Điểm báo ngày 12/7/2022

(CDC Hà Nam)
Hàng loạt ca bệnh viêm hoại tử vùng sọ – mặt hậu Covid-19; PGS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế, đừng lo ngại về phản ứng phụ của vaccine; Hàng loạt ca bệnh viêm hoại tử vùng sọ – mặt hậu Covid-19; Hoàn thiện mạng lưới y tế học đường; …

 

Hoàn thiện mạng lưới y tế học đường

Nhân viên y tế học đường có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe học sinh, với nhiều phần việc như phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính; sơ cứu tai nạn thương tích; truyền thông-giáo dục, tư vấn tâm lý, phòng, chống bạo lực học đường; hoạch định chính sách dinh dưỡng hợp lý cho học sinh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học…

Hiện, nhân viên y tế trong trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh thiếu về số lượng và chưa đạt chuẩn theo quy định. Theo thống kê, toàn thành phố có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị trường học có nhân viên y tế có chuyên môn, chiếm tỷ lệ hơn 56%. Còn lại khoảng 44% số cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách, hoặc giáo viên vừa làm chuyên môn, vừa kiêm nhiệm.

Lực lượng này không những được bổ sung mà còn giảm bớt do chế độ, chính sách chưa thu hút được nhân viên y tế đến với trường học, gây khó cho các trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho học sinh.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, nhiều trường học tại thành phố gặp lúng túng khi triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như tư vấn tâm lý cho học sinh. Khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, công tác tư vấn tâm lý hậu Covid-19 cho học sinh cũng gặp khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nhân viên y tế trong trường học. Theo quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên, trong khi họ lại không được quy định có biên chế “cứng”. Bốn vị trí gồm: Văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trong trường học nhưng chỉ có ba biên chế. Nhiều trường dành biên chế cho ba vị trí việc làm kia, còn vị trí y tế học đường chỉ kiêm nhiệm. Công việc của nhân viên y tế học đường nhiều áp lực, trách nhiệm cao nhưng đãi ngộ chưa tương xứng. Họ cũng ít có cơ hội học tập nâng cao trình độ, chia sẻ kinh nghiệm trong ngành nghề của mình…

Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của kế hoạch nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục. Qua đó, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục.

Phấn đấu đến năm 2025, tất cả trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường nhiều cấp học trên địa bàn thành phố có nhân viên y tế chuyên trách và có chuyên môn y tế đúng theo quy định; toàn bộ trung tâm y tế cấp quận, trạm y tế cấp phường có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học…

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu nêu trên, thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Nhân viên y tế trường học phải được đào tạo chuyên nghiệp. Quan trọng hơn là cơ quan chức năng cần sớm giải quyết bài toán biên chế để nhân viên y tế có vị trí chính thức trong trường học, yên tâm làm việc, cống hiến… (Nhân dân, trang TPHCM).

 

Hàng loạt ca bệnh viêm hoại tử vùng sọ – mặt hậu Covid-19

Ngày 11.7, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về hàng loạt bệnh nhân viêm hoại tử nặng xương vùng sọ – mặt, viêm xoang trên bệnh nhân hậu Covid-19 trong 2 tháng gần đây và đã có 2 ca tử vong rất nhanh.

Diễn tiến nặng và tử vong nhanh

Bác sĩ Trần Văn Bích, Phó khoa Tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết tất cả bệnh nhân (BN) nhập viện đều có triệu chứng giống nhau như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt và đều có tiền căn nhiễm Covid-19. Có những BN đã được điều trị trước bằng phẫu thuật và kháng sinh ở BV khác. Khi vào BV Chợ Rẫy thì các BN diễn tiến bệnh nặng và kết quả chụp CT-Scanner, MRI cho thấy có tổn thương lan rộng xoang, sọ, hàm, mặt. Chẩn đoán 11 ca với tình trạng viêm xoang, viêm hoại tử vùng hàm mặt và xương sọ do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng, trong đó có 2 ca tử vong, 6 ca điều trị nội khoa ban đầu, đã xuất viện hẹn tái khám. Có ca được mổ gấp để loại bỏ xương hàm, mặt, sọ bị hoại tử nếu không thì nguy cơ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc và suy tạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang – Phó khoa Ngoại thần kinh (BV Chợ Rẫy), những ca đầu tiên đến BV sau khi điều trị xong ổn định thì về, khi quay lại thì bệnh nặng, tử vong. BV tổ chức nhiều cuộc họp hội chẩn sau đó thống nhất mổ sớm để giải quyết tình trạng viêm nhiễm cho BN. Khi lấy ổ viêm nhiễm, xương viêm và điều trị kháng sinh gần như triệt để thì tình trạng BN cải thiện tốt, tình trạng viêm dừng lại; bước đầu thấy thành công nhưng sẽ còn theo dõi trong thời gian dài từ 3 – 6 tháng.

PGS-TS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, người chỉ huy điều trị các BN trên, cho biết thêm các BN nhìn bình thường nhưng xương bên trong mặt hoại tử hết và tử vong nhanh. “Có nữ BN hàm răng đẹp, chuẩn nhưng phải nhổ bỏ vì xương hàm đã hoại tử. Bác sĩ không ngờ bệnh diễn tiến nhanh đến như vậy”, PGS-TS Trần Minh Trường nói.

Những triệu chứng gợi ý của bệnh

PGS-TS Trần Minh Trường đã nêu những dấu hiệu nhận biết các ca bệnh trên. Đầu tiên là đau rất nhiều ở vùng đầu, mặt, răng, khẩu cái trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19 và tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm và đi khám thì được chẩn đoán là viêm xoang. Thứ đến, các biểu hiện lâm sàng khi khám bệnh là sưng viêm mi mắt; sưng vùng sọ trán; hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái (khó nhai); hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ. Những BN cần can thiệp nhiều chuyên khoa, đặc biệt là phẫu thuật thần kinh và hồi sức.

Y văn thế giới ghi nhận từ tháng 5.2021 đến nay có khoảng 80 báo cáo về tình trạng các BN giống hệt như các BN nói trên, xuất hiện ở một số nước châu Âu, Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ. Xảy ra chủ yếu trên BN có đái tháo đường, có dùng thuốc Corticoid và hậu Covid-19, cũng không có bệnh lý tai mũi họng, răng hàm mặt trước đó. Thế giới cũng đặt ra vấn đề bệnh cốt tủy viêm xương sọ – mặt với các trường hợp trên. “Bệnh cốt tủy viêm hàm mặt thường xảy ra ở xương hàm trên, khẩu cái và hóc mũi. Cốt tủy viêm xương nền sọ xảy ra ở xương bướm, xương chẩm, xương thái dương và xương trán. Bệnh cốt tủy viêm xương (osteomyelitis) sọ mặt là một tình trạng bệnh lý nặng, hiếm gặp, thường có nguồn gốc từ những ổ viêm nhiễm mãn tính như viêm tai xương chũm, sâu răng, viêm xoang. Đặc biệt, xảy ra trên những BN có cơ địa đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…”, PGS-TS Trần Minh Trường phân tích.

Cũng theo PGS-TS Trần Minh Trường, hiện chưa có khuyến cáo của Bộ Y tế về phác đồ điều trị các ca bệnh này. Trong điều trị tại BV Chợ Rẫy, ban đầu là phẫu thuật lấy hết xương viêm, hoại tử tối đa; sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm; chụp CT-Scanner những trường hợp gợi ý.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, cho rằng hiện chưa có bằng chứng nào nói những ca bệnh trên nguyên nhân là do Covid-19. Nhưng qua thực tiễn điều trị các chuyên gia lâm sàng nghĩ có liên quan Covid-19. Do đó, BN hậu Covid-19 sau 6 – 8 tháng mà đau đầu kéo dài thì nên đi kiểm tra bằng chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra. (Thanh niên, trang 22).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “Hậu Covid-19: Bất thường bệnh chết xương”; Công an Nhân dân, trang 4: “Nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 bị hoại tử, tiêu xương vùng mặt”.

 

Cẩn trọng với dịch vụ mang thai hộ

Lợi dụng khát khao được làm bố, mẹ của các gia đình hiếm muộn, nhiều đối tượng đã dụ dỗ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để mang thai hộ. Mặc dù hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đã bị pháp luật hiện hành cấm hoàn toàn, nhưng trong quá trình trinh sát, các lực lượng của Công an thành phố Hà Nội vẫn phát hiện nhiều đường dây môi giới mang thai hộ. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với dịch vụ phi pháp này.

Bị triệt phá vẫn hoạt động sôi nổi

Năm 2021, Công an quận Long Biên đã triệt phá đường dây Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại do Hoàng Huệ Tâm (ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cầm đầu. Quá trình điều tra, Tâm khai nhận, mỗi phi vụ trót lọt được hưởng lợi 100-200 triệu đồng. Người mang thai hộ hưởng 200-500 triệu đồng.

Tương tự, trong tháng 6-2022, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện đường dây mang thai hộ do Đinh Thị Bình, trú tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) cầm đầu. Mỗi hợp đồng các đối tượng thỏa thuận giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, gồm cả tiền hợp đồng cấy tạo phôi, chăm sóc người mang thai hộ. Từ tháng 5-2021 đến tháng 4-2022, đường dây của Bình đã môi giới trót lọt 8 vụ, thu khoảng 6 tỷ đồng.

Mặc dù, lực lượng công an đã vào cuộc và triệt phá nhiều vụ vi phạm, tuy nhiên, hoạt động mang thai hộ vẫn diễn ra khá sôi động, nhiều người còn công khai quảng cáo mang thai hộ, đẻ thuê trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook…

Tài khoản Facebook tên No Change thường xuyên đăng tải trên các hội, nhóm với nội dung tìm kiếm các bạn nữ 18-25 tuổi để hiến trứng, đẻ thuê tại Hà Nội. Trong vai người đi nhờ mang thai hộ, phóng viên đã nhắn tin cho tài khoản No Change thì được trả lời ngay về giá hiến trứng, mang thai nếu sinh mổ là 280 triệu đồng, sinh thường là 300 triệu đồng. Sau khi phóng viên gửi ảnh và thông tin cá nhân cho tài khoản No Change, đối tượng này đã hỏi ngày có thể lấy trứng, cho số điện thoại số 096.7044.xxx và hẹn thời gian gặp để thực hiện giao dịch…

Thông qua các giao dịch cho thấy, người môi giới xuất hiện tại nhiều hội, nhóm, đổi tên tài khoản nhưng để đăng cùng nội dung tìm kiếm nguồn mang thai hộ. Đơn cử, tài khoản Mi Mi núp bóng dưới nhiều tên khác như: Nguyễn My, Huyền My để tìm kiếm người mang thai hộ trên khoảng 10 hội, nhóm. Giá một lần hiến trứng được Mi Mi trả 20-25 triệu đồng tùy bệnh viện, còn mang thai hộ thì dao động 250-300 triệu đồng, tùy sinh mổ hay sinh thường.

Tăng cường ngăn chặn hành vi vi phạm

Về vấn đề này, chuyên gia tội phạm học, Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) nhận định, đây là loại tội phạm rất khó phát hiện, đấu tranh. Các đối tượng thường móc nối với nhân viên tại một số cơ sở y tế để thực hiện hành vi mang thai hộ trong một đường dây khép kín. Từ khâu dụ dỗ, tiếp cận, cấy ghép phôi, noãn đều được các đối tượng cấu kết với nhau một cách chặt chẽ. Đặc biệt, các đối tượng đều làm giả các giấy tờ, tài liệu, biến việc mang thai hộ thành hoạt động vì mục đích nhân đạo để thực hiện các thủ thuật cấy ghép tại các bệnh viện…

Từ thực tế nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ bị triệt phá, các cơ quan chức năng đã kiến nghị có những quy định, quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và ngành Y tế để trao đổi thông tin. Khi có những nghi ngờ về hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại thì cán bộ y tế và công an sẽ có sự trao đổi thông tin để cùng nhau xác minh, phát hiện và ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật này.

Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, do pháp luật Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng vẫn còn kẽ hở nên các đối tượng đã lợi dụng để trục lợi. Do đó, ngoài việc sửa đổi, hoàn thiện công cụ pháp lý, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến người dân. Các cơ sở y tế chuyên ngành cần tìm hiểu thông tin và xác minh kỹ hơn nữa khi tiếp nhận hồ sơ mang thai hộ và nhận mang thai hộ.

Còn Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với hành vi môi giới, dụ dỗ người khác thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại. Luật cũng cần hoàn thiện những điều khoản chi tiết để xử lý nghiêm tội phạm lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để làm những việc trái luân thường đạo lý này.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có quy định về mang thai hộ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp để thực hiện “chui”. Tham gia hoạt động này, người thuê đã vi phạm pháp luật. Người mang thai hộ cũng sẽ gặp rủi ro lớn vì không được pháp luật bảo vệ quyền lợi, nên khi xảy ra tai biến sản khoa hoặc tranh chấp với người thuê, họ sẽ gặp thiệt thòi đầu tiên. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Người dân tiêm vắc xin tăng vọt

Số người đi tiêm vắc xin COVID-19 trong những ngày gần đây tại TP.HCM tăng cao, ngày cao điểm lên tới 76.000 người, trong khi những ngày trước đó chỉ có 4.000 – 8.000 người/ngày.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 11-7, nhiều điểm tiêm vắc xin cộng đồng tại TP.HCM như Trạm y tế phường 14 (quận 11), Trạm y tế phường Thạnh Xuân (quận 12), Trung tâm y tế quận Bình Thạnh… rất đông người dân đến tiêm vắc xin. Đa số người dân đến tiêm vắc xin mũi 3, 4.

Số người đi tiêm tăng nhanh

Tại điểm tiêm phường 14 (quận 11) đa số là người lớn tuổi được gia đình đưa đến để tiêm vắc xin mũi 3, 4. Trung bình cứ 5 phút có khoảng 5 – 7 người đến đăng ký tiêm. Hơn 7h sáng vợ chồng bà N.T.M. (67 tuổi, quận 11) đã tranh thủ đến trạm y tế sớm.

8h vợ chồng bà M. đã được tiêm vắc xin mũi 4. “Khi nghe thông tin về sự xuất hiện của biến chủng mới BA.4, BA.5 tôi rất lo lắng. Do đó hai vợ chồng liền đi tiêm mũi 4 để bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh”, bà M. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Ngô Phi Anh, trưởng Trạm y tế phường 14 (quận 11), cho biết trong tuần tại trạm tổ chức tiêm đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu. Trước đó người dân chủ quan nên đi tiêm ít, từ khi xuất hiện biến chủng mới thì trung bình trạm tiêm 120 – 180 liều vắc xin/ngày. Các tổ trưởng khu phố đã đến từng hộ kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Vương, trưởng Trạm y tế phường Thạnh Xuân (quận 12), cũng nhận xét: khoảng 2 tuần trở lại đây, số lượng người dân đến trạm tiêm vắc xin mũi 3, 4 tăng lên rất nhanh. Trước đó những ngày đầu phát động đợt cao điểm tiêm vắc xin, số lượng người dân tiêm rất ít.

Nguyên nhân là do người dân lo ngại sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron BA.4, BA.5. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân, trạm y tế đã huy động tất cả nhân sự gồm 7 người với 2 – 3 bàn tiêm từ sáng đến chiều, thậm chí tiêm cả thứ bảy, chủ nhật.

“Trong sáng 11-7, trạm tiêm cho từ 500 – 600 người. Khác với 2 tuần trước đó chỉ có khoảng 200 – 300 người đến tiêm trong một ngày. Chúng tôi được phân bổ đầy đủ nên không lo thiếu vắc xin để tiêm cho người dân. Trong thời gian tới nếu số lượng người dân đến tiêm đông hơn trạm sẽ đề xuất địa phương lập thêm điểm tiêm và hỗ trợ thêm nhân sự”, bác sĩ Vương nói thêm.

Đại diện Phòng y tế quận Phú Nhuận cũng cho biết những ngày gần đây số lượng người dân đến tiêm vắc xin tại các điểm tiêm tăng lên nhiều. Thậm chí có điểm tiêm đón 2.000 – 3.000 người/ngày.

Đủ vắc xin để tiêm

Bác sĩ Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng sở dĩ thời gian gần đây nhiều người dân đã đi tiêm vắc xin là do lo lắng trước sự xuất hiện của biến chủng mới, ngoài ra ngành y tế thành phố cũng đã tuyên truyền cho người dân về những lợi ích của việc chích ngừa vắc xin, công bố tất cả những điểm tiêm trên trang web của HCDC…

Bên cạnh đó những băn khoăn của người dân về tiêm vắc xin đều đã được giải đáp bởi các chuyên gia và đều được đăng tải trên trang web của HCDC. Nhiều người dân đã thấy an tâm hơn, hiểu được lợi ích của vắc xin nên đã đi tiêm.

Cũng theo bà Nga, tính đến ngày 11-7, thành phố vẫn còn hơn 600.000 liều các loại vắc xin COVID-19 để tiêm cho người dân và vắc xin cũng sẽ được cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của người dân muốn tiêm chủng. Hiện nay một ngày tại TP.HCM có rất nhiều điểm tiêm vắc xin đặt tại các bệnh viện, các trạm y tế và một số điểm tiêm ngoài cộng đồng.

Danh sách các điểm tiêm, đối tượng tiêm cũng được cập nhật hằng ngày trên trang web của HCDC. Do đó người dân có thể truy cập và chỉ cần mang theo căn cước công dân đến các điểm tiêm sẽ được tiêm vắc xin.

Bà Nga khuyến cáo hiện nay COVID-19 đã xuất hiện biến chủng mới. Do đó người dân cần mang khẩu trang, vệ sinh tay và đi tiêm vắc xin để phòng ngừa biến chủng mới này.

Bộ Y tế yêu cầu giao chỉ tiêu tiêm chủng đến tận cấp xã

Trong những ngày qua, Bộ Y tế liên tục có văn bản đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế đề nghị các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Trong đó Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo việc người dân còn lơ là, chủ quan, không tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

“Bộ Y tế đề nghị các đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người dân”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo thống kê của Cổng tiêm chủng quốc gia, ngày 22 và 27-6 cả nước triển khai tiêm chủng hơn 1 triệu mũi tiêm, đây cũng là số lượng mũi tiêm cao nhất trong tháng 6. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo số liệu mũi tiêm liên tục giảm mạnh, thấp nhất là ngày 3-7 chỉ tiêm được 66.330 mũi tiêm.

Một tuần trở lại đây, số lượng mũi tiêm đã tăng nhẹ, ổn định ở mức trung bình hơn 300.000 mũi/ngày. (Tuổi trẻ, trang 1).

 

Đẩy mạnh vận động, gia tăng điểm tiêm

Nhiều người dân tại Hà Nội và các tỉnh miền Tây đã trở lại điểm tiêm chủng vắc xin. Bộ Y tế ghi nhận lượng người đi tiêm vắc xin cũng tăng lên.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào sáng 11-7 tại điểm tiêm chủng phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) khá đông người dân xếp hàng chờ lượt tiêm vắc xin COVID-19. Đến 10h sáng, điểm tiêm chủng đã tiến hành tiêm mũi 3, 4 cho hơn 200 người dân.

Vận động từ khu phố

Chị Phương Thanh (22 tuổi, quận Hà Đông) được tổ dân phố thông báo lịch tiêm và đã có mặt tại điểm tiêm chủng từ sớm.

Chị Thanh cho biết chị đã tiêm 3 mũi, hôm nay là mũi tiêm thứ 4. “Nghe thông tin có biến chủng COVID-19 mới gây lây lan nhanh hơn nên tôi cũng khá lo lắng, tiêm phòng như vậy cũng an tâm hơn khi đi ra ngoài nhiều”, chị Thanh nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hoan (74 tuổi, quận Hà Đông) ngồi chờ theo dõi sau tiêm chia sẻ cả nhà chưa ai mắc COVID-19 và hy vọng mũi tiêm bổ sung sẽ giúp cả nhà “tránh” được bệnh. “Tôi tiêm mũi thứ 4 rồi, phản ứng sau tiêm cũng chỉ đau chỗ tiêm một chút không đáng ngại”, bà Hoan nói.

Đại diện Trạm y tế phường Quang Trung cho biết hai tuần trở lại đây lượng người dân đến tiêm chủng đã tăng đáng kể so với tháng trước. “Chúng tôi vận động từ cán bộ ban phòng chống dịch của khu phố cho đến người dân.

Đồng thời rà soát các đối tượng có đủ điều kiện tiêm chủng, nhắn tin đến từng người dân nhắc lịch tiêm. Tháng trước mỗi ngày tổ chức tiểm chủng chúng tôi chỉ tiêm được 100 – 200 mũi thì bắt đầu từ tháng này đã tăng lên rõ rệt. Người dân đến tiêm chủng trong những ngày qua tăng 100 – 150% so với trước đó”.

Lý giải nguyên nhân người dân trở lại với điểm tiêm chủng, cán bộ Trạm y tế phường Quang Trung nhận định ngoài việc vận động bằng nhiều hình thức, qua các kênh tuyên truyền từ tổ dân phố, việc xuất hiện biến chủng mới cũng khiến người dân lo lắng nên đi tiêm theo lịch.

Bên cạnh đó đến tháng 7 nhiều người dân đã đủ điều kiện tiêm chủng (sau mắc COVID-19 ba tháng) nên số lượng tiêm chủng dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Đại diện CDC Hà Nội thông tin thêm bắt đầu từ tuần này Hà Nội “tăng tốc” để bao phủ vắc xin mũi 3, 4 cho đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng. Vị này nói thêm:

“Chúng tôi đã đề nghị tất cả các ban, ngành vào cuộc để cùng tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng thuận lợi nhất, khuyến khích người dân đến điểm tiêm chủng theo lịch. Mục tiêu là tháng 7 sẽ tiêm mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi đủ điều kiện, tiêm mũi nhắc lại cho trẻ 12 – 18 tuổi, để đạt mức độ bao phủ vắc xin cao nhất trước biến chủng COVID-19 mới có nguy cơ lây lan mạnh hơn”.

Tăng thêm điểm tiêm ở các xã phường

Mới đây UBND thành phố Cần Thơ đã có công văn phân bổ 65.100 liều vắc xin Moderna cho 10 đơn vị, gồm các quận huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và CDC để tổ chức tiêm chủng mũi 3, 4 cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Nhân Nghĩa, phó trưởng phòng kế hoạch – nghiệp vụ CDC Cần Thơ, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tiêm nhanh chóng cho người dân, CDC đã bố trí điểm tiêm vắc xin trải đều tất cả xã phường, các trạm y tế xã phường, trung tâm y tế quận huyện và tại CDC đều có tổ chức tiêm chủng cho người dân”.

Tại An Giang, theo Sở Y tế tỉnh này, khoảng 1, 2 tuần gần đây lượng người đến đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã tăng lên. Hiện nay vắc xin không thiếu, người dân liên hệ các trạm y tế sẽ được tiêm vắc xin nhanh chóng hoặc đến tiêm tại CDC tỉnh.

Tại Đồng Tháp, ông Dương Ân Hận, phó giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp, cũng nhận xét gần đây người dân đã chủ động đi tiêm vắc xin mũi 3, 4 đông hơn, tiến độ tiêm khả quan hơn trước.

“Sắp tới chúng tôi tiếp tục vận động ngành giáo dục hỗ trợ trong việc tiêm cho học sinh, tuyên truyền cho người dân đến tiêm mũi 3, 4 trước nguy cơ biến thể mới xâm nhập vào Việt Nam. Kế hoạch tiêm vắc xin đã được gửi về các huyện thị, người dân có thể đến trạm y tế xã, bệnh viện hoặc CDC tỉnh để được tiêm vắc xin”, ông Hận nói. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Yêu cầu báo cáo Thủ tướng về các giải pháp nhân lực y tế trước ngày 30/7

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đối với nội dung thuộc lĩnh vực y tế và có giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực y tế.

Theo đó, Bộ Y tế khẩn trương tổ chức các nhiệm vụ được giao và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ; hoàn thiện các danh mục dự án của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước ngày 30/7.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP khẩn trương rà soát, tổng hợp về số nhân lực ngành Y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập từ đầu năm 2021 đến nay.

Bộ Y tế chủ động có giải pháp theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền để có giải pháp đảm bảo đủ nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/7. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

Phát hiện thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg giả khó phân biệt với thuốc thật

Theo Cục Quản lý Dược, cơ quan chức năng tại Hà Giang, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang phát hiện lô thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg không đạt chất lượng, không có hoạt chất kháng sinh.

Cụ thể, Trung tâm kiểm nghiệm Hà Giang lấy mẫu thuốc Viên nén bao phim Cefuroxim 500mg, SĐK: VD-31978-19, lô SX: 3490621, NSX: 010621, HD: 010624; cơ sở sản xuất ghi trên nhãn: Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương. Mẫu thuốc được lấy tại một cửa hàng ở huyện Bắc Quang.

Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh cũng báo cáo về mẫu sản phẩm trên nhãn ghi như trên, chỉ khác lô sản xuất (5241121), ngày sản xuất (301121) và hạn dùng (301124). Mẫu do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Tiền Giang lấy tại Quầy thuốc số 28 xã Tân Hương, Châu Thành. Cả hai mẫu được lấy tại Bắc Quang (Hà Giang) và Châu Thành (Tiền Giang) đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng, cụ thể là không có hoạt chất.

Đối chiếu các ghi nhận này với báo cáo của công ty sản xuất (trụ sở tại Bình Dương), Cục Quản lý Dược nhận thấy mẫu thuốc giả và thuốc thật khác nhau không rõ ràng, chỉ phân biệt được khi đặt cạnh nhau.

Vì vậy, Cục Quản lý Dược có thông báo gửi Sở Y tế các địa phương về mẫu thuốc Cefuroxim 500mg giả, đồng thời yêu cầu thu hồi ngay 2 lô thuốc này để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Công tác thu hồi tiến hành trong 18 ngày. Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương phải gửi thông báo tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc về việc thu hồi 2 lô thuốc trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc nêu trên. Sở Y tế Bình Dương kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc do trụ sở công ty sản xuất thuốc đóng tại tỉnh này.

Cefuroxim 500mg thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa…

Sở Y tế các địa phương, Y tế các ngành cần thông báo cho các cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc về việc thu hồi, không tiếp tục sử dụng, trả lại cho đơn vị cung cấp đối với 2 lô thuốc nêu trên. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

Thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết ở TP Hồ Chí Minh

Thông tin do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết vào sáng 11/7. Số ca SXH tiếp tục có xu hướng gia tăng trong tuần 27 của năm 2022. Thành phố ghi nhận thêm 143 ổ dịch mới tại 88 phường, xã.

Theo HCDC, từ ngày 1/7/2022 đến 7/7/2022, thành phố ghi nhận 2.834 ca SXH, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 4 tuần trước. Có 2 trường hợp tử vong do SXH tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân. Như vậy số ca tử vong do SXH tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đã là 13 trường hợp.

Từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 24.941 trường hợp mắc SXH, tăng 216,0% với cùng kỳ năm 2021 là 7.893 ca. Số ca SXH nặng là 373 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến tuần 27 là 1,4% (373/24.941) tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (34/7.893). Trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 143 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 88 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện.

Theo khuyến cáo của HCDC, để phòng bệnh SXH, người dân nên dành 10 phút mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc và thực hiện các biện pháp để không có lăng quăng gây bệnh SXH. Không cho muỗi tiếp xúc với nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được. Thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng.

Cho các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực đọng nước để tiêu diệt lăng quăng. Lật úp vật chứa, phá bỏ, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn không để các vật chứa nước bị đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Góp sức giúp đồng bào huyện miền núi

Không chỉ khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, những tình nguyện viên tham gia “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022” còn san sẻ một phần khó khăn cho đồng bào huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) bằng những việc làm cụ thể: xây dựng đường bê tông nông thôn, lắp đặt điện chiếu sáng, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Chăm lo thiết thực

Gần 11 trưa, trời nắng nóng gay gắt cộng thêm gió Lào khô khốc, 40 chiến sĩ thuộc Chi đoàn Công an huyện A Lưới tham gia “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022” mồ hôi nhễ nhại, hè nhau hì hục đẩy những xe rùa chất đầy hỗn hợp vừa đổ ra từ chiếc máy trộn, gắng hoàn thành con đường bê tông nông thôn tại xã Hồng Bắc. Cùng thời điểm, các thầy thuốc trẻ của Bệnh viện Trung ương Huế đang tận tình khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân nghèo ở xã Hồng Bắc.

Bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ, ngay sau lễ ra quân chiến dịch vào sáng 2-7, 22 đoàn viên thanh niên của bệnh viện đã hành quân lên A Lưới, phối hợp Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế và Huyện đoàn A Lưới thực hiện những chương trình thiết thực, ý nghĩa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn A Lưới.

“Trọng tâm chiến dịch là đoàn viên, thanh niên các đơn vị xây dựng tuyến đường bê tông dài 200m, rộng 3-3,5m; tuyến đường “Ánh sáng nông thôn” mới dài 600m; xây dựng hệ thống poster truyền thông trị giá 230 triệu đồng; hỗ trợ vốn cho 7 thanh niên khởi nghiệp… Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế còn phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân và trao 50 suất quà cho các em nhỏ ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới vượt khó đến trường”, bà Lan Hương chia sẻ.

Xây dựng nông thôn mới

Huyện A Lưới nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Thừa Thiên – Huế khoảng 70km về phía Tây. Nơi đây xưa kia là địa bàn đồng bào các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều sống rải rác ở các bản làng sâu tít trên dãy Trường Sơn, gần như tách biệt và ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đây còn là vùng chiến khu bị bom đạn “chà đi xát lại” nhiều lần nên khi hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, núi rừng trơ trọi do chất độc da cam. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong việc hỗ trợ giống – cây trồng, định canh định cư…, bà con đã chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, kể từ khi phát động đến nay, chiến dịch thanh niên tình nguyện đã qua 24 mùa hè, góp phần khẳng định vai trò của thanh niên trong công cuộc từ xóa đói giảm nghèo đến xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đã góp phần giáo dục, hình thành nên một lớp thanh niên các bản làng A Lưới luôn có ý thức trách nhiệm với xã hội; có thái độ tích cực, không ngại khó, ngại khổ và giàu lòng nhân ái.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: “Chiến dịch tình nguyện hè năm nay còn tổ chức tư vấn đưa thanh niên đi lao động ở nước ngoài; tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ, phòng tránh tệ nạn ma túy; tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức trại hè cho thiếu nhi; ngày hội tái sinh rác thải nhựa… Đây là những hoạt động mở màn cho chuỗi hoạt động hè đầy sôi động, thiết thực và hiệu quả của tuổi trẻ 3 đơn vị chính tham gia chiến dịch”.

Ban Thường vụ Huyện đoàn A Lưới còn phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thi Rung chuông vàng cho thiếu nhi A Lưới, hội thi tái chế rác thải nhựa vì một môi trường xanh – sạch – sáng và nhiều hoạt động khác. Qua đó, lan tỏa sâu rộng vào các cấp bộ Đoàn, góp phần đoàn kết tập hợp thanh niên; đồng thời, định hướng lý tưởng sống vì cộng đồng cho thế hệ trẻ. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Biến thể BA.4 và BA.5 xâm nhập: Không chủ quan, mất cảnh giác

Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đã làm số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh trên toàn cầu. Tại Việt Nam đã ghi nhận biến thể phụ này, và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Tốc độ lây lan lên đến 13%

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron với 3 dòng BA.1, BA.2 và BA.3 xuất hiện vào cuối tháng 11-2021 tại Nam Phi, sau đó lan ra toàn cầu. BA.4, BA.5 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 và tháng 2-2022 cũng tại Nam Phi rồi lan dần ra nhiều nước. Trong tuần qua, toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới tăng 18%, số ca tử vong mới tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca mắc và tử vong tương ứng với biến thể BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và với BA.5 là tăng từ 28% lên 43%.

Các chuyên gia đánh giá, biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10%-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến thể Delta trước đó. Mặc dù các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, đặc biệt sau khi đã tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh, nhưng các dữ liệu cho thấy, biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ. Dù chỉ một tỷ lệ nhỏ những người bị mắc các biến thể Omicron cần nhập viện, nhưng nếu một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khả năng gây các biến chứng hậu Covid-19 của các biến thể này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, TPHCM đã công bố phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm dưới 30 ca/ngày).

Biện pháp hiệu quả là vaccine

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine vẫn là biện pháp y tế hiệu quả nhất để ngăn ngừa Covid-19. Vaccine hiệu quả cả trong việc ngăn chặn lây lan dịch lẫn bảo vệ khỏi chuyển nặng và nhập viện; giảm chi phí cho gia đình, xã hội và giảm được công sức, chi phí chăm sóc người bệnh nếu không may mắc Covid-19. Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian, nên các nhà chuyên môn khuyến nghị tất cả mọi người trong nhóm được chỉ định đều phải tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn để bảo đảm có kháng thể cần thiết chống lại virus.

Theo WHO, dù các biến thể phụ hiện nay của Omicron lây lan khá nhanh, nhưng vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine, và nếu không may mắc bệnh thì bệnh không nặng. Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 11-7, cả nước đã tiêm được khoảng 66 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3 và 4. Bộ Y tế khẳng định, với các biến thể phụ của Omicron, việc phòng bệnh từ vaccine vẫn được coi là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Khi biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh, thậm chí “lách” miễn dịch thì việc mắc bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. PGS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; kể cả đối với người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19. Với những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm mũi 3 và mũi 4 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Bởi sau tiêm mũi 3 và mũi 4 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể trong máu, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và ca tử vong.

TPHCM lên kịch bản ứng phó

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngành y tế đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách, với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số; tiếp tục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ. Tất cả các bệnh viện (BV) trên địa bàn hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc Covid-19 có các bệnh lý cấp, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa, đơn vị điều trị Covid-19.

Các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố cùng với các BV trung ương trên địa bàn sẽ là các BV tuyến cuối về điều trị Covid-19. BV dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho BV Bệnh nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng có kế hoạch sẵn sàng mở lại BV dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Nhiều dịch bệnh tăng nhanh bất thường

Thời tiết nắng nóng cộng với điều kiện vệ sinh môi trường không an toàn là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ bùng phát và lan rộng các loại dịch bệnh, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.

Trẻ mắc cúm A tăng cao

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vài tuần trở lại đây số trẻ nhỏ mắc cúm A phải nhập viện điều trị tăng cao bất thường. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp trẻ bị cúm A. Tại một số bệnh viện ở Hà Nội cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A là người lớn. Hiện nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 10 bệnh nhân mắc cúm A trong tình trạng khá nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời điểm này các năm trước dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ xuất hiện sau đó mới đến cúm A nhưng năm nay đảo ngược lại. Nhiều bệnh nhân cúm A tới bệnh viện trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi, thậm chí nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng đã có tổn thương phổi. Tuy nhiên, bệnh này nếu điều trị kịp thời, đúng cách, chỉ sau 5-7 ngày bệnh nhân có thể khỏi bệnh.

Trước số người mắc cúm A tăng đột biến giữa mùa hè, nhiều chuyên gia y tế cho rằng có thể do biến đổi bất thường về thời tiết. Cùng với đó, bệnh cúm mùa rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát, đũa).

Theo các bác sĩ, đa số trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Giai đoạn đầu, bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong, đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Vì thế, khi thấy các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở dù đã dùng thuốc cảm cúm thông thường không đỡ, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm não, tay chân miệng, cúm mùa gia tăng

Thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Riêng 1 tháng qua, cả nước có tới 49 trường hợp mắc viêm não virus. Viêm não virus là bệnh nguy hiểm, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu.

Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, trẻ đang khỏe mạnh có thể sốt cao 39-40oC, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh truyền nhiễm thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm nên hậu quả để lại nghiêm trọng.

Ngoài viêm não, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại các bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ca COVID-19 và sốt xuất huyết có thể tăng, bùng phát diện rộng: kiên quyết không để dịch chồng dịch

Theo Bộ Y tế, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết vừa qua cho thấy tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử…

Số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng

Bộ Y tế ngày 10/7 đã có văn bản hoả tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian vừa qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu.

Huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Tổ chức tốt phân tuyến, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết

Đối với Sở Y tế các địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở chỉ định dịch tễ, điều tra véc tơ. Kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ gia đình và cộng đồng… Tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển để phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phỏng, chống dịch bệnh; sẵn sàng cơ số thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, dịch truyền cao phân tử, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Đã có 36 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết – tăng 6 trường hợp so với 10 ngày trước đó. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế, đừng lo ngại về phản ứng phụ của vaccine

Trong chương trình THTT “Sẵn sàng cho các kịch bản COVID-19 giai đoạn mới” do Bộ Y tế kết hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ những góc nhìn mới về cách quản lý dịch bền vững và đưa ra những khuyến cáo y tế quan trọng với người dân.

Hỏi: Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, hiện dịch COVID-19 ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm xuống nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ông dự đoán ra sao về các tình huống dịch COVID-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Ở nước ta, dịch COVID về cơ bản đã được kiểm soát tốt, từ đầu tháng 5, số ca nhiễm hầu như đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên WHO chưa tuyên bố chấm dứt dịch bệnh này, bởi tại một số quốc gia, việc tiêm chủng chưa được phổ cập đến toàn bộ người dân, nên không thể tuyên bố kết thúc dịch trên toàn thế giới. Trong tương lai, thế giới sẽ có những hướng dẫn, khuyến cáo mới để COVID dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Chúng ta đã có hệ thống chuyên nghiệp của Bộ Y tế trong việc theo dõi diễn biến dịch bệnh, tạo ra một hệ thống phản ứng chắc chắn với sự thay đổi của dịch bệnh. Đến hiện tại, cần thay đổi nhiều phương pháp phòng chống dịch để thích ứng linh hoạt và người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Hỏi: Trải qua 4 đợt dịch với những kinh nghiệm phòng, chống, điều trị, thích ứng với dịch hiệu quả, chúng ta có thể tổng hợp được thành các mô hình như thế nào để phòng chống dịch trong những giai đoạn về sau?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Vì COVID-19 là dịch bệnh mới nên các mô hình sẽ được xây dựng theo thời gian. Từ việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước, chúng ta cũng dần dần có những kiến thức y khoa và kinh nghiệm nhất định, tập hợp lại thành lý thuyết để chống dịch. Theo tôi, cần cần xây dựng ngành COVID học để giảng dạy cho các bác sĩ, nhân viên y tế để bất cứ giai đoạn nào dịch xảy ra cũng có thể thực hiện tốt. Ngành này sẽ giúp Bộ Y tế đưa ra những phác đồ, khuyến cáo theo thời gian phù hợp với tình hình thực tế, tạo nên hệ thống chống dịch hoàn chỉnh từ lý thuyết lẫn thực hành.

Hỏi: Là một người đi vào tâm dịch, chứng kiến những giai đoạn của đại dịch COVID-19. Ông đánh giá vai trò, hiệu quả của vaccine và chương trình tiêm chủng như thế nào trong thời gian vừa qua và thời gian tới?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế toàn thế giới,là phương pháp điều trị cơ bản để khống chế được dịch. Là người trực tiếp chứng kiến việc tiêm vaccine tại các điểm nóng của dịch, tôi thấy được tỉ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt theo chiều thẳng đứng sau 2 tuần tiêm vaccine. Có thể khẳng định, vaccine chính là vũ khí quan trọng nhất để chống lại COVID đến thời điểm này. Việc giải thích cho người dân hiểu về vai trò của vaccine là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần cá thể hoá từng trường hợp tiêm mũi nhắc lại để phù hợp với tình trạng của mỗi người. Và vai trò của y tế cơ sở là rất cần thiết trong việc khuyến khích, động viên và thuyết phục người dân và gia đình đi tiêm.

Hỏi: Có những trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và đến thời điểm này vẫn chưa mắc COVID-19 thì có nên tiêm tiếp mũi thứ 4 không thưa ông?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi vẫn khuyến cáo người dân nên đi tiêm, đặc biệt với những người có bệnh lý nền có nguy cơ tăng nặng. Bởi các bằng chứng cho thấy tỉ lệ biến chứng do tiêm rất ít, nếu 3 lần trước tiêm không có nhiều phản ứng phụ, những người có nhiều bệnh nền nên tiêm mũi thứ 4.

Hỏi: Nhìn lại giai đoạn dịch Omicron đang diễn ra, có một bộ phận người dân mặc dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm đột phá, và có thể ảnh hưởng đến chủ trương tiêm chủng. Ông có thể phân tích vấn đề này để người dân hiểu rõ hơn không? Lợi ích lớn nhất của vaccine có phải là chống lại nhiễm bệnh hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi không thích dùng từ “đột phá”, nó dễ khiến người dân hiểu rằng virus SARS-CoV-2 có thể xuyên qua hàng rào bảo vệ để tấn công cơ thể, điều này không đúng. Các nhà sản xuất vaccine đã khuyến cáo, vaccine là một hình thức giúp cơ thể sớm tạo ra kháng thể để chống lại sự tấn công của virus. Quan trọng hơn cả, kháng thể được tạo ra một cách từ từ, không gây ra bão cytokine. Vaccine giúp giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ lây nhiễm nhưng không thể giúp chúng ta không bao giờ mắc COVID. Chúng ta có thể tiêm đủ liều vaccine nhưng việc tiếp xúc với người đang mắc COVID vẫn có khả năng lây nhiễm. Cần phân biệt cho người dân hiểu sự khác nhau giữa nhiễm COVID và mắc bệnh COVID để họ yên tâm. Rất hiếm trường hợp tiêm vaccine nhiễm COVID lại trở nên nguy kịch. Đừng lo ngại về những phản ứng phụ của vaccine. Hãy tiêm vaccine và bình tĩnh trước những đợt sóng mới của dịch bệnh nếu nó xảy ra.

Hỏi: Với những người dân chống chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 do tình trạng bệnh lý hoặc đã từng gặp phải biến cố ngoại ý nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin, có những biện pháp nào khác để giúp họ được bảo vệ an toàn trong giai đoạn đất nước mở cửa trở lại này?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tỉ lệ chống chỉ định tuyệt đối của tiêm vaccine là rất thấp, chỉ khi đã có phản ứng phản vệ với chính thành phần của vaccine. Vì vậy, chúng ta không nên lo lắng về điều này mà cần có phương pháp phòng chống phản vệ một cách tiêu chuẩn. Việc tiêm chủng cần phải tiêu chuẩn hoá để mọi nhân viên y tế đều có thể cấp cứu được trường hợp sốc phản vệ. Những trường hợp cấp cứu kịp thời đều không gặp vấn đề nghiêm trọng nào.

Hỏi: Vậy còn kháng thể đơn dòng thường được sử dụng trong trường hợp nào và nó có vai trò như thế nào thưa ông?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Chúng tôi sử dụng kháng thể đơn dòng để điều trị khi bệnh nhân nguy kịch, khi bão cytokine mạnh và bệnh nhân có nguy cơ rất cao đi vào sốc. Ở giai đoạn đầu của dịch, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân thở máy lên đến 80-90%, và tỉ lệ người được sử dụng kháng thể đơn dòng thời điểm đó rất ít. Nhưng khi đã dùng kháng thể đơn dòng thì tỉ lệ thành công rất cao, tăng khả năng rút được nội khí quản lên đến 60-70%.Vì vậy vai trò của kháng thể đơn dòng là vô cùng lớn.

Hỏi: PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu có lời khuyên nào cho những người dân trong việc phòng chống COVID-19 giai đoạn mới nàycũng như cách tầm soát triệu chứng hậu COVID nếu có?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi khuyến cáo người dân không nên đi theo các gói khám hậu COVID đắt tiền, phải bình tĩnh lắng nghe cơ thể, gặp vấn đề chỗ nào thì khám chỗ đó để được các bác sĩ tư vấn chính xác. Bên cạnh đó, chúng ta hãy tin tưởng vào hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế công, lắng nghe các khuyến cáo, có thể theo dõi và đăng ký các kênh khám chữa bệnh từ xa, đó là cách để bảo vệ cho bản thân và gia đình, phòng chống dịch hiệu quả trong tình hình mới.

Xin cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu! (Sài Gòn giải phóng, trang 12).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2021

Ngọc Nga