn Quốc. Máy đo SpO2 ở đây có giá 638.000 đồng.

Tại nhà thuốc L.V. trên đường Giải Phóng bộ kit test nhanh được bán với giá 75.000 đồng/bộ. Nhưng cạnh đó một đoạn, khách mua lẻ được bán với giá 100.00 đồng. “Loại này trước đây chỉ có vài chục nghìn đồng/chiếc nhưng giờ nhu cầu sử dụng tăng nên tăng giá theo, anh mua đi hàng chính hãng nên yên tâm”, nữ nhân viên nhà thuốc mời chào.

Khi chúng tôi hỏi về giá máy đo SpO2, nữ nhân viên nhà thuốc cho biết, loại của Hàn Quốc đã cháy hàng, chỉ còn loại của Trung Quốc, trong đó có chiếc 680.000 đồng và loại 480.000 đồng.

Thị trường online cũng nhộn nhịp, loạn giá

Không chỉ riêng gì những nhà thuốc, cửa hàng dược phẩm, thiết bị y tế có địa chỉ kinh doanh cố định mà “chợ” thuốc online trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng nhộn nhịp. Tuy nhiên, về chất lượng và nguồn thuốc như thế nào thì vẫn là câu hỏi lớn đối với đa số khách hàng.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn S. (27 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thấy tình trạng F0 ngày một nhiều, anh luôn thủ sẵn vài bộ kit test nhanh Covid-19 trong nhà.

“Nếu như cách đây ít ngày tôi mua bộ chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng thì nhà thuốc bán với giá 95.000 đồng/chiếc. Thấy giá bán tăng cao, tôi tìm vào các nhóm bán hàng trên mạng xã hội đặt mua hàng. Tuy nhiên, giá thì cũng không rẻ hơn mấy so với ngoài các nhà thuốc và chất lượng thì cũng không biết thế nào”, anh S. nói.

Chỉ cần vào Google hay các trang mạng xã hội (điển hình như facebook), search từ khoá “kit test” hay “test nhanh Covid-19”.., trong vòng vài giây có thể cho ra hàng trăm kết quả, cả chục nhóm bán hàng về kit test với đủ giá khác nhau kèm theo những lời quảng cáo rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi khách hàng đặt mua, chủ hàng liền có những phản hồi như: “Sau khi kiểm tra đơn hàng đang hết, khách có nhu cầu phải chờ”. Đặc biệt, với lý do khan hàng nên giá cũng được nâng lên.

Trong vai một người mua hàng, khi phóng viên vào một số tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo đặt hàng thì nhận được những lời “quảng cáo” hấp dẫn của các tài khoản giao bán kit test hay máy SpO2,…

Những người bán hàng khẳng định, hàng được nhập từ nước ngoài về, độ chính xác cao. Chẳng hạn như kit test nhanh của Pháp cho kết quả chính xác lên đến 99%. Do vậy, giá cũng không kém gì so với giá mà phóng viên đã khảo sát từ các cửa hàng thiết bị y tế, nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, các dòng máy SpO2 cũng có sự khác nhau về giá cả. Có những dòng được rao bán với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng, nhưng những chiếc máy này khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ đều không đưa ra được giấy tờ rõ ràng, cũng không đảm bảo được về độ chính xác khi sử dụng trong khám chữa bệnh.

Mỗi nhà thuốc một giá kit test, máy đo SpO2 khác nhau. Cùng một mặt hàng nhưng giá cũng chênh lệch rõ rệt. Thậm chí người dân cũng không để ý tới nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Lê Thị T. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cả gia đình chị hiện có 3 trường hợp đang là F0. Chị T. vội ra nhà thuốc mua que test và máy đo SpO2.

“Tôi tham khảo mỗi nơi một giá khác nhau. Bản thân tôi cũng lúng túng không biết loại nào tốt, không biết những loại đó có được cấp phép hay không. Chính vì vậy tôi cứ chọn cửa hàng lớn để mua thay vì những nhà thuốc nhỏ”, chị T. chia sẻ.

Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nơi đã tăng giá test nhanh, máy đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu). Thậm chí nhiều người dân gặp khó trong việc mua kit test hay máy SpO2 khi người bán báo khan hàng.

Ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế. Vụ đang báo cáo lãnh đạo Bộ, đồng thời làm việc với các bộ, ngành để đảm bảo khả năng cung ứng vật tư y tế. Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế sẽ thông tin cụ thể sau.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. (Nông thôn ngày nay, trang 2+3).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 14/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/6/2021

CDC Hà Nam