Răng miệng không sạch sẽ có thể dẫn đến các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh đường tiêu hóa, tiểu đường, Alzheimer.
Các nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc vệ sinh răng miệng kém và các chứng viêm trong cơ thể nói chung, bao gồm cả viêm tim.
Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) nhận định sức khỏe răng miệng là một yếu tố quan trọng dự báo nguy cơ bệnh tim mạch, thậm chí quan trọng hơn so với các chỉ số khác như mức độ cao đông máu fibrinogen, mức độ cholesterol xấu (HDL) và chất béo trung tính.
Bên cạnh bệnh tim, nghiên cứu cho thấy bệnh nha chu có thể làm tăng khả năng mắc ung thư đại trực tràng, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa, tiểu đường, kháng insulin, thậm chí Alzheimer.
Để chứng minh điều này, các chuyên gia chỉ ra tác hại của vệ sinh răng miệng kém và những ảnh hưởng của nó đến chứng viêm nhiễm bên trong cơ thể.
Miệng là nơi sinh sống của hàng tỷ vi khuẩn, được gọi là hệ vi sinh vật đường miệng. Đầu tiên là porphyromonas gingivalis, vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu và xương. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm tích tụ cặn trong động mạch vành xung quanh tim, có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Vi khuẩn này cũng xuất hiện trong não của các bệnh nhân Alzheimer.
Hai loại khác là Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa, cũng có thể phát triển mạnh trong ruột. Vấn đề nảy sinh khi hệ vi sinh vật trong miệng phát triển quá mức hoặc mất cân bằng. Chúng tạo ra độc tố mạnh, có thể xâm nhập vào máu qua nướu răng và lớp màng mỏng trong niêm mạc miệng.
Khi chúng truyền qua hệ thống tuần hoàn, đến các cơ quan và ruột, lượng độc tố này tạo ra cytokine. Đây là những phân tử được hệ miễn dịch giải phóng nhằm chiến đấu với mầm bệnh gây hại. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá, lượng cytokine tiết ra nhiều tạo thành “cơn bão cytokine”. Chúng kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể, gây tổn thương báo và các cơ quan.
Tình trạng viêm nhẹ nếu chuyển thành mạn tính vẫn có thể gây bệnh ở gan, tuyến tụy, ruột, tim và các cơ quan khác, dẫn đến gan nhiễm mỡ, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, vấn đề về đường ruột. Giữ răng miệng, nướu sạch, khỏe mạnh rất quan trọng, để ngăn ngừa các vấn đề như sâu răng, làm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khi đã lớn tuổi.
Cách giữ cho hệ vi sinh trong miệng khỏe mạnh, ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến các mô xung quanh răng, chẳng hạn viêm lợi, viêm nha chu.
Mỗi người đánh răng hai lần một ngày, mỗi lần hai phút, sử dụng các loại kem đánh răng có chứa florua và bàn chải lông mềm.
Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn có thể làm giảm và ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn trong miệng. Vì là chất lỏng, nước súc miệng có thể mang các chất kháng khuẩn đến tất cả các khu vực trong khoang miệng.
Cạo lưỡi hoặc chải lưỡi giúp loại bỏ vi khuẩn và tế bào chết trên bề mặt. Điều này không chỉ ngăn ngừa chứng hôi miệng, còn giúp giảm số lượng vi khuẩn có trong khoang miệng. Tiến sĩ Baram khuyến nghị cạo lưỡi mỗi ngày một lần.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn thức ăn phù hợp cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hạn chế các loại thức ăn có đường, bởi đường thường bám vào răng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.
Hồng Hạnh