Bộ Y tế đề nghị quản lý chặt khí cười

(CDC Hà Nam)

Bộ Y tế cho hay thời gian qua đã nhận được báo cáo của một số địa phương về tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” có chứa khí Nitơ oxit (N2O) tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Khí N2O trong vui chơi, giải trí khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái.

Lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác, làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Khí N2O (tên hóa học là Dinitrogen monoxide) là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ…). Trong y học, đây là chất gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao… Trong thực phẩm, N2O là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế).

Tại VN, riêng với lĩnh vực thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30.8.2019 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, chất tạo bọt, chất khí bao gói, chất chống ô xy hóa được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi… (quy định này phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm nói chung và khí N2O nói riêng phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương và phải đảm bảo yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm: được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn; không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.

Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua). Tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP).

Theo điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép.

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thêm 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2

Mậu Ngọ

Phân biệt lo sợ do phản xạ thần kinh và phản vệ do vaccine

Ngọc Nga

Tổ chức hội thảo triển khai nghiên cứu, đánh giá sự phát triển của trẻ trong 1000 ngày đầu đời

admin