Nguy hại từ bệnh uốn ván

(CDC Hà Nam)

Uốn ván là một dạng bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và từng là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ.

Hiện nay nhờ vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh uốn ván đã giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, các mẹ cũng cần lưu ý những thời điểm bắt buộc phải tiêm vắc- xin ngừa uốn ván cho trẻ để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh uốn ván lây truyền như thế nào?

Uốn ván  hay bệnh phong đòn gánh (tetanus) là bệnh do vi khuẩn có tên Clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này có mặt ở mọi nơi trên trái đất, song nó được tìm thấy chủ yếu trong lòng đất. Vi khuẩn uốn ván có thể tồn tại bình thường trong ruột của động vật, đặc biệt là các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, ngựa… và kể cả ở người. Nha bào uốn ván thường được bắt gặp ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên như đất, cát, phân người, phân gia súc,…và có khả năng xâm nhập qua hầu hết các loại vết thương. Vi khuẩn uốn ván sẽ phát triển trên cơ thể người tại vị trí vết thương trong điều kiện yếm khí. Đặc biệt, vi khuẩn này tiết ra chất độc gây tổn thương hệ thần kinh. Các cơ bắp được điều khiển bởi những dây thần kinh này sẽ bị tê liệt. Nếu không được điều trị nhanh chóng, bệnh có thể gây tử vong. Uốn ván có thể phát triển bao gồm toàn thân, cục bộ và sơ sinh.

Nguyên nhân gây bệnh uốn ván chủ yếu do nhiễm trùng vết thương, chủ yếu là vết thương hở với những bào tử vi khuẩn sinh sôi sẽ gây bệnh uốn ván. Khi các bào tử này xâm nhập vào vết thương trên da sẽ sinh sôi, nảy nở và tạo độc tố gây tê liệt các dây thần kinh. Ở trẻ sơ sinh, uốn ván thường bắt nguồn từ sự nhiễm trùng do cắt dây rốn.

Bệnh uốn ván ủ bệnh từ 7-14 ngày (có thể lâu hơn – khoảng 3 tuần). Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra, bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh ngắn nhất khoảng 48-72 giờ. Sau thời gian ủ bệnh, uốn ván sẽ khởi phát với các dấu hiệu co thắt hay co giật, trung bình từ 2-5 ngày. Thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ khởi phát càng ngắn thì bệnh lại càng nặng. Nhìn chung, nếu vết thương bị nhiễm bẩn càng nặng thì thời gian ủ bệnh sẽ càng ngắn và tiên lượng bệnh càng xấu.

Dựa theo biểu hiện lâm sàng của bệnh uốn ván, giới y học đã chia ra làm 4 loại uốn ván chính là: toàn thân, uốn ván cục bộ, uốn ván đầu và uốn ván rốn. Vậy, bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh bao lâu?

Bệnh uốn ván bao gồm một số thể bệnh sau đây:

Uốn ván toàn thân: Đây là thể uốn ván thường gặp nhất. Các dấu hiệu sớm bao gồm triệu chứng khó mở miệng (cứng hàm), nuốt khó, cứng và đau ở vùng cổ, vùng vai và sau lưng. Tiếp theo là tình trạng co cứng cơ bụng, cơ ngực, cơ hoành và các cơ ở chi, cuối cùng sẽ xuất hiện các cơn co cứng kịch phát toàn thân. Cơn co cứng toàn thân được kích thích bởi ánh sáng, tiếng động và tần suất ngày càng tăng dần. Các cơn co cứng kịch phát làm bệnh nhân uốn cong người, rách hay đứt cơ, co thắt cơ hô hấp gây ngạt và dẫn đến tử vong đột ngột.

Uốn ván cục bộ ít gặp hơn và là thể nhẹ, có tiên lượng tốt hơn. Triệu chứng co cứng chỉ giới hạn ở các cơ gần vết thương.

Uốn ván ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là uốn ván rốn, thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh, nguyên nhân do sử dụng các vật dụng không vệ sinh khi cắt cuống rốn cho trẻ. Trẻ sẽ có dấu hiệu bỏ bú, co cứng cơ và dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Thời điểm bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho trẻ

Tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa uốn ván là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Theo thông tin từ Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trẻ cần được tiêm tổng cộng 5 mũi vào các thời điểm sau:

Trẻ cần tiêm 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 (vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, và viêm phổi, viêm não do vi khuẩn Hib) khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Khi trẻ 18 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại bằng vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà (DPT).

Sau 5 – 10 năm tiêm nhắc lại một liều.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Thế nào là chăm sóc sức khỏe tinh thần đúng cách?

Ngọc Nga

Các biểu hiện nặng của bệnh viêm phổi ở trẻ em

Ngọc Nga

Nhận biết Bệnh ho gà và các biện pháp phòng chống

Ngọc Nga