Bệnh tiêu hóa chực chờ từ thói quen giải khát bằng bia

(CDC Hà Nam)

Nhiều người lựa chọn những ly bia như một thói quen giải khát trong ngày hè nóng nực. Tuy nhiên, thói quen này có thể ảnh hưởng xấu đến hầu hết các cơ quan của hệ tiêu hóa. Nguy cơ phát triển các bệnh do bia gây ra tăng theo lượng bia tiêu thụ.

Ly bia đi trước, bệnh tiêu hóa “cất bước” theo sau

Mùa nắng nóng bước vào giai đoạn cao điểm, tại hàng quán ven đường, các mặt hàng nước giải khát đang bắt đầu tăng nhiệt mạnh. Với nhiều người, thức uống giải khát được ưa chuộng không thể thiếu những ly bia.

Tuy nhiên, khác với suy nghĩ của nhiều người, uống bia không có tác dụng giải nhiệt, thậm chí còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa.

Bia không được xử lý như các chất dinh dưỡng thông thường trong thực phẩm. Lượng cồn trong bia được hấp thụ trực tiếp vào máu qua niêm mạc dạ dày có thể gây tổn thương tế bào, mô và cơ quan khi chúng đi qua hệ thống tiêu hóa.

Theo đó, rối loạn tiêu hóa là tình trạng dễ thấy nhất sau những chầu bia với triệu chứng điển hình là tiêu chảy cấp hoặc đại tiện sệt, thường kèm theo với đau bụng hoặc không.

Về lâu dài, uống quá nhiều bia có thể dẫn đến viêm loét dạ dày – đại tràng. Nặng hơn có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

Chất Acetaldehyde có trong cồn sau khi ngấm vào cơ thể có thể trở thành chất gây ung thư nhóm một, ngang với khói thuốc lá và amiang (vật liệu sử dụng trong công nghiệp). Do đó, so với những người không uống rượu hoặc thỉnh thoảng uống rượu, những người uống vừa phải và uống nhiều có nguy cơ gia tăng ung thư đường tiêu hóa lần lượt là 21% và 52%. Nguy cơ phát triển các bệnh gia tăng theo lượng bia tiêu thụ.

Bảo vệ hệ tiêu hóa trước tác động của bia

Không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe đường tiêu hóa trong sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định sử dụng loại thức uống này, dưới đây là một số lưu ý giúp để giảm thiểu các triệu chứng và theo dõi sức khỏe đường tiêu hóa.

Không nên để bụng trống khi uống bia, vì khi đói, khả năng hấp thu cồn của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn.

Nửa giờ trước khi uống bia, có thể uống một hộp sữa tươi nguyên chất vừa giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi chất cồn, vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy ethanol.

Không nên uống quá nhanh, quá nhiều bia cùng lúc sẽ làm tăng áp lực hệ tiêu hóa, khiến các cơ quan không kịp chuyển hóa lượng cồn trong bia.

Ngoài ra, đối với những thường xuyên có những cuộc nhậu không thể từ chối, cần chú ý bổ sung thêm nước, rau củ, trái cây tươi và thực phẩm chứa probiotics… hàng ngày. Điều này giúp giảm phần nào ảnh hưởng của bia với cơ thể và hệ tiêu hóa, thanh thải độc tố của bia khỏi cơ thể và giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Với những người có thói quen giải khát bằng bia, ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa cần đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời, tránh biến chứng. Mỗi người cần có kế hoạch đi khám định kỳ hệ tiêu hóa một năm một lần để dự phòng nguy cơ bệnh.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở người nhiễm HIV

Ngọc Nga

Điều chỉnh lối sống, phòng chống đái đường

CDC Hà Nam

Biểu hiện và đối tượng dễ mắc zona

Ngọc Nga