​Cách phòng bệnh cúm thường gặp ở tuổi học đường

(CDC Hà Nam)

Bệnh cúm thường gặp mà trẻ em thường mắc phải ở trường và cha mẹ nên biết về các triệu chứng phổ biến, cách phòng ngừa bệnh và khi nào cần cho trẻ đi khám bệnh.

Nỗi lo sợ của tất cả bậc phụ huynh là khả năng lây nhiễm bệnh khi cho trẻ em đi học. Bởi thực tế không may là trường học có thể là điểm nóng “ổ lây bệnh” của vi khuẩn và virut và là nguồn gốc của rất nhiều bệnh thông thường ở trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ ở độ tuổi đi học với hệ thống miễn dịch vẫn đang giai đoạn hoàn chỉnh dần.

Cúm: Cúm do virut cúm gây ra, là bệnh thường dễ lây nhiễm cho trẻ, virut cúm rất nguy hiểm và gây ra nhiều trường hợp tử vong mỗi năm. Khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa cúm được khuyên dùng mỗi năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Các triệu chứng thường bao gồm khởi phát bệnh nhanh, sốt cao, đau nhức và ớn lạnh cơ thể, đau đầu, kiệt sức nghiêm trọng và giảm cảm giác thèm ăn. Con bạn cũng có thể bị ho, đau họng và trong một số trường hợp nôn mửa kèm hay không kèm tiêu chảy và đau bụng. Nhiều bệnh về đường hô hấp, bao gồm viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc viêm phổi có thể giống với bệnh cúm, vì vậy hãy cho trẻ đi khám bệnh khi phát hiện các triệu chứng như vừa nêu.

Cách phòng ngừa: Dạy trẻ rửa tay đúng cách và thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trẻ em cũng nên được nhắc nhở luôn luôn rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho. Nên sử dụng dung dịch rửa tay khô trong trường học, đặc biệt là trong mùa lạnh. Luôn nhắc nhở trẻ không dùng chung cốc uống nước hoặc dụng cụ ăn uống của trẻ khác khi học ở trường.

Cảm lạnh:

Cảm lạnh thường do Rhinovirus, là những virut gây bệnh truyền nhiễm nhỏ bé có thể sống trên các loại bề mặt trong nhiều giờ. Những virut này xâm nhập niêm mạc mũi, họng và nhân lên, phát triển, kích ứng phản ứng của hệ thống miễn dịch gây ra viêm họng, ho, đau đầu và hắt hơi. Trẻ cũng có thể bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và sốt nhẹ.

Cách phòng ngừa: Một trong những cách lây nhiễm Rhinovirus phổ biến nhất là tay trẻ tiếp xúc với virut khi va chạm với các bề mặt đồ vật và sau đó chạm vào mắt hoặc mũi. Vì vậy, cần nhắc nhở trẻ rửa tay đúng cách thường xuyên và không dụi tay vào mắt, mũi hoặc miệng. Để hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh cần đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, có một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Lãnh đạo Sở Y tế chúc mừng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Mậu Ngọ

7 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu i-ốt

Ngọc Nga

Đà Nẵng: Một bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng huyết trên nền sốt xuất huyết

CDC Hà Nam