Những lưu ý cho người viêm da cơ địa khi trời nắng nóng

(CDC Hà Nam)

Việc sử dụng điều hòa trong mùa hè dễ khiến tình trạng da viêm da cơ địa tổn thương nặng hơn. Người mắc viêm da cơ địa cần lưu ý chế độ ăn uống và dưỡng ẩm cho da

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là bệnh da mãn tính hay tái phát. Bệnh gặp nhiều ở đối tượng trẻ nhỏ và người lớn.

Dấu hiệu của viêm da cơ địa được chia theo các mức độ: cấp, bán cấp và mãn tính.

Ở mức độ cấp trên da có nhiều mun nước tập trung thành đám trên nền da đỏ, phù nề thậm chí có thể tiết dịch, chảy dịch nhiều.

Ở mức độ bán cấp, da viêm phù nề, ít chảy dịch hơn so với mức độ cấp và da hơi ẩm ướt.

Ở mức độ mãn tính sẽ xuất hiện tình trạng da dày, khô nứt nẻ, lichen.

Tùy vào từng đối tượng, viêm da cơ địa sẽ có vị trí điển hình khác nhau. Với em bé, viêm da cơ địa có tổn thương chàm rát đỏ ở má hay còn gọi là chàm sữa. Ở các trẻ lớn, sẽ có những tổn thương ở vùng nếp gấp, khuỷu tay, khuỷu chân. Có tổn thương rát đỏ và ngứa, chà sát nhiều.

Đối với người lớn có thể gặp tình trạng, da dày, da tổn thương ở các nếp gấp. Da có thể khô, rát đỏ, ngứa nhiều. Khi bệnh nhân ngứa và gãi nhiều sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý làm tổn thương phát triển hơn.

Viêm da cơ địa thường được dựa theo các tiêu chuẩn để chẩn đoán. Tuy nhiên, có nhiều bệnh khiến người bệnh nghĩ mình mắc viêm da cơ địa như: viêm da tiếp xúc ở bàn tay bàn chân, đám da khô trên người…

Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không?

Viêm da cơ địa là một bệnh da mạn tính hay tái phát. Để chữa khỏi viêm da cơ địa rất khó vì cơ chế của bệnh chưa rõ ràng. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện triệu chứng và hạn chế những biến chứng.

Viêm da cơ địa là do hàng rào da bị tổn thương và mất chất gắn kết giữa các tế bào dẫn tới mất nước qua da, làm khô da. Khi đó vi khuẩn, virus sẽ xâm nhập từ bên ngoài từ chỗ tổn thương. Vì vậy một trong những biến chứng của viêm da cơ địa là biến chứng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân dễ mắc một số vi khuẩn như virus, nấm. Thậm chí khi nhiễm khuẩn nặng lên có thể dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Những tổn thương ở viêm da cơ địa khiến người bệnh có làn da khô, ngứa gãi nhiều. Từ đó khiến da dày lên ảnh hưởng tới việc thẩm mỹ. Việc ngứa gãi nhiều có thể khiến bệnh nhân mất ngủ triền miên và luôn cảm thấy khó chịu.

Lưu ý khi chăm sóc da mắc viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa tùy từng giai đoạn bệnh sẽ có các phương pháp điều trị về thuốc và cách chăm sóc phòng tránh.

Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để hút bớt dịch tiết. Trong trường hợp tổn thương da dày có thể chiếu tia UV để làm tổn thương da đỡ dày.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dưỡng ẩm là một trong những yếu tố quan trọng. Nếu sử dụng dưỡng ẩm tốt sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa và giảm bệnh nhiều.

Hơn nữa bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn uống cần đủ dinh dưỡng, vitamin, omega3. Tránh việc tắm lá, chà sát làm tổn thương nặng lên. Bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên sử dụng quần áo chất cotton thấm hút mồ hôi, hạn chế mắc đồ len, dạ dễ gây kích ứng da.

Người mắc viêm da cơ địa cần lưu ý, trong mùa hè nắng nóng việc sử dụng điều hòa dễ khiến da bị khô và tổn thương nặng lên. Vì vậy người bệnh cần lưu ý đến độ ẩm khi dùng điều hòa.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Người bị đau dạ dày có cần kiêng ăn chuối?

CDC Hà Nam

Viêm da cơ địa dễ tái phát khi giao mùa

Ngọc Nga

Cách phòng ngừa hạn chế các bệnh về gan và ung thư gan

Ngọc Nga