Điểm báo ngày 15/8/2022

(CDC Hà Nam)
Hơn 15 triệu mũi tiêm vắc xin sai thông tin; Gia tăng bệnh nhân đột quỵ hậu COVID-19; Đề xuất cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được hưởng phụ cấp 100%; Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác tiêm vaccine cần ưu tiên hàng đầu…

Hơn 15 triệu mũi tiêm vắc xin sai thông tin

Sau gần 4 tháng triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine, đến nay cả nước mới có khoảng 42 triệu người có hộ chiếu vaccine, tiến độ được đánh giá là chậm; Trong khi hiện còn khoảng 14 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và 15.330.708 đối tượng sai thông tin
Bộ Y tế đã có văn bản đôn đốc thực hiện cập nhật, “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; Y tế Bộ, ngành.

Tại văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành tính đến ngày 5/08/2022 cả nước đã tiêm được 247.339.252 mũi tiêm, tuy nhiên, trên hệ thống ghi nhận 233.747.367 mũi tiêm. Hiện còn khoảng 14 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và 15.330.708 đối tượng có thông tin CCCD/CMND nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác…) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dẫn chứng thực tiễn của Bộ Y tế về tình hình cập nhật thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 của các địa phương trong cả nước cho thấy TP HCM đang đứng đầu cả nước về số mũi tiêm xác minh sai thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện còn trên hệ thống với 1.491.421 mũi tiêm; tiếp sau là Bình Dương với 1.088.801 mũi; Đồng Nai đứng thứ 3 với 808.389 mũi; An Giang thứ 4 với 728.762 mũi; Hà Nội ở vị trí thứ 5 với 709.128 mũi tiêm; Các tỉnh, thành còn lại dao động từ vài chục nghìn mũi cho đến dưới 500.000 mũi tiêm…

Do đó Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bản quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Y tế Bộ, Ngành khẩn trương cập nhật dữ liệu các mũi tiêm đã thực hiện lên hệ thống.

Đối với các mũi tiêm mới yêu cầu 100% các cơ sở tiêm chủng cập nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày.

Đồng thời thực hiện nghiêm túc hướng dẫn Quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 tại Công văn số 2662/BYT-CNTT ngày 04/05/2022 và ký xác nhận “Hộ chiếu vaccine” theo hướng dẫn tại công văn số 1908/BYT-CNTT ngày 15/04/2022.

Bộ Y tế cũng lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để được giải quyết kịp thời.

Theo Cục Công nghệ thông tin, sau gần 4 tháng triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine, đến nay cả nước mới có khoảng 42 triệu người có hộ chiếu vaccine. Theo đánh giá tiến độ cấp hộ chiếu vaccine không như kỳ vọng ban đầu (dù trước đó, Bộ Y tế đã nhiều lần có hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, các điểm tiêm chủng phải khẩn trương triển khai việc này- PV).

Về nguyên nhân các chuyên gia cho rằng do thông tin của người dân khai báo khi đi tiêm trước đây không chính xác, đặc biệt là trong các khoảng thời gian đỉnh điểm, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước dẫn tới việc khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh thông tin thực hiện quy trình cấp hộ chiếu vaccine sẽ không thực hiện được do sai thông tin. Nhân viên y tế phải phối hợp với tổ công tác đề án 06 và công an địa phương thực hiện xác minh lại rất khó khăn.

Ngoài ra, một số địa phương còn chậm trễ ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai cấp Hộ chiếu vaccine theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. (Tiền phong, trang 2).

 

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ hậu COVID-19

Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch não gây ra đột quỵ là tình trạng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ nhập viện.
Ngày 14/8, thông tin từ TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ (bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ – tim mạch khu vực đồng bằng sông Cửu Long) cho biết, trong 1 tháng qua, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị 5 trường hợp bị huyết khối gây đột quỵ. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.T.A (66 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, đau đầu nôn ói nhiều. Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch lớn nội sọ (xoang tĩnh mạch dọc trên), nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân N.T.A đã được các bác sĩ nỗ lực can thiệp, mở hộp sọ lấy huyết khối. Sau hơn 20 ngày can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt. Hiện bệnh nhân đã thực hiện được y lệnh của bác sĩ nhưng còn liệt nửa người bên phải đang tiếp tục theo dõi, điều trị.

Một trường hợp khác là bà H.P.H. (52 tuổi, quê Trà Vinh) nhập viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng yếu nửa người bên trái. Từ các kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bà bị tắc hoàn toàn xoang ngang trái, phải, tắc xoang dọc trên một phần. Các bác sĩ đã can thiệp nội mạch lấy huyết khối, khai thông mạch máu bị tắc nghẽn giúp bệnh nhân qua được nguy kịch.

rường hợp đặc biệt nhất là bé trai V.T.L (4 tuổi, quê Đồng Tháp). Mẹ bệnh nhi cho biết, 6 tháng trước bé L bị mắc COVID-19. Cách nhập viện khoảng 1 tuần, bé bị sốt, ói, tiêu chảy nên đưa đến bệnh viện nhi đồng điều trị. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng, trẻ rơi vào lơ mơ phải chuyển viện cấp cứu. Tại Bệnh viện S.I.S các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Với cơ thể còn quá nhỏ của bệnh nhi 4 tuổi, khả năng điều trị thuốc chống đông và kỹ thuật can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần “còn nước còn tát”, các bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối, giúp trẻ vượt qua nguy kịch.

Tất cả 5 ca bệnh nhập viện điều trị vì huyết khối tĩnh mạch nội sọ điều trị tại Bệnh viện S.I.S đều liên quan đến COVID-19. Một trường hợp diễn tiến quá nặng, đã tử vong. Từ thực tế trên, TS.BS Trần Chí Cường nhận định, sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến bệnh lý mạch máu đang có sự gia tăng.

“Sau mắc COVID-19 cơ thể bệnh nhân có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch làm tăng phản ứng viêm, từ đó gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim”, TS Cường cho biết thêm. (Tiền phong, trang 4).

 

Đề xuất cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được hưởng phụ cấp 100%

Ngày 14-8, Bộ Y tế cho biết, đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ bổ sung quy định mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành và bệnh viện tuyến huyện.

Bộ Y tế cũng đề xuất quy định mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2022, cả nước có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều cán bộ, nhân viên y tế công lập bỏ việc, nghỉ việc là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác tiêm vaccine cần ưu tiên hàng đầu

Ngày 14-8, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TP đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Số mắc mới được ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức 500-600 trường hợp, mức cao so với cùng kỳ các năm trước đó. Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), toàn TP có trên 7.000 điểm nguy cơ có lăng quăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP đã thực hiện 328 quyết định xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP đối với những địa điểm để phát sinh nhiều lăng quăng, muỗi có khả năng gây dịch bệnh SXH. Việc xử phạt được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Cụ thể, có 199 điểm trong tháng 7 và 74 điểm trong tháng 8 bị xử phạt.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, kết quả tiêm chủng đã khả quan hơn từ khi triển khai tháng cao điểm. Sau 10 ngày triển khai, trung bình mỗi ngày tiêm được trên 13.000 liều, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ tại thành phố vẫn thấp hơn trung bình cả nước.

Bên cạnh những quận huyện có nỗ lực trong tuần đầu tháng cao điểm như quận 7, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, TP Thủ Đức, vẫn còn có những quận huyện dù tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa đẩy nhanh tốc độ tiêm trong tháng cao điểm, bao gồm: quận 1, 3, 4, 6, 8, 11, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Hóc Môn.

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước và nguy cơ xâm nhập của các bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn thì tiêm chủng vaccine là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em, cần phát huy vai trò của nhà trường và hiệu trưởng trong việc vận động phụ huynh học sinh cũng như tổ chức tiêm cùng với ngành y tế.

Đối với công tác phòng chống dịch SXH, các quận huyện, TP Thủ Đức cần phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh lăng quăng, muỗi. Song song đó, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử phạt đối với những điểm nguy cơ vẫn để tiếp diễn phát sinh lăng quăng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Hà Nội ghi nhận 70 ổ dịch sốt xuất huyết, nhiều địa bàn có chỉ số muỗi vượt ngưỡng

Chỉ riêng trong tuần này (từ 8-12/8), số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng 14,1% so với tuần trước và ghi nhận thêm 12 ổ dịch mới, số mắc tay chân miệng cũng tăng…
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần này thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 14,1% so với tuần trước.

Bệnh nhân ghi nhận tại 27 quận, huyện; 100 xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Thanh Trì, Phú Xuyên, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Bắc Từ Liêm…

Cùng đó, trong tuần ghi nhận thêm 12 ổ dịch mới tại 9 quận, huyện: Ba Đình (2 ổ dịch), Thạch Thất (2 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (2 ổ dịch), Hà Đông (1 ổ dịch), Hoài Đức (1 ổ dịch), Long Biên (1 ổ dịch), Tây Hồ (1 ổ dịch), Thanh Oai (1 ổ dịch), Thường Tín (1 ổ dịch).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 778 ca mắc SXH, tăng hơn 2 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Đến nay thành phố đã ghi nhận 76 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện.

Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần, kết quả giám sát tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng. Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH, ổ dịch cũ tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (BI = 46); tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (BI = 54); xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (BI = 100).

Ngoài SXH, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội trong tuần này cũng tăng 45 trường hợp (tăng 13 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 1.228 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2021). (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin bảo hiểm y tế “treo” 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về việc Bảo hiểm y tế đang “treo” hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh.
Văn phòng Chính phủ vừa có truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung phản ánh trên để có giải pháp xử lý theo quy định.

Trước đó, các cơ quan báo chí thông tin phản ánh Bảo hiểm y tế đang “treo” hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Theo phản ánh, Trưởng Ban thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc cho biết, đến nay, tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỷ đồng.

Theo đại diện bệnh viện Bạch Mai, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện có khoảng 26 tỷ đồng với 9 hạng mục chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Trong đó riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỷ đồng. Một số bệnh viện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế hiện cũng là khó khăn của bệnh viện công.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết có 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ y tế, nhưng viện phí hiện tại chỉ thu 4 yếu tố, trong khi các cơ sở y tế (ngoại trừ bệnh viện phong, lao, tâm thần) đều thực hiện tự chủ tài chính; kiến nghị Bộ Y tế sớm thực hiện tính lại giá viện phí, giảm sức ép lên cơ sở y tế.

Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung về bảo hiểm y tế tại bài báo nêu trên để có giải pháp xử lý theo quy định. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Đặt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn

Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, còn Hà Nội đặt mục tiêu 70% số đối tượng này có hiểu biết cơ bản về DS-KHHGĐ…
Tại lễ hội Hành trình yêu 2022 diễn ra ngày 13-8, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGD) Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, việc giáo dục về sức khỏe sinh sản – tình dục tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu và tình hình thực tế.

Cụ thể, chương trình giáo dục về DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường chưa đầy đủ và phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới; việc cung cấp dịch vụ thân thiện về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên…

Do đó, theo TS Phạm Vũ Hoàng, cần phải xây dựng các hoạt động can thiệp, nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ DS-KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, phấn đấu đạt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 19/01/2022 về việc triển khai thực hiện công tác dân số thành phố Hà Nội năm 2022. Trong đó có đưa ra mục tiêu phấn đấu ít nhất 70% vị thành niên/thanh niên hiểu biết cơ bản về một số vấn đề DS-KHHGĐ như các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn…

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, một trong các nhiệm vụ quan trọng ở kế hoạch này là đổi mới phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ tới người sử dụng, trong đó có đảm bảo cung ứng các phương tiện tránh thai miễn phí cung cấp cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn và chỉ tiêu kế hoạch phân bổ năm 2022.

Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, đảm bảo an toàn sử dụng phương tiện tránh thai. (An ninh Thủ đô, trang 7).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/10/2021

Ngọc Nga