Tại sao da dễ bị rôm sảy vào mùa hè?

(CDC Hà Nam)

Thời tiết nóng nực khiến da luôn trong tình trạng ẩm ướt mồ hôi là nguyên nhân gây mẩn đỏ, nổi các nốt phồng rộp vào ngày hè.

Phát ban do nhiệt được gọi là rôm sảy, phát ban mồ hôi hoặc mụn kê. Đây là một loại phát ban da vô hại nhưng rất ngứa, gây ra những đốm đỏ nhỏ trên da. Phát ban nhiệt thường ảnh hưởng đến những khu vực da dễ đổ mồ hôi như: khuôn mặt, cổ, dưới ngực, dưới bìu hay nếp gấp da, những vùng da cọ xát với quần áo như lưng, ngực và bụng. Tình trạng này xảy ra do tắc nghẽn và viêm ống dẫn mồ hôi trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao.

Rôm sảy thường gặp ở những người sống trong môi trường nóng ẩm; người hay hoạt động thể chất; những người vừa hết sốt; nằm trên giường một thời gian dài; hay sử dụng một số loại thuốc, xạ trị… Những người thừa cân hoặc béo phì thường xuyên đổ mồ hôi dễ bị rôm sảy. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là nhóm mắc rôm sảy phổ biến vì tuyến mồ hôi vẫn đang phát triển.

Các triệu chứng bao gồm: xuất hiện vết sưng hoặc đốm nhỏ màu đỏ trên da, được gọi là sẩn; cảm giác ngứa hoặc châm chích. Với làn da sẫm màu, nốt mẩn có thể khó phát hiện hơn.

Có ba loại phát ban do nhiệt:

Miliaria crystalline: Đây là dạng phổ biến nhất, gây ra những vết sưng nhỏ, màu trong hoặc trắng chứa đầy mồ hôi và hình thành trên bề mặt da. Các vết sưng có kích thước 1-2 mm, không gây ngứa hay đau và thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh hơn người lớn.

Miliaria rubra: Loại này thường được gọi là rôm sảy và gây ra các vết sưng lớn hơn, viêm nhiễm và thiếu mồ hôi ở vùng bị ảnh hưởng. Nó xảy ra ở các lớp da sâu và gây khó chịu hơn. Nếu vết sưng đầy mủ, tên y khoa sẽ trở thành Miliaria pustulosa.

Miliaria profunda: Đây là loại ban nhiệt ít phổ biến nhất, hình thành ở lớp sâu nhất của da và có thể tái phát, trở thành mạn tính, gây ra những vết sưng tương đối lớn và có màu da.

Cách điều trị

Phát ban do nhiệt thường tự biến mất trong khoảng 24 giờ. Người bệnh nên di chuyển đến khu vực mát mẻ, ít ẩm hơn. Nếu có thể, nên cởi bỏ quần áo và các vật dụng làm tăng tiết mồ hôi.

Bạn cũng có thể lựa chọn một vài biện pháp giúp giảm nhiệt cơ thể, hạn chế tiết mồ hôi như: mặc quần áo cotton nhẹ, rộng rãi; khi tập thể dục nên chọn nơi thoáng mát hoặc thời điểm mát mẻ hơn trong ngày; sử dụng vòi hoa sen, quạt và điều hòa nhiệt độ để giảm nhiệt độ cơ thể, uống nhiều nước…

Tránh mặc một số loại vải tổng hợp, tránh mặc quần áo ẩm ướt lâu (như khi bơi xong), sử dụng ga trải giường có chất liệu mát mẻ. Khi bị phát ban, ngứa, nên chạm hoặc vỗ nhẹ thay vì gãi… cũng là những biện pháp hỗ trợ giảm tình trạng khó chịu, tránh gây viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, một số thuốc bôi tại chỗ không kê đơn cũng làm giảm tình trạng phát ban, triệu chứng ngứa hoặc nhiễm trùng.

Phát ban do nhiệt thường biến mất mà không cần điều trị nhưng nếu vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến mồ hôi bị tắc, có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng phát ban vẫn tồn tại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn; có dấu hiệu nhiễm trùng như mụn nước hở hoặc tổn thương, mụn mủ; phát ban kéo dài hơn 3 ngày; bị sốt hay bị sưng hạch bạch huyết…

Nhiều bệnh gây phát ban có thể trông giống như rôm sảy gồm: nhiễm virus (như thủy đậu hoặc sởi); nhiễm trùng do vi khuẩn (bệnh chốc lở); nhiễm nấm da; HIV cấp tính; viêm nang lông… Bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kiểm tra tình trạng phát ban để có hướng điều trị thích hợp trong nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, kéo dài.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Năm loại thực phẩm đầu độc gan nhiều người vẫn đang ăn

Ngọc Nga

Không tùy tiện sử dụng thuốc điều trị sốt rét trị COVID – 19

Ngọc Nga

Khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng

Ngọc Nga