Bị rối loạn tiền đình nên làm gì?

(CDC Hà Nam)

Rối loạn tiền đình gây ra tình trạng mất thăng bằng tư thế. Người bị rối loạn tiền đình thường có các biểu hiện như chóng mặt, hoa mắt, ù tai… Khi gặp tình trạng này nên làm gì?

Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình là loại bệnh gây ra tình trạng mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình gây ra. Rối loạn tiền đình thường gây ra các triệu chứng lặp đi lặp lại khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Vì sao bị rối loạn tiền đình? Rối loạn tiền đình là hậu quả của các bệnh khác, nguyên nhân gây rối loạn tiền đình thường gặp là:

– Thiếu máu não gây nên tình trạng lượng máu cung cấp cho các cơ quan tiền đình bị suy giảm.

– Dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số 8) bị tổn thương: Viêm dây thần kinh số 8 do virus, u dây thần kinh số 8

– Tổn thương ở tai: Viêm tai giữa, viêm tai trong do vi khuẩn hoặc virus, bệnh Menire, nhiễm độc tai do dùng thuốc…

– Người có bất thường về mạch máu não, u não…

– Người mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tuyến giáp…

Biểu hiện rối loạn tiền đình

Với mỗi người bệnh và mỗi giai đoạn bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện của rối loạn tiền đình là:

– Chóng mặt: đây là biểu hiện rầm rộ nhất ở người rối loạn tiền đình ngoại biên. Các cơn chóng mặt thường diễn ra thoáng qua, người bệnh thường cảm thấy mất thăng bằng, choáng vàng, ù tai, không đứng vững…

– Một số trường hợp nặng có thể xảy ra các cơn chóng mặt kéo dài gây giảm thính lực, giảm nhịp tim, giảm tập trung, vã mồ hôi, đứng khó, dễ bị té ngã…

– Một số người mắc rối loạn tiền đình trung ương thường gặp khó khăn khi đi đứng, chóng mặt kèm theo nôn mửa, khó phối hợp động tác và giảm thính lực.

Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não và một số biến chứng nguy hiểm khác như:

– Chấn thương: Do rối loạn tiền đình gây ra tình trạng mất thăng bằng nên người bệnh có thể bị chấn thương, té ngã, đi đứng gặp khó khăn. Điều này nguy hiểm hơn khi người bệnh đang tham gia giao thông, làm việc ở nơi có độ cao hoặc thức dậy vào giữa đêm…

– Rối loạn lo  âu, rối loạn trầm cảm: Các biểu hiện của rối loạn tiền đình kéo dài (mất thăng bằng, buồn nôn, chóng mặt…) sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều này dễ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và buồn chán.

Vậy người mắc rối loạn tiền đình cần làm gì? Khi người bệnh có các biểu hiện rối loạn tiền đình nêu trên, cần đến cơ sở y tế để thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh. Người bệnh sẽ được thăm khám để tìm nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, việc điều trị rối loạn tiền định cần có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế chuyên môn, uy tín. Bởi nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh không chỉ lãng phí tiền bạc mà tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình

Ai có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình? Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiền đình, một số người có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình là:

– Người sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu bia… và có lối sống thiếu khoa học: ngủ ít, thức khuya, lười vận động, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn…

– Người trên 40 tuổi: Những người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn người trẻ vì lúc này các chức năng của một số cơ quan bị suy giảm.

– Bị mất máu quá nhiều: Những trường hợp mất máu nhiều do bệnh tật, phụ nữ sau sinh, chấn thương… thường dễ bị rối loạn tiền đình.

– Người sống trong môi trường làm việc căng thẳng, thường xuyên stress, áp lực, lo lắng…

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Triệu chứng nhiễm cúm A/H5N1 và các giai đoạn tiến triển của bệnh

Ngọc Nga

Biểu hiệu sớm đau nửa đầu vai gáy ở người trẻ

CDC Hà Nam

Trẻ kêu đau bụng – chớ xem thường

Ngọc Nga