Chế độ ăn có lợi cho người bị đau cơ xơ hóa

(CDC Hà Nam)

Đau cơ xơ hóa có thể khó kiểm soát nhưng một số thay đổi trong chế độ ăn uống sẽ giúp ích cho những người mắc chứng đau mạn tính này. Người bị đau cơ xơ hóa bạn nên ăn các thực phẩm giàu acid béo omega 3 như cá hồi, cá ngừ, óc chó, hạnh nhân…

Chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ xơ hóa bằng cách loại bỏ một số tác nhân trực tiếp gây ra cơn đau và cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh. Dưới đây là một số gợi ý về dinh dưỡng cho người bị đau cơ xơ hóa:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất

Chế độ ăn uống cân bằng là giải pháp tốt cho bất kỳ bệnh nào không chỉ riêng đau cơ xơ hóa. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và cung cấp đủ lượng vitamin B12 có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh này.

Một chế độ ăn uống cân bằng nên bao gồm: trái cây tươi và rau quả, các loại ngũ cốc, chất béo lành mạnh, sữa ít béo, protein nạc như thịt gà hoặc cá… Tránh các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như quá nhiều chất béo bão hòa, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, hạn chế lượng muối và đường.

Ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng

Đau cơ xơ hóa có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và suy nhược. Bổ sung một số loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng có thể giúp triệu chứng mệt mỏi giảm bớt phần nào. Người bệnh nên ưu tiên thực phẩm tươi, giàu chất xơ toàn phần và ít đường như các loại hạt, bông cải xanh, đậu, cháo bột yến mạch, rau lá đậm, bơ… Nên tránh đồ ngọt vì lượng đường tăng cao khiến cơ thể sẽ nhanh chóng mất đi cảm giác tràn đầy năng lượng, dễ mệt mỏi hơn.

Tránh thực phẩm gây hại

Dù không có chế độ ăn kiêng cho người bị đau cơ xơ hóa nhưng nghiên cứu đã chỉ ra, một số chất hoặc thực phẩm nhất định có thể không tốt với người mắc bệnh này. Điển hình là các loại thực phẩm có chứa gluten, excitotoxins, một loại phụ gia thực phẩm và thực phẩm chứa polyols (fodmap). Fodmap là tập hợp các oligosaccharide (một loại polymer carbohydrate) được lên men bởi vi khuẩn đường ruột, có thể làm gia tăng triệu chứng đau cơ xơ hóa. Thực phẩm giàu fodmap bao gồm: chế phẩm từ sữa, bánh mì, mì ống, lúa mạch đen, súp lơ trắng… Chuối, việt quất, nho, đường nâu, bơ, sữa hạnh nhân, cà rốt, khoai tây, gạo lứt, hạt hướng dương… là nhóm thực phẩm có hàm lượng fodmap thấp nên bổ sung hàng ngày.

Duy trì cân nặng vừa phải

Những người béo phì bị đau cơ xơ hóa cảm thấy dễ chịu hơn sau khi họ giảm cân. Các triệu chứng đau và mệt mỏi giảm đáng kể, chất lượng giấc ngủ cũng được cải thiện hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra , giảm cân và duy trì chế độ ăn ít calo có thể góp phần làm giảm đau và viêm ở người bệnh mắc chứng đau mạn tính như đau cơ xơ hóa.

Một số lưu ý

Thử các bữa ăn nhỏ: Ăn quá no gây áp lực cho cơ thể và có thể bùng phát cơn đau cơ xơ hóa. Thay vì ăn ba bữa chính mỗi ngày, hãy thử ăn 4-6 bữa nhỏ chia đều trong ngày. Cân nhắc thay đổi thời gian và khẩu phần mỗi bữa ăn để kiểm soát tốt các triệu chứng.

Mẹo nấu ăn: Ưu tiên thực phẩm tươi sống, chọn món tráng miệng bằng salad và trái cây tươi, tránh thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ. Thay vì sốt kem và sốt mayonnaise, hãy thử nêm gia vị cho món ăn với các loại thảo mộc tươi, gia vị và dầu giấm ít béo. Ưu tiên món luộc hấp, hạn chế món chiên rán.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Cần xây dựng bữa ăn khoa học

CDC Hà Nam

Gần 5 nghìn người là lực lượng tuyến đầu chống dịch đã tiêm vắc- xin phòng Covid-19

Ngọc Nga

Nếu bị hậu COVID-19, nên làm gì?

Ngọc Nga