Hiểu đúng về sức khỏe tâm thần không chỉ giúp nhà trường nhận diện được hành vi, phân tích được nguyên nhân dẫn đến các hành vi tổn thương, mà còn là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp ở trường học.
Sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn. Sức khỏe tâm thần học đường là một trong những chủ đề quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong trường học, nhưng khi đại dịch tràn qua trường học, “sức khỏe” của một trường học được phơi bày với những vấn đề cần giải quyết ngay, không thể trì hoãn.
Sức khỏe tâm thần – Những sai lầm trong nhận thức
“Sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch COVID. Tuy vậy, cũng có những tiếp cận và cách hiểu chưa đúng về thuật ngữ này, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị những vấn đề của sức khỏe tâm thần gặp khó khăn.
Từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động… mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần học đường.
Chỉ học sinh mới phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần?
Câu trả lời là Không. Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tất cả các trường học đều bị ảnh hưởng: trường học đóng cửa, dạy học online, cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập, bị COVID, chuyển đổi quản lý từ trực tiếp sang trực tiếp… đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên và ngay cả các nhà quản lý trong trường.
Các dấu hiệu nhận diện của tình trạng tổn thương sức khỏe tâm thần đối với học sinh và giáo viên, nhìn từ triệu chứng và hành vi có thể quan sát được. Đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần.
Dường như, khi nhắc đến sức khỏe tâm thần, người lớn chỉ nghĩa đến học sinh là đối tượng cần quan tâm, mà quên đi rằng giáo viên và ngay cả chính Hiệu trưởng cũng là con người, họ cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự về sức khỏe tâm thần. Giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn công việc quá gấp, khối lượng công việc quá tải… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi…
Phương thức giáo dục, nội dung giáo dục cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm lý, vô tình gây ra những áp lực không cần thiết! Cũng có khi thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức, vào thành tích, khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần, và không còn thời gian cho xây dựng các thói quen tốt, cho sự thấu hiểu tâm lý con người.
Làm thế nào để có thể nhận diện, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường?
Một số mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học ở các nền giáo dục tiên tiến.
- Mô hình kiến tạo ngôi trường an toàn về tâm lý để đảm bảo học sinh trong trường cảm thấy an toàn, không bị tổn thương về cảm xúc và tâm lý.
- Mô hình y tế công cộng chú trọng đến chu trình với 4 khâu: Giám sát, Xác định các yếu tố nguy cơ và bảo vệ, Xây dựng và đánh giá can thiệp; Thực hiện.
- Mô hình tích hợp được kết hợp đánh giá, phân loại và xử trí dựa trên 3 tầng: xây dựng nền tảng sức khỏe tâm thần cho tất cả các đối tượng; can thiệp sớm không chuyên sâu với một số trường hợp có nguy cơ; điều trị chuyên sâu, chữa lành với số ít trường hợp có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trường học hạnh phúc không chỉ là khẩu hiệu to tát, mà đến từ các hành động cụ thể, thường nhật. Nhưng để xây dựng trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục mà đi đầu là các nhà quản lý giáo dục.
Thanh Huyền ( tổng hợp)