Lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin

(CDC Hà Nam)

Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch để tạo ra miễn dịch tương tự như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.

Các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho thấy tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng mắc bệnh, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Lợi ích của vắc xin rất to lớn, có hiệu quả toàn diện trên mọi lĩnh vực sau:

Thứ nhất: Tác động của tiêm chủng vắc xin đối với sức khỏe con người

Hiện có rất nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn đã chứng minh lợi ích của tiêm chủng và tiêm chủng được coi là một can thiệp y tế thành công nhất và có chi phí thấp nhất nhưng có hiệu quả cao nhất. Trong nhiều thập kỷ qua tiêm chủng đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp tiêm vắc xin phòng bệnh đứng thứ nhất trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Tiêm chủng góp phần giảm 2-3 triệu trẻ em chết hàng năm; thanh toán bệnh đậu mùa năm 1979; giảm số ca mắc bại liệt từ 350.000 ca ở 125 nước năm 1988 xuống còn 37 ca vào năm 2016; giảm trên 80% tử vong do sởi so với năm 2000, nhiều châu lục đã loại trừ sởi (châu Mỹ, châu Âu, châu Úc); số trẻ chết vì các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm típ A, viêm màng não do não mô cầu típ A, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm đi đáng kể. Gần đây những vắc xin mới đưa vào chương trình làm giảm tỷ lệ viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy do vi rút rota cũng như dự phòng các bệnh mạn tính khác như là ung thư gan, ung thư cổ tử cung. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng nếu tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, hàng năm dự phòng thêm 2-3 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng.

Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai gần 40 năm qua và đạt được khá nhiều thành quả to lớn đối với sức khỏe trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng và người dân nói chung. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt polio vào năm 2000 và từ đó đến nay không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại và tiếp tục bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000. Loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005, khống chế và tiến tới loại trừ sởi, bệnh viêm gan B, bệnh bạch hầu (trong năm 2021 tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm xuống dưới 0,01 trên 100.000 dân, giảm hơn 400 lần so với năm 1984). Thông qua việc triển khai thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đảng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi từ 58‰ trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 23,3‰ năm 2016 và góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư.

Tiêm chủng còn góp phần làm giảm tỷ lệ kháng kháng sinh và ngăn chặn các chủng kháng kháng sinh. Ví dụ như tiêm phế cầu cộng hợp ở Mỹ cho trẻ em cho thấy giảm 57% tỷ lệ mắc bệnh gây ra bởi chủng kháng sinh penicillin và giảm 59% các chủng kháng với đa kháng sinh. Vắc xin phòng bệnh thương hàn không chỉ phòng bệnh thương hàn mà còn phòng lan truyền các chủng thương hàn kháng kháng sinh. Sự phát triển các loại vắc xin mới chống lại bệnh nhiễm trùng được coi như là biện pháp lâu dài để kiểm soát việc ra tăng tình trạng kháng thuốc như ngày nay.

Tiêm chủng góp phần kéo dài thời gian tuổi thọ. Vắc xin có thể nâng cao tuổi thọ thông qua việc dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Những người cao tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm sẽ giảm 20% nguy cơ các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não và giảm 50% tử vong do tất cả các nguyên nhân.

Tiêm chủng góp phần nhanh đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ khác; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm biến chứng của HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác.

Thứ hai: Lợi ích của tiêm chủng vắc xin tác động đến kinh tế

Theo Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, lợi ích của tiêm chủng đã vượt quá lợi ích dự phòng bệnh tật. Vắc xin đã góp phần phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chương trình tiêm chủng vắc xin là nền tảng của y tế công cộng và làm giảm nghèo đói và bất công bằng trong xã hội.

Tiêm chủng vắc xin có thể mang lợi ích trực tiếp như tăng năng xuất lao động và tăng giá trị xã hội của cộng đồng, gia đình hay một cá nhân khỏe mạnh. Nhờ tiêm chủng chúng ta có cơ hội tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ không phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm.

Tiêm chủng góp phần tăng tỷ lệ trẻ đẻ sống, dẫn đến giảm tỷ lệ sinh. Điều này làm tăng tiết kiệm thời gian và chi phí chi tiêu cho gia đình tăng tỷ lệ sức khỏe của các bà mẹ.

Lợi ích kinh tế của tiêm vắc xin không chỉ lợi ích về tiết kiệm chi phí điều trị mà còn lợi ích khác về kinh tế và xã hội con người đóng góp nhờ khỏe mạnh do được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Trẻ không bị ốm do các bệnh nhiễm trùng, phát triển thể chất khỏe mạnh, giúp trẻ tăng nhận thức và tiếp thu giáo dục tốt hơn. Tất cả những tác động này tạo ra một quần thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, một lực lượng lao động có sức sản xuất cao và góp tăng năng suất lao động tạo của cải và tăng thu nhập cho hộ gia đình cộng đồng và xã hội.

Thứ ba: Lợi ích của tiêm chủng vắc xin tác động đến xã hội

Tăng cường sự công bằng và bình đẳng: Gánh nặng của bệnh nhiễm trùng bao gồm các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin xảy ra chủ yếu ở các vùng khó khăn và kém phát triển, ở nhóm người dễ bị tổn thương. Tiêm chủng đã có lợi ích rõ ràng cho nhóm người này. Việc tiêm chủng vắc xin đã làm giảm phân biệt về kinh tế xã hội cũng như về phân biệt chủng tộc, góp phần đảm bảo tính công bằng giữa những nhóm có tình trạng kinh tế xã hội khác nhau.

Nâng cao quyền của phụ nữ: Phụ nữ không phải thức khuya dậy sớm và nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Ngoài ra nhờ việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có xu hướng sinh ít trẻ em hơn trước đây. Phụ nữ khỏe mạnh hơn và có nhiều thời gian hơn tham gia vào công tác xã hội.

Tiêm chủng góp phần tăng cường an toàn trong đi lại: Nguy cơ phơi nhiễm các bệnh nhiễm trùng khi đi nước ngoài ngày càng tăng do việc ra tăng các phương tiện đi lại như hiện nay. Người dân khi giao lưu có thể lây truyền và phát tán các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng.

Dự phòng khủng bố sinh học: Gần đây có những lo ngại rằng có nguy cơ sử dụng vi rút đậu mùa như là một vũ khí sinh học. Các vắc xin đề bảo vệ người dân khỏi nguy cơ đe dọa của khủng bố sinh học như đậu mùa, bệnh than. Hệ thống giám sát và đáp ứng với những bệnh có dự phòng được bằng vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đáp ứng với các vũ khí sinh học.

Lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin là rất to lớn tới sức khỏe con người và sự phát triển tích cực về kinh tế và xã hội đối với hộ gia đình, quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới.

                                                                                                                      TS.BS. Trần Đắc Tiến

                                                                                                     Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho các em thiếu niên, nhi đồng

Mậu Ngọ

Nhiều chính sách mới về y tế  có hiệu lực từ tháng 01/2019

CDC Hà Nam

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 25/02/2022

Mậu Ngọ