6 lợi ích khi tiêm phòng cúm mỗi năm cho người cao tuổi

(CDC Hà Nam)

Thường bước vào giao mùa và mùa đông giá lạnh, nhiều người cho rằng chỉ có trẻ em mới cần tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, người lớn tuổi cũng nên tiêm vaccine phòng cúm vì điều này sẽ giúp ngăn mắc cúm mùa hoặc nếu mắc cúm thì triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều.

Ngoài ra, tiêm phòng cúm còn giúp hạn chế bộc phát các đợt cấp bệnh hô hấp mạn tính, giảm nguy cơ bộc phát cơn đau tim và đột quỵ, giúp giảm số lần nhập viện ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, và nghiên cứu mới đây còn cho thấy giảm phát triển bệnh Alzheimer.

6 lợi ích khi tiêm phòng cúm với người lớn tuổi

  1. Bảo vệ người lớn tuổi khỏi bệnh cúm và giảm biến chứng do cúm gây ra

Tiêm phòng cúm giúp ngăn ngừa mắc cúm. Nếu bạn không may mắc cúm, nguy cơ biến chứng vì cúm cũng rất thấp.

Theo CDC Hoa Kỳ, vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 40% đến 60% nguy cơ phải nhập viện do cúm.

  1. Giảm rõ bộc phát đợt cấp bệnh hô hấp mạn tính có sẵn ở người lớn tuổi

Cúm mùa là một trong những tác nhân hàng đầu gây khởi phát các đợt cấp tính ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, viêm phế quản mạn tính… Thống kê cho thấy, với bệnh nhân COPD, trong 50% những đợt cấp do virus thì có đến 25-28% nguyên nhân đến từ mắc cúm. Và 1/4 các trường hợp COPD nhập viện là do cúm mùa. Một khi đã bị nhập viện do cúm mùa và tiến triển thành suy hô hấp thì tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COPD có thể lên đến 50%. Với bệnh nhân hen phế quản, khi bị virus cúm mùa tấn công, các cơn hen cấp dễ xuất hiện và khó kiểm soát, đồng thời bệnh hen cũng tiến triển nặng hơn sau khi nhiễm bệnh.

Khả năng bảo vệ của vaccine cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 98%, sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong. Nhất là với những người dễ gặp biến chứng của cúm mùa như bệnh nhân hen phế quản, COPD, khí phế thũng…

Tiêm ngừa cúm cho người bệnh hô hấp mạn tính cũng là một trong khuyến cáo quan trọng trong phác đồ điều trị các bệnh lý mạn tính tại phổi như COPD, hen phế quản, viêm phế quản mạn tính…

  1. Giảm 12% nguy cơ cơn đột quỵ ở người lớn tuổi

Một nghiên cứu mới đây tại Tây Ban Nha được đăng tải trên Tạp chí Neurology cho thấy, những người được tiêm phòng cúm hàng năm có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 12% so với những người không được tiêm phòng cúm, ngay cả khi có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác được xem xét cùng.

  1. Giảm 34% nguy cơ cơn đau tim ở người lớn tuổi

Trong một phân tích tổng hợp các nhà khoa học Đại học Toronto, Canada, phát hiện ra rằng việc tiêm phòng cúm mùa có thể làm giảm 34% nguy cơ cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Cơ chế sinh bệnh là do cúm gây tăng tình trạng viêm toàn thân, tác động làm căng thẳng cho tim và hệ thống mạch máu liên quan đến phản ứng viêm của cơ thể đối với bệnh nhiễm trùng, làm bộc phát cơn đau tim cấp.

Bệnh cúm cũng có thể dẫn đến viêm phổi, gây thêm tình trạng viêm và căng thẳng cho cơ thể, đặc biệt là tim, làm trầm trọng thêm bất kỳ bệnh tim nào đã có từ trước. Ngoài ra, cúm có thể làm người bệnh khó nhận biết được các cơn đau tim.

  1. Giảm 79% nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường – hay gặp ở người lớn tuổi

Khi đường máu cao làm suy giảm khả năng miễn dịch và sức đề kháng. Người bệnh tiểu đường sẽ rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây nhiễm trùng, gồm nhiễm cúm. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, có khoảng 30% người bệnh nhập viện do cúm là bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Tiêm phòng cúm mùa có thể bảo vệ người bệnh tiểu đường trước những nguy cơ này. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường giảm đến 79% khi được tiêm phòng cúm.

Nguy cơ của các biến chứng viêm phổi, suy tim, đột quỵ cũng giảm theo. Người bệnh tiểu đường được tiêm phòng cúm có tỷ lệ tử vong do tất cả nguyên nhân thấp hơn 24% so với người không tiêm chủng.

  1. Ở người lớn tuổi, giảm 40% nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong 4 năm tiếp sau tiêm phòng cúm

Nghiên cứu mới nhất liên quan đến một cỡ mẫu rất lớn gồm gần 2 triệu người Mỹ trưởng thành từ 65 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trong thời gian theo dõi gần 4 năm, khoảng 5% số người đã tiêm phòng cúm mắc bệnh Alzheimer so với 8,5% số người chưa được tiêm phòng cúm.

Kết luận của nghiên cứu vừa nêu cho thấy rằng, tiêm vaccine phòng cúm có thể làm giảm 40% nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong thời gian 4 năm sau khi tiêm.

Tóm lại: Cơ thể bạn mất khoảng 2 tuần để tạo ra các kháng thể bảo vệ sau khi tiêm phòng cúm. Do đó, không nên đợi khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi mới bắt đầu tiêm ngừa cúm. Lý tưởng nhất vaccine phòng cúm nên được tiêm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm bắt đầu, thường rơi vào thời điểm giao mùa cuối năm, trước khi bước vào mùa mưa ẩm giá lạnh kéo dài.

Thanh Huyền

Bài viết liên quan

Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Loại rau đang vào mùa là “thuốc quý” ngừa bệnh tim, quét sạch mỡ xấu

Ngọc Nga

Làm thế nào để biết cơ thể đã nhận đủ vitamin D?

hanh phan