Điểm báo ngày 17/12/2020

(CDC Hà Nam)
Bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 cho 3 tình nguyện viên; Uốn ván là bệnh hiếm gặp, vì sao vẫn phải tiêm chủng?; WHO giải thích về các giai đoạn thử nghiệm vaccine COVID-19; Cuộc “cách mạng” trong quản lý y tế tuyến xã…

Bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 cho 3 tình nguyện viên

Hôm nay (17/12), 3 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 Nanocovax được tiêm mũi đầu tiên. Sau 7 ngày tuyển tình nguyện viên, sáng 17/12, tại Học viện Quân y, có 3 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Nanocovax. Đại diện Học viện Quân y cho biết, đến thời điểm này, đã có khoảng 300 người tình nguyện tham gia đăng ký thử nghiệm vaccine. Trước đó, ngày 16/12, đơn vị thực hiện thử nghiệm đã tổ chức khám sàng lọc cho các đối tượng tình nguyện viên. Tất cả người tham gia thử nghiệm được tiêm bắp hai liều vaccine hoặc giả dược. Khoảng cách giữa hai liều tiêm là 28 ngày. Mỗi tình nguyện viên được theo dõi trong 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người đối với Nanocovax qua ba giai đoạn. Giai đoạn một thực hiện từ tháng 12 đến 2/2021 tại Hà Nội. Giai đoạn hai từ tháng 2 đến 8/2021, cần 400-600 tình nguyện viên ở độ tuổi 12-75. Giai đoạn này do ba đơn vị phối hợp thực hiện gồm Học viện Quân y, Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Giai đoạn ba từ tháng 8/2021 đến 2/2022, tiến hành trên 1.500 đến 3.000 người từ 12 đến 75 tuổi, hiện chưa có đơn vị và địa điểm thực hiện thử nghiệm.

Đây là vaccine đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ngoài Nanogen, Việt Nam còn 3 nhà sản xuất vaccine khác gồm Vabiotech, Ivac, Polyvac, đều đang ở giai đoạn nghiên cứu tiềm lâm sàng./. (Công an nhân dân, trang 1; Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3; Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Uốn ván là bệnh hiếm gặp, vì sao vẫn phải tiêm chủng?

Mặc dù hiếm gặp nhưng vi khuẩn uốn ván vẫn sẵn có trong môi trường sống, dễ dàng gây bệnh cho trẻ sơ sinh và bà mẹ.

Vi khuẩn gây độc mạnh hệ thần kinh

Theo Cục Y tế dự phòng (BYT), uốn ván là bệnh cấp tính do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani). Trong cơ thể, độc tố này làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương khiến người mắc uốn ván bị những cơn co cứng cơ, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân, kèm theo đau, và có thể tử vong, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Vi khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột của gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò… Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh.

Đáng lưu ý, vi khuẩn uốn ván thường tạo nha bào là chiếc “áo” bảo vệ chúng. Thông thường, vi khuẩn uốn ván chết ở 56°C, nhưng nha bào chỉ chết sau khi đun sôi 30 phút. Nha bào này tồn tại rất bền vững, vẫn còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Trong môi trường bên ngoài, nha bào uốn ván tồn tại trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên.

Thông qua nha bào, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Có thể gặp các trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Hoặc các tổ chức của cơ thể bị hoại tử hoặc các dị vật nhiễm bẩn xâm nhập, gây vết thương vào cơ thể cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho nha bào uốn ván phát triển.

Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong quá trình bà mẹ sinh đẻ nếu cắt rốn bằng dụng cụ bẩn; hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn.

Không được chủ quan

Trước thắc mắc của nhiều bà mẹ sống tại thành phố lớn về việc Việt Nam đã công bố loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2000, không còn thấy bệnh uốn ván,  PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay sau hàng chục năm liên tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin uốn ván cao (trên 90%) cho trẻ em và phụ nữ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh trên quy mô huyện luôn được duy trì dưới 1 trường hợp trên 1.000 trẻ đẻ sống.

Tiêm chủng cho mẹ, phòng bệnh sớm cho con

Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin uống ván sẽ truyền kháng thể phòng bệnh cho con, để con không mắc uốn ván sơ sinh. Trẻ em sau sinh, dưới 1 tuổi (có chỉ định tiêm từ 2, 3 và 4 tháng tuổi) được tiêm vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng uốn ván và các bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm: bạch hầu, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.

Phụ nữ có thai cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng. Việc tiêm vắc xin ở phụ nữ mang thai cần theo đúng tư vấn của bác sĩ. Phụ nữ tuổi sinh đẻ nên được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng. (Thanh niên, trang 15).

 

WHO giải thích về các giai đoạn thử nghiệm vaccine COVID-19

Trong chương trình “Science in 5 – Khoa học trong 5 phút” mới đây, BS Katherine O’Brien, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, đã giải thích về toàn bộ giai đoạn thử nghiệm vaccine COVID-19.

BS Katherine O’Brien cho biết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là những thử nghiệm quy mô nhỏ và là lần đầu tiên một loại vaccine mới được đánh giá hiệu quả trên người. Đó là những vaccine đã hoàn thành giai đoạn phát triển trong phòng thí nghiệm, đã được thử nghiệm trên một số động vật và do đó, giai đoạn 1 là lần đầu tiên vaccine được thử nghiệm trên người.

Hầu như toàn bộ những thử nghiệm này được tiến hành ở nhóm người trẻ và khỏe mạnh. Mục tiêu của giai đoạn 1 khi thử nghiệm trên hàng chục hoặc có thể lên tới 100 người là để đánh giá liều lượng vaccine thử nghiệm và tìm ra liều lượng chuẩn. Mục đích thứ hai của thử nghiệm giai đoạn 1 là đánh giá xem vaccine có tạo ra phản ứng miễn dịch mà chúng ta mong muốn hay không. Mục đích thứ ba là để tập hợp dần các dữ liệu về sự an toàn của vaccine.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 là bước tiếp theo. Số lượng người tham gia thử nghiệm ở giai đoạn 2 nhiều hơn so với giai đoạn 1. Các thử nghiệm ở giai đoạn 2 bắt đầu tập trung vào nhóm tuổi đích mà vaccine hướng tới. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cũng để kiểm tra đáp ứng miễn dịch trên số lượng người nhiều hơn, kiểm tra chi tiết hơn về đáp ứng miễn dịch do vaccine tạo ra và để có cơ sở dữ liệu lớn hơn về sự an toàn của vaccine.

Nếu các thử nghiệm vaccine vượt qua được giai đoạn 1, tức là chỉ ra được một số đáp ứng miễn dịch và vượt qua được giai đoạn 2, tức đạt được đáp ứng miễn dịch như mong đợi trên nhóm tuổi đích và có dữ liệu về độ an toàn tốt thì những vaccine này đã qua được hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1, 2 và sẽ bước sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trong giai đoạn 3, vaccine được thử nghiệm trên số lượng người lớn hơn rất nhiều. Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của giai đoạn này là tiếp tục tích lũy bằng chứng về sự an toàn của vaccine. Mục đích thứ hai là để biết vaccine có thật sự bảo vệ con người khỏi căn bệnh mà vaccine này đang nhắm tới hay không.

Những thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn 3 này cũng như những thử nghiệm trong giai đoạn 2 được thiết kế, trong đó một nhóm người được tiêm vaccine và một nhóm người khác được tiêm một sản phẩm khác không phải là vaccine đang được nghiên cứu, đôi khi còn được gọi là giả dược. Sau đó so sánh tỉ lệ mắc bệnh trên những người được tiêm vaccine và trên những người không được tiêm vaccine, qua đó có thể biết vaccine đó có giúp phòng ngừa bệnh được hay không.

Trong trường hợp có thông tin về một thử nghiệm lâm sàng vaccine bị dừng lại vì một số người có biểu hiện triệu chứng hoặc có phản ứng bất lợi xảy ra, điều đó có nghĩa gì? BS Katherine O’Brien nói: “Tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng đây là một thực hành chuẩn và hoàn toàn bình thường trong thử nghiệm lâm sàng”.

Trên nguyên tắc thận trọng, nếu có ai tham gia thử nghiệm lâm sàng mà có biểu hiện triệu chứng hoặc bị ốm – bị mắc một bệnh không lường trước hoặc có tính chất nghiêm trọng thì thử nghiệm lâm sàng sẽ phải dừng lại. Lý do dừng lại là cần phải tiến hành đánh giá để tìm hiểu xem có phải do người đó đã được nhận vaccine hay người đó đã không nhận được vaccine khi họ ở trong nhóm nhận giả dược, liệu triệu chứng hoặc căn bệnh đó có liên quan đến hoặc không liên quan đến sản phẩm họ đã nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Vì vậy, theo đại diện của WHO, đây là việc bình thường trong một quy trình thử nghiệm lâm sàng và cũng cho thấy thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về đánh giá độ an toàn và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến an toàn đều được xem xét sớm, xem xét một cách thực sự nghiêm túc.  (Pháp luật TP. HCM, trang 12).

 

Cuộc “cách mạng” trong quản lý y tế tuyến xã

Bộ Y tế đang triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở đến khoảng 11.500 trạm y tế trong cả nước. Đây sẽ là cuộc “cách mạng” trong quản lý y tế tuyến xã, giúp cán bộ y tế dễ dàng trong thống kê, giám sát, báo cáo tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn… tránh sai sót trong ghi chép cũng như các hoạt động chuyên môn. Có tới sáu cán bộ, nhưng nhiều năm nay những thầy thuốc ở Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình vẫn chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Họ phải thường xuyên thay nhau quản lý theo dõi và ghi chép cho đầy đủ 54 quyển sổ lớn, nhỏ khác nhau của các chương trình y tế đang triển khai ở tuyến xã. Ngoài ra, hằng tháng, hằng quý và cuối năm, mỗi cán bộ cũng phải mất khá nhiều thời gian để làm báo cáo.

Bác sĩ Trần Thị Hồng, Trưởng Trạm y tế xã Đức Long chia sẻ: Ngoài công tác chuyên môn là chăm sóc, khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân thì việc mỗi ngày vào sổ, cộng, trừ các số liệu đã khiến cán bộ y tế khá vất vả. Mỗi một chương trình y tế là vài quyển sổ, như chương trình sức khỏe sinh sản có đến vài sổ, từ sổ quản lý thai sản đến sổ tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, sổ theo dõi sinh đẻ tại trạm… Việc viết ra giấy vừa tốn kém, nhưng nhiều khi lại thiếu chính xác. Đã không ít lần trạm bị cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu xuất toán vì nhầm lẫn trong ghi chép thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc thực hiện báo cáo hằng quý, hằng tháng và báo cáo cuối năm cán bộ y tế phải ngồi cộng thủ công, việc này vừa mất thời gian lại cũng thiếu chính xác. Dẫu biết rằng y tế xã là “cái rốn đổ về” của các chương trình y tế, nhưng phải ghi chép thủ công tới 54 quyển sổ thì quả thật là một vấn đề nghiêm trọng trong xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Tình trạng nhiều sổ sách, giấy tờ như ở Đức Long cũng là thực tế đang diễn ra ở các trạm y tế trong cả nước, trạm ít thì có hơn 20 quyển sổ, trạm nhiều lên tới 70, thậm chí 80 cuốn sổ. Tại nhiều trạm cũng đã triển khai một số phần mềm quản lý, nhưng cũng chỉ đơn lẻ, không liên thông được với nhau. Nhưng công tác quản lý ở trạm y tế tuyến xã sẽ có thay đổi rất lớn, thuận tiện hơn rất nhiều khi Bộ Y tế phối hợp hai tập đoàn VNPT và Viettel xây dựng và triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20). Nền tảng khai thác những công nghệ mới, thế mạnh của công nghệ thông tin được đánh giá rất ưu việt, khi tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu hiện có tại các trạm y tế, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhân viên y tế. Đối với nhân viên y tế, dễ dàng truy cập các thông tin như tiền sử bệnh, sử dụng thuốc, dị ứng thuốc, đã khám tại những cơ sở y tế nào… của người bệnh. Trên cơ sở đó, các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định thuốc phù hợp, hạn chế thấp nhất các sai sót. Người bệnh được quản lý sức khỏe tốt hơn; khi đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế không phải chờ đợi lâu.

Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình Phạm Thị Phương Hạnh cho biết việc triển khai V20 sẽ giúp ngành y tế quản lý tốt hơn, số liệu cập nhật nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, tập trung. Chỉ cần ngồi ở sở là có thể nắm được toàn bộ tình hình bệnh tật, dân số, tiêm chủng mở rộng… của tất cả các xã trong tỉnh.

TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế chia sẻ,  V20 ra đời, với mục tiêu xây dựng nền tảng kết nối thông tin y tế cơ sở. Mục tiêu của V20 là quản lý dữ liệu cơ sở y tế một cách tập trung, trên cơ sở đó hỗ trợ cho bác sĩ ở  y tế cơ sở tăng cường năng lực khám, chữa bệnh, cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Mặt khác cũng nâng cao khả năng phân tích đưa ra dự báo. V20 được phân thành bốn cấp (Bộ Y tế, sở y tế, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã). Bộ Y tế dễ dàng thực hiện quản lý tất cả các trạm y tế toàn quốc, có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin tại các trạm y tế từ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn thương tích, tiêm chủng mở rộng, dân số… Quyền quản lý được phân cấp phù hợp chuyên môn của từng đơn vị sở y tế, trung tâm y tế…

Hiện nay đã có khoảng 60% số trạm y tế được tập huấn sử dụng phần mềm mới này. Đáng chú ý, khi triển khai, cơ sở phải bảo đảm dù sử dụng phần mềm của đơn vị nào (VNPT hay Viettel) đều thống nhất yêu cầu: chỉ sử dụng một phần mềm tích hợp được các phần mềm còn lại; phải đáp ứng được chuẩn đầu ra của Bộ Y tế và được liên thông với nền tảng quản lý thông tin dưới cơ sở.  (Nhân dân , trang 5).
Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc BV Mắt TP. HCM, và bà Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc BV này, với thời hạn 90 ngày kể từ 15.12 để phục vụ công tác điều tra.

Chiều 16.12, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cùng đoàn công tác đã đến BV Mắt TP trao quyết định của UBND TP.HCM cho 2 nhân sự trên. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định giao bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc BV Mắt TP.HCM, điều hành BV này. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 5).

 

Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo khám chữa bệnh trong trời rét đậm, rét hại

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức trực chuyên môn, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa; tăng cường giữ ấm, tránh rét cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Ngày 16/12, Bộ Y tế đã có công điện số 1950/CĐ-BYT  gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phổ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại. Theo công điện do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành cho biết thực hiện Công điện số 39/CĐ-TW ngày 12/12/2020 của Ban chi đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tim kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/Thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện một số nội dung như: Thường xuyên cập nhật tỉnh hình thời tiết, diễn biến không khi lạnh, rét đậm, rét hại để có phương án chuẩn bị phòng, chống. Rà soát các kế hoạch, phương ẩn ứng phó với rét đậm, rét hại.

Tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm cho người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, học sinh; thực hiện hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, để phòng các biển chứng về hô hấp và tim mạch.

Bảo đảm an toàn trong việc sưởi ấm tại nhà nhất là vào ban đêm, không để gây ngộ độc khí do bếp than, củi.

Các cơ sở y tế tổ chức trực chuyên môn, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa; tăng cường giữ ấm, tránh rét cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đã có hơn 1.300 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa

Trong 2 ngày 15-16/12/2020, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, BYT do TS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB đã đến làm việc tại BV Đại học Y Hà Nội và BV Nhi TW về công tác KCB từ xa – Telelealth. Thông tin tại các buổi làm việc cho biết, Đề án KCB từ xa của BYT được triển khai hơn 5 tháng, từ 28 BV hạt nhân ban đầu của Đề án đến nay đã mở rộng lên 32 BV. Đến thời điểm này đã có hơn 1.300 điểm cầu kết nối KCB từ xa … (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/5/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận