Điểm báo ngày 28/4/2022

(CDC Hà Nam)
Dừng khai báo y tế quốc tế từ hôm nay 27/4; TP.HCM: Trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng, cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát; Giải đáp các băn khoăn về tiêm vắc-xin phòng Covid-19

TP.HCM: Trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng, cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát

Sau 2 năm dồn toàn lực chiến đấu với đại dịch COVID-19, đến năm nay thành phố lại đang phải ứng phó với diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết. Số ca nặng gia tăng, đã có trường hợp tử vong do phát hiện muộn và nhập viện trễ.

Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Gần đây thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Năm nay mùa mưa lại đến khá sớm với TP.HCM và các tỉnh lân cận, do đó dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng. Thực tế hiện nay đã có nhiều ca bệnh nặng, thậm chí thành phố đã ghi nhận một số trường hợp tử vong.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP cho thấy, trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Hiện nay, nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp  là từ 8 -13 tuổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKII Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM cho biết, các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng đa số do nhập viện trễ. Nguyên nhân nhập viện trễ có thể do dịch COVID-19 nên người dân quên đi bệnh sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm thường gặp. Triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót. Ngoài ra, tâm lý còn sợ COVID-19 nên các phụ huynh ngại đưa trẻ đến khám tại bệnh viện dù đã có triệu chứng.

Đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

“Phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Không nên tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, tuân thủ việc tái khám, không nên chủ quan khi thấy trẻ bớt sốt bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3-7 của bệnh – thời điểm thường giảm hoặc hết sốt, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng. Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong”, BSCKII Nguyễn Trần Nam chia sẻ.

Theo BSCKII Nguyễn Trần Nam, người dân có thể tự phòng bệnh sốt xuất huyết, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất nhưng lại vô cùng hiệu quả như dành 10 – 15 phút mỗi ngày để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần sáng màu, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Theo đó, Với sự phát triển về xét nghiệm hiện nay có thể phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ngay từ ngày đầu của bệnh. Xét nghiệm NS1 Ag (phát hiện kháng nguyên của siêu vi trong máu bệnh nhân) có thể phát hiện nhiễm sốt xuất huyết từ ngày sốt đầu tiên. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phát hiện được bệnh bằng xét nghiệm này, có 1 số trường hợp mặc dù âm tính vẫn có thể bị mắc sốt xuất huyết.

Vì vậy, phụ huynh cần cho bé đi khám tại các cơ sở y tế các trường hợp bé có sốt > 2 ngày để được khám, xét nghiệm và dặn dò các dấu hiệu nặng cần khám ngay. Các biểu hiện nặng cần khám ngay là:

– Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen.

– Đau bụng, nôn ói, nhợn ói nhiều. Ăn uống ít và không thể uống nước.

– Mệt mỏi nhiều hơn, đi tiểu ít, tay chân lạnh.

– Khó thở, xanh tím, da nổi bông

Cũng theo BSCKII Nguyễn Trần Nam Trong, trường hợp không có dấu hiệu nặng cần chăm sóc trẻ tại nhà. Khi chăm sóc trẻ tại nhà cần lưu ý sau:

– Uống hạ sốt khi sốt, mỗi lần có thể dùng paracetamol 10 – 15mg/kg/lần. Chỉ cần giảm nhiệt độ sau khi uống chứ không cần phải hoàn toàn hết sốt sau khi uông.

– Bổ sung nước uống cho trẻ nhiều hơn, uống nước nhiều lần, mỗi lần ít một. Uống nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây. Hạn chế uống nước có gas, có màu đỏ, màu đen để tránh nhầm lẫn với ói ra máu nếu bé bị nôn ói.

– Ăn đồ mềm, đồ lỏng, đồ dễ tiêu, với lượng ít một, nhiều bữa trong ngày. Hạn chế ép trẻ ăn nhiều vì nguy cơ làm nôn ói.

– Tắm rửa bình thường, mặc đồ thoáng mát nhằm giảm nhiệt cho bé.

– Tránh cắt lể, cạo gió hoặc những thuốc tự uống không theo hướng dẫn của nhân viên y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

Giải đáp các băn khoăn về tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi đang được triển khai trên cả nước. Bên cạnh sự đồng thuận của phần lớn các bậc phụ huynh thì vẫn còn những băn khoăn.

Hiện tại Việt Nam đang sử dụng hai loại vắc-xin được dùng cho nhóm trẻ từ năm cho đến dưới 12 tuổi. Vắc-xin của Pfizer dùng được cho trẻ từ năm tuổi cho đến dưới 12 tuổi với liều 10 mcg (0,2 ml); trong khi đó  vắc-xin của Moderna lại có liều 50 mcg (0,5 ml).

Nhiều phụ huynh băn khoăn, liệu 10 mcg có ít không hay 50 mcg có nhiều không? Trước hết, mỗi hãng sản xuất sẽ có cái quy trình nghiên cứu khác nhau để đánh giá hiệu lực của vắc-xin của họ và mỗi hãng sẽ có những công thức khác nhau để sản xuất ra vắc-xin chứ không phải cứ công nghệ mRNA là giống hệt nhau. Vì vậy, với vắc-xin của Moderna thì 50 mcg là đủ để sinh miễn dịch và hiện tại đang áp dụng cho nhóm từ sáu tuổi trở lên trong khi Pfizer thì lại cho phép dùng cho độ tuổi nhỏ hơn.

Kết quả chứng minh trên thực địa cho thấy, vắc-xin của Moderna cho hiệu quả bảo vệ cao hơn với lượng kháng thể sinh ra cũng được duy trì trong thời gian lâu hơn, trong khi vắc-xin của Pfizer thì hiệu quả bảo vệ giảm đi sớm hơn và đã có đề xuất phải dùng thêm mũi tăng cường.

Tuy vậy, cả hai vắc-xin đều bảo đảm dự phòng thể nặng và tử vong cũng như giảm nguy cơ hậu Covid. Chính vì thế tại Việt Nam, vắc-xin của Moderna sẽ được sử dụng cho nhóm trẻ lớn hơn trong khi vắc-xin của Pfizer sẽ tập trung vào nhóm trẻ năm và sáu tuổi để giảm hao phí và bảo đảm các vấn đề về an toàn tiêm chủng.

Một vấn đề khác cũng được khá nhiều phụ huynh quan tâm là cân nặng của trẻ có ảnh hưởng đến vấn đề tiếp nhận vắc-xin hay không? Có bà mẹ nói, con của mình tuy đã năm tuổi nhưng không khác gì một em bé bốn tuổi, nếu tiêm vắc-xin liệu có an toàn hay không? Một số mẹ khác lại nói, con mình có cân nặng như trẻ 14-15 tuổi thì tiêm lượng vắc-xin trẻ nhỏ có hiệu quả?

Chúng ta cần biết rằng hệ miễn dịch của người phát triển theo tuổi chứ không ảnh hưởng nhiều bởi cân nặng hay chiều cao. Điều này có nghĩa, phải đến một độ tuổi nhất định thì hệ miễn dịch mới hoàn thiện và đáp ứng miễn dịch ở mỗi độ tuổi là tương đương nhau mặc dù thể chất có thể khác nhau.

Vì vậy, các hãng dược phẩm khi thử nghiệm lâm sàng cũng đánh giá trên nhiều trẻ với khối lượng khác nhau thì không có khác biệt nhiều về đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, trẻ càng có thể chất yếu hay béo phì lại càng cần phải bảo vệ với vắc-xin. Với trẻ béo quá cũng không cần thiết phải sử dụng lượng vắc-xin nhiều hơn do cơ thể vẫn tạo ra lượng miễn dịch đủ để bảo vệ trước vi-rút.

Một số phụ huynh băn khoăn việc con mình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xong thì có ảnh hưởng gì đến việc tiêm các vắc-xin khác hoặc nếu đang sử dụng một số thuốc điều trị thì có cần phải dừng thuốc hay không? Về mặt bản chất, vắc-xin và đặc tính miễn dịch cho thấy việc sử dụng đồng thời vắc-xin phòng Covid-19 với các vắc-xin khác bao gồm cả vắc-xin bất hoạt và vắc-xin sống giảm độc lực sẽ không làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của từng loại vắc-xin.

Ngoài ra, vắc-xin phòng Covid-19 đang được tiêm theo hình thức chiến dịch, vì vậy ngày tiêm thường là không liên quan đến ngày tiêm các vắc-xin thông thường. Trong phần lớn các trường hợp, chuyên gia về tiêm chủng sẽ khuyến cáo lùi khoảng hai tuần để tránh các vấn đề trùng hợp nếu có. Ngoài ra, vắc-xin phòng Covid-19 không tương tác với các vắc-xin thông thường nên hoàn toàn có thể tiêm được.

Người đã mắc Covid-19, có cần tiêm vắc-xin nữa hay không? Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người không tiêm một mũi vắc-xin nào mà mắc Covid-19 thường rất nặng. Trường hợp không bị bệnh nặng thì sau đó miễn dịch để lại thường là yếu, dễ mắc chủng khác hoặc tái nhiễm cùng chủng, đó là chưa nói đến các vấn đề hậu Covid. Người đã tiêm vắc-xin và nhiễm tự nhiên hoặc người nhiễm tự nhiên sau đó được bổ sung vắc-xin, sẽ có miễn dịch mạnh hơn cũng như giảm nguy cơ hậu Covid.

Vì vậy, người lớn hay trẻ em, nếu nhiễm mà chưa tiêm vắc-xin thì sau đó vẫn cần tiêm chủng. Tuy nhiên, để tránh trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên không đáng có, hiện Bộ Y tế yêu cầu trì hoãn ba tháng rồi mới tiêm vắc-xin đối với trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi. Điều này không có nghĩa là trẻ an toàn 100% sau khi đã khỏi mà chỉ có nghĩa, hãy chờ đủ ba tháng sau khi khỏi bệnh để được tiêm vắc-xin.

Các nhóm vận động phản đối vắc-xin vẫn liên tục đưa ra các lý do sau tiêm vắc-xin là có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển, dậy thì hay tích hợp và bộ gen của người. Nhưng điều này không đúng. Bởi công nghệ sản xuất vắc-xin là đưa một đoạn mã di truyền vào trong cơ thể chỉ nhằm mục đích giúp cơ thể tạo ra kháng nguyên của vi-rút. Đoạn mã này không tích hợp vào hệ gen của người mà chỉ di chuyển đến bộ phận sản xuất protein là các Ribosome bên ngoài nhân tế bào, từ đó tạo ra kháng nguyên và kích thích sinh kháng thể.

Sau 7 đến 14 ngày từ khi tiêm vắc-xin, toàn bộ lượng vật liệu di chuyển này sẽ biến mất hoàn toàn và cơ thể có miễn dịch phòng chống vi-rút. Thực tế là chỉ có vi-rút mới tích hợp với gen của người và tạo ra các tái tổ hợp hay biến chủng. Người không tiêm vắc-xin, khi nhiễm vi-rút hoàn toàn không thể kiểm soát số lượng bản copy của vi-rút. Vì thế, những tổn thương mà vi-rút gây ra là rất lớn.  Đã có rất nhiều người tiêm vắc-xin và vắc-xin đã chứng tỏ được giá trị bảo vệ của nó. (Nhân dân, trang 5; Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

Dừng khai báo y tế quốc tế từ hôm nay 27/4

Ngày 27/4, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản số 2118/BYT-DP gửi UBND tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc khai báo y tế quốc tế.

Bộ Y tế nhận định hiện nay, dịch COVID-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành; trong thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao.

Căn cứ tình hình dịch COVID-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:

Tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022.

Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. (Tiền phong, trang 3; Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

Đề xuất COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng BHXH
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Theo đó, trong dự thảo đề xuất 6 nhóm ngành, nghề có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao được đề xuất là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH…
Có 6 nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS- CoV-2 được đề xuất là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH?

Theo dự thảo thông tư quy định bổ sung bệnh COVID-19 vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Về yếu tố gây bệnh, gồm:

  • Có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
  • Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: xác nhận tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 được quy định tại hoặc văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu hoặc kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

Theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp tại dự thảo này thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm:

  1. Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
  2. Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2.
  3. Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà.
  4. Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19.
  5. Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19.
  6. Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Giám sát, điều tra, xác minh dịch; Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp): một lần. Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.

Các di chứng sau điều trị bệnh COVID-19

Hồ sơ hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp với chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.

Một số di chứng chính sau khỏi bệnh COVID-19 gồm: Toàn thân như: các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi (ICD-10: R53), đau khớp (ICD-10: M25.5), đau cơ (ICD-10: M79.1), rối loạn vị giác (ICD-10: R43.1), rối loạn khứu giác (ICD-10: R43.2), rụng tóc (ICD-10: L65).

Hô hấp: khó thở (ICD-10: R06.0), ho (ICD-10: R05), giảm chức năng thông khí phổi (ICD-10: R06.8), Viêm phổi kẽ, xơ phổi (ICD-10: J84), Viêm phổi (ICD-10: J12).

Tim mạch: rối loạn nhịp tim (ICD-10: I49.9), viêm cơ tim (ICD-10: I41.1), nhồi máu mạch vành (ICD-10: I21), xơ cơ tim (ICD-10: I42.3), đau ngực (ICD-10: I20.9), tăng huyết áp (ICD-10: I15.8).

Thần kinh: Đau đầu kéo dài (ICD-10: R51); Rối loạn cảm giác (ICD-10: R20); Liệt vận động (ICD-10: G83.9); Liệt thần kinh sọ não (ICD-10: T90.3); Động kinh (ICD-10: G40); Hội chứng Guillain Barré khởi phát muộn (ICD-10: G61.0).

Viêm não – tủy tự miễn sau nhiễm COVID-19 (ICD-10: B94.1); Tiêu hóa: viêm gan (ICD-10: K75.9)

Thận tiết niệu: suy giảm chức năng thận (ICD-10: N18.9).

Tâm thần: Rối loạn nhận thức (ICD-10: F06.7): chú ý, trí nhớ, trí tuệ, chức năng điều hành; Rối loạn hành vi (ICD-10: F62.0): hành vi bất thường, làm dụng chất, thay đổi nhân cách, nghiện hành vi như game/internet; Rối loạn loạn thần (ICD-10: F23.0): hoang tưởng, ảo giác, kích động, tăng trương lực; Rối loạn cảm xúc: hưng cảm (ICD-10: F30), trầm cảm (ICD-10: F32), loạn khí sắc (ICD-10: F34.1);

Rối loạn liên quan stress: rối loạn phản ứng stress cấp (ICD-10: F43.0), rối loạn lo âu (ICD-10: F41.3), rối loạn sự thích ứng (ICD-10: F43.2), rối loạn cơ thể hóa (ICD-10: F45.0);

Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ (ICD-10: F51.2), mất ngủ (ICD-10: F51.0), ngủ không sâu (ICD-10: F51.2), ngủ nhiều (ICD-10: F51.1), ác mộng (ICD-10: F51.5), chứng miên hành (ICD-10: F51.3);

Rối loạn ăn uống: ăn vô độ (F50.2), chán ăn tâm thần (ICD-10: F50.0;

Rối loạn tình dục: lãnh cảm, mất ham muốn (ICD-10: F52.0), hành vi tình dục bất thường (ICD-10: F52.8);

Bản năng sống (ICD-10: F43.1): tự gây tổn thương, tự sát.

Thời gian khám xác định di chứng: sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID- 19. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 9)

Vụ ‘Đủ chiêu móc túi bệnh nhân’: Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện báo cáo trong ngày 28/4

Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài “Đủ chiêu móc túi bệnh nhân”, ngày 27/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện liên quan xác minh, làm rõ nội dung báo Tiền Phong phản ánh. Trước 14h ngày 28/4 có báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để Cục báo cáo lãnh đạo Bộ.

Cụ thể, văn bản số 464, do ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ký, gửi Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (hai trong các bệnh viện được phản ánh trong loạt bài-PV) cho biết: Báo Tiền phong ngày 21/4 có đăng bài “Đủ chiêu móc túi người bệnh: Đơn thuốc “bia hơi kèm lạc”, phản ánh việc bác sỹ của bệnh viện ghi phiếu tư vấn cho người bệnh để mua thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Về việc này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương thực hiện nghiêm túc việc kê đơn thuốc theo quy định, cụ thể là tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Trường hợp bác sỹ tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm cần giải thích đầy đủ, tránh gây thắc mắc, hiểu lầm cho người bệnh.

“Đề nghị Bệnh viện xác minh làm rõ nội dung phản ánh nêu trên và báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước 14h ngày 28/4/2022 để Cục tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ”, văn bản nêu rõ.

Trước đó, Tiền Phong đã đăng tải loạt bài “Đủ chiêu móc túi bệnh nhân”, phản ánh về việc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương có tình trạng bác sĩ ngoài kê đơn thuốc, còn kèm Phiếu Tư vấn kê thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm

Để lách luật, các bệnh viện này kê thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe dưới dạng phiếu tư vấn (Bệnh viện Da liễu TƯ) hoặc phiếu bổ sung (Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Theo các chuyên gia, việc kê đơn thuốc kèm các phiếu này ngoài vi phạm quy định pháp luật, còn khiến bệnh nhân chịu thêm gánh nặng chi phí. Bởi nhiều trường hợp người bệnh không hiểu thế nào là thuốc, thế nào là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhất là bệnh nhân ở nông thôn, miền núi.

Ngoài ra, trong loạt bài trên, Tiền phong cũng phản ánh tình trạng “loạn” chi phí khám Giáo sư, Phó Giáo sư. (Tiền phong, trang 3).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/5/2022

CDC Hà Nam