7 thói quen tàn phá xương khớp trước khi về già

(CDC Hà Nam)

Ngồi lâu một chỗ, ngồi vắt chéo chân, thói quen bẻ khớp ngón tay là những thói quen có thể tàn phá xương khớp trước khi bạn về già.

Đôi khi những thói quen hằng ngày làm bạn cảm thấy thoải mái tạm thời song lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp về sau. Nếu không nhanh chóng thay đổi những thói quen xấu dưới đây, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp trước khi bước vào giai đoạn lão hóa.

Ngồi lâu một chỗ

Ngồi lâu một chỗ với một tư thế cố định sẽ khiến máu huyết không được lưu thông dễ dàng, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa và lão hóa xương.

Ngoài ra, ngồi lâu với tư thế gập háng, các đường đi của dây thần kinh từ lưng hông đi xuống sẽ bị ảnh hưởng. Lâu ngày sẽ gây ra các bệnh lý xương khớp như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống cổ, mỏi cơ và đau nhức cơ xương khớp.

Ngồi vắt chéo chân

Ngồi lệch một bên hoặc ngồi vắt chéo chân sẽ khiến xương hông và khớp háng bị lệch, tình trạng này tạm thời có thể gây mỏi cơ nhưng lâu ngày sẽ dẫn đến thoái hóa sụn khớp.

Ngồi vắt chéo chân còn ảnh hưởng đến mạch máu gây ứ đọng huyết khối hoặc suy giãn tĩnh mạch…

Thói quen bẻ các khớp ngón tay, vặn vẹo cổ tay, đấm lưng

Khi làm việc mệt mỏi, đặc biệt là giới văn phòng phải gõ bàn phím máy tính liên tục, bạn sẽ thường xuyên bẻ các khớp ngón tay vì cho rằng là cách để giảm mỏi các khớp. Tuy nhiên, đây là một thói quen có hại cho xương khớp vì dễ tạo ra những vi chấn thương lên sụn khớp.

Thường xuyên bẻ khớp ngón tay cũng là nguyên nhân đẩy nhanh tiến độ lão hóa, gây bệnh thoái hóa và đau khớp xương. Ngoài ra, thói quen vặn vẹo cổ tay hoặc dùng tay đấm vào lưng cũng hoàn toàn không tốt cho xương khớp.

Đi giày cao gót

Phụ nữ thường thích mang giày cao gót để tôn dáng và tự tin hơn. Tuy nhiên, mang loại giày này, bạn sẽ vô tình tạo áp lực lên gót chân, cơ bắp chân, cơ mông và thắt lưng.

Mang giày cao gót mỗi ngày và đi đường dài sẽ tạo thử thách cơ gân rất nhiều, ảnh hưởng đến khớp.

Ít vận động

Ít vận động kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là nguy cơ thừa cân, béo phì do ăn vào mà không tập luyện.

Cơ thể thừa cân tạo áp lực lớn đến khớp, đặc biệt là khớp gối, lâu ngày dẫn đến thoái hóa khớp.

Hút thuốc lá

Các độc tố trong thuốc lá vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến mạch máu. Máu không được đưa đến các khớp xương đầy đủ để nuôi dưỡng sẽ sinh bệnh tật.

Uống rượu bia, ăn thức ăn nhanh thường xuyên

Uống rượu bia và ăn thức ăn nhanh thường xuyên, cơ thể thiếu dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp, đồng thời ảnh hưởng đến sự hấp thu và vận chuyển của canxi vào trong bẹ xương. Từ đó, bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở xương khớp.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Cảnh báo làm việc quá sức ngày nắng và tắm muộn có nguy cơ đột quỵ

CDC Hà Nam

Người bị táo bón nên ăn những thực phẩm tốt cho tiêu hóa

Ngọc Nga

Vaccine COVID-19 có thể bảo vệ phổi của bệnh nhân

Ngọc Nga