Vai trò và lợi ích sử dụng muối I ốt

(CDC Hà Nam)

Là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, i ốt góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, phát triển và duy trì các hoạt động của con người. Thiếu i ốt, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng. Người lớn và trẻ em thiếu i ốt dễ bị bướu cổ, thường xuyên mệt mỏi, giảm tư duy sáng tạo, giảm khả năng học tập, năng suất lao động kém.

Trong cơ thể, i ốt rất cần cho hoạt động của tuyến giáp, là nguyên liệu chính trong việc tổng hợp của hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp có vai trò điều hòa nhiều chức năng của cơ thể như: Giúp cơ thể phát triển, tham gia hoạt động của một số men; làm tăng co bóp cơ tim và tăng lưu lượng tim, tác động trực tiếp đến tần số của tim và mức tiêu thụ ôxy của cơ tim; tác động đến sự sản sinh hồng cầu; quá trình sinh sản các tế bào; làm tăng khả năng lọc của thận; điều hòa nhiệt độ cơ thể; ảnh hưởng đến sự co cơ; kích thích tổng hợp và phân giải chất mỡ; tăng chuyển hóa chất đường; tăng tổng hợp protein khi nồng độ bình thường và phá hủy protein ở nồng độ cao; ảnh hưởng đến chuyển hóa sắt, phần lớn các chuyển hóa lớn khác trong cơ thể. Bệnh cảnh chính do thiếu iốt là gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi…

Thiếu i ốt ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Trong giai đoạn cơ thể trẻ phát triển, nếu thiếu i ốt sẽ gây bệnh bướu cổ, bệnh đần độn – chậm phát triển trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.

Ở tuổi dậy thì nếu thiếu iốt gây bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, thiểu năng giáp. Khi bị thiểu năng giáp, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, không linh hoạt, tinh thần trì trệ, khả năng lao động giảm sút…

Người lớn thiếu iốt sẽ gây ra bướu cổ với các biến chứng của nó như mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động.

Cơ thể con người không tự tổng hợp được i ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung i ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.

Để phòng ngừa các bệnh do rối loạn thiếu hụt i ốt gây lên, người dân cần bổ sung các thực phẩm giàu iốt trong bữa ăn như cá, tôm, cua, ốc, tảo; rau, trái cây có màu sậm, phủ tạng động vật, sữa… Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên có chứa i ốt ngày càng giảm hàm lượng đi do chất lượng thực phẩm kém, ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, xói mòn do mưa lũ … làm giảm đi rất nhiều lượng i ốt có trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, sử dụng muối i ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các bệnh do rối loạn thiếu hụt i ốt.Sử dụng muối,  bột canh, chế phẩm có i ốt đúng cách, nêm muối bột canh, chế phẩm có i ốt sau khi đã nấu chín thức ăn.

Việc nâng cao ý thức sử dụng muối, bột canh và các chế phẩm có chứa i ốt trong cộng đồng hiện tại cần được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc tuyên truyền về tác hại của thiếu muối i ốt tới mọi tầng lớp Nhân dân, tầm quan trọng của việc sử dụng muối i ốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình, trường học hay những nơi công cộng. Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i ốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối i ốt và chế phẩm có iốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân nhất là bà mẹ và trẻ em.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Phân biệt viêm kết mạc với viêm giác mạc

hanh phan

Mới: Bổ sung quy định điều kiện công bố hết dịch COVID-19

Ngọc Nga

6 chính sách mới về BHYT thuận lợi hơn cho người dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2021

CDC Hà Nam