Ăn ít 5 thực phẩm này để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

(CDC Hà Nam)

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, đã đưa ra một báo cáo về các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư đại trực tràng.

  1. Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể gây ung thư đại trực tràng

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Đây là căn bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, ăn nhiều thịt đỏ, thịt qua bảo quản chế biến…

Ngoài ra, lối sống không lành mạnh như ít vận động thể lực, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư nói chung. Tại Việt Nam bệnh đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư vú (ở nữ giới).

Tại Việt Nam trung bình cứ 100.000 người thì 13 trường hợp mắc bệnh này, và có xu hướng ngày càng tăng do vấn đề ăn uống (thói quen ăn uống không lành mạnh, thực phẩm nhiễm hóa chất…).

Yếu tố môi trường đặc biệt là thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành ung thư đại trực tràng. Bệnh có liên quan đến chế độ ăn giàu năng lượng, nhiều dầu thịt và mỡ, nhưng thiếu các chất xơ như rau xanh, quả…

  1. 5 loại thực phẩm chế biến sẵn gây ung thư

Dưới đây là 5 loại thực phẩm gây ung thư cần tránh, dựa trên báo cáo của IARC.

2.1. Xúc xích

Theo thông cáo báo chí của IARC: “Thịt đã qua chế biến là thịt đã được biến đổi thông qua ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quy trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản”.

Xúc xích được liệt kê là một trong những ví dụ về thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư. Cụ thể, IARC đã phân loại thịt chế biến là “chất gây ung thư cho con người, dựa trên bằng chứng đầy đủ ở người rằng việc tiêu thụ thịt chế biến gây ung thư đại trực tràng”.

Theo IARC, thường xuyên tiêu thụ một chiếc xúc xích mỗi ngày là đủ để làm tăng 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

2.2. Thịt bò khô

Thông cáo báo chí của IARC liên quan đến những phát hiện gần đây cho biết các chuyên gia của IARC “đã xem xét hơn 800 nghiên cứu điều tra mối liên hệ của hơn một chục loại ung thư với việc tiêu thụ thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn ở nhiều quốc gia và dân số có chế độ ăn đa dạng”.

Thịt bò khô cũng thuộc nhóm thịt chế biến sẵn và được IARC liệt kê là một ví dụ cụ thể trong thông cáo báo chí là thực phẩm có thể gây ung thư.

2.3. Lạp xưởng

Lạp xưởng là một loại thịt chế biến khác được đưa ra trong thông cáo báo chí của IARC là gây ung thư. Mỗi phần 50g thịt chế biến được ăn hàng ngày làm tăng 18% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

2.4. Thịt nguội

Thịt nguội là một loại thịt chế biến không chỉ gây ung thư do cách chế biến mà còn có liên quan đến tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác vì hàm lượng natri rất cao.

Các loại thịt nguội đã qua chế biến khác, ví dụ như xúc xích Ý và các loại tương tự có cùng nguy cơ gây ung thư.

Thịt nguội không chỉ gây ung thư mà còn gây hại cho sức khỏe tim mạch do hàm lượng natri rất cao.

2.5. Thịt bò cắt khúc

Thịt bò cắt khúc cũng là một trong những thực phẩm được IARC liệt kê như một loại thịt đã qua chế biến có liên quan đến ung thư đại trực tràng.

  1. Ăn ít thịt có giảm nguy cơ ung thư không?

Một nghiên cứu mới gần đây được công bố trên BMC Medicine cho thấy, những người ăn nhiều thịt có thể có nguy cơ ung thư cao hơn những người ăn ít hoặc không ăn thịt.

Để giúp xác định liệu mối quan hệ giữa việc tránh ăn thịt và nguy cơ ung thư có thực sự tồn tại hay không, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt và nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 472.377 người không bị ung thư theo dữ liệu của ngân hàng sinh học Vương quốc Anh. Tất cả những người tham gia được phân loại thành người ăn thịt thường xuyên, người ăn ít thịt, người ăn cá và người ăn chay.

– Những người ăn thịt thường xuyên ăn thịt đã qua chế biến, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt gà hoặc các loại gia cầm khác nhiều hơn 5 lần một tuần.

– Những người ăn ít thịt ăn thịt nhiều nhất 5 lần mỗi tuần.

– Những người ăn cá đã ăn cá nhưng không ăn bất kỳ loại thịt nào.

– Người ăn chay không ăn thịt.

Khi theo dõi những người tham gia trong hơn 10 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng:

– Những người ăn ít thịt, ăn cá và ăn chay có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn so với những người ăn thịt thường xuyên.

– Những người ăn ít thịt có nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn những người ăn thịt thường xuyên.

– Phụ nữ sau mãn kinh ăn chay có nguy cơ ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ ăn cá và ăn thịt.

– Những người đàn ông ăn chay và ăn cá có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn những người đàn ông ăn thịt.

Kết quả của nghiên cứu đã cung cấp một số hiểu biết có thể có về việc lựa chọn chế độ ăn uống của chúng ta có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mang tính chất quan sát, không mô tả loại thịt mà những người tham gia tiêu thụ; các loại thịt và cách nấu ăn như: Thịt đã qua chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, một số loại thịt nguội được coi là có đặc tính gây ung thư. Các loại khác như thịt bò tươi, thịt nạc và các loại thịt khác không được phát hiện có những tác dụng này…

Các chuyên gia cho rằng, bạn có thể không cần phải cắt giảm hoàn toàn thịt ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe tổng thể là chúng ta nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, có thể bao gồm các loại thịt; duy trì cân nặng hợp lý, hoạt động thể chất, không hút thuốc…

Nên ăn uống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Để phòng và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, các chuyên gia y tế khuyên chúng ta cần có lối sống hợp lý, sinh hoạt điều độ. Tăng cường vận động thể lực như tập thể dục đều đặn, tránh để thừa cân và béo phì. Đặc biệt cần có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Cụ thể: Giảm chất béo trong khẩu phần ăn; Hạn chế thức ăn có nhiều muối, thức ăn lên men, xông khói; Tăng cường ăn rau xanh và trái cây; Tránh những chất gây đột biến gen như dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng trong thực phẩm; Không lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích; Không hút thuốc lá…

Thanh Huyền

 

Bài viết liên quan

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VẮC XIN IPV

Ngọc Nga

Vắc xin Td là vắc xin phối hợp 2 thành phần an toàn, hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.

Ngọc Nga

Nhận biết về cúm A/ H5N1

hanh phan