75% người bệnh sa sút trí tuệ không được chẩn đoán kịp thời

(CDC Hà Nam)

Có đến 75% người bệnh sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer không được chẩn đoán kịp thời.

Sáng 9-9, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phối hợp cùng Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cùng các đơn vị khác tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng về sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

PGS Trương Đình Cẩm – phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 – cho biết bệnh Alzheimer là một bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận chức năng học tập, trí nhớ và khả năng suy nghĩ khác, gây suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh.

Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ, chiếm tỉ lệ 60-70%. Bệnh Alzheimer có xu hướng tăng dần theo tuổi, có khoảng 8% người bệnh từ 60 tuổi trở lên. Với nhóm từ 80 tuổi trở lên tỉ lệ lên đến 17%.

Phần lớn người bệnh Alzheimer sống trong tình trạng mất chức năng nhận thức và phải lệ thuộc người khác, mang lại gánh nặng rất nặng nề với người bệnh, người chăm sóc, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, đa số sa sút trí tuệ nói chung hay bệnh Alzheimer nói riêng vẫn được hiểu nhầm thành bệnh lú lẫn của tuổi già và không được quan tâm đúng mức.

Có đến 75% người bệnh không được chẩn đoán kịp thời. Nếu được điều trị sớm sẽ ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc.

TS Trần Công Thắng – phó chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam – cho hay năm 2017, Việt Nam được xếp vào quốc gia có dân số già, hơn 10% dân số trên 60 tuổi.

Tuổi thọ trung bình tăng nhờ có ý thức phòng bệnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Bên cạnh tuổi thọ tăng, đi kèm theo các bệnh liên quan đến tuổi tác như tim mạch, thoái hóa khớp, trong đó có bệnh lý sa sút trí tuệ.

Trong số những người mắc phải bệnh lý sa sút trí tuệ, có người mắc bệnh sớm, có người mắc bệnh muộn, nhiều người đến 80 tuổi vẫn còn minh mẫn, rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán.

Theo đó, những người dễ bị chứng sa sút trí tuệ như: lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não…”Nhiều người quan niệm rằng sa sút trí tuệ là điều bình thường, điều hiển nhiên khi tuổi già đến, thế nhưng phải thay đổi tư tưởng này. Tại sao trong một nhóm người lớn tuổi, có người minh mẫn, nhưng nhiều người lại không nhớ phải phụ thuộc vào con cái chăm sóc.

Rõ ràng đó là bệnh lý, chính vì vậy người bệnh cần được đưa đi thăm khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế”, TS Thắng cho hay.

Phòng ngừa sa sút trí tuệ ra sao?

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, TS Thắng khuyến cáo cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bỏ thuốc lá.

Đặc biệt là tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít béo, nhiều rau trái cây, uống đủ nước, tham gia các hoạt động xã hội, học và tiếp thu thông tin mới. (Tuổi trẻ, trang 14, số ra ngày 18/9/2023).

Đinh Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/8/2022

CDC Hà Nam