Rửa tay với xà phòng ai cũng tưởng đơn giản, nhưng nếu rửa không đúng cách, không đúng thời điểm thì tay vẫn không sạch, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh…
Rửa tay đúng cách với xà phòng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rửa tay được coi là liều vắc-xin tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng. Theo đó, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, virut gây bệnh tiêu chảy, bệnh đã làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm 35-47% nguy cơ các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Những năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động Phong trào vệ sinh yêu nước trong đó có triển khai rửa tay với xà phòng ở tại bệnh viện và cộng đồng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Quy trình rửa tay cần đảm bảo làm sạch các ngón tay, mu bàn tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay. Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu là 30 giây. Cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; rửa tay sau khi ho, hắt hơi mà phải dùng tay che miệng, sau khi tiếp xúc với đồ vật công cộng có nguy cơ nhiễm virut cúm, bắt tay với người nghi nhiễm cúm… Cụ thể:
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Cách bảo quản xà phòng rửa tay
Xà phòng thường có nhiều dạng khác nhau: Dạng bánh, dạng dung dịch hoặc dạng bột. Mặc dù đã được bổ sung chất dưỡng da và được điều chế ở pH trung tính, rửa tay bằng nước và xà phòng thường vẫn có thể dẫn tới một số tác dụng phụ như viêm da kích ứng hoặc khô da. Trực khuẩn gram (-) và các vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển khi xà phòng không được bảo quản đúng cách. Để bảo quản xà phòng khỏi nhiễm khuẩn, nếu để hở ra môi trường bên ngoài cần để xà phòng ở nơi khô ráo, có nắp và lỗ thoát nước để xà phòng luôn sạch sẽ.
Cách đeo khẩu trang đúng cách
Các bạn cần đeo kín cả mũi lẫn miệng, tránh dùng tay chạm, khi tháo chỉ cầm vào dây đeo qua tai và cho vào thùng rác, theo Bộ Y tế mọi người có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường.
Cách đeo khẩu trang đúng
Với khẩu trang vải thông thường người dân cần:
– Che kín cả mũi và miệng.
– Tránh sợ tay vào khẩu trang khi đeo.
– Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra.
– Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
– Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.
Đối với khẩu trang y tế thông thường, cần:
– Đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên.
– Che kín cả mũi lẫn miệng.
– Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra.
– Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.
Phan Hạnh (tổng hợp)