Điểm báo ngày 14/4/2022

(CDC Hà Nam)
Hôm nay bắt đầu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi; F1 đã bị ‘lãng quên’; An toàn là ưu tiên cao nhất của chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ em; Hai kịch bản mới ứng phó với dịch COVID-19; Chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà
Hôm nay bắt đầu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Bộ Y tế cho biết hôm nay (14/4), Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sau đó, chiến dịch sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Thông tin tại cuộc gặp mặt báo chí về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Trong đó ước tính có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19. Việc tiêm chủng cho đối tượng này được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19. Khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19 sẽ được tiêm đủ 2 mũi cho những trường hợp đủ điều kiện. Bộ Y tế cố gắng đến hết tháng 8 sẽ tiêm hết cho trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12.

Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, lô vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên đã về đến Việt Nam. Đây là vắc xin Moderna do Chính phủ Úc tài trợ và được kiểm định chất lượng tại Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế.

Chiều qua một phần trong số vắc xin này đã chuyển đến tỉnh Quảng Ninh để sáng nay bắt đầu tiêm cho trẻ lớp 6 tại đây. Các địa phương sẽ triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng. Vắc xin được tiêm trước cho nhóm trẻ học lớp 6, sau đó đến các nhóm tuổi nhỏ hơn. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng lô và triển khai cho từng nhóm tuổi.

“Khi các cháu thực sự khỏe mạnh thì các gia đình hãy đưa con đi tiêm chủng. Nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc mệt mỏi, viêm long đường hô hấp thì tránh đưa trẻ đến điểm tiêm. Các phụ huynh hãy chia sẻ đầy đủ tình trạng sức khoẻ của trẻ với nhân viên y tế trước khi tiêm để đảm bảo an toàn cho trẻ”, bà Hồng khuyến cáo.

Lưu ý khi cho trẻ tiêm vắc xin

PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý các phụ huynh cần lắng nghe nhân viên y tế tư vấn cụ thể về vắc xin, về tiêm chủng đối với trẻ, tuân thủ việc để trẻ ở lại theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm, báo lại tình trạng sức khỏe của con em mình cho nhân viên y tế. “Sau tiêm theo dõi chặt chẽ trong 3 ngày đầu. Trong trường hợp phản ứng sau tiêm tăng lên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay”, bà Hồng nhấn mạnh.

Về phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, PGS Hồng cho biết các phản ứng tương tự như đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm; phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000). Vắc xin được chống chỉ định với trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin và trẻ có phản ứng nặng với vắc xin liều thứ nhất.

Cũng theo bà Hồng, đến nay đã có 53 quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1/2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới.

Trẻ là F0 tiêm vắc xin sau 3 tháng mắc bệnh

Đối với tiêm chủng cho trẻ từng là F0, TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương), khuyến cáo cha mẹ cần cho con đi tiêm vắc xin COVID-19 sau khi mắc 3 tháng.

Theo TS Ngãi, trẻ đã mắc COVID-19 vẫn có thể mắc lại. Khi trẻ đã mắc COVID-19 thì nguy cơ diễn biến nặng, có thể tử vong hoặc trẻ có thể mắc hậu COVID-19 và các biến chứng khác.

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 là 3 tháng kể từ ngày dương tính với SARS-CoV-2.

“Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ đã mắc COVID-19 thì cũng gần như đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm, vì vậy tiêm vắc xin cho trẻ là phù hợp. Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn”, TS Ngãi nói (Tiền phong, trang 4; Lao động, trang 2; An ninh thủ đô, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

F1 đã bị ‘lãng quên’
Đầu tháng 4, chị N.N.L. ở Cầu Giấy, Hà Nội có chuyến công tác ngắn ngày ở nước ngoài, khi trở về, chị có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Mặc dù xét nghiệm PCR ngày 13-4 vẫn dương tính nhưng trước đó vài ngày chị đã đi làm công việc bình thường, tuân thủ đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiếp xúc.

“Tôi xét nghiệm bằng test nhanh thì âm tính, còn test PCR lại dương tính, nhưng vì không thông báo cho phường nên tôi không phải tuân thủ cách ly vì thực tế hiện nay tôi thấy rất nhiều F0 như tôi không thông báo” – chị L. cho biết.

F0 không cách ly, F1 càng không

Trường hợp người F0 như chị L. thực tế hiện rất nhiều, theo chị L., chị chỉ có 1 ngày bị sốt, những ngày sau đó tình trạng rất nhẹ, vẫn đi lại, sinh hoạt được bình thường. Khi test nhanh âm tính là chị bắt đầu ra ngoài làm việc lại, trong khi test PCR ngày 13-4 kết quả vẫn dương tính.

Trong vòng 2 tháng qua, số mắc COVID-19 tăng rất cao, Hà Nội ở cao điểm giữa tháng 3 lên tới trên 30.000 ca/ngày được thống kê, số không được thống kê qua ước tính cũng lên tới hàng ngàn người/ngày. Lúc này các trạm y tế đều quá tải, ghi nhận người F0 đã khó cho trạm, những người F1 hầu như bị “bỏ quên”, không ai thống kê, không cách ly hoặc giám sát như trước đây.

Chính vì vậy, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đầu tháng 3, đã có nhiều ý kiến đồng thuận khi Bộ Y tế đề xuất cho ngưng cách ly với người F1, cho họ đi làm trực tiếp và trực tuyến, đồng thời trong một số trường hợp đặc thù thì F0 cũng được đi làm trực tiếp. “Trường hợp đặc thù” cụ thể ở đây là người F0 tự nguyện đi làm, không có biểu hiện lâm sàng và chỉ số CT trên 30.

Tuy nhiên đã hơn 1 tháng trôi qua từ khi Bộ Y tế có đề xuất này, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4, một chuyên gia về dịch tễ chia sẻ đến nay chưa có hướng dẫn chính thức về việc cho ngưng cách ly người F1. Hiện hướng dẫn này ở mức cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang… chuẩn bị đề xuất lại.

Chuyên gia này cũng thừa nhận quy định chưa có, nhưng thực tế hiện nay người F1 không còn được “để ý” nữa. Họ hoàn toàn tự do đi lại, làm việc, giao tiếp… tùy ý thức cá nhân của từng người. Vì vậy, hướng dẫn cho ngưng cách ly với người F1 mà cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế chuẩn bị đề xuất tới đây có thể sẽ bị lạc hậu so với thực tế mặc dù chưa ra đời.

Còn nhiều quy định “đi sau”

Hướng dẫn ngưng thực hiện cách ly và thay bằng biện pháp giám sát, theo dõi sức khỏe khác đối với người F1 là một trong những hướng dẫn có dấu hiệu “văn bản đi sau thực tế” trong phòng chống dịch COVID-19, bên cạnh đó còn một số quy định khi ban hành thì thực tế đã áp dụng từ lâu, hoặc đang lúng túng dẫn đến triển khai phòng chống dịch bị chậm.

Trong số này, hướng dẫn người F0 khỏi bệnh bao lâu thì tiêm vắc xin cũng gây nhiều băn khoăn.

Trả lời báo chí, nhiều chuyên gia tiêm chủng cho rằng có thể tiêm ngay từ khoảng 2 tuần sau khi khỏi bệnh. Nhưng trong nghị quyết do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đầu tháng 4 lại hướng dẫn nên tiêm sau khi khỏi 3 tháng trở lên.

Điều này dẫn đến những lúng túng nhất định khi triển khai tiêm chủng, bởi các hướng dẫn chính thức chưa quy định lại việc người F0 khỏi bệnh bao lâu thì tiêm chủng, trong khi nghị quyết (không phải văn bản quy phạm pháp luật) thì hướng dẫn khỏi bệnh sau ít nhất 3 tháng mới tiêm.

Ngày 13-4 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có hướng dẫn mới rõ ràng hơn: “Những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế. Riêng trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi thì trì hoãn tiêm 3 tháng sau khi khỏi bệnh”.

Theo đánh giá chung, từ cuối tháng 3 đến nay số người mắc COVID-19 mới, số nhập viện, tử vong, chuyển nặng đều giảm theo ngày và hiện số mắc hằng ngày chỉ bằng khoảng 15% so với cao điểm giữa tháng 3.

Đây là cơ hội mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống như bình thường, nhưng nếu các văn bản chậm chân ngày nào thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, học hành cũng chậm theo.

Đơn cử, mặc dù Hà Nội liên tục giảm số mắc mới hằng ngày trong hơn nửa tháng nay, số tử vong, số chuyển nặng rất thấp, nhưng ngày 13-4 học sinh mầm non Hà Nội mới được đến trường, Hà Nội cũng mới cho mở lại vũ trường, quán karaoke…, chậm hơn nhiều so với các địa phương khác.

Còn nhớ tháng 10-2021 nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời và sau đó là hướng dẫn của Bộ Y tế đã tạo cơ hội cho bình thường mới trở lại, tháo gỡ nhiều nút thắt (Tuổi trẻ, trang 14).

 

An toàn là ưu tiên cao nhất của chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ em

Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin. Vấn đề an toàn tiêm chủng là ưu tiên cao nhất của chiến dịch này.

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch hoặc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh châu Âu, Hoa Kỳ tiến hành tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng là trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi. Các nước chủ yếu sử dụng vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi, vắc-xin Moderna tiêm cho trẻ từ sáu tuổi đến dưới 12 tuổi… Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ từ tháng 4 và dự kiến hoàn thành trong quý II.

Bộ Y tế đã tập huấn về tiêm chủng quy mô toàn quốc cho tất cả các tỉnh, thành phố. Với trẻ trong độ tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp bao gồm học sinh lớp 6, học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ năm tuổi đang học mẫu giáo. Triển khai trước cho nhóm học sinh 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna. Mỗi trẻ cần được tiêm hai mũi, cách nhau bốn tuần và chỉ tiêm hai mũi vắc-xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin nào. Các chuyên gia tiêm chủng cũng lưu ý, không sử dụng vắc-xin Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Để tránh nhầm lẫn với vắc-xin dùng cho người lớn, lọ vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi có nắp mầu cam. PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ, cha mẹ, người giám hộ cần thông báo cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ cũng như tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị mà trẻ đang sử dụng… Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp.

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ năm đến dưới 12 tuổi sau tiêm vắc-xin Pfizer là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; phản ứng ít gặp là nổi hạch. Các phản ứng ít gặp là phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay); giảm cảm giác thèm ăn; mất ngủ; ngủ li bì; tăng tiết mồ hôi; đổ mồ hôi đêm; đau chi; ngứa tại vị trí tiêm. Với vắc-xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (thí dụ: ở cổ, ở trên xương đòn); đau đầu; buồn nôn/nôn; đau cơ; đau khớp; đau tại vị trí tiêm; mệt mỏi; ớn lạnh; sốt; sưng tại vị trí tiêm; ban đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ sáu đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản (hai mũi) là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn, sưng, đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp… phản ứng thường gặp là tiêu chảy; phát ban; nổi mề đay tại vị trí tiêm; phát ban tại vị trí tiêm; phản ứng ít gặp là chóng mặt; ngứa tại vị trí tiêm… Phản ứng rất hiếm gặp sau tiêm vắc-xin Covid-19 ở trẻ là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận phản ứng này đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong hệ thống y tế.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về việc những trẻ từng mắc Covid-19 có cần thiết tiêm vắc-xin nữa hay không. Trả lời thắc mắc này, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) chia sẻ, tiêm vắc-xin sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ cao hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế hội chứng hậu Covid-19 và tình trạng Covid-19 kéo dài. Bộ Y tế đã có văn bản thông báo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất ba tháng. Các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc Covid-19 tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ ba đến sáu tháng (Nhân dân, trang 5).

 

Hai kịch bản mới ứng phó với dịch COVID-19

Ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam sẽ xây dựng song song 2 kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 trong tình huống COVID-19 trở thành bệnh lưu hành và dự phòng khi xuất hiện tình huống mới nghiêm trọng để không bị động.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, trong bối cảnh đi lại nhiều trên toàn thế giới, việc phòng chống dịch COVID-19 không phải của một địa phương, một quốc gia mà của toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra các kịch bản về diễn tiến dịch COVID-19 có thể xảy ra.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn.

“Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường…”, GS Lân nói.

Ở kịch bản thứ 2, các chuyên gia thống nhất ý kiến đến nay hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vắc xin, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

Ông Lân cho biết với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

“Mặc dù thời điểm này, chúng ta đã có nhiều vũ khí như vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên ngành y tế phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vắc xin”, GS.TS Phan Trọng Lân thông tin.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số ca bị nhiễm trên cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về tỷ lệ người bị mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày do Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử (Tiền phong, trang 4; Công an nhân dân, trang 7).

 

Chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian sau Tết Nguyên đán khiến cho nhiều trạm y tế ở thành phố Hồ Chí Minh quá tải trong xác nhận F0 và cấp giấy hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Trước thực trạng đó, Sở Y tế thành phố đã triển khai giải pháp chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà.

Ngày 12/3, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thử nghiệm giải pháp chuyển đổi số cho cả quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại. Riêng ngày 10/3, thành phố có hơn 9.500 ca cần được cách ly, chăm sóc và điều trị tại nhà, trong đó có 3.368 ca được chẩn đoán xác định (xét nghiệm PCR) và 6.219 ca nghi ngờ (test nhanh). Phần lớn người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy định “cứng” thì tất cả người nhiễm phải đến trạm y tế để đăng ký và làm xét nghiệm để được xác nhận là F0; rồi lại đến trạm y tế làm xét nghiệm và làm thủ tục xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Điều này dẫn đến ùn ứ tại trạm y tế do nhân viên y tế bị quá tải.

Với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai giải pháp chuyển đổi số cho cả quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Trọng tâm của chuyển đổi số công tác quản lý F0 chính là ứng dụng khai báo F0 trên nền tảng Web tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn (dành cho người dân) và “Nền tảng số quản lý Covid-19” (dành cho trạm y tế và cơ sở y tế). Khi có triệu
chứng nghi mắc Covid-19, người dân xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn để khai báo và được xác nhận là F0. Khi đủ thời gian cách ly, F0 xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, nếu có kết quả âm tính thì gửi hình ảnh xét nghiệm vào “Nền tảng số quản lý Covid-19” để nhận được giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà (được gửi qua thư điện tử đến F0). Giải pháp chuyển đổi số toàn bộ quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận F0 đã hoàn thành cách ly theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4.

Trạm y tế phường 14, quận 11 là đơn vị đã triển khai nhanh chóng quy trình chuyển đổi số, cấp quyết định cách ly cũng như giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho F0. Các cán bộ y tế ở đây cho biết, khi đã chuyển đổi số, việc cấp quyết định cách ly và giấy hoàn thành cách ly y tế trở nên dễ dàng hơn, giảm đáng kể khối lượng công việc cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian chờ cho người dân; đồng thời giúp việc lưu trữ thông tin người bệnh đơn giản và thuận lợi, các ban, ngành cũng dễ dàng giám sát và hỗ trợ trạm y tế một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Sở Y tế vừa bổ sung tiện ích là tin nhắn cảnh báo người F0 thuộc nhóm nguy cơ cao đã giúp nhân viên y tế giảm sai sót, giúp theo dõi sát và không bỏ sót nhóm người bệnh nguy cơ cao, để kịp thời tư vấn và cung cấp thuốc điều trị cũng như nhập viện ngay khi có chỉ định.

Quận 3 cũng là một trong những đơn vị triển khai nhanh chóng chuyển đổi số trong quản lý F0. Bà Nguyễn Phương Liên, Trưởng Trạm y tế phường 4 cho biết, ngay trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại thành phố, phường đã triển khai nhiều giải pháp quản lý F0, trong đó có quét mã QR cho người dân, nên khi Sở Y tế triển khai chuyển đổi số quản lý F0, phường 4 không gặp nhiều trở ngại.

Tính đến hết tháng 3, sau 20 ngày thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đã có 84.799 lượt F0 khai báo tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn, qua đó, các trạm y tế tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và xác nhận 61.406 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 72%. Tỷ lệ này đã cải thiện rõ rệt nếu so với những ngày đầu triển khai (khoảng 20%). Điều đáng ghi nhận đó là đã có 1.233 người thuộc nhóm nguy cơ cao (hơn 65 tuổi và có bệnh nền) và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng đã được trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời sau khi được cảnh báo qua tin nhắn gửi đến các trạm y tế. Đây là một tiện ích đã được Sở Y tế bổ sung sau một tuần thử nghiệm, giúp các bác sĩ của trạm y tế không bỏ sót F0 có dấu hiệu nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.

Thực tế cũng có một số trạm y tế vẫn còn gặp trở ngại khi triển khai chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà. Bác sĩ Lâm Bích Cơ, Trưởng Trạm Y tế phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, công việc ở trạm thì nhiều, nhưng lực lượng y tế lại mỏng, cho nên việc bố trí một người ở lại trạm để tiếp nhận thông tin khai báo của F0 nhiều khi cũng khó. Trạm phải linh động sắp xếp công việc. Theo ông Huỳnh Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 5, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà đòi hỏi con người và thiết bị tại các trạm y tế phải được trang bị đầy đủ, đồng bộ. Hiện nhiều trạm y tế vẫn còn thiếu trưởng trạm, bác sĩ, nhân viên, máy vi tính thì đã cũ nên chuyển đổi số vẫn chưa nhịp nhàng, thuận lợi.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố rút ngắn thời gian khai báo xuống còn trong vòng 48 giờ đầu nhằm tạo thói quen khai báo sớm cho người dân (Nhân dân, trang 5).

 

Vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư chống dịch: Chỉ kiến nghị rút kinh nghiệm

Loạt đơn vị, địa phương ở tỉnh Bình Thuận bị Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận có nhiều thiếu sót, không minh bạch trong đấu thầu vật tư, mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua nhưng chỉ bị kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Tự ý điều chỉnh nguồn vốn

Ngày 13/4, Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã công bố các kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Y học cổ truyền Phục hồi chức năng Bình Thuận, Bệnh viện Phổi Bình Thuận và UBND các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và TP Phan Thiết. Thời gian được thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 tại các đơn vị trên.

Theo đó, trong hai năm 2020 và 2021, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phục hồi chức năng Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, nguồn thu tại bệnh viện và các khoản đóng góp của các cơ quan, tổ chức để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 là hơn 5,8 tỷ đồng.

Bệnh viện đã chi hơn 3,3 tỷ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trong quá trình thực hiện, bệnh viện đã điều chỉnh nguồn vốn thanh toán từ nguồn chi thường xuyên sang nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không báo cáo cấp thẩm quyền. Việc điều chỉnh này là không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt.

Tương tự, Bệnh viện Phổi Bình Thuận đã chi gần 7 tỷ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Mua tài sản công của Sở Tài chính đã không gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo quy định, đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu không đảm bảo thời gian 7 ngày làm việc.

Bệnh viện gửi hồ sơ yêu cầu cho 3 nhà thầu, sau đó tiến hành lập biên bản mở thầu với 3 nhà thầu là không đúng quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường.

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận kiến nghị giám đốc Trung tâm Mua tài sản công và Giám đốc Bệnh viện Phổi nghiêm túc rút kinh nghiệm và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế.

Thiếu minh bạch trong đấu thầu

Trong hai năm 2020 và 2021 dịch bệnh xảy ra phức tạp trên địa bàn, UBND TP Phan Thiết đã chi gần 38,5 tỷ đồng để sử dụng cho công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch và chi cho các chế độ đặc thù.

Quá trình triển khai thực hiện, TP Phan Thiết đã không đăng tải thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định. Địa phương này cũng không gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng theo quy định. Công ty TNHH Dược phẩm TPVN là đơn vị trúng thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Đấu thầu năm 2013.

Ở huyện Hàm Thuận Bắc, việc mua sắm 35 danh mục vật tư y tế, trang thiết bị y tế và thiết bị văn phòng thuộc gói thầu để phục vụ cho việc thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Hàm Thuận do Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc làm chủ đầu tư đã không được thực hiện đúng quy định pháp luật về mua sắm tài sản và quy định về đấu thầu.

Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc đã mượn vật tư, trang thiết bị y tế và thiết bị văn phòng trước, sau đó tiến hành hợp thức hồ sơ chỉ định thầu rút gọn cho đơn vị cho mượn được trúng thầu hơn 649 triệu đồng.

Kiểm tra gói thầu do Công ty TNHH trang thiết bị Y tế Minh Hoàng trúng thầu cho thấy, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc không tổ chức khảo sát giá mà nhận 3 báo giá từ 1 nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH trang thiết bị Y tế Minh Hoàng) là không minh bạch, độc lập, khách quan trong xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trung tâm Y tế huyện không thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định Luật Đấu thầu mà mua sắm theo hợp đồng đã ký trước đó.

Tại huyện Hàm Tân, trong quá trình thực hiện không thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện chỉ ký tên và đóng dấu vào trang bìa của hồ sơ yêu cầu); nội dung hồ sơ yêu cầu không đầy đủ theo quy định; đánh giá hồ sơ đề xuất không đúng tiêu chuẩn đánh giá theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; không có báo cáo thẩm định kết quả chỉ định thầu theo quy định…

Đối với gói thầu mua sắm giường inox cho cơ sở cách ly tập trung tại Trường THPT Hàm Tân, Đoàn Thanh tra còn phát hiện Trung tâm Y tế huyện mượn giường trước để thành lập khu cách ly tập trung, sau đó làm hồ sơ chỉ định thầu và phê duyệt đơn vị cho mượn được trúng thầu.

Ở huyện Tánh Linh, Trung tâm Y tế huyện không khảo sát giá mà cũng nhận báo giá từ một nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH trang thiết bị Y tế Minh Hoàng) là không minh bạch, độc lập, khách quan trong xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Bộ Tài chính.

Trung tâm Y tế huyện không trình và phòng Tài chính Kế hoạch huyện không thực hiện thẩm định giá gói thầu; không đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu; không thực hiện thương thảo hợp đồng…

Tại huyện Hàm Thuận Nam, Trung tâm Y tế huyện cũng không trình và Phòng Tài chính Kế hoạch huyện không thực hiện thẩm định giá gói thầu theo quy định.

Còn tại Sở Y tế, Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận, trong quá trình triển khai, hợp đồng ký kết giữa Sở Y tế và đơn vị cung cấp không xác định thời gian thực hiện hợp đồng, thời điểm cụ thể về thời gian bắt đầu và kết thúc.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Bình Thuận kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các giám đốc của các Trung tâm Y tế Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam… và đề nghị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân về những tồn tại, hạn chế nêu trên…

Thanh tra tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu giám đốc Sở Y tế nghiêm túc rút kinh nghiệm và chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót nhằm tránh lặp lại trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục mua sắm sau này (Tiền phong, trang 10).

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/7/2021

CDC Hà Nam